“Từ những thời xa xưa, Ðức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khó”.

-Thánh công đồng Vaticanô II- Hiến chế Tín lý về Hội Thánh-

Thánh lễ tôn kính Đức Trinh nữ Maria Mẹ Thiên Chúa được cử hành trọng thể lúc 06h00 ngày 01/01/2022 tại nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng, do đức Cha Giuse chủ sự với sự hiệp ý cầu nguyện của Quý Cha đồng tế và cộng đoàn dân Chúa. Một sự trùng hợp như được định sẵn, ngày đầu năm mới này cũng là bát nhật lễ Giáng sinh, nên từ năm 1968, Giáo hội cũng chọn ngày này là ngày cầu cho Hoà bình thế giới.

“Khi Hài nhi được đủ 8 ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài nhi là Giêsu ; đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21)

Hài nhi Giêsu là ai? Theo tiếng Do Thái, Danh Thánh Giêsu có nghĩa “Yavê là sự cứu độ”. Người là con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc loài người. Người là vị Trưởng Tử Hoà Bình, được sinh ra bởi Đức Maria- Nữ Vương Hoà Bình. Như Đức cha Giuse đã nhắn nhủ trong bài giảng của mình: “Mầu nhiệm Giáng Sinh chính là câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người nơi Đức Giêsu Kitô. Trong bóng tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối. Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta. Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta, để cho thế giới bớt tối tăm, bấy giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.”

Qua câu chuyện trong bài giảng của Đức cha, chúng ta chợt nhận ra rằng, mỗi người trong chúng ta, khi đến thế giới này với hình hài một đứa trẻ vô ưu vô lo, đều có một vị thiên thần hộ mệnh. Vị thiên thần này sẽ luôn bên cạnh, bảo vệ, chở che, đỡ nâng chúng ta. Vị thiên thần này sẽ dìu dắt chúng ta trong từng bước đi chập chững đầu đời để làm quen với thế giới lạ lẫm đầy mới mẻ và cũng đầy trắc trở. Vị thiên thần này sẽ luôn dịu dàng sửa dạy, và dung thứ những sai lỗi mà chúng ta phạm phải… Vị thiên thần này không gọi bằng tên, mà chúng ta sẽ gọi bằng một từ: “Mẹ”. Chúa Giêsu của chúng ta cũng có một vị thiên thần hộ mệnh như thế. Nhưng cao hơn cả, Mẹ Maria không chỉ là Mẹ Thiên Chúa, mà còn là Mẹ của loài người chúng ta. Trên thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27). Lời trăn trối sau cuối của Đức Giêsu như một sự khẳng định chắc chắn về mẫu tính của Đức Mẹ.

Mẹ Maria được sinh ra trong nhân loại mang vết tích của tội, nên Mẹ cảm thông, chia sẻ được với kiếp sống bất toàn của con người. Lịch sử nhân loại là lịch sử của vấp ngã, phản bội. Mẹ trở thành nơi nương tựa của những con người yếu hèn, tội lỗi. Bởi nào có người Mẹ nào nhẫn tâm bỏ rơi con cái mình bao giờ, dù cho con mình có là kẻ ngỗ ngược và bất trị bao nhiêu đi chăng nữa. Nơi mẹ, mỗi người chúng ta cũng học được Đức Tin- Cậy- Mến, để trong những lúc khó khăn vì dịch bệnh này, chúng ta biết tín thác, cậy trông, mến yêu Chúa và chia sẻ với những người xung quanh.

Cuối thánh lễ, Đức cha Giuse gửi lời chúc mừng năm mới đến tất cả quý Linh mục, tu sĩ và cộng đoàn giáo dân. Ngài cũng thể hiện mong muốn mỗi người chúng ta trong năm mới này, sẽ đem ánh sáng và sự bình an của Chúa lan toả đến những người xung quanh, để xua tan bóng đêm của dịch bệnh, của bất hoà ghen ghét, nhằm kiến tạo một thế giới mới tốt đẹp hơn.

Bài: Anna Hương
Ảnh: Cao Thuyên
Truyền thông Chính Tòa Đà Nẵng

Thánh lễ trực tuyến: