PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN – B

ÉPPHATA, HÃY MỞ RA!

Chúa Giêsu kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphata, nghĩa là hãy ở ra!” (Mc 7,33-34)

Suy gẫm: Trong cơn đại dịch, nhiều người đã “thấm thía” cảnh cách ly, “ai ở đâu, ở yên đó” để phòng chống lây lan dịch bệnh. Thật bức bối khó chịu không chỉ vì thiếu tiền bạc, thiếu lương thực, mà còn vì bị bó gối trong nhà suốt ngày này qua ngày khác. Hoàn cảnh của anh điếc và ngọng cũng giống như bị cách ly với người khác. Nhưng tình trạng của anh còn tồi tệ, khủng khiếp gấp vạn lần. Điếc, nên người ta nói, anh không hiểu. Ngọng, nên anh có nói cũng chỉ ú ớ, không ai hiểu anh muốn nói gì. Anh bị đóng kín chẳng khác nào bị biệt giam. Chúa chữa lành anh bằng những cử chỉ thật khác thường: chạm vào tai, nhổ nước miếng vào lưỡi, và nói “Hãy mở ra”. Chúa đụng chạm tới anh và tháo mở dây trói buộc lưỡi anh. Để anh mở lòng mình ra và giao tiếp với thế giới. Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra căn bệnh điếc-ngọng của mình, không đâu xa, ngay trong gia đình: chúng ta điếc khi không biết lắng nghe nhau, chúng ta ngọng khi không thể nói với nhau những lời yêu thương. Gia đình đoàn tụ trong bữa ăn, trong giờ cầu nguyện chung là cơ hội tốt để Chúa chữa bệnh điếc-ngọng cho chúng ta, để mỗi người biết cởi mở với nhau, biết gặp gỡ và quan tâm chăm sóc nhau hơn.

An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 41

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Kitô

“Dù các con sống kinh nghiệm những năm tuổi trẻ của mình đến mức nào, các con cũng sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa sâu xa và đầy đủ nhất của nó, nếu các con không gặp gỡ mỗi ngày với người bạn tốt nhất của mình, đó là Đức Giêsu. Tình bạn là một trong những quà tặng của cuộc sống và là một ân sủng của Thiên Chúa. Qua các bạn hữu của chúng ta, Chúa tinh luyện chúng ta và dẫn chúng ta tới trưởng thành. Những người bạn trung thành, những người đứng bên ta trong những thời khắc khó khăn, đó cũng là một phản ảnh tình yêu của Chúa, phản ảnh sự hiện diện ân cần và khích lệ của Người trong đời sống chúng ta. Kinh nghiệm tình bạn dạy chúng ta mở ra, hiểu và quan tâm đến người khác, đi ra khỏi tình trạng cô lập ru ngủ của mình, và chia sẻ đời sống mình với người khác. Chính vì vậy, “không có gì quý hơn một người bạn trung thành” (Hc 6,15). (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 150&151).


HẠNH CÁC THÁNH

SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MA-RI-A CÓ Ý NGHĨA GÌ ?

NGÀY: 08 THÁNG 09

Viết về Mẹ, nói về Mẹ sẽ không bao giờ cạn vơi ý tưởng, sẽ không bao giờ ngập ngừng, miễn cưỡng. Mẹ trần thế là niềm an ủi cho cuộc đời của con người gian trần. Nhưng, người Kitô hữu luôn hãnh diện vì có một người Mẹ trên trời, Mẹ thiêng liêng mà gần gũi mỗi người, mỗi con người. Mẹ có tên gọi Maria. Cái tên sao êm dịu và dễ mến. Maria gói trọn cả ý nghĩa loài người. Mừng sinh nhật của mẹ Maria, nhân loại sẽ không ngớt lời ca ngợi Mẹ .

Dù Mẹ Maria được sinh ra trong một hoàn cảnh nghèo khó, tầm thường trước mặt người đời, trước mặt thế gian. Cuộc đời của Mẹ bao trùm bởi biết bao sự lạ. Maria đã được Thiên Chúa để ý, chọn lựa ngay từ trong cung lòng bà thánh Anna để sau này kết hôn với thánh Giuse, sinh ra Ðấng cứu thế bởi phép Chúa Thánh Thần, vẫn trọn đời đồng trinh và không bị người đời, xã hội nghi ngờ. Chính vì thế, ngày sinh ra của Ðức trinh nữ Maria là một ngày trọng đại, ngày vui mừng của toàn nhân loại, của thế giới, của lịch sử cứu độ. Hội Thánh đã cất vang lời chúc tụng Mẹ: “Lạy Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, nhờ việc Mẹ sinh ra mà thế gian được tràn ngập hoan lạc và khích lệ, vì bởi lòng Mẹ, mặt trời công chính là Ðức Giêsu đã đến trong thế gian, chính Người sẽ kéo chúng tôi ra khỏi sự chết và đưa vào đời sống vĩnh cửu “.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong năm 1987 và năm 2002 khi về thăm quê hương Ba Lan của Ngài: cử chỉ đẹp nhất, đáng trân trọng nhất là việc Ngài viếng mộ song thân của Ngài. Viếng mộ song thân, Ðức Thánh Cha muốn gióng lên tiếng nói thâm sâu hãy hiếu thảo với cha mẹ, hãy bảo vệ gia đình. Có cha mẹ, mới có con cái. Nên, bảo vệ gia đình, làm cho gia đình hạnh phúc là điều Ðức Thánh Cha kêu gọi. Qua cử chỉ của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, mọi người Kitô hữu trên thế giới hãy tỏ lòng biết ơn cha mẹ, đấng sinh thành nên mình và hãy bảo vệ gia đình vì gia đình là nền tảng của xã hội và là Giáo Hội nhỏ. Con cái là hoa quả của tình thương yêu của cha mẹ. Cây tốt sinh trái tốt. Maria là hoa quả đầu mùa và quí giá nhất của hai thánh Gioankim và Anna.

Ngày sinh của Mẹ Maria là niềm vui, hạnh phúc của toàn thể nhân loại,mặc cho nhân loại ý nghĩa cứu độ và hồng phúc.

Lạy Ðức trinh nữ Maria đầy ơn phước, xin cầu bầu cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con luôn một niềm trung tín và cậy trông vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xin cho chúng con luôn biết nói lời xin vâng làm theo ý Chúa. Xin cho chúng con cùng với Mẹ hát bài Magnificat ngợi khen Thiên Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


CHIA SẺ

NHỮNG CÂU NÓI NỔI BẬT CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ (tiếp theo)

“Mối quan hệ hiếu thảo với Thiên Chúa không giống như một kho báu được cất giữ trong một góc xó của cuộc đời chúng ta, nhưng phải được phát triển, phải được cho ăn mỗi ngày bằng cách lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, và qua đức ái.”

 “Mỗi ngày chúng ta phải để cho Đức Kitô biến đổi mình trở thành hình ảnh của Người.”

 “Là một Kitô hữu không chỉ là tuân giữ các giới răn, nhưng còn có nghĩa là sống trong Đức Kitô, suy nghĩ như Người, hành động như Người, yêu như Người; có nghĩa là để Người làm chủ cuộc đời chúng ta và thay đổi nó, biến đổi nó, để giải thoát nó khỏi bóng tối sự dữ và tội lỗi.”

 “Chúng ta hãy nhìn đến quê hương trên trời của mình, chúng ta sẽ có một ánh sáng và sức mạnh mới trong công việc và trong những nỗ lực hàng ngày của chúng ta.”

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN

2. Cầu nguyện có hoàn toàn giống như trò chuyện với Chúa không?

Cầu nguyện không chỉ là trò chuyện với Chúa nhưng còn xây dựng mối tương quan với Ngài. Giống như các tương quan khác, sự hiệp thông và tình yêu có vai trò quan trọng. Điều này vượt trên việc nói với Chúa về những điều bạn muốn cho mình hoặc cho người khác. Trong sâu thẳm tâm hồn, mỗi người đều khao khát tình yêu Thiên Chúa và biết Ngài nhiều hơn.

Thiên Chúa rất mong bạn yêu mến Ngài, như Ngài yêu mến bạn. Do đó, cầu nguyện không chỉ là cầu xin và trò chuyện, nhưng còn là lắng nghe tiếng Chúa. Trong sự thinh lặng và yên tĩnh khi việc cầu nguyện, bạn có thể lắng nghe tiếng Chúa. Cầu nguyện không chỉ là nói nhưng còn là nghe. Cầu nguyện là xây dựng mối tương quan giữa bạn với Thiên Chúa, Đấng yêu thương bạn và mong bạn cũng yêu thương Ngài.

(còn tiếp)

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets


MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN

Tờ giấy và cây viết

Nhắc đến ông Leonard de Vinci, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phát minh khoa học và những bức họa tuyệt diệu của ông. Nhưng để giải trí, ông còn sưu tầm những truyện cổ tích, hay đặt ra những truyện mới, như câu truyện sau đây về cuộc đối đáp tưởng tượng của tờ giấy trắng và cây viết.

Có tờ giấy trắng nọ nằm ù lì trên bàn viết với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua. Nhưng rồi một hôm nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết với mực đen vẽ lên nó không biết bao nhiêu là những dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Tờ giấy phàn nàn với cây viết như sau : “Tại sao anh lại làm thế, anh vẽ trên mình tôi những dấu làm tôi mất đi sự trắng sạch ban đầu, anh làm nhục tôi thế này sao ? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi”.

Nhưng cây viết trả lời :”Không, anh giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ và kể từ nay, anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, mà mang trên mình một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người lưu giữ những tư tưởng cao siêu của con ngưởi, và vì thế sẽ được con người nâng niu bảo vệ; anh được sống mãi để trợ giúp con người”.

Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết, thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay con người quơ lấy những tờ giấy trắng đồng bạn của nó mà nay đã trở thành vàng đục, già cỗi và đầy bụi bặm mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Bấy giờ tờ giấy trắng đầy chữ viết mới hiểu được hành động vừa rồi của cây viết và lấy làm sung sướng vì được trở thành kẻ cộng tác và lưu giữ kho tàng trí khôn của con người.

Cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, nếu không chấp nhận để cho bàn tay Thiên Chúa viết vào đó những dòng chữ, những chương trình hành động, thì sẽ không được hạnh phúc trở thành người cộng tác với Thiên Chúa, trở thành kẻ lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tờ giấy không hiểu được những hành động của cây viết vẽ những dấu lạ trên mình nó, con người cũng chắc chắn không thể nào hiểu được ý định của Thiên Chúa là ý định khôn ngoan, hợp lý nhất để đưa con người đến hạnh phúc.

Thật vậy, Đức Maria đã tự nguyện trở thành tôi tớ của Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời của Thiên Chúa, hoàn toàn đặt mình dưới quyền sử dụng của Thiên Chúa như như một tờ giấy trắng trước cây viết.

Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại”. Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng :”Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng:

“Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (Lumen gentium, số 56).

(Nguồn: http://www.simonhoadalat.com)


Châm ngôn Lời Chúa

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” – Mt 7:21