Tóm lược Chủ đề: Văn học chữ Quốc ngữ thế kỷ XIX – thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815 – 1853), cánh én báo mùa Xuân, do cha Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, OP. trình bày.

Đầu thế kỷ XIX, có hai nhân vật tiêu biểu văn học Quốc ngữ là thầy cả Philipphê Bỉnh SJ (1759-1832) và thánh Linh mục Philipphê Phan Văn Minh (1815-1953). Tài liệu cha Bỉnh phổ biến tại hải ngoại, nên Thánh Phan Văn Minh thực sự là cánh én báo mùa xuân văn học chữ Quốc ngữ thế kỷ XIX, thánh nhân đã cộng tác trong từ điển Taberd (1938), tổ chức thi đàn Phi Năng Thi Tập (1842), và sử dụng thơ ca để phổ biến Tin Mừng Nước Trời.

Thánh Phan Văn Minh: Nhà Điển Ngữ

Chủng sinh Phan Văn Minh vừa là đệ tử vừa là cộng tác với Đức cha Taberd trong việc biên soạn Nam Việt Dương Hiệp Tự Vựng. Bộ Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị (chữ Hán: 南越洋合字彙, tiếng Latinh: Dictionarium Anamitico-Latinum) là cuốn từ điển song ngữ Việt-Latinh (trong đó tiếng Việt được viết bằng cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ) in lần đầu vào năm 1838 tại Serampore, Ấn Độ.

Cuốn từ điển này gồm 2 pho sách. Pho 1 có tựa là Dictionarium Anamitico-Latinum. Pho 2 có tựa là Dictionarium Latino-Anamiticum.

Đức cha Bá Đa Lộc có soạn cuốn Tự điển An nam La tinh, tuy chưa xong hẳn, nhưng cố Taberd đã kế tiếp công cuộc ấy mà soạn ra cuốn Dictionarium Latino-Anamiticum (Nam Việt Dương Hiệp Tự Vựng), in 1838. Trong cuốn này, cách viết chữ Quốc ngữ giống hệt bây giờ: mỗi tiếng Nam đều có chua kèm chữ Nôm. Cuốn sách ấy sẽ là một cuốn sách làm gốc cho các tự điển tiếng Nam sau này.

Ngoài ra sách còn có phụ lục quan trọng của tự vựng, gồm khái luận về tiểu từ và đại từ, cách đếm, thực vật chí… Thánh Minh rõ nét nhất trong phần “Lược bày niêm luật làm văn làm thơ”. Đặc biệt “Inê Tử đạo vãn”, ngoài bản Quốc ngữ còn có ba bản dịch Anh, Pháp và La tinh, cho thấy Phan Văn Minh thông thạo nhiều ngôn ngữ.

Thánh Phan Văn Minh: Nhà Thơ

Việt Nam trong quá khứ có nhiều thi đàn. Riêng thi đàn do Thánh Phan Văn Minh đánh dấu sự khởi sắc của chữ Quốc ngữ. Phi Năng Thi Tập gồm các bài thơ do chính Thánh nhân tuyển chọn và ghi lại, có ghi danh 20 thi hữu hoạ vận. Riêng tập Giatô Cơ đốc, ngoài 44 bài của thi đàn, còn có 4 bài hoạ vận sau này, phản đối quân Pháp xâm lược Việt Nam.

Về nguồn tài liệu, bản sao của ông Thadeus Nguyễn Văn Nhạn gồm 66 trang khổ lớn với nhan đề ghi Văn Thơ Công Giáo, Phi Năng Thi Tập (thế kỷ XIX). Tập IV, sưu tập của Nguyễn Cang Thường (1909-1962), kèm với Lời nói đầu của ông Nhạn và Lời Tựa của ông Thường.

Tập sách có ba phần chính: Phi Năng Thi Tập: với Lời Phi lộ của Philipphê Phan Văn Minh, và 48 bài Thơ xướng hoạ theo đề tài “Gia tô Cơ đốc”. Kế đó là Vịnh Ê Vang gồm 50 bài. Riêng phần Nước Trời Ca, gồm 35 bài, ghi tác giả Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853).

Một Vài Trích Đoạn

Lời Phi Lộ:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là phần gia nghiệp đời đời của tôi. Tôi xin chọn Thánh Danh Chúa làm chủ tể trong hội thi xướng họa này để tỏ lòng tha thiết kính yêu, và cũng là việc giải trí tốt đẹp trong đời sống thường ngày của hàng văn gia đất nước Đại Nam.

Bài học giáo lý của Cố Phan, tôi học khi còn thơ bé ở Cái Mơn có đoạn:

Đạo Đức Chúa Trời

Giảng dạy khắp nơi

Cứu khổ cho đời

Địa ngục khổ rồi

Khá giữ kịp thời…

Tôi xin chọn để gieo vần, vậy xin quý hữu có lòng mến Chúa Giêsu và yêu thơ xin đáp họa, hầu góp lại như bổn kinh nguyện ngâm lên ca tụng lòng lân mẫn vô biên của Thiên Chúa. Như trong Kinh Thánh đã kêu mời.

“Laudate Dominum, omnes gentes…”

(Thánh vịnh, CXVII, 1)

Phi-năng, ngày 25 tháng 12 năm 1894

Philipphê Phan Văn Minh

XƯỚNG

Gia-tô Cơ-đốc Đấng Con Trời

Đặt cách lâm phàm cứu khắp nơi.

Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,

Không dùng vương bá để xây đời.

Vâng lời thiên mệnh đành thân diệt,

Gánh tội nhân gian chịu máu rơi.

Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ,

Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời.

Phil. Phan Văn Minh

Một số bài hoạ:

Lật ngược đố ai cải luật Trời,

Gia-tô Cơ-đốc dạy khắp nơi.

Nước Trời chớ kể quê hư kiếp,

Cuộc thế phải đâu chốn sống đời.

Kẻ chối như rừng chang nắng đốt,

Người ta tợ lúa gội mưa rơi.

Soi gương kim cổ trong thiên hạ,

Nhận thức thị phi, sống kịp thời.

(Paulus Hơn)

Khôn giỏi làm sao khỏi lẽ Trời,

Cái vòng luẩn quẩn diễn đòi nơi.

Lớp xây lớp phá, xây xây mãi,

Sự nhục sự vinh, để để đời.

Dục vọng dễ gì người dứt bỏ,

Kiêu căng khó thể kẻ buông rơi.

Từ trời sức sống Gia-tô xuống,

Trợ lực nhân sinh thoát họa thời.

(Andreas Phong)

Yếu đuối ngày đêm cậy có Trời,

Ai che cũng chịu miễn yên nơi.

Bôn ba cho lắm khôn hai kiếp,

Xảo quyệt bao nhiêu cũng một đời.

Bạo phát bạo tàn, đừng tưởng bở,

Trời sinh Trời dưỡng, há buông rơi.

Tuồng nào chẳng có hồi chung kết,

Mặc kẻ trèo cao, kẻ ngược thời.

(Joseph Thăng)

Xướng hoạ với ông Đồ Ốc

Xướng: Phil. Phan Văn Minh

Gia-tô Cơ-đốc Đấng Con Trời

Đặt cách lâm phàm cứu khắp nơi.

Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,

Không dùng vương bá để xây đời.

Vâng lời thiên mệnh đành thân diệt,

Gánh tội nhân gian chịu máu rơi.

Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ,

Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời.

Hoạ: Đồ Ốc

Thế gian vạn sự nói do Trời,

Nhưng tại làm sao khổ khắp nơi?

Cứu khổ đã nêu bên đạo Chúa,

Giải nguy chưa thấy phía người đời.

Triều đình Nam quốc xô không ngã,

Đạo trưởng Tây phương bám chẳng rơi.

Đã đẩy giáo nhơn vào thế khổ,

Vậy ai phải chịu bất tri thời.

Vịnh Ê-vang

Ngoài ba bài của Thánh Phan Văn Minh gồm Thơ khai hội, Sự xét đoán và Trái biết cây, xin chọn vài bài trong số 50 bài, vì hầu hết tác giả đều ghi khuyết danh.

Gia cang, đất nước với thân danh,

Tô điểm E-vang tận gốc nhành.

Cơ cấu nhân sinh theo Đạo thánh,

Đốc-hành thế sự với tâm thành:

Con đường bác ái khi chung sống,

Đức độ công bằng lúc đấu tranh.

Chúa đã hoằng khai nguồn cúu rỗi,

Trời cao không bỏ kẻ ngay lành.

Sự xét đoán (Mt 7,3-3; Lc 6, 41-42)

Một chàng nho nhã, mặt thông minh,

Chỉ tiếc hắn ta khá giả hình.

Cọng rác mắt người thì chỉ trích,

Cây xà tròng hắn chẳng phê bình.

Dám khươi cọng rác nơi người khác.

Mà vứt cây xà ở mắt mình!

Tiên xử kỷ rồi sau xử bỉ,

Ở đời như thế mới công minh.

Nước trời ca

Gồm 35 bài của Thánh Philipphê Phan Văn Minh.

Nước Trời

Đời trước, Thiên cơ bất khả lậu,

Đời nay, Con Chúa đã ra đời

Nho gia không còn chi ẩn giấu,

Mà khắp bốn phương thấy rạng ngời

Thiên cơ chính thật: Nước Trời.

Cổ kim gọi khác, nghĩa thời một thôi.

Cánh én báo mùa xuân chữ Quốc ngữ

Làm thơ “là việc giải trí tốt đẹp trong đời sống thường ngày của hàng văn gia đất nước Đại Nam”, Thánh Phan Văn Minh đã viết trong Lời phi lộ – Phi Năng Thi Tập như vậy.

Giáo sư Lê Đình Thông trong bài nói chuyện “Thánh Phan Văn Minh nhờ thơ và ngữ học tiên phong”, đã nhận định: “Thơ của Thánh Minh là cánh én, báo trước sự chuyển biến của văn học nước nhà, từ Hán-Nôm chuyển sang Quốc ngữ. Sự chuyển hoá này còn kèm theo sự đổi mới về ngôn ngữ”.

Mùa xuân mới ấy có Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), Linh mục Trần Lục (1825-1899), Hàn Mặc Tử (1912-1940), Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978), hai nhà thơ tân tòng Bàng Bá Lân (1912-1988) và Hồ Dzếnh (1916-1991), Linh mục Nguyễn Xuân Văn (1922-2002)…

Linh mục Nguyễn Hữu An, khi tổng kết buổi họp mặt các câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ đã viết: “Tin Mừng thấm vào văn thơ trải dài suốt dòng lịch sử Giáo Hội, góp phần vào công cuộc truyền giáo. Văn học là mầm sống Đức tin, có khả năng chuyển tải đến tâm hồn con người niềm tin Kitô giáo. Những tác giả Câu lạc bộ Thi ca Cầu nguyện chọn thi ca làm phương thế rao giảng Tin Mừng… Mong ước có thêm nhiều phương thế rao giảng Tin Mừng… Mong ước có thêm nhiều tuyển tập thơ và nhiều lần hội ngộ thi sĩ để những vẻ đẹp ấy được chuyển tải khắp nơi gieo hạt giống Tin Mừng…”.