Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường xã hội gia tăng do đại dịch, các Giám mục vùng Amazon lo ngại về các sáng kiến nhắm loại bỏ luật bảo vệ lãnh thổ.
Trong tuần vừa qua, Ủy ban Giám mục Đặc biệt cho Amazon của Hội đồng Giám mục Brazil và Mạng lưới Giáo hội Pan-Amazon, đã cho phổ biến tuyên bố của các Giám mục vùng Amazon tại buổi họp trực tuyến ngày 18 và 19/5, liên quan đến việc giải quyết vấn đề người dân Brazil trước những mối đe dọa đối với ngôi nhà chung và trên hết là quần thể sinh vật Amazon. Các Giám mục viết: “Chúng tôi nhận ra rằng cuộc khủng hoảng môi trường-xã hội, điều đã bị tố cáo vào năm 2019 trong Thượng hội đồng Giám mục, đã gia tăng trong thời đại dịch. Chúng tôi lo ngại về chuỗi các sáng kiến nhằm phá bỏ và làm suy yếu luật về môi trường xã hội và lãnh thổ”.
Trong bản văn, các Giám mục khẳng định cảm thấy “xúc động trước tình trạng dễ bị tổn thương và những mối đe dọa mà ngôi nhà chung phải gánh chịu. Và nó trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 và sự gia tăng các tranh chấp lãnh thổ, với việc mở rộng các hoạt động khai thác và kinh doanh nông sản ở những vùng đất của các dân tộc truyền thống”.
Các Giám mục tái khẳng định “sự tham gia hiệu quả với Hiệp ước vì sự sống và vì Brazil”, kêu gọi vắc-xin cho tất cả mọi người, bảo vệ hệ thống y tế công cộng, các chính sách cho tình trạng kinh tế khẩn cấp. Ngoài ra, các vị mục tử còn yêu cầu “làm cho Hiệp ước toàn cầu về giáo dục do Đức Thánh Cha đề xuất trở nên sống động ở tất cả các vùng của Amazon. Chúng tôi yêu cầu tất cả các cơ quan Giáo hội và toàn xã hội cùng tham gia vào cam kết này. Sau khi phát hiện ra cách tiếp cận năng động mới dành cho các cộng đồng trong thời gian xã hội bị phong tỏa, chúng tôi cũng muốn sử dụng các nguồn lực này để đạt được tất cả các mối quan tâm, hy vọng và dấn thân của chúng tôi”.
Lá thư cũng kêu gọi giáo dân “đừng nản lòng trước những nỗ lực, hãy liên tục canh tân ý thức về sự hiệp thông trong Giáo hội, để sự say mê của họ đối với Nước Thiên Chúa luôn được nuôi dưỡng và sự nhạy cảm của họ đối với những người nghèo khổ không bao giờ ngừng”
Nguồn: Ngọc Yến – Vatican News