CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN A

“Anh em đã nghe luật dạy người xưa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”

(Mt 5, 21.22)

Suy gẫm:

“Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại.” (Tv 119,97)

Ðức Giêsu đã tuyên bố rõ ràng rằng bản chất của luật Chúa – các giới răn và đường lối sống của Người, phải được thực hiện. Luật Chúa là sự thật và công chính vì nó xuất phát từ tình yêu, lòng nhân hậu, và sự thánh thiện của Người. Đó là lề luật của ơn sủng, tình yêu, và tự do cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin khởi sự hoạt động yêu thương mới trong lòng con. Xin gia tăng trong con tình yêu và lòng tôn kính lớn lao hơn đối với các điều răn của Chúa. Xin ban cho con ước muốn cháy bỏng để sống một đời sống thánh thiện và công chính. Xin thanh tẩy những tư tưởng, ước muốn, và ý định của con, để con chỉ ao ước những gì làm vui lòng Chúa và sống theo thánh ý Chúa mà thôi.

(Don Schwager / dailyscripture.org)

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

16.02 CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN.Mt 5,17-37

17.02 Thứ Hai. Bảy thánh lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ  Mc 8,11-13

18.02 Thứ Ba. Mc 8,14-21

19.02 Thứ Tư. Mc 8,22-26

20.02 Thứ Năm. Thánh Phan-xi-cô Mar-tô và Thánh Gia-cin-ta Mar-tô. Mc 8,27-33

21.02 Thứ Sáu. Thánh Phê-rô Đa-mi-a-nô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh. Mc 8,34 – 9,1

22.02 Thứ Bảy. LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊ-RÔ. Lễ kính.Mt 16,13-19

23.02 CHÚA NHẬT VII MÙA THƯỜNG NIÊN. Mt 5,38-48

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

GIÁO HUẤN SỐ 12

ĐỨC GIÊSU MÃI MÃI TRẺ TRUNG

“Đức Giêsu là “người trẻ ở giữa những người trẻ để làm gương mẫu cho người trẻ và để thánh hiến họ cho Chúa”. Vì thế Thượng hội đồng nói rằng “tuổi trẻ là một giai đoạn độc đáo và đầy sức truyền cảm hứng trong đời, chính Đức Giêsu đã trải nghiệm giai đoạn này và đã thánh hóa nó”.

TUỔI TRẺ CỦA ĐỨC GIÊSU

 Chúa “trút linh hồn” (x. Mt 27,50) trên thập giá khi Người chỉ mới ngoài ba mươi (x. Lc 3,23). Thật quan trọng việc nhận ra rằng Đức Giêsu là một người trẻ. Người trao mạng sống khi Người ở độ tuổi mà ngày nay gọi là ‘giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành’. Người bắt đầu sứ mạng công khai ở giai đoạn tràn đầy sinh lực nhất, và xuất hiện như “một ánh sáng huy hoàng” (Mt 4,16), ánh sáng này sẽ chiếu soi rực rỡ nhất khi cuối cùng Người hiến trao mạng sống. Sự kết thúc ấy không phải là một cái gì ngẫu nhiên xảy ra; đúng hơn, tất cả tuổi trẻ của Người, trong mọi khoảnh khắc, đã là một sự chuẩn bị quí giá cho hồi kết cục ấy. “Mọi sự trong đời sống của Đức Giêsu đều là một dấu chỉ mầu nhiệm của Người”; thật vậy, “toàn thể đời sống Đức Giêsu là một mầu nhiệm cứu độ”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 22&23).

TẢN MẠN – CHIA SẺ­- GÓP NHẶT

Niềm Tin – Tình Yêu

Hôm đó là ngày cuối năm, từ trời cao Thiên Chúa nhìn xuống dân gian, mắt Ngài dừng lại tại một nhà thờ đang tập trung để hát bài “Kinh Tạ Ơn”. Nhà thờ không còn tháp chuông. Vị linh mục phải dùng hết sức mình khua vào tường, gõ lên mái nhà để giục giã dân chúng đến nhà thờ. Tuy là ngày mưa lạnh, thế mà nhà thờ vẫn chật ních.

Thiên Chúa nhận ra bà Têrêsa mà ngôi nhà của bà vừa bị thiêu rụi và giờ đây đang phải trú đỡ trong một túp lều lạnh lẽo. Đáng chú ý hơn là nàng Madalena mà người chồng mới bị giết trước mắt mình. Bên cạnh bà là Rosa có ba người con trai đang bị cầm tù. Kia là ông Thêôđôre mà người vợ và hai con bị chôn sống. Đây là cô Magarita trong lúc trốn chạy đã lạc mất đứa con thơ. Kia là ông Pierre, một thương binh từ mặt trận mới trở về.

Tất cả đều liên kết với nhau trong cùng một tâm tình tạ ơn vì mọi hồng ân Chúa ban xuống trong năm qua.

Từ trời cao, Thiên Chúa rất đỗi thán phục, Ngài nói với các Thiên thần:

“Thật Ta bảo thật các ngươi là những tạo vật thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám dân đáng thương kia. Mười hai tháng qua, họ đã phó thác cho Ta, thế mà Ta chỉ giáng xuống cho họ tai họa và kinh hoàng. Họ đã kêu xin hòa bình, vậy mà Ta đã gửi xuống chiến tranh. Họ đã xin lương thực hằng ngày, vậy mà Ta đã gửi đói khổ. Họ đã tin tưởng ký thác tổ quốc và gia đình trong tay Ta, nhưng Ta lại để cho gia đình và tổ quốc họ ra điêu linh”.

Dĩ nhiên, Ta có lý do của Ta, mà những kẻ bên ngoài không thể hiểu thấu được. Loài người không thể hiểu được. Loài người không thể hiểu được những gì Ta làm. Họ phải gánh chịu mọi hậu quả, vậy mà họ vẫn ca ngợi tạ ơn như thể Ta bao bọc họ theo lời họ cầu xin. Quả thực niềm tin của họ thực lớn lao. Hỡi các thiên thần và các thánh, hãy hát lớn lên, hát để ca tụng những con người trong cơn hoạn nạn mà vẫn tiếp tục ngợi khen”.

Nói xong Thiên Chúa liền cất lên: “Hỡi loài người, chúng tôi ca ngợi các ngươi”.

Và các thiên thần cùng hòa tiếng ca tụng loài người.

Marie Noel

Vì Sao Đôi Khi Đức Mẹ Lại Lôi Cuốn Hơn Chính Chúa Giêsu Kitô?

Một tư tưởng phổ biến ở Phi châu, nhưng cũng không hẳn chỉ ở Phi châu, rằng Chúa thì ở xa và vì thế không để ý đến các lo âu của nhân loại ở trần thế này. Hình ảnh Đức Mẹ biểu tượng cho lòng thương xót, còn Chúa thì cho sự công chính.

“Trước đây, tôi thấy Chúa Giêsu quá xa và tôi quá rụt rè, nên đối với đứa bé chưa bao giờ đi qua thập giá như tôi, thì nói chuyện với mẹ mình dễ dàng hơn. Đôi khi tôi cầu nguyện và tôi gọi “Má ơi!”, bởi vì kêu má thì dễ hơn phải không?”(Christine)

Xúc động trước sự đau khổ của những người đến viếng Đức Mẹ Laus, bà Marie-Aimée nhận thấy “chúng ta tất cả đều ở trong cánh tay Mẹ và hiểu được sự dịu dàng và nhẹ nhàng của Đức Mẹ”.

 “Nếu Đức Mẹ gần anh chị em thì Chúa Giêsu cũng muốn gần anh chị em. Sự dịu dàng của Đức Mẹ chỉ là một nét phản ảnh của sự dịu dàng của Chúa Kitô. Nếu chúng ta không đặt sự việc đúng bối cảnh của nó, thì chúng ta có nguy cơ xem Mẹ Maria là một vị thần”.

 “Dù chúng ta quay về với Mẹ dễ hơn nhưng vai trò của Mẹ là hướng chúng ta về với Chúa Kitô, con của Mẹ. Từ tiệc cưới Cana, Mẹ đã dặn chúng ta hãy làm những gì Chúa Giêsu kêu làm, Mẹ không ngừng hướng dẫn chúng ta về với Chúa Kitô. Đó là một trong các ý nghĩa của nhiều lần Đức Mẹ hiện ra. Tôi thích hình ảnh so sánh Đức Mẹ với mặt trăng. Nếu mặt trăng rọi sáng ban đêm là vì nó phản ảnh ánh sáng mặt trời, ánh sáng đến từ Thiên Chúa”.

(Lm Hervé Soubias)

“Tôi xem các dấu hiệu của Đức Mẹ, các lần Mẹ Maria hiện ra như ý Chúa muốn để đến với loài người mà không có cách nào khác hơn. Vì lý do này mà tôi tạ ơn: nếu ngày nay tất cả là thinh lặng của Nhà Tạm, thì đức tin chắc chắn sẽ ít vững mạnh trong lòng con người”.

(Lm Michel-Marie)

Năm nơi Đức Mẹ hiện ra được viếng nhiều nhất trên thế giới:

1. Đức Mẹ Guadalupe, Mêhicô: 15 triệu giáo dân hành hương.

2. Đức Mẹ Apparecida, Ba Tây: 8 triệu giáo dân hành hương.

3. Đức Mẹ Lộ Đức, Pháp: 6 triệu giáo dân hành hương.

4. Đức Mẹ Fatima, Bồ Đào Nha: 4 triệu giáo dân hành hương

5. Đức Mẹ Czestochowa, Ba Lan: 4 triệu giáo dân hành hương.

(phanxicovn/Giuse Nguyễn Tùng Lâm)

Vai trò của Đức Mẹ: Per Mariam Ad Jesum (Nhờ Mẹ Đến Với Chúa Giêsu)

Ở đâu có Mẹ Maria, ở đó chắc chắn có Chúa Giêsu. Ở đâu có Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa sẽ làm cho nước hoá thành rượu ngon.

Mời Các Bạn chia sẻ về :

*           ‘Nước Mẹ thống trị, chiến sĩ lên đường mới ‘/ ‘Nước Mẹ’ hay ‘Nước Chúa.’ hoặc ‘Từ nầy về sau con dốc một lòng thờ Mẹ Chúa Trời…’

*           Thông tin về số lượt người viếng Đức Mẹ Trà Kiệu, số lượng giáo dân về dự Đại hội Mẹ Trà Kiệu hằng năm.

*           “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.’(Mt 7,7)

Có cần phải xin Thiên Chúa – Đấng là Tình Yêu, Từ Bi và Nhân hậu… đã cho chính Con Một của mình?

Bài viết xin gửi về Cha Sở hoặc hộp thư bantigxctdn@gmail.com.

***