PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – C
ĐỨNG THẲNG VÀ CẤT CAO ĐẦU
“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)
Suy gẫm: Briton Rivière, một hoạ sĩ người Anh thế kỷ 19, rất ưa thích vẽ các loài động vật, đã hoạ nên những bức tranh ấn tượng về câu chuyện tiên tri Daniel bị quăng vào hầm sư tử vì dám trái lệnh nhà vua để cầu nguyện củng Thiên Chúa. Những con sư tử trông gân guốc hung dữ nhưng lại sợ sệt lảng tránh xa hoặc cúi đầu ngoan ngoãn trước một Daniel trong tư thế “đứng thẳng và cất cao đầu”.
Mùa Vọng như điểm giao thừa giữa một bên là thế gian này đang tiến dần tới cùng tận và phía trước là Triều Đại Thiên Chúa mở ra với việc Chúa Kitô quang lâm. Khoảnh khắc chuyển dạ đau đớn ấy của thế giới là khoảnh khắc biến động với mọi thứ tai ương hoạn nạn khiến “người ta hoảng sợ đến hồn xiêu phách lạc.” Hình ảnh Daniel nói lên thế đứng của chúng ta trong cảnh giao thời ấy: bên này và đàng sau lưng là những thử thách đau thương, còn bên kia và bên trên là niềm hy vọng cứu thoát đã gần đến. “Đứng thẳng” nghĩa là trung thành, kiên vững để vượt qua những thách đố, đe doạ. “Ngẩng đầu lên” vì xác tín vào Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng tử thần: Ngài là nguồn trợ lực mạnh mẽ mà chúng ta có thể tin cậy.
An Vi
GIÁO HUẤN SỐ 1
Tông huấn ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Các nẻo đường huynh đệ
“Sự trưởng thành tâm linh của các con được diễn tả trước hết qua sự trưởng thành trong tình yêu xót thương, quảng đại và huynh đệ. Thánh Phaolô cầu nguyện: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” (1 Tx 3,12). Kỳ diệu biết bao cái kinh nghiệm “xuất thần ngây ngất” này khi đi ra khỏi chính mình và tìm kiếm điều thiện hảo cho người khác, ngay cả dù phải hiến mạng sống mình”.
(Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 163)
THÔNG BÁO
1. Chúa nhật I Mùa Vọng 28/11/2021, vào lúc 17g00, Đức Giám mục giáo phận sẽ cử hành lễ khai mạc hành trình hướng đến Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới năm 2023, giai đoạn tại giáo phận. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.
2. Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm thánh Anrê Trần Văn Trông tử đạo, bổn mạng của Giáo họ Anrê Trông. Thánh lễ mừng bổn mạng giáo họ được cử hành vào lúc 17g00 thứ Hai. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.
3. Thứ Ba 30/11 Lễ kính Thánh Anrê Tông đồ, Quan thầy của 51 anh em. Xin Công đoàn hiệp ý cầu nguyện.
4. Thứ Năm đầu tháng 01/12, sau Thánh lễ chiều 17g00 là giờ Chầu Thánh Thể do Đoàn Phan Sinh phụ trách.
5. Thứ Sáu 03/12. Lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, Quan Thầy của 137 anh em. Xin Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
THÁNH ANRÊ TRẦN VĂN TRÔNG
Binh lính (1808 – 1835)
NGÀY TỬ ĐẠO: 28 THÁNG 11
Mạ đừng lo lắng, con không mắc nợ ai một điều gì cả; mạ an tâm, can đảm theo Chúa, con hứa luôn cầu nguyện cho mạ.
Thánh Anrê Trần Văn Trông sinh năm 1814 trong một gia đình Công giáo ở Kim Long, Phú Xuân (Giáo phận Huế ngày nay). Cha mất sớm, là con trai duy nhất nên cậu Thông sớm thu xếp sách đèn về họ Thợ Đúc dệt tơ cho hoàng gia. Tuy nhiên, vì đồng lương ít ỏi không đủ sống, năm 20 tuổi, cậu Thông nhập ngũ và chuyên lo dệt lụa cho triều đình.
Theo lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng, tháng 11/1834, triều đình ra lệnh nhưng binh sĩ Công giáo phải ra trình diện. Không chút e dè, Anrê cùng 12 đồng đội cùng ở khu Thợ Đúc đến trình quan. Tất cả bị bắt và tống giam tại Trấn Phủ.
Quan yêu cầu các anh phải tuân lệnh vua bỏ đạo và đạp lên Thánh Giá. Cả 13 chiến sĩ Công giáo đều cương quyết khước từ. Quan bèn dùng biện pháp tra tấn khiến lần lượt 12 người bỏ cuộc, được tha về và tiếp tục phục vụ triều đình. Tuy nhiên, cậu Trông một lòng trung kiên, chấp nhận cái chết hơn là phản bội Thiên Chúa của mình.
Ngày 28/11/1835, bản án xử trảm được thông báo thi hành tại chợ An Hoà. Khi hay tin, vị chứng nhân đức tin giữ chay và cầu nguyện. Lúc biết tin, thân mẫu cậu Trông bước theo con mình đến pháp trường. Mẹ con nhìn nhau trong nước mắt chan chứa tin yêu hy vọng. Bà mẹ nói với con: “Này con, trong thời gian tù đày, con có nợ nần của ai sự gì, thì hãy tỏ cho mạ, để mạ thanh thoả, để con không còn vấn vương sự gì”. Vị anh hùng đức tin anh dũng đáp lời: “Mạ đừng lo lắng, con không mắc nợ ai một điều gì cả; mạ an tâm, can đảm theo Chúa, con hứa luôn cầu nguyện cho mạ”. Nói xong, cậu Thông lạy giã từ thân mẫu và tiến ra pháp trường.
Khi hay tin con bị đem đi xử tử, bà mẹ liền vội vã ra đón con ở đầu chợ, nơi con sắp đi qua. Gặp con, bà chỉ hỏi vắn tắt: “ Thời gian ở tù con có nợ nần ai chăng, nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả hộ”. Nghe con nói không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh thêm lời khích lệ.
Quan ra lệnh cho lý hình thi hành sau tiếng chiêng thứ ba, nhưng mới sau tiếng chiêng đầu tiên, lý hình đã hoàn thành bản án. Bà mẹ đến xin quan nhận xác con. Bà thật can đảm dùng chính vạt áo dài của mình để bao bọc thủ cấp đẫm máu người con yêu quý. Linh hài anh hùng tử đạo Trần Văn Trông được an táng trong lòng Nhà thờ Kim Long.
Người lính Anrê Trần Văn Trông được nâng lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
VƯỜN THƠ CẦU NGUYỆN
LỜI NGUYỆN MÙA VỌNG
Xin hồng ân từ trời mau đổ xuống
Cho trần gian thôi đừng vướng tội nhơ
Cho con người luôn tỉnh thức hàng giờ
Như nai khát vẫn mong chờ thấy suối
Xin Chúa thương trần gian đầy bóng tối
Ngàn nỗi sầu đang phủ lối con đi
Xin Chúa thương, đừng trách tội con chi
Xin Chúa thương, xua tan đi bão tố
Xin trời cao mưa hồng ân cứu độ
Xin ơn trời tuôn đổ xuống trần gian
Chúa con ơi! Xin mở rộng ân ban
Cho trần thế luôn được tràn hồng phúc
Xin trời cao mưa xoá tan tủi nhục
Xin ơn trời xuống kịp lúc chở che
Dẫu đông lạnh hay nắng hạn trưa hè
Chúa con ơi! Xin thương nghe con khấn.
Anna Hạt Bụi
MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN
Niềm Tin Vào Thiên Chúa
Một ngày kia, một người thanh niên trẻ tuổi và có vẻ uyên bác, đang tranh luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa cho chúng bạn của mình biết. Anh ta giơ tay và khẳng định rằng anh ta không bao giờ tin có Thiên Chúa, và ngay cả để ý về câu hỏi có Thiên Chúa hay không? Anh ta cho là việc tin nhảm nhí đó chỉ là do ảo tưởng và mê hoặc của đàn bà con nít (Những người mà anh ta cho là kém học và khờ dại. Bất chợt một bà làm thuê đi tạt qua, vì bà đã nghe anh ta chỉ trích về giới phụ nữ mê tín, bà định là sẽ không dây vào câu chuyện bàn cãi xung đột này. Nhưng bà ta cảm nghĩ rằng nếu mình không dây vào, thì làm sao mình có thể cho anh ta một bài học. Bà vui vẻ và bắt chuyện:
“Thưa anh, ngày hôm nay tôi xuống phố và tôi đi qua một cánh đồng, tôi để ý nhìn một đàn bò đang ăn cỏ, anh có tin không?”,
“Có, tôi tin bà!”.
“Và không xa đàn bò bao nhiêu, có một đàn chiên chúng đang gặm cỏ nữa, anh có tin không?”,
“Lẽ dĩ nhiên tôi tin!”.
“Và cũng không xa những con chiên là bao, tôi nhìn thấy một đàn heo cũng đang nhấm cỏ gần đó, anh có tin không?”.
“Tôi tin!”,
“Được rồi, anh tin như vậy, anh có nghĩ rằng con bò ăn cỏ và cỏ trở nên thịt cho chúng ta ăn? Con chiên ăn cỏ và cỏ trở nên len, con heo ăn cỏ và cỏ trở nên lòng heo, con gà cũng ăn cỏ và cỏ trở nên lông để chúng ta làm chổi lông gà, như vậy có đúng không?”.
“Lẽ đương nhiên là đúng!”,
“Như vậy anh có hiểu tại sao cỏ trở nên thịt, trở nên lòng heo, và cỏ trở nên lông gà… không?”.
“Không, tôi không hiểu được”,
“Như vậy bạn trẻ ơi, nếu bạn càng sống lâu hơn bạn sẽ hiểu ngay rằng có nhiều điều bạn tin, nhưng bạn không thể hiểu nổi. Thiên Chúa cũng là một trong những số ấy”.
Nhiều lần trong kinh nghiệm của tôi, sở dĩ có người dám nói rằng họ không tin có Thiên Chúa, có thể là họ quá kiêu căng, hoặc họ đã có thành kiến sẵn. Cũng như anh thanh niên trẻ tuổi non nớt trên, anh ta chưa có kinh nghiệm sống trên đời này lâu, anh ta chỉ mê mệt về học thức và bằng cấp để như dạy đời, mà thật ra chưa có một cảm nghiệm nào cả. Cảm nghiệm cần phải trở vào nội tâm, cần phải có sự khiêm tốn, và muốn lãnh nhận sự khôn ngoan của người khác. Có nghĩa là trọng tâm của lòng tin cần phải biết cởi mở và thụ nhận. Người thụ nhận cũng chứng tỏ họ là con người biết ơn, vì họ đã thụ ơn. Người chối bỏ Thiên Chúa cũng chỉ vì họ thờ chữ TÔI, và chữ tôi quá lớn nên nó lấn át cả Thượng Đế.
Lạy Chúa xin hãy giúp chúng con biết sống khiêm nhường, vì khiêm nhường sẽ đưa chúng con gần Chúa hơn và gần nhau hơn.
(Nguồn : Dòng Đaminh Việt Nam)
Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mt 20:28)