Ngày 24/4 Đức Thánh Cha đã tuyên phong chân phước Margherita di Castello, một nữ giáo dân Dòng Ba Đa Minh người Ý bị mù và khuyết tật, sống vào thế kỷ XIV, lên hàng hiển thánh, theo quy trình được gọi là phong thánh “tương đương”, nghĩa là không cần phép lạ để một chân phước được tuyên phong hiển thánh.
Trong cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Thánh Cha đã cho phép mở rộng việc cử hành phụng vụ kính nhớ chân phước Margherita di Città di Castello trong Giáo hội hoàn vũ và ghi tên ngài vào danh sách các thánh.
Thánh Margherita di Città di Castello
Margherita sinh khoảng năm 1287 tại Metola, gần Urbino, bị mù bẩm sinh và bị cong cột sống nặng, do đó phải sống một cuộc sống khổ cực, giam mình trong một căn phòng để tránh khỏi ánh mắt người đời. Năm 1303, cha mẹ Margherita đã bỏ rơi cô tại một đền thánh ở Città di Castello. Người dân địa phương đã tìm thấy cô và một gia đình đã nhận chăm sóc cho cô.
Sau đó Margherita tiếp xúc với Dòng Đa Minh, mới được thành lập, và được nhận vào Dòng Ba Đa Minh. Cô được nhận tu phục Dòng Ba Đa Minh và mang nó suốt cuộc đời còn lại của mình.
Để cảm ơn những người hàng xóm đã nuôi nấng mình, Margherita đã mở một ngôi trường nhỏ, nơi cô dạy các em những Thánh vịnh mà cô đã học thuộc lòng, và dạy dỗ các em trong đức tin Công giáo.
Margherita qua đời vào năm 1320 khi 33 tuổi, và được chôn cất bên trong nhà thờ. Sau đó nhiều dấu lạ, phép lạ và chữa lành đặc biệt cũng như những hiện tượng thần bí khác được tin là nhờ lời chuyển cầu của cô.
Hy vọng mạnh mễ trong mọi hoàn cảnh thiệt thòi và đau khổ
Năm 1609 Đức Giáo hoàng Phaolô V đã tuyên phong Margherita lên hàng chân phước theo tiến trình phong chân phước “tương đương”.
Để được phong chân phước hay phong thánh “tương đương”, những vị được phong phải đáp ứng ba tiêu chuẩn. Họ đã được tôn kính từ rất lâu. Họ có danh tiếng vững chắc và lâu dài về nhân đức. Và trong suốt thời gian dài, họ được tin là người chuyển cầu của những phép lạ.
Thánh nữ Margherita là một ví dụ về một phụ nữ của Tin Mừng, người đã có được kinh nghiệm sâu sắc về cuộc sống kết hợp với Chúa. Bệnh tật không ngăn cản ngài sống một tình mẫu tử thiêng liêng đặc biệt. Ngày nay tấm gương của ngài thậm chí còn nhắc nhớ tầm quan trọng của việc chăm sóc người khác. Hơn nữa, đó là một lời kêu gọi hy vọng mạnh mẽ cho mọi hoàn cảnh thiệt thòi và đau khổ. (CSR_2959_2021)
Nguồn: Hồng Thủy – Vatican News