Việc đào tạo linh mục luôn là mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội. Đây là “một cuộc đào tạo duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo”[1]. Tại Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, thuận lợi hay bất lợi, các vị Chủ chăn và cộng đoàn dân Chúa vẫn bền bỉ chăm lo cho công việc hệ trọng này.

Với ý nghĩa đó, kể từ năm 2005, Ủy ban Giáo sĩ-Chủng sinh, trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đã tổ chức các Hội nghị thường kỳ, hai năm một lần, để các nhà đào tạo của các Đại chủng viện có dịp gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong việc vun trồng ơn gọi linh mục.

Năm 2019 này, hội nghị diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Đà Lạt, từ ngày 01 đến ngày 06 tháng 07, với chủ đề: “Chia sẻ về vệc đào tạo trưởng thành tình cảm và tinh thần truyền giáo tại các Đại Chủng viện ở Việt Nam”.

Quy tụ 55 linh mục đang làm việc tại 11 Đại chủng viện của Việt Nam cùng với các thuyết trình viên đến từ dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử và Ủy ban truyền giáo cũng như một số khách mời đặc biệt, hội nghị diễn ra dưới sự chủ tọa của Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ-Chủng sinh, và Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban.

Bám sát các tài liệu của Giáo Hội liên quan đến việc huấn luyện các ứng sinh linh mục, đặc biệt Tông huấn Pastores Dabo VobisĐào tạo linh mục-định hướng và chỉ dẫn(Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2012), Đào tạo linh mục-Hồng ân ơn gọi linh mục (Bộ giáo sĩ, 2016), nội dung hội nghị được xây dựng dựa trên hai sợi dây xuyên suốt nối kết vàlàm hài hòa bốn chiều kích đào tạo nhân bản, thiêng liêng, trí thức, và mục vụ, đó là đời sống cộng đoàn và truyền giáo.[2]   

Trong suốt hội nghị, các tham dự viên đã dành nhiều thời gian để chia sẻ với nhau về việc đào tạo trưởng thành tình cảm nơi các ứng sinh linh mục cũng như cách thức huấn luyện tinh thần truyền giáo cho các ứng sinh.

Theo đó, vấn đề trưởng thành tình cảm được đề cập tới qua các đề tài: tính dục con người và sự trưởng thành tình cảm nơi các ứng sinh linh mục độc thân; việc phân định ơn gọi của người có xu hướng đồng tính luyến ái; đời sống độc thân, tính dục và sự vượt thoát của Chu kỳ (tập quán) của hành vi tính dục lệch lạc; sự thăng tiến và trung thành trong đời sống độc thân khiết tịnh.

Tiếp nối các đề tài về trưởng thành tình cảm, các đề tài về việc huấn luyện tinh thần truyền giáo được triển khai bao gồm Tông huấn Maximum Illud và tính thời sự của nó, việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam qua các thư chung của Hội đồng Giám Mục vào năm 1980 -2001-2010, việc truyền giáo của Đức Cha Jean Cassaigne, và công cuộc truyền giáo tại Tổng giáo phận Sài Gòn.

Với những đề tài về trưởng thành tình cảm được đào sâu bởi Cha Peter Lester Lechner thuộc Dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử, một chuyên viên dày dạn kinh nghiệm đã hơn 50 năm giúp cho những người gặp khó khăn trong đời sống tính dục và với các đề tài về tinh thần truyền được chia sẻ bởi cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, Thư ký Ủy ban Loan Báo Tin Mừng, Cha Đaminh Trần Thả, giáo phận Đà Lạt, và Đức Cha Giuse, Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Sài gòn, các tham dự viên xác tín hơn nữa hai điểm được xem là cốt yếu và tối ưu, đó là:

– Về phía các nhà đào tạo: cần phải kết hiệp liên lỉ mật thiết với Chúa và sống hiệp nhất với nhau; có đời sống gương mẫu: “lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn”. Họ được mời gọi sống giản dị, khó nghèo và gần gũi với chủng sinh, nhưng vẫn giữ tư cách đứng đắn nghiêm túc của nhà đào tạo. Họ tận tâm tận lực với chủng sinh, cố gắng đào sâu kiến thức và không ngừng đào luyện chính mình để lời nói và cuộc sống của họ trở nên khả tín hơn đối với những người thụ huấn: “Con người ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào thầy dạy thì bởi vì chính thầy dạy là chứng nhân.” [3]

– Về phía các chủng sinh: cần ý thức tầm quan trọng của việc được đào tạo và tự đào tạo. Công việc này đặt nền tảng trên đời sống thiêng liêng vững chắc, đó là cầu nguyện và biết lắng nghe tiếng Chúa, qua nhà đào tạo. Nhờ đó, họ sẽ vun đắp cho mình một tình yêu sâu đậm dành cho Chúa Giêsu, một tình yêu không chỉ giới hạn trong những sinh hoạt thiêng liêng, mà còn được trải dài trong mọi sinh hoạt thường ngày như: học tập, lao động, vui chơi-giải trí lành mạnh, hay mục vụ …[4]

Ngoài những giờ học hỏi, chia sẻ và thảo luận sôi nổi với nhau về các đề tài, trong suốt hội nghị các tham dự viên còn sống bầu khí đậm tình huynh đệ qua những chia sẻ nhân bản và mục vụ trong ngày sống, đặc biệt là các sinh hoạt thiêng liêng bao gồmnguyện gẫm, các giờ kinh phụng vụ, Thánh lễ, lắng nghe Lời Chúa, chầu Thánh Thể…

Hội nghị kết thúc với Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa vào sáng thứ Bảy, ngày lễ kính Đức Mẹ, mẹ của các linh mục. Dù tuần lễ gặp gỡ và chia sẻ đã khép lại, nhưng tất cả những kinh nghiệm được học hỏi và tích lũy trong Hội nghị này sẽ là hành trang quý giá cho các nhà đào tạo trong sứ mạng của họ nơi các Đại chủng viện.

Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban thêm mọi ơn lành hồn xác, nhất là ơn khôn ngoan và lòng nhiệt thành cho các nhà đào tạo, để họ có thể chu toàn sứ vụ được Giáo Hội Việt Nam ủy thác, vốn cao quý nhưng cũng đầy khó khăn này.

Nguồn: Ban Thư ký Hội nghị

—————————–
[1] Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo Linh Mục: Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục, 2016, tr. 9
[2] Sđd, số 90 và 91.
[3] Paolo VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 41.
[4] 1Cr 10,31.