“Kính mừng Bà đầy ơn phước”
Đó là lời chào của Thiên sứ dành cho Đức Mẹ, để rồi từ đó Mẹ Maria mở đường cho Con Thiên Chúa xuống thế làm người và Mẹ sẽ là Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, một ‘vương miện’ cao quý trên muôn vàn vương miện. Và Mẹ đã hoàn toàn vâng theo lời Thiên Thần truyền, cùng đồng hành với Chúa Giêsu trên mọi bước đường, từ hang đá khó nghèo Bêlem, những cung bậc gập ghềnh của rao giảng Tin Mừng, rồi con đường thập tự đau thương, đứng nhìn Con một trút hơi thở cuối cùng trên cây Thánh Giá một cách tủi nhục.
Và vinh phúc thay cho Mẹ, Mẹ đã được đưa cả hồn lẫn xác về trời giữa muôn lời chúc tụng ngợi khen của Thiên Thần và chư vị các Thánh trên Thiên Đàng.
Chưa hết, Mẹ còn luôn mãi đồng hành cùng con cái Thiên Chúa trên mọi nẻo đường, luôn giang tay che chở để cứu lấy đàn con giữa bao phong ba bão tố của cuộc đời, giữa những cơn bách hại đẫm máu trên trần gian này.
Cứ mỗi lần gặp nguy khó là chúng con đến bên Mẹ, xin Mẹ cứu giúp. Không đâu xa, ngay trên dải đất hình chữ S Việt Nam này, nào là Mẹ La Vang, Mẹ Tàpao, nào là Mẹ Măng Đen , Mẹ Trà Kiệu, vv… và vv… và còn nhiều nơi nữa Mẹ Maria đã, đang và sẽ hiện ra để bảo bọc che chở các con cái Mẹ khỏi ba thù bủa vây tứ phía.
Giáo hội đã dành cả 2 tháng trong năm, tháng 10 được gọi là tháng “Mân Côi”, tháng 5 được gọi là tháng “Hoa” để tôn kính Đức Mẹ một cách rất đặc biệt (có những nơi, dâng Tháng Tám kính Trái Tim Mẹ, và Tháng Chín để kính Bảy Sự Đau Đớn Đức Mẹ). Với lòng đạo đức bình dân phổ biến, cộng đoàn dân Chúa khắp nơi luôn sùng kính và tôn vinh Mẹ mọi nơi, mọi lúc nhưng một cách đặt biệt nhất là trong những dịp này. Mẹ luôn là chủ đề của biết bao lời ca tiếng hát đoàn con dâng kính, tôn vinh với hết lòng yêu quý.
Vào những thế kỷ đầu, Hoa được coi là Nữ thần của mùa Xuân. Và tháng Năm, tháng khởi đầu Mùa Xuân (tại nhiều nơi bên Châu Âu), người Rôma có tập tục tổ chức ngày lễ tôn kính Hoa cũng là tôn kính Nữ thần mùa Xuân.
Các tín hữu Công giáo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.
Từ thế kỷ XIII, vào tháng Năm, một vài xứ đạo ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tổ chức những cuộc rước hoa đem đến dâng kính Đức Mẹ. Nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác các bài ca dùng màu sắc và hương hoa để diễn tả tâm tình con thảo ca tụng các nhân đức cao quý của Đức Mẹ.
Truyền thống đó cứ lan truyền mãi khắp nơi trên thế giới đến tận bây giờ, đã được người Công Giáo Việt Nam nồng nhiệt hưởng ứng ngay từ những ngày đầu đón nhận Đức Tin… và ngày nay, cứ chiều thứ Bảy hàng tuần trong tháng Năm, hoà cùng con cái Mẹ khắp nơi, cộng đoàn giáo xứ Chính Tòa chúng con cũng long trọng dâng hoa tại Núi đá Đức Mẹ qua những điệu múa của các đoàn thể trong giáo xứ đã giúp cho cộng động dân Chúa càng yêu mến và tôn kính Mẹ hơn. Để rồi cao điểm là thứ Bảy bế mạc, Bàn kiệu Đức Mẹ được rước quanh sân nhà thờ với sự sốt sắng và trang nghiêm thể hiện rõ nét trong từng lời kinh, tiếng hát hiệp thông của mọi thành phần dân Chúa tham dự.
Tình yêu mến Mẹ còn thể hiện sâu sắc trong đời sống đức tin hằng ngày của Tháng Hoa được thể hiện qua việc quy tụ các tín hữu mỗi buổi tối trong tuần luân phiên hết nhà này đến nhà khác trong mỗi cộng đoàn giáo khóm, và các chuỗi kinh mân côi được vang đều khắp thôn ngõ xóm làng. Cầu mong những lời kinh đó cứ vang mãi và lan tỏa qua mọi ngõ ngách vào đến mọi nhà, mọi tâm hồn để những người chưa biết Chúa được tỏ tường và qua lời chuyển cầu của Mẹ, Danh Cha được Cả Sáng.
Mika