Ngay sau khi kết thúc thánh lễ cuối cùng của ngày Chúa Nhật Lễ lá 10/4/2022, cộng đoàn tín hữu đã vào bên trong nhà thờ để tham dự nghi thức Than Kinh Lễ Đèn được giáo xứ Chính Tòa tổ chức vào lúc 19g30 trong ba buổi tối liến tiếp từ ngày 10-12/04/2022.

Một dàn đèn gồm 15 ngọn nến đang cháy sáng được đặt ngay giữa cung thánh hướng về các dãy ghế ngồi trong nhà thờ, 03 bàn quỳ dành cho 03 người than kinh được đặt ngay trước đó. Cứ mỗi lượt than kinh sẽ có 03 người từ phí dưới nhà thờ đi vào dãy 03 ghế quỳ và bắt đầu than, lần lượt từng người trong nhóm than, mỗi khi than xong thì em giúp lễ sẽ bước lên cung thánh để tắt một ngọn nến, rồi đến người khác than cho đến hết 03 người thì họ đi xuống.

Sau khi cộng đoàn đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và 01 kinh Sáng Danh thì 02 em giúp lễ cùng nhóm 03 người khác lên than kinh tiếp. Việc Than Kinh được thực hiện liên tục cho đến khi 15 đề tài của Mầu Nhiệm kết thúc nghĩa là 05 nhóm than xong. Trong buổi tối Chúa Nhật than kinh đầu tiên của giáo xứ Chính Tòa, chúng ta được vinh dự đón Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân mở màng cho chuỗi 03 ngày Than Kinh Lễ Đèn tại nhà thờ giáo xứ Chính Tòa với sự tham dự đông đảo của các con dân giáo xứ.

Việc Than Kinh Lễ Đèn hàng năm được tổ chức vào những ngày đầu của tuần Thánh tại giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu qua mầu nhiệm Thương Khó bằng những làn điệu ngân nga được vang lên đầy xúc tích, lắng đọng và thấm sâu vào tâm trí người nghe trong bầu không khí tĩnh lặng và nghiêm trang đã giúp các giáo hữu cảm nghiệm những đau khổ của Chúa Giêsu mà tăng thêm lòng mến mộ Chúa hơn. Hình thức này làm phong phú thêm các hoạt động đạo đức bình dân trong việc suy ngắm cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, giúp khơi lại hình thức suy gẫm kinh nguyện theo âm điệu rất đặc trưng của dân tộc ta mà các tiền nhân để lại, đồng thời mời gọi mọi người tín hiểu đặc biệt là giới trẻ tiếp tục duy trì truyền thống quý báu này.

Than Kin Lễ Đèn ở miền Trung hay còn gọi Nguyện Ngắm ở miền Bắc là một hình thức đạo đức bình dân, một truyền thống đặc trưng của giáo hội Việt Nam cụ thể là miền Bắc vì có nguồn gốc từ Đàng Ngoài do cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) sáng tạo vào đầu thế kỷ 17. Như cha đã viết trong cuốn sách Lịch Sử Đàng Ngoài: “Chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó. Sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong Giáo Hội Roma.

Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, những người lân cận cũng đến nghe rất đông”. Đây là một cách hội nhập văn hóa của các nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa Sai bằng cách đưa dẫn Mầu Nhiệm Thương Khó qua loại hình nghệ thuật hát xướng dân gian truyền thống của Việt Nam nhờ đó được phát triển rộng rãi và duy trì tiếp nối qua các thế hệ trong cộng đồng công giáo người Việt. Hình thức này đã góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng đời sống đức tin của cộng đoàn tín hữu khắp Việt Nam suốt một thời gian dài, nhưng trong thời đại ngày nay việc làm này có vẻ như xa lạ đối với giới trẻ công giáo và tiềm ẩn nguy cơ bị mai một.

Bài viết: Andre Phong

Hình ảnh: Phero Hữu Chính – Tùng

Truyền thông Chính Toà Đà Nẵng

 
Failed to get data. Error:
Quota exceeded for quota metric 'All requests' and limit 'All requests per day' of service 'photoslibrary.googleapis.com' for consumer 'project_number:550528419474'.