PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)

Suy gẫm: “Bespoke” là một trào lưu đang bùng nổ trong xu thế hiện nay. Trong một thế giới mà hàng hoá giá cả rẻ rề tràn ngập thị trường vì được sản xuất hàng loạt, thì những người thuộc giới tinh hoa thượng lưu muốn thể hiện đẳng cấp của mình lại chuộng những sản phẩm “bespoke” nghĩa là được tinh chỉnh theo kích thước, ý muốn riêng của chủ nhân. Những bộ áo, chiếc xe, đồng hồ,… có giá trị khủng so với những sản phẩm cùng loại, không chỉ vì chất liệu sang trọng, kiểu dáng tinh tế mà còn vì nó là độc nhất vô nhị, được thiết kế riêng cho người sở hữu nó mà thôi.

“Điều răn mới” mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là một “sản phẩm bestoke” như thế! Làm người ai mà chẳng một lần trong đời yêu một ai đó, yêu một cái gì đó. Nhưng tình yêu đó lắm khi bị biến chất, xuống cấp, nhàm chán, tầm thường. Điều răn của Chúa Giêsu không giống như đức từ bi hỷ xả mà Đức Phật dạy, cũng không phải lòng nhân ái của Khổng tử “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” hay chủ trương “kiêm ái” của Mặc Tử lấy “kiêm tương ái, giao tương lợi” làm nguyên lý sống. Giới răn yêu thương Chúa ban phải mang “kích thước” riêng của Chúa: yêu là phải “yêu như Chúa yêu”, nghĩa là yêu đến mức thí mạng sống mình vì người mình yêu.      

An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 25

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Các giấc mơ và các thị kiến (tiếp theo)

“Có lẽ các bậc cha mẹ của chúng ta đã gìn giữ một ký ức có thể giúp chúng ta hình dung giấc mơ mà các ông bà nội ngoại đã từng mơ về chúng ta. Tất cả chúng ta, ngay cả trước khi sinh ra, đã nhận lãnh – như phúc lành từ các ông bà cụ – một giấc mơ đong đầy tình yêu và hy vọng, giấc mơ về một đời sống tốt đẹp hơn. Nếu đó không phải là ông bà nội ngoại, thì chắc hẵn các vị ông bà cố tổ trước đó đã mơ giấc mơ hạnh phúc ấy khi các bị ngắm nhìn con cái hay cháu chắt mình nằm trong nôi. Giấc mơ đầu tiên là giấc mơ đầy sáng tạo của Thiên Chúa là Cha, nó đi trước và đồng hành với đời sống của tất cả con cái Ngài. Ký ức về phúc lành này, chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác, là một gia sản quý báu mà chúng ta phải giữ sống động để rồi chúng ta cũng có thể chuyển trao tiếp tục”.

(Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 194).


THÔNG BÁO

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

15/5/2022

1. Từ Thứ Hai 16/5 đến Thứ Bảy 21/5 giáo họ Anê Thành trực phụng vụ.

2. Thứ Năm 19/5 sau thánh lễ 17g15 có Giờ Chầu Thánh Thể do Giới Trẻ phụ trách.

3. Thứ Sáu 20/5 Thánh Bernadino Si-ê-na quan thầy của 05  anh em xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.

4. Thứ Bảy 21/5 vào lúc 17g15 lễ tôn vinh Mẹ tại Núi Đá do Giới Trẻ phụ trách.

5. Trong tuần Chúa Nhật V đến Chúa Nhật VI Phục Sinh xin cộng đoàn khi tham dự thánh lễ nộp lại phiếu đóng góp ý kiến cho tiến trình Hiệp Hành đã được phát cho các gia đình của giáo họ vào các thùng đặt trong nhà thờ.

6. Giáo xứ có tổ chức cho giáo dân đi hành hương Trà Kiệu ngày 31/5, ai muốn đi xin đăng ký với anh Ngọc trật tự từ ngày Thứ Hai 23/5 vào lúc 16g – 18g trước phòng Bác Ái Vinh Sơn.

7. Đại hội hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu sẽ được tổ chức từ ngày 30 đến ngày 31/5/2022.Chương trình tổng quát như sau:

– Thứ Hai 30/5 tại quảng trường TTTM Trà Kiệu

– 17g00: Khai mạc

– 20g00: Kiệu và Chầu Thánh Thể

– Thứ Ba 31/5:

– 04g45: Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ

– Buổi sáng: Chầu Thánh Thể tại nhà thờ Núi và bí tích Hòa giải

– 14g00: Cung nghinh và Kiệu Đức Mẹ từ nhà thờ giáo xứ – Thánh lễ bế mạc tại quảng trường TTTM.

8. Trong tinh thần chuẩn bị cho lễ bổn mạng Đa Minh Xaviô sắp tới Ban Lễ Sinh giáo xứ mời gọi các thiếu niên nam tuổi từ 8 đến 12 muốn tham gia vào Ban Lễ Sinh, xin liên hệ với quý cha Quản Xứ và Phó Xứ từ nay cho đến hết Tháng Năm. Xin quý phụ huynh và các em thiếu niên quan tâm.


GƯƠNG THÁNH NHÂN

THÁNH BERNAĐINÔ THÀNH SIÊNA,

LINH MỤC, NGÀY 20/5

ĐỜI SỐNG CỦA THÁNH BERNAĐINÔ SIÊNA

Thánh Bernađinô Siêna sinh ngày 7 tháng 9 năm 1380. Ngài mồ côi mẹ lúc lên ba tuổi và mồ côi cha lúc sáu tuổi đời. Thánh nhân đã sống tuổi nhỏ, tuổi ấu thơ nhờ bà dì ruột có lòng đạo đức, thương người. Ngài được bà dì nuôi nấng, dạy dỗ, săn sóc chu đáo. Thánh nhân đã được Chúa ban cho một tấm lòng giàu tình thương, một đức ái tuyệt diệu, một con tim mở rộng và đầy nhân ái. Thánh nhân có lòng yêu thương, giúp đỡ người nghèo. Ngài tự nguyện phục vụ các bệnh nhân tại bệnh viện Đức Bà Scala ở Siêna. Với tinh thần xả kỷ, lòng thương xót vô bờ, thánh nhân đã đem lại cho nhiều người đau ốm, bệnh hoạn được niềm an ủi, vỗ về. Với một tấm lòng hy sinh, đại độ, một con tim quảng đại, thánh nhân đã được Chúa tuyển chọn.

NHẬN RA TIẾNG CHÚA

Ngày 8 tháng 9 năm 1402, thánh nhân đã nhận ra tiếng Chúa, Ngài mạnh dạn, can đảm bán tất cả của cải mình có, phân chia cho người nghèo và xin gia nhập dòng anh em hèn mọn Phanxicô. Với một tấm lòng thiết tha dâng hiến cho Chúa, thánh nhân đã được Chúa cho hạnh phúc: “Ta sẽ chăn dắt  đoàn chiên của Ta và cho chúng nằm nghỉ” (Ed 34,15 ). Thánh nhân đã được lãnh nhận sứ vụ linh mục sau đó và được các bề trên sai đi rao giảng,  loan báo Tin Mừng. Thánh nhân hiểu sức của mình và khả năng có  hạn,   nhưng Ngài luôn đặt tin tưởng, phó thác vào Chúa và Ngài đã lướt thắng tất cả, lướt thắng bản thân, lướt thắng khó khăn, để chỉ một lòng phục vụ nước Chúa và tha nhân.Với lòng nhiệt thành, lời rao giảng đầy lửa Thánh Thần, Ngài đã rảo qua nhiều tỉnh, nhiều miền và thu hút biết bao người trở về với Chúa. Thánh nhân đã khôi phục được đời sống đạo đức và thuần phong mỹ tục đang trên đà xuống dốc. Thánh nhân luôn hăng say, nhiệt thành với sứ mạng Giáo Hội và nhà Dòng trao phó cho tới khi Ngài bị ngã bệnh nặng. Năm 1444, thánh nhân trước khi nhắm mắt, ra đi, trở về với Chúa, đã xin lãnh nhận các bí tích cuối cùng và trút hơi thở êm ái, thanh thản tại Aquila, hưởng thọ 66 tuổi,đúng vào ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT 


CHIA SẺ

Ba nhân đức chúng ta có thể học được khi lần chuỗi mân côi

Kinh mân côi có thể dạy cho chúng ta nhân đức khiêm nhường, vâng phục và tách biệt. 

Nếu Kinh Mân Côi cơ bản là một phương pháp cầu nguyện để đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa, thì kinh này cũng có thể được định nghĩa như một “nhà giảng thuyết”, dạy cho chúng ta các nhân đức cần phải noi theo. 

Cha John Proctor, trong cuốn sách Hướng dẫn về Kinh Mân Côi dành cho các Linh mục và giáo dân, giải thích rằng Kinh Mân Côi “vừa là một nhà giảng thuyết vừa là thầy dạy. Với tư cách là người thầy, Kinh Mân Côi dạy cho chúng ta biết những điều phải tin; và với tư cách là nhà giảng thuyết, Kinh Mân Côi nói cho chúng ta biết điều phải làm… Dẫn con người đến sự hiểu biết về cuộc đời của Chúa Kitô, bước theo Ngài, thực hành các nhân đức của Ngài, và bắt chước cuộc sống của Ngài giữa loài người”. 

Kinh Mân Côi dạy chúng ta nhân đức không chỉ qua việc chiêm ngắm cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô, mà còn qua việc chiêm ngắm cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria. Kinh Mân Côi tỏ bày cho chúng ta về Đức Maria như là mẫu gương của mọi nhân đức nhằm khích lệ chúng ta”. 

Cha Proctor còn đưa ra ba nhân đức mà tất cả mọi người chúng ta học được khi lần Chuỗi Mân Côi. 

1. Khiêm nhường 

Qua các mầu nhiệm Mân Côi, sự khiêm nhường được lan tỏa và thấm nhuần mọi giai đoạn. 

“Khiêm nhường là nền tảng của tòa nhà thiêng liêng của chúng ta, không có nó, tòa nhà giống như một ngôi đền điên rồ, sẽ bị sụp đổ. Sự khiêm nhường được tìm thấy trong mọi giai đoạn.” 

Việc nhập thể là mầu nhiệm của sự khiêm hạ thẳm sâu – Đấng Tối Cao trở nên thấp hèn, Đấng Vĩ Đại nhất trở nên nhỏ nhất, Đấng thấu suốt mọi sự thành một Trẻ thơ, Thiên Chúa toàn năng trở thành một đứa trẻ yếu đuối… Nơi các mầu nhiệm sự Thương tất cả đều nói về sự khiêm nhường – từ Vườn Dầu cho đến đồi Canvê, một hành động kéo dài và không gián đoạn của sự hạ mình và sỉ nhục sâu thẳm nhất. Ngay cả trong những chiến thắng, nơi các sự Vui, chúng ta vẫn suy niệm về việc suy tôn Đấng khiêm nhường. Đức Maria cũng đã mạc khải cho chúng ta biết Mẹ như là người nữ tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa. 

2. Vâng phục 

Một nhân đức mà chúng ta thường khó học tập đó là vâng phục, và điều này cũng được thể hiện qua Kinh Mân Côi. 

“Vâng phục là anh chị em song sinh của Khiêm nhường, cùng sinh ra từ một người mẹ, lớn lên cùng với khiêm nhường, gia tăng hay mất sức mạnh cùng với khiêm nhường, chết hoặc sống với khiêm nhường – vâng phục là vì các mầu nhiệm Kinh Mân Côi tựa sợi chỉ dệt nên tấm vải. Tại sao Chúa chúng ta đã đến thế gian? Là để thi hành thánh ý của Cha. “Không theo ý Con, nhưng theo ý Cha” là phương châm của cuộc sống Con Thiên Chúa trên trần gian.” 

3. Tách biệt 

Một nhân đức khác được nhấn mạnh khi đọc Kinh Mân Côi đó là sự tách biệt, nghĩa là không dính líu vào những điều trần tục. 

“Tách biệt và nghèo nàn về tinh thần. Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”, nhưng trước khi rao giảng bằng lời Ngài đã rao giảng bằng chính cuộc sống của mình. Chuồng bò, người mẹ nghèo, người thợ mộc với tư cách là người cha chính thức, chỗ trọ nghèo nàn, các môn đệ là những người bình dân, trần truồng trên Thánh giá, được chôn cất trong ngôi mộ mượn tạm. Chắc chắn tất cả những điều này, vốn đã chiếm lấy được con tim của thánh Phanxicô, được định nghĩa như hôn ước và lòng trung thành với người “Mẹ nghèo khó”.”

Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Giuse Võ Tá Hoàng
Từ: 
it.aleteia.org


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.

(Mt 6 :19-20)