Năm 2022, Giáo hội mời gọi chúng ta hướng đến một “Hội thánh hiệp hành”. Trên tinh thần đó, 16h Thứ Sáu tuần Thánh (15/4/2022), cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Chính Toà Đà Nẵng đã tề tựu đông đủ trước tiền đường nhà thờ, để cùng nhau chiêm ngắm 14 chặng Đàng Thánh Giá.
Sau khi kết thúc Kinh Chúa Thánh Thần, đoàn rước từ toà Giám mục tiến ra lễ đài. Hội đồng mục vụ Giáo xứ cùng đồng hành với Chúa trên con đường Thập Giá của ba chặng đầu tiên.
Tới chặng thứ ba, khi Chúa chúng ta ngã xuống đất lần thứ nhất, trái tim mỗi người tham dự hẳn là nhói lên một chút. Ở chặng thứ tư, hoạt cảnh thay đổi, Đức Mẹ xuất hiện, nắm đỡ bàn tay Chúa. Từ chặng này, Giới người cha trong màu áo tím, đồng hành với Thập Giá Chúa trong bốn chặng tiếp theo.
Tới chặng thứ bảy, Chúa ngã xuống lần thứ hai, bên dưới cộng đoàn có một vài người khẽ lau nước mắt, ai cũng xót xa khi Chúa chúng ta vô tội nhưng chịu bao đớn đau, tủi nhục. Chặng thứ tám, Giới người mẹ trong trang phục áo dài tím, vác đỡ Thánh Giá Chúa trong ba chặng tiếp theo. Khi Chúa ngã xuống đất lần thứ ba ở chặng thứ chín, mọi cảm xúc như vỡ oà- chúng ta khóc cho Chúa, và khóc cho chính mình- cho nỗi đau của những kẻ tội đồ đang tận mắt nhìn Thầy mình chết thay để đền tội cho mình.
Chặng thứ mười một, khi Chúa Giesu bị đóng đinh trên Thập Giá, Giới trẻ với màu áo xanh đồng hành cùng Thập Giá Chúa trong bốn chặng sau cuối. Có lẽ, đó là màu xanh của hi vọng- hi vọng vào sự hối cải của mỗi chúng ta, sự nhân từ của Chúa. Khi tháo đanh Chúa Giesu xuống mà phó cho Mẹ Người ở chặng thứ mười ba, Đức Mẹ ngồi đó, ôm con mình trong lòng- ánh mắt của các Cha, các Seur “nhí” khi phủ phục quanh Chúa, như thương cảm cùng nỗi đau của Mẹ. Phía dưới cộng đoàn, có hai chàng trai trẻ đi theo chúng ta qua các chặng đường Thánh Giá, họ cảm thán với nhau rằng: “Người Công Giáo họ tin Chúa ghê”. Hi vọng rằng, ngọn lửa Đức tin của mỗi chúng ta, sẽ khơi dậy ngọn nến niềm tin cho những người bạn không cùng tôn giáo.
Đàng Thánh Giá kết thúc, đoàn rước tiến về Toà Giám Mục để chuẩn bị cho Nghi thức Tưởng niệm cuộc thương khó Chúa.
17h- đoàn rước tiến vào lễ đài. Đức Cha Giuse phủ phục trước bàn thờ, bên cạnh là Cha Quản xứ và Cha Phụ tá Giáo xứ Chính Toà.
Kế tiếp là phần Phụng vụ Lời Chúa gồm: Bài đọc 1 nói về Người Tôi Trung của Chúa, Bài đọc 2 nói về Đức Kitô thượng tế chịu đau khổ, và Bài Thương khó theo Tin Mừng của Thánh Gioan.
Trong bài giảng của mình, Đức Cha Giuse gọi ngày hôm nay- Thứ Sáu Tuần Thánh- là ngày tột đỉnh của tình yêu. “Sự tự hạ và suy tôn là điều căn bản để hiểu thấu Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giesu”. Tuyệt đỉnh của sự tự hiến của Chúa Giesu là khổ hình Thập Giá để cứu độ chúng ta, và ngược lại, chính mỗi chúng ta cũng phải vác Thánh Giá theo chân Chúa, để chung chia vào công cuộc cứu độ chính mình. Nhà văn Montalenebat viết trong cuốn “Các đan sỹ Phơng Tây” miêu tả lời than của cây gỗ Thánh Giá rất cảm động như sau: “Từ năm xửa năm xưa, lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ nữa, lúc đó tôi mọc ở khu rừng, họ đã hạ tôi xuống đất, cưa chặt và mang tôi đi. Những kẻ thù thô lỗ đã chiếm lấy tôi để thành một trò hề. Họ đem tôi lên một ngọn núi và chôn tôi xuống đất. Ở đó tôi thấy Chúa tể loài người trong uy quyền đi tới trèo lên tôi. Để khỏi bất tuân với người tôi không dám gẫy cũng không dám cong, tôi cảm thấy đất run rẩy dưới chân tôi. Tôi cũng run khi thấy vị anh hùng ôm lên lấy tôi, nhưng tôi không dám cúi mình xuống, cũng không dám lún sâu xuống đất. Dù sao tôi cũng phải đứng thẳng và vươn lên để dương cao trên dân chúng Đấng là vua cao cả, là Chúa trời đất. Họ xuyên thủng tôi bằng những cái đinh màu xám, những vết thương còn biểu hiện trên mình tôi ngày nay. Cả Ngài lẫn tôi đều bị chửi rủa. Máu từ cạnh sườn Ngài loang đổ trên mình tôi. Mặt trời tối sẫm, cả vũ trụ than khóc vua họ bị ngã xuống.” Tới cây giá gỗ vô tri còn đồng hoá mình với Chúa Giesu, góp phần vào ơn cứu chuộc của Chúa. Vậy thì chúng ta- những người tự xưng mình là con Thiên Chúa, liệu rằng chúng ta có dám đứng thẳng tuyên xưng Đức tin của mình- để mọi người biết rằng, Đấng chịu đóng đinh trên Thập Giá kia là Thầy, là Cha và là Chúa chúng ta?
Phụng vụ Lời Chúa kết thúc bằng mười lời cầu nguyện. Kế tiếp là phần Kính thờ Thánh Giá. Đức Cha và Quý Cha đồng tế tiến về tiền đường nhà thờ, rước Thánh Giá và giơ cao ba chặng để cộng đoàn cùng suy tôn.
Ở chặng cuối cùng, mảnh lụa tím được tháo xuống, sau khi Đức Cha và Quý Cha hôn kính, Thánh Giá được giơ cao để cộng đoàn cùng bái thờ. Vì tình hình dịch bệnh, nên năm nay, thay vì “hôn chân Chúa”, Thánh Giá sẽ được rước vào Nhà thờ để cộng đoàn có thể bái gối thờ lạy.
Sau Thánh Lễ, Thánh Giá được rước vào Nhà thờ. Xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxico trong giờ cầu nguyện và ban phép lành Mình Thánh Urbi et Orbi chiều 27/3 vừa qua để kết thúc bài viết:
“Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa.”
Bài viết: Nami Hương
Hình ảnh: Cao Thuyên
Truyền thông Chính Toà Đà Nẵng