CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – C

MÌNH VÀ MÁU CHÚA KI-TÔ

“Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.” (Lc 9,16)

Suy niệm: Phép lạ Đức Giê-su hóa bánh và cá ra nhiều là hình ảnh báo trước về việc Ngài sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể. Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài làm phép lạ hóa ra vô số cho hơn năm ngàn người no nê, dư dật; cũng vậy, Thánh Thể Ngài là tấm bánh được bẻ ra cho muôn người được no thỏa, dư đầy. Ai ăn cá và bánh ngày ấy rồi cũng đã chết; còn ai lãnh nhận Thánh Thể Ngài cũng sẽ chết, nhưng cái chết ấy là ngưỡng cửa để bước vào cõi sống đời đời. Cả hai phép lạ, phép lạ ngày ấy tại thảm cỏ ven hồ Ti-bê-ri-a và phép lạ diễn ra trên bàn thờ hằng ngày, đều cho ta thấy Chúa của ta là một vị Chúa quyền năng, cao cả, nhưng Ngài đã dùng quyền năng ấy để phục vụ cho con người, vì lòng yêu thương con người, yêu thương cho đến cùng (Ga 13,1).

          Đức Hồng y Ph.Xav. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Mình Máu Thánh Chúa, phương dược chữa xác cứu hồn, là thang thuốc trường sinh bất tử. Nhờ rước Thánh Thể, tôi được an ủi và can đảm tràn ngập cõi lòng.” Bạn cũng sẽ vậy thôi! Nhờ siêng năng rước Mình Máu Thánh Chúa, bạn được an ủi, niềm vui, thêm lòng mến Chúa yêu người.        

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

23.6 CHÚA NHẬT XII MÙA THƯỜNG NIÊN. MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Lc 9,11b-17

24.6 Thứ Hai. SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ. Lễ trọng. Lc 1,57-66.80

25.6 Thứ Ba. Mt 7,6.12-14

26.6 Thứ Tư. Thánh Đa-minh Henares Minh, Giám mục, tử đạo; Thánh Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, Thầy giảng, tử đạo; Mt 7,15-20

27.6 Thứ Năm. Thánh Xy-ri-lô A-lê-xan-dri-a, Tiến sĩ Hội thánh Thánh Tôma Toán, Thầy giảng, tử đạo; Mt 7,21-29

28.6 Thứ Sáu. THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU. Lễ trọng. Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục. Bổn mạng Giáo phận.  Lc 15,3-7

29.6 Thứ Bảy. LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Mt 6,1319

30.6 CHÚA NHẬT XIII MÙA THƯỜNG NIÊN; Lc 9,51-62

THÔNG BÁO Số 37TB/GXCT/2019

1. Chúa Nhật 23/06, sau Thánh lễ 18g30, Giáo xứ tổ chức Kiệu Mình Thánh Chúa quanh nhà thờ. Kính mời cộng đoàn sốt sắng tham dự. 

2. Thứ Năm 27/06, lúc 05g00, Thánh Lễ Truyền chức Linh mục tại tiền đường Nhà Thờ.

3. Thứ Bảy 29/06        + lúc 05g00 Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng Cha Quản xứ Phêrô.

    + lúc 17g15 Thánh Lễ Tạ Ơn Kỷ Niệm Ngọc Khánh Linh mục và Thượng Thọ của Cha nguyên Tổng Đại diện kiêm Quản xứ Antôn Trần Văn Trường.

4. Ban Kèn Giáo Xứ chiêu sinh lớp đào tạo miễn phí cho con em trong Giáo xứ, thời gian học từ 18g00 đến 19g30 Thứ Hai, Thứ Sáu hằng tuần. Lớp học sẽ khai giảng vào Thứ Sáu 17/7. Xin ghi danh tại Nhà Sách Chính Tòa.

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

225. Bí tích Sám Hối và Giao Hòa còn có những tên gọi nào?

– Bí tích Sám Hối và Giao Hòa còn gọi là Bí tích Tha Thứ, Bí tích Trở Lại, Bí tích Giải Tội. [1422 – 1424, 1486]

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước  226. Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được giao hòa với Thiên Chúa, vậy tại sao còn cần đến một Bí tích Giao Hòa riêng rẽ nữa?

TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Cây đèn Chầu

Liệu có nơi nào trên vũ trụ bao la này lại cô đơn và vẳng lặng như nơi Nhà Tạm này không? Tôi vẫn hay tự hỏi mình như vậy mỗi khi chẳng có ai thăm viếng Nhà Tạm! 

Tôi là một cây đèn dầu cũ đặt bên cạnh Nhà Tạm. Đã khá lâu rồi. Năm tháng lặng lẽ đi qua với sự đổi thay của dòng đời, tôi vẫn đứng đó chầu Mình Thánh Chúa. Trải qua nhiều thế hệ, thay đổi nhiều cha sở, tôi chứng kiến những đổi thay trong xứ đạo này. Có người già đã chết đi, có những em bé chào đời và lớn lên ở đấy. Có những cặp uyên ương lập thành gia đình nhỏ mới. Niềm vui và nỗi buồn trong cái xứ đạo này tôi đều chứng kiến hết. 

Hồi ấy người ta sốt sắng đạo đức. Ngày ngày, họ đến nhà thờ để thờ lạy và cảm tạ Chúa. Mặc dù khi đó, cuộc sống còn khó khăn, họ chỉ lo làm sao cho đủ cái ăn qua ngày, nhưng suy nghĩ của họ rất đơn sơ, trái tim họ chân thành yêu Chúa. Sáng, chiều, đều có người đến đây viếng Mình Thánh Chúa trong tâm tình cảm tạ và tín thác. 

Thời gian qua đi, xã hội ngày càng phát triển hơn. Bây giờ, nhà nhà có xe gắn máy, thiếu niên, nam, nữ làng trên, xóm dưới bắt đầu biết tiêu tiền vào việc trang hoàng cho bản thân… Cuộc sống của họ lên như diều gặp gió. Nhu cầu hưởng thụ tăng lên từng ngày, tất nhiên họ phải lo kiếm thêm nhiều tiền nữa để sắm cái này, mua cái nọ… Thế rồi từ từ lòng người cũng thay đổi, chẳng mấy người còn có thời gian đến cầu nguyện và viếng Chúa nhiều như trước nữa. Nhà thờ trở nên vắng vẻ vì chẳng mấy ai đến cầu nguyện. Họ quên có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.

…Cho đến một buổi chiều nọ, có một chàng thanh niên dáng hao gầy tiến lại gần Nhà Tạm.  Anh ta quỳ trước Chúa Thánh Thể một cách cung kính. Câu chuyện của anh ta là những lời nguyện này:

“Thầy Giê-su yêu mến! 

Với những ồn ào của cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, con có biết bao nhiêu điều phải làm, có biết bao nhiêu việc phải cố gắng để giành giật cho cuộc sống mưu sinh của mình. Nhưng để tìm kiếm tình yêu thực và sự an bình trong tâm hồn, con chẳng biết tìm nơi nào để có được? … Con tìm đến nơi Nhà Chầu này.

Với biết bao bận rộn của cuộc sống, bao xao xuyến của một kiếp người, biết bao lần đau khổ, cô đơn … mà con không tìm đến, nhưng Thầy vẫn kiên nhẫn đợi con. Ở nơi đây có tiếng gọi mời thân thương tha thiết ngày đêm và chờ mong con đến nép mình vào tình yêu của Thầy, tiếng gọi đó thiết tha đến nỗi con không đủ sức khước từ. Lạy Thầy kính mến, con đây!

Con chẳng thể tìm được nơi nào yêu thương và an bình như ở đây lúc này – bên Thầy. Vì thế con nguyện sẽ bên Thầy không ngơi nghỉ suốt cuộc đời của con. Cho dù Thầy biết, con là một thụ tạo đầy yếu đuối, mang thân phận hèn mọn chẳng có gì nhiều hơn tội lỗi. Nhưng con tin rằng tình yêu của Thầy cao cả hơn tội lỗi của con nhiều lắm. Con đã tin và con đến đây bên Thầy, để con được diễm phúc dìm mình trong biển lớn tình yêu đó. Xin Thầy hãy gìn giữ con, gìn giữ cho ước nguyện bên Thầy mãi mãi của con. Bởi vì con sợ khi con gặp gian truân bão táp, đức tin mỏng giòn của con lại tan vỡ. Và khi đó con lại quên mất hình bóng của Thầy, quên không gọi tên của Thầy nữa. Xin hãy giữ gìn con.”

Tôi là một cây đèn chầu bên cạnh Thánh Thể Chúa. Tôi hạnh phúc mỗi khi có người đến viếng Mình Thánh Chúa. Tôi hiệp cùng với lời nguyện cầu của họ. Tạ ơn Chúa cho người thanh niên, đã cảm nhận được tình yêu của Người.

(Dom Stone)

Lời Nguyện Của Cây Đèn Chầu

Con chỉ là cây đèn chầu nhỏ.
Con xin đem lời nguyện chiều nay như hương trầm dâng Chúa đó.
Lời nguyện chân tình.
Như lời kinh.
Con xin cầu cho người linh mục trong đền thờ của con.
-Hỡi người linh mục trong đền thờ của tôi ơi.
Xin người hãy là cây đèn chầu nhỏ.
Ở đó sẽ có rất đỗi thiết tha.
Có Chúa như bờ vai thánh giá rất thật thà.
Hãy làm cây đèn chầu nhỏ.

-Người linh mục trong đền thờ của tôi ơi.
Hãy là cây đèn chầu nhỏ.
Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi.

 (Trích Cầy đèn chầu/ Lm Ng.Tầm Thường)

Thí Chủ Nên Cám Ơn

Khi Seisetsu làm thiền sư của phái Engaku ở Kamakura, ngài muốn có những phòng ốc lớn hơn trong thiền viện, vì kẻ theo học quá đông. Umezu Seibei, một thương gia ở Edo, quyết định cúng tặng năm trăm lượng vàng (ryo) cho việc xây xất. Y mang vàng đến cho thiền sư.

Seisetsu nói: “Thôi được, ta sẽ nhận.”

Umezu trao cho Seisetsu một bao vàng, nhưng không mấy hài lòng với thái độ của vị thiền sư. Người ta có thể sống cả năm với ba lượng, đằng này ông thương gia không được một tiếng cám ơn với năm trăm lượng.

“Trong bao này có năm trăm lượng vàng,” Umezu ám chỉ.

“Ông đã bảo với tôi như thế rồi,” Seisetsu trả lời.

“Ngay cả tôi là một thương gia giàu có, năm trăm lượng cũng là một món tiền lớn,” Umezu nói.

“Ông muốn tôi cám ơn vì nó?” Seisetsu hỏi.

“Nên thế,” Umezu trả lời.

“Tại sao lại thế?” Seisetsu thắc mắc. “Thí chủ nên cám ơn mới phải chứ.”

(sưu tầm)