Như thông báo của Tòa Giám Mục ngày 10/01/2015: Thánh lễ truyền chức Phó tế sẽ được cử hành lúc 09h00 sáng Chúa nhật, ngày 18/01/2015, tại nhà thờ giáo xứ Hội An, nhân kỷ niệm 400 năm hình thành giáo xứ kỳ cựu này (18/01/1615 – 18/01/2015). Sáng nay ngày 18/01, bầu trời Hoài Phố với cái rét lạnh của những ngày đông, những tưởng sẽ khiến cho đàn chiên giáo phận chùng bước trong việc đến tham dự Thánh lễ tạ ơn và phong chức cho các thầy. Nhưng không phải vậy, từ 07h30 ban tổ chức của Giáo xứ Hội An đã phải tất bật trong việc tiếp đón các đoàn khách từ khắp nơi trong và ngoài Giáo phận. Cái rét lạnh căm căm, khó chịu dường như chẳng xóa được những khuôn mặt hăm hở, phấn khởi của cộng đoàn dân Chúa. Ai ai cũng hồ hởi tiến vào ngôi thánh đường để cùng hòa chung niềm vui với giáo xứ Hội An, cũng như Giáo phận trong dịp đại lễ này. Đất trời Hội An cũng đã đồng điệu với con người ở đây bằng những ánh nắng ấm áp, rạng ngời của mình, chẳng bù lại cho những ngày trước đó: mưa, mưa và lạnh.

Trong không gian đó, niềm vui của cộng đoàn dân Chúa càng nồng nàn hơn, khi thấy bóng dáng vị Mục tử của giáo phận đến. “Tư tế Hêli” hôm nay đến với cộng đoàn dân Chúa không chỉ với một “Samuel” mà có đến năm “Samuel”, đó là:

  1.       Thầy Giacôbê Văn Trần Đức Duy, thuộc giáo xứ Hà Lam (đang giúp xứ Thanh Đức)
  2.       Thầy Stêphanô Võ Ngọc Đính, thuộc giáo xứ Bình Phong (đang giúp xứ Tam Tòa)
  3.       Thầy Phanxicô Xaviê Lê Đông Nhật, thuộc giáo xứ Gia Phước (đang giúp xứ Trà Kiệu)
  4.       Thầy Antôn Lâm Trọng Thi, thuộc giáo xứ Thanh Đức (đã từng giúp xứ Trà Kiệu, đang giúp xứ Tam Kỳ)
  5.       Thầy Giuse Nguyễn Thanh Tùng, người con của giáo xứ Trà Kiệu (đang giúp xứ Chính Tòa)

Khuôn mặt của các “Samuel” thật rạng ngời và thánh thiện. Không thánh thiện sao được, khi các thầy vừa kết thúc tuần tĩnh tâm tại Giáo xứ Phú Thượng! Không nao nức sao được khi biết mình sẽ phải đáp trả lại lời mời gọi của Đấng mà mình tin tưởng, phó thác và yêu mến!

Mọi sự đã được chuẩn bị chu đáo! Đúng 09h00 đoàn rước di chuyển từ nhà xứ tiến ra trước tiền đường và đi vào ngôi thánh đường đã chật kín giáo dân. Trước đó, Linh Mục đoàn đã thắp hương tưởng nhớ tiên nhân ngay nhà xứ Hội An.

Dẫn đầu đoàn rước là sách Lời Chúa, tiếp đến là Thánh Giá, đèn hầu và lần lượt là cha mẹ/anh chị các tiến chức, 5 “Samuel” của giáo phận nhà, các “Samuel” cùng khóa của giáo phận Huế, đã lãnh chức Phó tế trước đó, linh mục đoàn của giáo phận, các cha giáo và cha Giám Đốc của Đại Chủng Viện Huế và cuối cùng là Đức Cha Giuse.

Phần Phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc: bài đọc 1 – 1 Sm 3, 3b-10.19: trích sách Samuel quyển thứ nhất kể lại việc Chúa gọi Samuel; đáp ca trong Thánh vịnh 39: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa…; bài đọc 2 – 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20: trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô… và bài Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan – Ga 1, 35-42. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha Giuse nhấn mạnh đến sự làm phiền trong đời sống đức tin của mỗi người, của cộng đoàn, của Giáo hội: “Bầu khí sinh hoạt đạo của giáo xứ Hội An ngày nay khiến ta nhớ về vùng đất này 400 năm về trước, khi mà Tin Mừng vừa chân ướt, chân ráo đến đây. Trong một bầu khí hết sức khó khăn, hoàn cảnh chính trị xã hội không hoàn toàn thuận lợi. thế mà Tin Mừng đã được gieo vào vùng đất này và âm thầm nẩy mầm, sinh chồi, sinh hoa kết quả đến ngày hôm nay. Nói về lịch sử truyền giáo tại Việt Nam 400 năm là chúng ta nói về lịch sử của việc phát triển đạo Chúa trong những thời kỳ khác nhau, mà đa phần là không thuận lợi. Hôm nay, chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất trích sách Tiên tri Samuel: để trở nên tiên tri của Chúa, Samuel từ tấm bé được gởi vào trong đền thờ ở với thầy cả Hêli. Và câu chuyện thật dễ thương, cũng thật cảm động mà chúng ta vừa được nghe hôm nay. Trong giấc ngủ, cậu bé Samuel nghe tiếng Chúa gọi tên mình, cậu đã thức dậy chạy đến bên thầy cả Hêli, tưởng rằng thầy cả gọi mình, năm lần bảy lượt như vậy trong một giấc ngủ đêm. Quả thật là một sự phiền hà cho cậu bé. Sự làm phiền với cậu bé Samuel, sau này là tiên tri Samuel được lặp lại trong lịch sử Giáo hội chúng ta vào thời Tân ước, trước hết với chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, Ngài đến trần gian vì yêu thương con người, để thi hành chương trình cứu độ con người, nhưng mà Đức Ki-tô cũng bị làm phiền, làm phiền nhiều lắm. Ngài đến nhà gia nhân Người mà gia nhân không biết Người, trái lại còn hành hạ Người, làm khổ Người, đóng đinh Người vào Thập Giá như chúng ta biết. Nhưng ý muốn của Thiên Chúa cho Người sống lại trong vinh quang để hoàn tất chương trình yêu thương cứu độ, đã thiết lập nên Giáo Hội và mời gọi tất cả chúng ta tiếp tục công trình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa trong đời sống đức tin của mình, thưa anh chị em. Và lịch sử truyền giáo của Giáo hội cũng bị làm phiền, làm phiền nhiều lắm. Khi hạt giống Tin Mừng đến mảnh đất Quảng Nam Đà Nẵng chúng ta vào năm 1615, bắt nguồn từ một sự làm phiền bên Giáo hội Nhật Bản, khi đạo Chúa bị bách hại tại Giáo hội Nhật Bản vào đầu thế kỷ thứ 17, một nhóm tín hữu Nhật Bản đã sang tận Hội An để lánh nạn, để được tự do giữ đạo Chúa nơi đây. Và chúng ta thấy rằng Chúa quan phòng kỳ diệu, đã bắt đầu gầy dựng Giáo Hội Việt Nam chúng ta trong một hoàn cảnh như thế. Các Thừa sai dòng Tên từ Macao được sai đến Hội An để chăm sóc cho giáo đoàn Nhật Bản đang lánh nạn và cũng từ đó, hạt giống Tin Mừng được gieo trên mảnh đất Việt Nam chúng ta và bắt đầu từ xứ đạo Hội An này. Sách sử kể vào mùa Phục Sinh năm 1615, 10 người Công giáo Việt Nam đầu tiên được rửa tội nơi đây. Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam bắt đầu và kéo dài suốt 400 năm qua cũng đầy dẫy những sự phiền hà, những người theo đạo Chúa không bao giờ được bình an, và luôn luôn phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Nhưng thưa anh chị em, Thiên Chúa muốn làm phiền chúng ta, Thiên Chúa muốn thách thức đức tin của chúng ta, muốn thanh luyện đức tin của chúng ta, bởi vì đức tin là một ân huệ cao quý không đơn giản để lãnh nhận và nhất là một khi đã lãnh nhận, chúng ta không được phép giữ riêng cho mình. Khi được mời gọi, chúng ta phải loan báo, phải cộng tác với Đức Giê-su Ki-tô để loan truyền Tin Mừng cứu độ, yêu thương của Thiên Chúa. Chính vì thế, lịch sử Giáo Hội từ thời Chúa Giê-su ở Palestine sang đến tận Rô-ma, sang đến các xứ truyền giáo, sang đến Á châu, đến Việt Nam chúng ta, nơi đâu cũng bị làm phiền. Nhưng dù bị làm phiền với nhiều khó khăn thử thách, hạt giống Tin Mừng vẫn không ngừng lớn lên. Sự làm phiền này không chỉ là ở các cộng đoàn nói chung, mà còn cả với đời sống của mỗi người Ki-tô hữu chúng ta, thưa anh chị em. Ai trong chúng ta thấy rằng sống đức tin là dễ dàng, là không bị làm phiền, người ấy chưa có đức tin, hoặc nói một cách rõ hơn là chưa cảm nhận được hồng ân đức tin. Sống đức tin, chúng ta không ngừng bị làm phiền bởi vì Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô mời gọi chúng ta sống theo Thần Khí chứ không sống theo xác thịt, mời gọi chúng ta sống đời sống siêu nhiên, chứ không phải là chỉ tập trung vào đời sống tự nhiên. Và chính điều ấy đã làm phiền chúng ta, chúng ta phải hy sinh, phải vất vả, phải chịu khó để có thể sống đức tin nơi chính bản thân mình, trong gia đình của mình, trong Giáo hội của mình, trong xã hội của mình. Rõ ràng là như thế và mỗi chúng ta phải trả giá, nhiều khi là đắt đỏ cho hồng ân đức tin cao quý mà chúng ta lãnh nhận, thưa anh chị em. Chính vì thế, không ai trong chúng ta được đòi hỏi một cái gì đó thuận lợi mới sống đức tin, đòi hỏi một cái gì đó tốt lành và đầy đủ vật chất cho mình mới sống đức tin. Ngược lại đức tin chỉ được phát triển và đâm chồi nẩy lộc trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách, trong chính sự hy sinh, trong chính sự quả cảm, trong những nỗ lực hàng ngày của chúng ta. Hình ảnh Samuel không chỉ là gợi nhớ cho chúng ta ngày nay, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhưng cũng là hình ảnh trong mỗi người tín hữu chúng ta, cho các bậc phụ huynh làm cha làm mẹ, cho các tông đồ giáo dân, các bạn trẻ trong xã hội, trong đất nước chúng ta ngày hôm nay.. để biến đức tin, sống đức tin, để loan truyền đức tin không hề dễ dàng, luôn bị quấy rầy, luôn bị đánh thức. Và chính nhờ sự quấy rầy, đánh thức đó, Thiên Chúa ban Lời Ngài chúng ta, Thiên Chúa thanh luyện chúng ta trong tình yêu thương và biến chúng ta nên những tông đồ, nên những tiên tri, nên những người loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì đã ban đức tin cho chúng ta, chúng ta cảm ơn Chúa đã mời gọi chúng ta cộng tác để loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa trong đời sống của chúng ta. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được hồng ân lớn lao đó trong đời sống chúng ta, không phải chỉ danh xưng Ki-tô hữu nhưng mà được thể hiện cụ thể trong nếp sống hằng ngày của chúng ta. Không phải chỉ trong nhà thờ nhưng mà trong tất cả mọi thời khắc, mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn mà chúng ta hiện diện. Đó mới chính là đức tin sống động, đó mới chính là đức tin, mỗi người chúng ta phải biến thành hạt giống đức tin Thiên Chúa dùng, Đức Ki-tô dùng, Giáo hội dùng, để tiếp tục gieo vãi trong cánh đồng trần thế xã hội ngày hôm nay. Khó khăn, thử thách vẫn theo đuổi chúng ta, nhưng những khó khăn, thử thách đó cũng chính là phân bón để giúp cho hạt giống đức tin được nẩy nở và phát triển trong đời sống, cũng như trong công cuộc loan báo Tin Mừng mà chúng ta thể hiện. Cám ơn Chúa, đồng thời mỗi người chúng ta cũng ý thức được cái ơn gọi lớn lao này, để chúng ta luôn biết gìn giữ, biết nuôi sống, làm cho đức tin chúng ta mỗi ngày thêm sống động. Và hôm nay đây, trong Thánh lễ trang trọng mừng 400 năm Tin Mừng đến Hội An này, nghĩ đến những nhà truyền giáo sơ khai thưở ấy, chân ướt, chân ráo, xa lạ đến với đất nước Việt Nam chúng ta và được bao thế hệ các linh mục, tu sĩ nam nữ, tông đồ giáo dân tiếp bước các ngài, để làm cho hạt giống Lời Chúa được phát triển trong Giáo hội Việt Nam chúng ta. Hôm nay, chúng ta có 5 người anh em trẻ tuổi, 5 Samuel mới, lắng nghe tiếng Chúa đã vượt qua được những khó khăn thử thách, vượt qua những sự quấy rầy trong cuộc sống để đáp lại tiếng Chúa và đáp lại cách dứt khoát trong ơn gọi Phó tế ngày hôm nay. Chúng ta cầu nguyện cho 5 tiến chức của chúng ta, nguyện cho những bạn trẻ luôn biết lắng nghe và đáp lại Lời Chúa cách quảng đại để tiếp tục công trình loan báo Tin Mừng mà Đức Ki-tô đã bắt đầu và Giáo Hội đang mỗi ngày thực hiện. Amen.”

Trước khi trao ban chức vụ Phó tế cho các thầy, Đức Cha Giuse cũng đã chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ về vai trò, trách nhiệm của Phó tế: “…, đồng thời tỏ mình là tôi tớ mọi người trong thừa tác vụ Lời Chúa, bàn thờ và bác ái… Các thầy sẽ là thừa tác viên phục vụ Bàn Thờ, loan báo Phúc Âm, chuẩn bị lễ tế, trao Mình và Máu Thánh Chúa cho giáo dân. Ngoài ra, theo ý Đức Giám Mục, các thầy sẽ khuyên bảo lương dân, cũng như tín hữu, dạy giáo lý, chủ tọa kinh nguyện, ban phép Rửa tội, chứng hôn và chúc lành cho hôn phối, đem Của Ăn Đàng cho người hấp hối, chủ sự nghi thức an táng. Qua việc đặt tay từ thời các Thánh Tông đồ truyền lại, các thầy được Thánh Hiến và liên kết chặt chẽ hơn với Bàn Thờ, sẽ nhân danh Đức Giám Mục hay linh mục quản xứ chu toàn thừa tác vụ bác ái. Nhờ ơn Chúa, các thầy làm những công việc ấy để anh chị em biết rằng các thầy thực sự là môn đệ của Đấng không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ.”

Đối với các tiến chức, ngài tiếp lời: “còn chúng con thân mến, chúng con sắp lên chức Phó tế. Chúa đã nêu gương để các con làm theo như Người đã làm. Vậy Phó tế là những thừa tác viên của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ở giữa các môn đệ như người phục vụ, các con hết lòng làm theo ý Thiên Chúa trong lòng mến, các con hân hoan phục vụ Chúa thế nào thì hãy hân hoan phục vụ người ta như thế, vì không ai có thể làm tôi hai chủ nên các con hãy coi mọi đam mê xác thịt và tiền tài là ách nô lệ tà thần. Vì các con tự nguyện tiến lên chức Phó tế, các con phải là những người có tiếng tốt, đầy khôn ngoan và Thánh Thần giống như những người ngày xưa được các Tông đồ tuyển chọn để thi hành thừa tác vụ bác ái. Các con sẽ thi hành thừa tác vụ của các con trong bậc độc thân, vì chưng đó vừa là dấu chỉ, vừa là động lực của bác ái mục vụ, đồng thời cũng là nguồn mạch phát sinh nhiều hoa trái trong thế gian. Bởi vì khi được lòng mến chân thành đối với Đức Ki-tô thúc đẩy và sống đạo đức hoàn hảo trong bậc sống này, các con sẽ gắn bó để dễ dàng hơn với Đức Ki-tô bằng một con tim không chia sẻ, sẽ được tự do để phục vụ Thiên Chúa và con người, sẽ thuận lợi hơn trong việc giúp cho người ta được tái sinh. Được bén rễ và xây dựng trong đức tin, các con hãy ăn ở trong sạch và không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa và người đời, là điều phù hợp với thừa tác viên của Đức Ki-tô và với các người ban phát những mầu nhiệm Thiên Chúa. Các con đừng để mất tin cậy vào Phúc Âm, vì các con không phải chỉ là những người nghe, mà còn phải là thừa tác viên Phúc Âm, gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm ngay thẳng. Các con hãy minh chứng bằng việc làm Lời Chúa mà các con rao giảng bằng miệng để dân Ki-tô hữu được Chúa Thánh Thần làm cho sống, trở nên của lễ tinh tuyền được Chúa chấp nhận. và tới ngày bế mạc, khi ra đón Chúa các con có thể nghe Người phán: Hỡi những tôi tớ tốt lành và trung tín hãy vào hưởng vui mừng với Chúa của ngươi.”

Tiếp đến, các tiến chức tuyên xưng niềm tin của mình trước Đấng Bản Quyền và cộng đoàn phụng vụ, cũng như các nghi thức khác: đặt tay mình trong tay Đức Giám Mục để tuyên hứa sự vâng phục Đấng Bản Quyền, phủ phục trước Bàn Thờ trong lúc cộng đoàn phụng vụ hát kinh cầu các Thánh, Đức Giám Mục đặt tay trên đầu các tiến chức, mặc áo Phó tế, nhận lãnh Phúc Âm…

Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc trong niềm vui mừng của không chỉ các Phó tế, của gia đình các thầy, mà còn cả đối với tất cả những ai cùng tham dự Thánh lễ hôm nay. Vui mừng bởi giáo phận nhà có thêm những “ngư phủ chài lưới người”, vui mừng bởi các gia đình, giáo xứ đã quảng đại dâng “những của lễ tốt nhất” cho Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa luôn giữ gìn, nâng đỡ và ở cùng các Phó tế để các thầy luôn trung thành với ơn gọi mà mình đã chọn, để phục vụ cộng đoàn dân Chúa như Thầy Chí Thánh đã phục vụ.

Sau Thánh Lễ là tiệc trưa thân mật, với sự tham gia của khách mời là các tôn giáo bạn, lãnh đạo chính quyền địa phương…

E.H

Hội An, 18/01/2015

 

 

Ngay từ sáng sớm, Ban Lễ Tân của Giáo Xứ Hội An đã phải vào việc để đón tiếp khách cũng như bà con giáo dân

 

Linh Mục đoàn thắp hương tưởng nhớ tiên nhân, trước khi bước vào Thánh Lễ

 

Đoàn Rước với sự thu hút đặc biệt của 05 “Samuel” trong ngày hôm nay

 

05 “Samuel”, những tiến chức Phó Tế rồi đây sẽ cộng tác đắc lực với Đấng Bản Quyền để phục vụ cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận

 

Ca Đoàn Giáo Xứ Hội An phục vụ cộng đoàn phụng vụ trong lời ca tiếng hát

 

Các tiến chức được cha đặt trách ơn gọi giới thiệu với Đức Giám Mục Giáo Phận được xem là xứng đáng lãnh nhận chức Thánh

 

Từng tiến chức một tuyên xưng niềm tin và hứa vâng phục trước Đấng Bản Quyền

 

Hát Kinh Chúa Thánh Thần trong khi các tiến chức phủ phục…

 

… rồi đặt tay, nghi thức quan trong trong tiến trình phong chức, XIN ƠN CHÚA THÁNH THẦN ngự xuống dồi dào và ở lại luôn mãi cùng các tân chức

 

Và chính thức ra ra mắt cộng đoàn với vị thế mới, tâm thế mới: Phó Tế 

 

Thánh Lễ tiếp tục diễn ra với phần phụng vụ Thánh Lễ cùng 05 Samuel lo việc phục vụ bàn thờ

 

Hòa cùng của Lễ là chính 05 tân Phó Tế, cộng đoàn hiệp dâng hương, hoa… và bánh rượu

 

Nhà Thờ Giáo Xứ Hội An như vỡ tung với một cộng đoàn phụng vụ đông đảo từ trong ra ngoài…

 

Giáo Xứ Hội An tặng quà lưu niệm cho các Tân Chức

 

Các Tân Chức nghẹn ngào xúc động cám ơn các đấng bậc và toàn thể cộng đoàn

 

Đức Giám Mục thay mặt Giáo Phận tặng cho Giáo Xứ Hội An chiếc đồng, một gợi nhớ về THỜI GIAN

 

Trong tâm tình hân hoan, cộng đoàn hướng về Đức Mẹ

 

Xin mời xem hình dung lượng lớn và rất nhiều hình có người con thân yêu của Giáo Xứ TTTM Trầ Kiệu: Thầy Phó tế Giuse Nguyễn Thanh Tùng

 
Nguồn: trakieu.net