Trước việc Quốc hội bật đèn xanh cho dự luật đạo đức sinh học, liên quan đến việc mở rộng hỗ trợ sinh sản (PMA), Hội đồng Giám mục Pháp lo ngại và mời gọi các tín hữu ý thức về hậu quả luân lý đạo đức trước khi đưa ra lựa chọn.
Sau nhiều năm tranh luận với quá trình lập pháp kéo dài, hôm 29/6, dự luật đạo đức sinh học mở rộng hỗ trợ sinh sản (PMA) – cho đến nay chỉ dành cho các cặp vợ chồng bị vô sinh – nay cho cả các cặp kết hôn là hai phụ nữ và phụ nữ độc thân, đã được Quốc hội thông qua với 326 phiếu thuận, 115 phiếu chống và 42 phiếu trắng.
Phản ứng trước việc luật được thông qua, trong một thông cáo báo chí được công bố hôm thứ Tư 30/6, Đức Tổng Giám mục Éric de Moulins-Beaufort của Tổng Giáo phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp nhận xét rằng, cuộc bỏ phiếu này là một “thất bại làm tổn hại đến nền dân chủ của chúng ta”. Ngài hy vọng có một lệnh tạm hoãn để có thời gian cho việc suy tư chung, lắng nghe và cân nhắc ý kiến của mỗi người. Nhờ đó có thể nảy sinh “một tư tưởng chung về phẩm giá con người, điều không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, gắn kết chúng ta với nhau. Bởi vì chúng ta biết rằng người nhỏ nhất cũng là người lớn nhất, tất cả đều có cùng phẩm giá vì tất cả đều là con người”.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục nhấn mạnh rằng nội dung của luật hạ thấp phẩm giá con người. Ngài khẳng định không có sự đồng thuận rộng rãi như mong muốn của tổng thống. Ngược lại, “chúng ta thấy một ý thức hệ chiến thắng bất chấp nhiều cảnh báo – đôi khi từ những lẽ thường đơn giản – được người dân bày tỏ”.
Đức Tổng Giám mục tái khẳng định: “Việc thỏa mãn một nhu cầu – ngay cả một nhu cầu chính đáng – nguyên tắc bình đẳng, nhu cầu nghiên cứu khoa học, nỗi sợ khuyết tật không thể biện minh cho việc coi con người như một đồ dùng có thể bị thao túng và đào thải. Nếu luật khẳng định một quyền, không có nghĩa là quyền này là đúng. Khung luật mới này phá vỡ các rào cản đạo đức mới và do đó hơn bao giờ hết, khôi phục cho mọi người trách nhiệm cá nhân của chính họ”.
Hướng về các tín hữu, Chủ tịch Hội đồng Giám mục khuyên mọi người, hơn bao giờ hết, điều quan trọng là mỗi người phải tìm ra phương tiện cảnh giác và phân định cá nhân để đưa ra lựa chọn với nhận thức đầy đủ về hậu quả đạo đức luân lý, những lựa chọn có trách nhiệm.
Ngoài việc mở rộng hỗ trợ sinh sản, luật đạo đức sinh học còn có một cải cách tế nhị về nguồn gốc và khả năng tiếp cận nguồn gốc, và giải quyết một loạt các vấn đề phức tạp như quá trình tự bảo quản tế bào trứng hoặc nghiên cứu về tế bào gốc phôi.
Nguồn: Ngọc Yến – Vatican News