PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN


PHÚC THẬT

Đức Giêsu nói: “Phúc cho anh em… vì này đây, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6,22-23)

Suy gẫm: Đời xưa có kể chuyện “Tái ông mất ngựa”, hàng xóm chia buồn với ông, nhưng ông cho rằng biết đâu mất ngựa lại là điều tốt. Khi ngựa ấy quay về dẫn theo một con ngựa khác, ai nấy đều chúc mừng, nhưng ông không cho đó là điều may. Con trai ông thích quá cưỡi ngựa, ngã gãy chân, ông không cho đó là bất hạnh. Thế rồi đất nước bỗng xảy ra chiến tranh, con trai ông vì tàn tật, không phải đi lính, nhờ thế giữ được tính mạng. Từ đó có câu “Tái ông thất mã, an tri hoạ phúc,” nghĩa là “Tái ông mất ngựa, biết đâu hoạ phúc.” Quả vậy, có những điều tưởng là phúc, nhưng thực ra lại là cớ gây hoạ; ngược lại, có những điều tưởng là hoạ, nhưng về lâu về dài lại mang lại phúc. Có những điều tưởng là hoạ phúc chỉ là nhỏ nhoi và tạm thời; bảo toàn được mạng sống mới là hạnh phúc lớn nhất và đích thực.

Chúa Giêsu đã chẳng nói: “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì” hay sao (x. Mt 16,26)? Hoạ hay phúc ở đời này không phải là tuyệt đối. Điều quan trọng là chúng có đem lại cho chúng ta “phần thưởng lớn lao” là hạnh phúc vĩnh cửu trên trời hay không. Lời khuyên của Chúa có vẻ xa xôi nhưng lại thiết thực: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).  

GIÁO HUẤN SỐ 12
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Những nhà thừa sai can đảm


“Được đổ đầy tình yêu của Đức Kitô, người trẻ được mời gọi làm chứng nhân Tin Mừng bất cứ nơi đâu mà họ có mặt, bằng chính cách sống của mình. Thánh Alberto Hurtado có lần nói rằng “trở thành một tông đồ không có nghĩa là đính một huy hiệu trên ve áo; nó không phải là thuyết lý về sự thật nhưng là sống nó, là hiện thân của nó, là được biến đổi trong Đức Kitô. Trở thành một tông đồ không có nghĩa là cầm một bó đuốc trên tay, không sở hữu ánh sáng, nhưng chính là ánh sáng… Tin Mừng không chỉ là một bài học, mà là một mẫu gương. Một thông điệp trở thành một đời sống được sống hết mình”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 175).

THÔNG BÁO


1. Thứ Năm 17/02/2022 sau Thánh lễ 17g00 có giờ Chầu Thánh Thể do Giới Người Mẹ phụ trách. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.

2. Ban Giáo lý Hôn nhân của Hạt Đà Nẵng thông báo: Lớp Giáo lý hôn nhân của Hạt Đà Nẵng sẽ khai giảng lúc 19g30 tối thứ Hai ngày 14/02/2022 tại Giáo xứ Thanh Đức. Xin đăng ký tại Giáo xứ Thanh Đức.

HẠNH CÁC THÁNH


Thánh Xy-ri-lô (đan sĩ) và Thánh Mê-tô-đi-ô (Giám mục)
Ngày 14/2

Thánh Xy-ri-lô và thánh Mê-tô-đi-ô là hai anh em ruột được sinh ra trong một gia đình giàu sang, quý phái, đã có công đem ánh sáng Tin Mừng cho dân tộc Slaves. Hai thánh được cha mẹ nuôi dưỡng ở thành phố Byzance. Các Ngài lớn lên trong sự giáo dục cẩn thận của cha mẹ của các Ngài cả mặt học vấn, lẫn tu đức. Các Ngài đã sớm chứng tỏ là những người thuộc trọn về Thiên Chúa để loan báo Tin Mừng cho người dân Slaves. Hai vị thánh đã minh chứng một đời sống đạo đức, tinh thần phục vụ vô vị lợi, lòng quảng đại sâu xa. Thánh Xy-ri-lô được triều đình Constantinô rất nể vì, kính trọng vì trí thông minh, học thức uyên bác và nhân đức tuyệt vời của Ngài. Thánh nhân  có khiếu dạy triết học, Ngài đã dạy triết lý cho nhiều trường đại học, giữ chức vụ ngoại giao ở Ả Rập. Ngài tỏ ra là một nhà ngoại giao tài giỏi và bén nhạy. Tương lai, danh vọng đang rực sáng, nhưng thánh nhân đã vứt bỏ tất cả để hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa. Còn thánh Mê-tô-đi-ô lại có một sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai và hết sức kiên trì khôn ngoan. Cả hai vị thánh đều được vua Michel III sai đến Moravie. Năm 863, hai vị thánh anh em đã đưa cả dân tộc Moravie về với đức tin công giáo và nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Tiếng tăm của các Ngài vang tới nước Ý vì tinh thần truyền giáo, lòng quảng đại, xả kỷ, hy sinh của các Ngài.

Vì danh tiếng của các Ngài tỏa sáng tới tận nước Ý. Do đó, vào năm 868, các Ngài được Đức Giáo Hoàng Nicôlao I cho triệu về Roma và nơi đây các Ngài được Đức Tân Giáo Hoàng Adrien phong chức giám mục. Năm 869, thánh Xy-ri-lô được Chúa rước về tại Roma. Còn thánh Mê-tô-đi-ô trở về Moravie và Ngài đã đưa dân Bohêmes, Pannoniens, Bulgaries về với Giáo Hội công giáo. Thánh nhân cũng loan báo Tin mừng tại Balan. Sau khi thánh nhân lập tòa giám mục tại Léopol, Ngài được sai đến Moscou và thành lập giáo phận tại Kiev. Năm 885, thánh Mê-tô-đi-ô trở về Moravie và an giấc thanh thản, bình an sau khi đã đem được rất nhiều linh hồn về với Chúa.

Thánh Xy-ri-lô và thánh Mê-tô-đi-ô được Đức Giáo Hoàng Lêo XIII truyền tôn vinh trên khắp thế giới. Dân tộc Slaves đã mừng lễ hai thánh ngay từ năm 1880.

Lạy Chúa, Chúa đã dùng hai anh em thánh Xy-ri-lô và thánh Mê-tô-đi-ô, để đưa các dân tộc slaves tới ánh sáng Tin Mừng. Xin mở lòng chúng con đón nhận lời Chúa dạy và biến đổi chúng con thành dân riêng của Chúa luôn đồng tâm nhất trí với nhau, để sống đức tin chân thật và thẳng thắn tuyên xưng.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHIA SẺ


6 lý do người Công giáo nên đọc Thánh Kinh

Chỉ cần một trong sáu lý do này là đủ để thay đổi thói quen của chúng ta.

Một giảng viên giáo lý của tôi khăng khăng rằng, khi chúng ta bắt đầu học Tin mừng, chúng ta ngồi xuống và đào sâu từng sách Tin mừng. Đó là một đòi hỏi nghiêm túc nhưng hợp lý. Theo ý cô ta, các trình thuật Thánh Kinh sẽ chảy tràn trên chúng ta, cho phép chúng ta khám phá thêm sự phong phú trong việc noi theo và bắt chước cuộc đời của Chúa Giêsu như các thánh sử đã thuật lại.

Vấn đề chính ở chỗ, với tư cách là người công giáo chúng ta cần phải lao mình vào Thánh Kinh. Thánh Kinh là nền tảng tuyệt đối cho đức tin của chúng ta. Đức Giáo hoàng Phanxicô diễn tả ý niệm này khi nói: 

“Mối tương quan giữa Đấng Sống lại, cộng đoàn các tín hữu và Thánh Kinh là vô cùng quan trọng đối với căn tính của chúng ta. Không có Chúa, Đấng khai tâm cho chúng ta thì chúng ta không thể hiểu được Thánh Kinh cách sâu sắc; cũng vậy, không có Thánh Kinh, các biến cố về sứ vụ của Chúa Giêsu và của Giáo hội trên thế giới vẫn không thể hiểu được”

Những kinh nguyện truyền thống của chúng ta, chẳng hạn như Kinh Mân Côi, sử dụng những bản văn từ Thánh Kinh. Nhiều người đạo đức đưa ra những bài suy niệm hằng ngày dựa trên Lời Chúa. Các bài đọc mà chúng ta nghe, thường xuyên được công bố trong Thánh lễ cho chúng ta thấy được sự phong phú của Thánh Kinh. Tuy nhiên, không điều gì trong số các điều này có thể sánh bằng việc mở sách Phúc âm và đắm mình trong đó. Đây là một bài tập mà cá nhân tôi rất thích và tôi cũng đã trao lại cho các học sinh của tôi tại trường Chúa Quan Phòng trong nhiều năm qua. 

1. Thánh Kinh là Lời Chúa đang nói với chúng ta 

Người công giáo tin rằng Thánh Kinh vừa là Lời bất khả ngộ, vừa được Thiên Chúa gợi hứng. Tất cả những chân lý cần thiết mà Thiên Chúa muốn truyền đạt để đem lại ơn cứu rỗi cho chúng ta đều có trong Thánh Kinh. 

Công đồng Vatican II dạy: “Vì phải xem mọi lời các tác giả được linh ứng viết ra, tức các thánh sử, là những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta” (Dei Verbum, 11). 

Vì Lời Chúa nói là sự thật, nên chúng ta có thể tin tưởng vào những gì có trong Thánh Kinh. Thánh Kinh là mạc khải của Thiên Chúa và là mạc khải về chính Ngài. Khi đọc Thánh Kinh chúng ta có thể đạt được sự nhận biết về Thiên Chúa tốt hơn. 

(còn tiếp)
Tác giả: Patrick Briscoe
chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng

Từ: it.aleteia.org (19.1.2021)

MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN


THIÊN CHÚA CÓ NÓI VỚI CHÚNG TA?

Một thanh niên đã nghiên cứu Kinh thánh vào một đêm thứ Tư. Vị linh mục chia sẻ việc lắng nghe và vâng lời Chúa. Người thanh niên thắc mắc: “Chúa có nghe con người nói không?”. Sau thánh lễ, anh đi uống cà-phê với mấy người bạn và nói về chuyện vừa qua. Một số người nói Chúa dẫn dắt họ theo những cách khác nhau.

Chàng thanh niên lái xe về nhà khoảng 10 giờ. Ngồi trong xe, anh ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu Chúa bảo người ta nói với con thì con sẽ nghe, con cố gắng hết sức để lắng nghe”. Khi anh lái xe dọc đường về nhà, anh có những ý nghĩ rất kỳ lạ, anh dừng lại mua ít sữa. Anh lắc đầu và nói lớn: “Có phải Chúa không?”. Anh không nghe tiếng trả lời và tiếp tục lái xe về nhà. Anh đắn đo và dừng lại mua thêm sữa. Anh nghĩ đến cách Samuel nhận ra tiếng Chúa và chạy đến với Eli. “Vâng, nếu là ý Chúa, con sẽ mua sữa”. Hình như quá khó để thử thách vâng lời. Anh luôn có thể dùng sữa. Anh dừng lại mua sữa và và tiếp tục về nhà. Anh vẫn thấy lòng hối thúc quay trở lại chỗ cũ. Nửa đùa nửa thật, anh nói: “Chúa ơi, con sẽ quay lại”. Anh quay lại mà như mình không quay lại vậy. Trời tối, hình như mọi người đã đi ngủ. Anh nhìn căn nhà vắng tanh, anh cảm thấy điều gì đó: “Hãy đi giao sữa cho người trong nhà trên con đường đó”. Anh mở cửa và ngồi nhìn: “Chúa ơi, người ta đang ngủ. Nếu con làm người ta thức giấc thì người ta phát điên lên”. Rồi anh mở cửa, nếu bạn thích thì tôi… chiều. Nhưng cứ yên tâm. Người đàn ông đứng đó mặc áo thun quần jeans, nhìn như mới ngủ dậy. Nhìn thấy… ngại. Chàng thanh niên đưa chai sữa và nói: “Tôi tặng anh chai sữa nè”. Người đàn ông lấy sữa và chạy xuống dọc cầu thang. Người phụ nữ cầm sữa vào bếp. Người đàn ông theo sau đang bế con. Nó đang khóc. Người đàn ông vừa khóc vừa nói: “Chúng tôi vẫn cầu nguyện với Chúa. Chúng tôi không còn sữa cho con, tiền thuê nhà vẫn chưa trả. Tôi chỉ xin Chúa cho con tôi ít sữa”.

Người vợ từ trong bếp nói lớn: “Tôi xin Chúa sai thiên thần đem ít sữa đến. Anh là thiên thần hả?”. Người thanh niên sờ túi và rút ra ít tiền còn lại và đặt vào tay người chồng. Anh quay đi và khóc… Người đàn ông biết Chúa đã nghe lời mình cầu xin…

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

CHÂM NGÔN LỜI CHÚA


Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

(Mt 10:19-20)