Lên xe rời Trà Kiệu trong lưu luyến, đoàn tiếp tục hành trình đến với Đền Thánh Anrê Phước Kiều.
Đoạn đường không xa, những trò chơi và những thông tin về vùng đất và con người tại đây do các anh chị hoạt náo viên cung cấp nghe chưa kịp thấm thì xe đã đến nơi. Khung cảnh trước mắt đoàn khá ngổn ngang, nhà thờ đang được sơn sửa, khán đài đang được trang trí… để đón chào Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, sẽ viếng thăm vào ngày 23/01 đến.
Trong nụ cười niềm nở, Cha Phaolô Trần Ngọc Hoàng, Quản nhiệm Đền Thánh đã đón tiếp chúng tôi trong vui vẻ thân ái. Sau khi chào thăm ngài, đoàn đã dành đôi phút ngắn ngủi cầu nguyện trong nhà thờ. Trước khi được Cha Phaolô giới thiệu với đoàn về lịch sử của Đền Thánh, về Chân Phước Anrê Phú Yên, một cách nhấn mạnh cho các bạn đang tìm hiểu Đức Kitô Giáo về sự can trường để tin tưởng, giữa cùng Chúa cho đến hết hơi, cho đến trọn đời của Chân Phước Anrê… Ngài cũng đã giới thiệu về một trong những đóng góp hết sức to lớn vào lịch sử hình thành Đất Nước Việt Nam, đó là chữ quốc ngữ và chính tại vùng đất này là cái nôi sản sinh ra. Nói thế rồi, thấm thía hơn về sự đóng góp này, người viết tường thuật chợt nhớ đến bài hát của Phạm Duy: Tình ca tiếng nước tôi, có đoạn:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
Sau đây là một đôi dòng về quá trình hình thành Đền Thánh Anrê Phước.
Đầu thế kỷ 20, môt số người công giáo quy tụ về Hội An, Vĩnh Điện, Phước Kiều. Các linh mục Jean Baptiste Bruyère Nhơn, Pierre Auguste Gallioz Thiết và Joseph Lalanne Lân vừa lo cho họ Trà Kiệu vừa chăm sóc Hội An, Phước Kiều. Sau khi di chuyển nhiều nơi như Lệ Sơn, Hộ Diêm, Cồn Dầu, năm 1930, linh mục Pierre Auguste Gallioz Thiết về Phước Kiều lập trụ sở, xây nhà thờ tại Phước Kiều và coi sóc họ Hội An và La Nang (Phong Thử). Đây là giai đoạn vàng son của Phước Kiều. Nghề đúc đồng thịnh vượng, dân cư giàu có văn minh. Hãy xem bức hình chụp năm 1938 cũng có thể hình dung…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, gia đình ở không xa Phước Kiều trong truyện ngắn Tiếng Đồng đã mô tả Phước Kiều như sau:
“Làng P.K., một cái làng khá lạ lùng đối với thế giới ruộng đồng bao la của chúng tôi. Cho đến nỗi bàng lân với nhau mà dân làng tôi gần như chẳng mấy quen biết dân làng ấy. Có hai lý do của sự ngăn cách. Họ theo công giáo và chuyên nghề đúc đồng. Nói là theo công giáo, nhưng tôi vẫn thấy có đình và cả chùa nữa dựng không xa giáo đường bao nhiêu. Mà giáo dân thì từ bao giờ cho đến thời ấy chỉ một ngày một phát triển ngay trong các gia đình giáo dân chứ tuyệt nhiên không tràn sang nhà người đi lương (đến bây giờ thì như chỉ còn khoảng năm bảy gia đình) mặc dầu ở đó có cả một ông cố đạo người Pháp, cố Thiết… Lúc còn nhỏ, tôi không dám đi vào làng ấy. Vì vào làng phải qua hai con đường. Con đường thứ nhất nhỏ hẹp, hun hút…Con đường thứ hai phải băng qua giáo đường cao lớn, trắng xóa, nhọn hoắt lạ lùng… (Tiếng đồng của Nguyễn Văn Xuân. Tuyển tập Nguyễn văn Xuân, trang 466-467, Nhà xuất bản Đà Nẵng 2002)
Ông Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921, ông kể câu chuyện năm ông 14 tuổi tức năm 1935, như thế hai việc hoàn tòan trùng khớp với giai đoạn linh mục Pierre Auguste Gallioz MEP, cố Thiết làm quản xứ.
Vào thời kỳ đó cơ quan hành chánh quan trọng của tỉnh Quảng Nam nằm ở làng La Qua. Tổng đốc Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi) là ông Ngô Đình Khôi. Là người công giáo, gia đình ông không dự lễ ở Hội An, nơi có công sứ Pháp mà thường dự thánh lễ tại nhà thờ Phước Kiều hoặc nhà thờ nhỏ bé La Nang. Ông ủng hộ việc các nữ tu Dòng Thừa Sai Phan Sinh Đức Mẹ (Franciscaines Missionnaires de Marie ) đến làm việc tại làng La Qua và chuẩn bị việc thành lập một trường nữ Trung học cho con em trong tỉnh Quảng Nam. Các nữ tu qua sự trung gian của Đức Cha Tardieu Phú, mua được một lô đất rộng gần hai mẫu tây giá 1500 đồng bạc Đông Dương và bắt đầu xây dựng một trạm xá y tế. Các nữ tu làm việc rất đắc lực và được dân trong cả vùng Điện Bàn, Duy Xuyên mến mộ. Đến năm 1935, cố Thiết được chuyển về họ đạo Hội An nhưng vẫn lo cho Phước Kiều.
Nhưng rồi thế chiến thứ hai bùng nổ năm 1939. Tại Việt Nam, Nhật Bản đảo chính lật đổ người Pháp, các nữ tu và linh mục Thiết buộc rời bỏ nhiệm sở. Biến cố kế tiếp là phong trào Việt Minh cướp chính quyền và chiến tranh Việt Pháp bắt đầu. Đây là một giai đoạn đau thương của vùng đất nầy. Những cụ già kể lại, sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Trung Hoa đến giải giới đã đóng đồn tại nhà thờ và không rõ do dịch bệnh hay đói khổ, họ chết rất nhiều. Cố Thiết được đi “an trí” ba năm tại vùng “tự do” Việt Minh từ 1946 đến 1948. Tình hình an ninh từ năm 1947 đến 1954 không thuận tiện cho việc thờ phượng tại nhà thờ Phước Kiều nên vào năm 1948 nhà thờ Phước Kiều và tất cả trang thiết bị như chuông trống đã được linh mục Mollard Lễ chuyển về Vĩnh Điện, cách đó ba bốn cây số. Giáo họ Phước Kiều lại một lần nữa tan tác. Giáo dân kẻ lên Trà Kiệu, người ra Đà Nẵng hoặc các thành phố lớn khác. Sau năm 1954, nhà thờ được xây dựng lại trên nền cũ nhưng không còn quan trọng như xưa, dầu dân chúng làm ăn khấm khá nhờ nghề đúc đồng. Rồi chiến tranh lại tái diễn cho đến năm 1975 hòa bình được lập lại. Trong thời bao cấp, kinh tế hậu chiến khó khăn, nghề đúc đồng mai một, dân chúng cầm cự bằng nghề đúc xoong nồi nhôm. Phước Kiều Gò Nổi trực thuộc giáo xứ Vĩnh Điện. Mỗi tuần các cha đến dâng lễ, các em về Vĩnh Điện học giáo lý.
Sau đời Cha Vũ Văn Khóa (2001-2007), Phước Kiều trực thuộc Giáo xứ Hội An.
Vào năm thánh 2000, thầy giảng Anrê Phú yên được Đức Thánh cha Gioan Phaolô 2 nâng lên hàng Á Thánh. Lm Phêrô Vũ Văn Khóa, cha sở Vĩnh Điện khởi sự công việc trùng tu thánh địa. Tháng 12 năm 2006, Đức Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri quyết định sáp nhập Phước Kiều và Gò Nổi vào Giáo xứ Hội An do Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng và Tôma Võ Minh Danh coi sóc.
Ngày 26 tháng 7 năm 2007, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, giáo phận Đà Nẵng nâng nhà nguyện Phước Kiều lên hàng Đền Thánh. Từ đó, hàng năm đến ngày 26 tháng 7, ngày giỗ của Á Thánh, toàn thể giáo phận lại quy tụ cử hành Đại lễ long trọng.
Số giáo dân năm 2010 của Phước Kiều ghi danh là 130 người, thuộc 41 hộ, nhưng hiện diện khoảng 114. Gò Nổi có 107 nhân danh, 42 hộ, hiện diện thường xuyên 90. Trình độ học vấn Đại học và cao đẳng cả hai nơi là 18 người.
Sau khi nghe Cha Phaolô giới thiệu, nhất là có sự hiện diện của Thánh Tích Anrê đang được đặt trang nghiêm trên cung thánh, các bạn đã hết sức háo sức để kính viếng và cầu nguyện cùng Thánh Tích.
Sau đó đoàn lên đường tiến về Hội An, cái hoạt động truyền giáo đầu tiên trên dải đất hình chữ S này, và ngày nay một điểm mà khách quốc tế khi đến Việt Nam không thể bỏ qua.
Phước Kiều đang chuẩn bị chào đón Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, viếng thăm vào ngày 23/01 đến
Đoàn được Cha Phaolô Trần Ngọc Hoàng, Quản nhiệm Đền Thánh Anrê Phước Kiều vui vẻ chia sẻ về vùng đất Phước Kiều, về Chân Phước Anrê Phú Yên… về đóng góp rất quan trọng: nơi đây là chiếc nôi của chữ quốc ngữ
Đước giới thiệu về Thánh Tích của Chân Phước Anrê Phú Yên, các bạn đã vây quanh vừa chiêm ngắm và cầu nguyện với ngài
Ngôi Thánh Đường tuy chật hẹp, nhưng đoàn cũng quyết có một tấm hình lưu niệm chung với nhau
Và đây là cận cảnh Thánh Tích Chân Phước Anrê Phú Yên
Còn tiếp… V. Giáo Xứ Hội An
Bài và ảnh: Văn Thơm
BTT GX CT ĐN