CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – C
Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính ; còn người Pha-ri-sêu thì không. (Lc 18,14)
Suy niệm: Tin Mừng trình bày cho chúng ta hai loại cầu nguyện: Lời cầu nguyện của người pharisêu khi ông ta tự hào cho mình là công chính trước mặt Chúa và đứng cách xa người tội lỗi, bên cạnh đó là lời cầu nguyện khiêm nhường của người thu thuế ăn năn chỉ biết nhìn nhận tội lỗi của mình và nài xin lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Cũng vậy, có hai loại công chính trong Tin Mừng hôm nay: sự công chính giả tạo của người pharisêu đến cầu nguyện trong sự tự mãn và sự công chính của thánh Phaolo người đã trung tín với Thiên Chúa ngay cả khi không có ai bảo vệ ngài trong phiên tòa.
Bạn đang giữ trong mình loại công chính nào? Bạn giống với lời cầu nguyện nào?
Hãy nhớ lại tội lỗi của bạn; Nhận ra nhu cầu cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Và hãy cầu nguyện như người thu thuế đã cầu nguyện, cảm nhận ý nghĩa của mỗi từ ngữ đó.
(Daily Gospel/ Fr. Paulson.V.Veli, CMF, PhD)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
27.10 CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 18,9-1420.10
28.10 Thứ Hai. THÁNH SI-MON VÀ THÁNH GIU-ĐA, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.Thánh Gioan Đạt, Linh mục, tử đạo Lc 6,12-19
29.10 Thứ Ba. Lc 13,18-21
30.10 Thứ Tư. Lc 13,22-30
31.10 Thứ Năm. Lc 13,31-35
01.11 Thứ Sáu đầu tháng. CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Thánh Valentinô Ochoa Vinh, giám mục, tử đạo. Thánh Giêrônimô Liêm, Giám mục, tử đạo;Thánh Phêrô Almato Bình, Linh mục, tử đạo. Mt 5,1-12a
02.11 Thứ Bảy đầu tháng. CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI (LỄ CÁC ĐẲNG).Lễ 1: Ga 6,37-40; Lễ 2: Lc 23,33.39-42; Lễ 3: Ga 11,17-27
03.11 CHÚA NHẬT XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 19,1-10
THÔNG BÁO Số 57TB/GXCT/2019
1. Thứ Sáu 01/11, Lễ Các Thánh Nam Nữ.
– 17g15 Thánh lễ trọng thể do Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự. Mời Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tham gia đoàn rước. Mời cộng đoàn sốt sắng tham dự hiệp ý cầu nguyện.
– 19g30 Chầu Thánh Thể do Ban Thường vụ phụ trách.
2. Thứ Bảy 02/11, Lễ Các Đẳng Linh Hồn.
– 05g00, Thánh lễ trong nhà thờ như thường lệ.
– 06g00, tại Nghĩa Trang Linh Mục – Giáo xứ An Ngãi, Đức Giám Mục chủ sự Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho các Linh mục đã qua đời.
– 09g00, tại Nghĩa trang Giáo xứ – Phú Thượng, Cha Quản xứ dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn. Giáo xứ có xe đưa đón cộng đoàn. Xin có mặt tại nhà thờ đúng 07g00. Xe khởi hành lúc 07g30 (nếu trời không mưa).
– 17g15: Đức Giám Mục chủ sự Thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho các linh hồn tại nhà thờ Chính Tòa. Mời Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tham gia đoàn rước.
3. Chúa Nhật 03/11 có Rửa tội cho các em nhỏ. Mọi chi tiết xin liên hệ Văn Phòng Giáo Xứ.
( Nguồn Ban Phụng Vụ)
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
243. Ai được lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân?
– Bất cứ người Công giáo nào sức khoẻ đến hồi liệt nặng đều được lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. [1514 – 1515, 1528 – 1529]
– Ta có thể lãnh bí tích này nhiều lần trong suốt đời. Ngay cả người trẻ cũng có lý do để xin lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân trong trường hợp sắp được giải phẫu nặng. Trong những trường hợp như vậy nhiều Kitô hữu còn muốn xưng tội nữa, họ muốn trình diện với Chúa một lương tâm trong trắng, nếu họ không bình phục.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước244. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được trao ban thế nào?
HÔN PHỐI
+ Anh Gioakim Nguyễn Văn Bình và Chị Lê Thị Minh Hiền (GH Giuse Khang).
+ Anh Phaolô Lê Minh Hiếu và Chị Têrêsa Đặng Thị Lời (GH Giuse Viên)
Xin Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu Các Anh Chị hôm nay và mãi mãi.
CHÚC MỪNG
Chúc Mừng Quý Ông Anh Em Nhân Lễ Bổn Mạng: Thánh Simon Và Thánh Giuđa, Tông Đồ (27.10)
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Cuộc Gặp Gỡ Nơi “Công Viên Vĩnh Hằng”
Người Kitô hữu thường quen gọi tháng 11 là tháng các linh hồn. Trong tháng các linh hồn, Giáo Hội tha thiết mời gọi các tín hữu làm việc bác ái, hy sinh và cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn nơi luyện tội.
Vào những ngày này, ta thấy có sự giao duyên gặp gỡ của người sống và người đã khuất ở một nơi bình yên nhất mà ta có thế nói, nơi ấy mang tên “công viên Vĩnh Hằng”. Nơi đây không còn sự tranh chấp hận thù, hờn ghen thù oán, không có bon chen chiếm đoạt, mà chỉ còn đọng lại sự bình yên, yêu thương và kính trọng nhau.
Khi quan sát những người tiến về các thánh địa để dọn dẹp, chăm sóc các phần mộ, cùng nhau đọc kinh, tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thấy đây quả là một tháng đặc biệt không chỉ để cho mọi người thể hiện lòng hiếu thảo, yêu thương đối với người đã khuất, nhưng mà còn là cơ hội để cho những người còn sống xích lại gần nhau hơn.
Lặng mình đứng bên phần mộ của những người quá cố, chúng ta nhận thấy thời gian rồi sẽ thấm thoát trôi, một ngày nào đó mình cũng sẽ an nghỉ nơi đây như những bậc tiền nhân. Để rồi, bao câu hỏi được đặt ra: Tại sao trong khoảng thời gian ngắn ngủi trên dương thế này, ta không tạo cho cuộc sống những niềm vui hơn là nỗi buồn? Tại sao ta không tạo sự bình an cho người khác hơn là sự bất an? Tại sao chúng ta không cùng nhau phá tan những bức tường vô hình đang ngăn cách giữa người này với người kia hơn là tiếp tục tạo nên chúng… Trả lời được những câu hỏi này, chắc hẳn đời sống chúng ta sẽ có ý nghĩa và những người thân đã ra đi trước chúng ta cũng sẽ vui mừng hơn.
Những người đang yên nghỉ nơi đây, trước kia họ có thể làm được rất nhiều điều cho mình, cho gia đình, cho xã hội, cho Giáo Hội nhưng nay thì họ không thể làm gì được nữa. Có thể nhiều linh hồn đang rất vui mừng diện kiến tôn nhan Thiên Chúa vì họ đã biết sống cho đi khi còn trên dương thế. Nhưng cũng có linh hồn đang hối tiếc vì đã bỏ qua những cơ hội có thể để trao ban cho người khác…
Những ngày của tháng 11 rồi sẽ trôi qua, ước chi cuộc gặp gỡ nơi công viên Vĩnh Hằng ấy, sẽ luôn mang lại ý nghĩa và đong đầy tình yêu hơn.
(M.Anthony Vũ Ga, fmsr)
Tại Sao Chúng Tôi Không Được Phục Vụ
Mấy tháng trước, trong chuyến về lại Los Angeles, California, tôi phải ghé lại Newark, New Jersey để đổi máy bay, phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra.
Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy.
Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông.
Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được: “Mày biết tao là ai không ?” (Do you know who I am ?).
Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào.
Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng: “Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được ông ta là ai, hoặc căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112”.
Ông khách, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa.
…..
Bài học cho người môn đệ Chúa là khiêm tốn phục vụ và sau khi làm hết mọi việc, còn phải tự nhủ lòng mình : “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.
(Internet)