LỜI KHAI MẠC HỘI THẢO
TTMV TGP SAIGON – Ngày 25-26/10/2019
********
Trọng kính Đức Tổng Giuse, Chủ tịch HĐGM VN
Trọng kính quý Đức Cha,
Kính thưa quý Cha Bề trên Dòng, quý Cha,
Kính thưa qúy Thuyết trình viên,
Quý Tu sĩ nam nữ và quý Tham dự viên rất thân mến.
Như chúng ta đã biết: Ngôn ngữ bao gồm tiếng nói (ngôn) và chữ viết (ngữ) thực sự là một trong những yếu tố nền tảng của việc hình thành, duy trì và phát triển của một dân tộc, quốc gia. Đặc điểm tiếp nối và phát triển để ngôn ngữ trở nên phổ quát và hiệu quả nơi một cộng đồng dân cư có chung xuất xứ và văn hóa cũng là điều đáng ghi nhận trong sự phát triển toàn vẹn của một dân tộc, một đất nước.
Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của đất nước Việt Nam, sự biến thiên và phát triển của tiếng nói và chữ viết cũng đáng để chúng ta, những thế hệ người Việt hiện nay trân trọng ghi nhận và tìm hiểu. Đã có một thời gian rất dài, tiếng nói của người Việt Nam được diễn đạt (ký âm) bằng những chữ viết hoàn toàn vay mượn hoặc cải tiến, thích ứng với các tên gọi: chữ Hán (Việt), chữ Nôm. Đương nhiên với cách ký âm bằng lối chữ hình thể (tượng âm, tượng hình) đòi hỏi người viết phải trải qua một thời gian dài để học tập, nhận diện và ghi nhớ; và hệ quả là không có được nhiều người có thể rành rọt cả nói lẫn viết. Chính trong bối cảnh này mà văn học dân gian truyền khẩu trở nên khả dụng và phổ biến với đa dạng hình thái thơ-ca-hò-vè (ca dao, tục ngữ) cũng như gây ra tình trạng “tam sao thất bổn”.
May mắn, trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, từ thế kỷ thứ 15, với sự xuất hiện của các giáo sĩ Công giáo từ phương Tây (cùng với các cộng sự từ các vùng miền Đông Á và cư dân bản địa Việt Nam) một thể thức ký tự mới cho tiếng Việt Nam được hình thành và phổ biến dựa trên các mẫu tự và văn phạm của ngôn ngữ La-tinh, để trước hết “cho người nước ngoài học tiếng Việt và cho người Việt học tiếng nước ngoài”, mà cụ thể là các vị thừa sai là các giáo sĩ, tu sĩ ngoại quốc đến Việt Nam giảng đạo và phổ biến giáo lý Công giáo bằng tiếng Việt. Chúng ta có thể nhận ra một nỗ lực công phu và liên tục của nhiều vị Thừa Sai (Francesco de Pina, Gaspar d’Amaral, António Barbosa, Girolamo Majorica) và các vị Thầy Giảng Việt Nam (Gioakim, Manuel, cụ nghè Giuse, và các tác giả (Bento Thiện, Philipphê Bỉnh…) cho đến khi Cha Alexandre De Rhodes (Đắc-Lộ) tổng hợp và xuất bản 2 tác phẩm đầu tiên viết bằng văn tự mới này tại Rô-ma:“Phép Giảng Tám Ngày” và “Tự điển Việt-Bồ-La” (năm 1651). Có một điều đặc biệt đáng ghi nhận chính là tên gọi được dùng (do chính người Việt Nam) cho loại chữ viết “mới” này: QUỐC NGỮ hoặc VIỆT NGỮ (TIẾNG VIỆT)! Xuất xứ và thời biểu của tên gọi đó cũng đáng cho chúng ta quan tâm và tự hào để tiếp tục trân trọng nghiên cứu, phát triển và hoàn bị để xử dụng và phổ biến.
Chữ “Quốc Ngữ” đã được nhắc đến để tôn vinh trong nhiều tác phẩm nghệ thuật thi ca hoặc trong những bài học thuộc lòng cho trẻ em (Quốc văn Giáo khoa thư), trong các cuốn sách lịch sử về Giáo hội Công giáo tại Việt Nam… Cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu hàn lâm về chữ Quốc Ngữ, cả trong Giáo hội lẫn ngoài xã hội của các tác giả: LM. Đỗ Quang Chính; Ông Hoàng Xuân Hãn; hoặc mới đây (năm 2017), một cuộc hội thảo chuyên đề về chữ Quốc ngữ được tổ chức tại thị xã Điện Bàn (dinh trấn Thanh Chiêm), tỉnh Quảng Nam với những tham luận của nhiều học giả Việt Nam toàn quốc, cuối năm nay tại Đà Nẵng và đầu năm sau tại Huế, sẽ có những cuộc hội thảo khác nữa về lịch sử chữ quốc ngữ…
Với hi vọng tiếp tục đào sâu, mở rộng những suy tư, nghiên cứu về “gia sản văn hóa Việt Nam” quý giá này, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển chữ Quốc Ngữ, được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khuyến khích và hỗ trợ; hôm nay Ủy Ban Văn Hóa tổ chức cuộc hội thảo “BỐN TRĂM NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ TRONG LỊCH SỬ LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI VIỆT NAM” với sự tham gia của những vị Thuyết trình viên đáng kính là các chuyên viên ngôn ngữ học, truyền giáo, nghiên cứu lịch sử và văn hóa Công giáo.
Trong cương vị là Chủ Tịch của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam, xin hân hạnh kính chào quý Đấng bậc, quý thuyết trình viên và quý vị đến với hội thảo này là các Đấng Giám mục, quý Linh mục, Giáo dân và quý Vị đang thiết tha với văn hóa Việt Nam, đặc biệt văn hóa Công giáo Việt Nam. Ước mong với thiện chí và nỗ lực của Ủy Ban Văn Hóa, cuộc hội thảo mang lại kết quả tốt đẹp, ít ra cũng được như lời chân thành tri ân các vị Thừa sai, những bậc Tiên nhân khả kính của dân tộc Việt Nam chúng ta đã toàn tâm toàn ý dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho dân Việt; đồng thời cũng trân trọng ghi nhận nỗ lực đóng góp của quý vị Tiên nhân đáng kính đã dày công chung sức nghiên cứu, hình thành, phát triển và phổ biến chữ Quốc ngữ trong giai đoạn khởi đầu và tiếp tục cho đến ngày nay.
Hôm nay, chúng ta cũng nhớ tới DC Giuse Vũ Duy Thống, nguyên Chủ tịch UBVH trực thuộc HĐGMVN, nguyên Giám mục Phụ tá TGM Sài gòn, nguyên Giám mục Phan Thiết; chính Ngài đã thao thức cho dự án Hội thảo này, là Vị Giám mục rất có nhiều khả năng về Văn hoá Công giáo, đóng góp rất nhiều cho Văn hoá Công giáo VietNam. Ngài được Chúa gọi về hơn 2 năm nay. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho Ngài.
Với tâm tình đó, xin phép được tuyên bố Khai Mạc hội thảo “Bốn trăm năm hình thành và phát triển chữ quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam”.
Trân trọng
+ Giuse Đặng Đức Ngân
Giám mục Giáo phận Đà Nẵng –
CT. Ủy Ban Văn Hóa / HĐGMVN
Xin mời xem hình tại hội thảo tại đây: