CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

             “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16,12)

Suy niệm: Để diễn tả sự bất lực của con người khi đứng trước mầu nhiệm không thể đạt thấu của Thiên Chúa, tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm” (Tv 42,8). Lời đó nói lên cảm nghiệm của người chưa đi xuống đến đáy vực thẳm này đã lại thấy mở ra một vực thẳm khác. Một trong những “vực thẳm” tức là những “điều” mà bây giờ các tông đồ “không có sức chịu nổi” chính là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trung tâm của niềm tin Công Giáo, một điều chưa một ai dám khẳng định rằng mình có thể hiểu và giải thích được. Thật vậy, Chúa biết rằng với trí hiểu của loài người thì các tông đồ không thể hiểu hết dù cho Chúa có giải thích cách nào đi nữa. Chỉ khi nào “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.”

          Nhưng đã ngót hai ngàn năm rồi, mà “sự thật” về Chúa Ba Ngôi mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm…! Trong thân phận thọ tạo, chúng ta chỉ có thể hiểu được những gì thuộc khả năng giới hạn của mình. Vì thế chúng ta chỉ có thể khiêm tốn cúi đầu tôn thờ Chúa, và nghe theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc sống Lời Chúa và thực thi giới răn yêu thương Chúa đã dạy. Đó là cách thức mỗi ngày đi sâu vào sự hiểu biết mầu nhiệm cao cả này.

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

16.6 CHÚA NHẬT XI MÙA THƯỜNG NIÊN. CHÚA BA NGÔI. Lễ trọng. Ga 16,12-15

17.6 Thứ Hai. Thánh Phêrô Phạm Hữu Đa, thợ mộc, tử đạo; Mt 5,38-42.

18.6 Thứ Ba. Mt 5,43-48

19.6 Thứ Tư. Thánh Rô-mu-a-đô, viện phụ;Mt 6,1-6.16-18

20.6 Thứ Năm. Mt 6,7-15

21Thứ Sáu. Thánh Lu-y Gôn-za-ga, tu sĩ. Lễ nhớ. Mt 6,19-23

22.6 Thứ Bảy. Thánh Pô-li-nô, Giám mục Nô-la; Thánh Gio-an Fi-sơ, Giám mục, tử đạo và Thánh Tô-ma Mô, tử đạo. Mt 6,24-34

23.6 CHÚA NHẬT XII MÙA THƯỜNG NIÊN. MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Lc 9,11b-17

THÔNG BÁO Số 35TB/GXCT/2019

1. Từ 15.6.2019, các Gia Đình trong Giáo Xứ muốn tổ chức Lễ Hôn Phối xin đến gặp Cha Quản Xứ để sắp xếp thời gian trước khi đặt tiệc. Cha Quản Xứ sẽ không làm Phép Hôn Phối trong các Thánh Lễ Trọng, Thánh Lễ Chiều Thứ Năm và Chiều Thứ Bảy.

2. Từ 01.6.2019, Bộ phận Lưu Trữ Hồ Sơ Giáo Xứ sẽ giải quyết các vấn đề giấy tờ liên quan đến: Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối, Sổ Gia Đình Công Giáo vào các ngày Thứ Ba và Thứ Năm hằng tuần. Lịch làm việc:

* Sáng: Từ 08g00 đến 11g00

* Chiều: Từ 14g00 đến 16g30

Phụ Trách:      Ông P.X Nguyễn văn Hùng

ĐT: 0905234015, Email: hunglths@gmail.com

(Lưu Trữ Hồ Sơ)

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

224. Tại sao Chúa Giêsu ban cho chúng ta Bí tích Sám Hối – Giao Hòa và Xức Dầu Bệnh Nhân?

– Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu Người trong việc Người đi tìm những ai đã hư hỏng và chữa những ai đau yếu. Đó là lí do Người ban cho chúng ta Bí tích Sám Hối và Giao Hòa, để giải thoát ta khỏi tội, và Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân để ta được mạnh sức phần xác và phần hồn. [1420 – 1421] → 67

+ Con người đến tìm và cứu những kẻ đã hư mất. -Lc. 19,10

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước  225. Bí tích Sám Hối và Giao Hòa còn có những tên gọi nào?

TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa

Về Một Số Lưu Ý Trong Đời Sống Đức Tin

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh, nhằm tôn vinh Thiên Chúa, xây dựng Hội Thánh và thánh hoá con người.

Lòng đạo đức bình dân là cảm thức đức tin của Dân Chúa, là “kho tàng vô giá của Hội Thánh” được Chúa Thánh Thần soi dẫn, biểu hiện qua các hình thức đạo đức khác nhau. Các việc đạo đức bình dân cũng thường gắn kết với Năm Phụng vụ, qua việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, sùng kính Đức Maria và các Thánh, cầu nguyện cho người đã qua đời, hành hương đến các nơi thánh…

(Nhận Định)

Nhưng hiện nay đang tồn tại và có chiều hướng gia tăng những hiện tượng và những cách thực hành đạo đức không xứng hợp, cụ thể là: tin dị đoan, ma thuật, bói toán; phổ biến những tư tưởng lệch lạc như Sứ điệp từ trời, Lòng Mẹ thương xót…; lạm dụng một số cử hành đạo đức của Hội Thánh như Lòng Chúa thương xót, đặc sủng chữa lành bệnh nhân, đặt tay cầu nguyện…

Trong thực tế, tại một số địa phương, kỷ luật Phụng vụ(*) chưa được tôn trọng đúng mực. Những thực hành đạo đức bình dân cũng có những lạm dụng tùy tiện, gây hoang mang nơi người tín hữu và xáo trộn nơi các cộng đoàn đức tin vì lòng đạo bình dân nghiêng về cảm nhận hơn là suy lý, quan tâm đến biểu tượng hơn là lô-gích, nên cũng dễ bị lệch lạc, kể cả bị khai thác vì chủ ý trục lợi.

(Định Hướng)

Vì thế, để chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc và cổ võ lòng đạo đức bình dân chân chính, chúng tôi xin anh chị em lưu ý những điểm sau đây:

– Phải tránh những thực hành mê tín dị đoan, bói toán, lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi.

– Đừng quá coi trọng những hình thức đạo đức bình dân mà coi nhẹ cử hành Phụng vụ.

– Không được sử dụng, phổ biến các tài liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo.

– Phải tôn trọng kỷ luật của Hội Thánh và quy định của Đấng Bản quyền liên quan đến Phụng vụ và việc đạo đức bình dân. Những kinh nguyện được sử dụng công khai và thường xuyên phải được Bản quyền địa phương cho phép.

– Cần hòa hợp những biểu hiện bên ngoài của lòng đạo đức bình dân với tình cảm chân thật trong tâm hồn, tránh những thực hành theo thói quen, trống rỗng.

Xin anh chị em vui lòng đón nhận, suy nghĩ và chia sẻ cho nhau những chỉ dẫn trên, để các thực hành đạo đức của chúng ta thật sự “diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa”, đem lại an bình trong tâm hồn, duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh, và là khí cụ loan báo Tin Mừng Nước Trời.

(Trích Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa của HĐGMVN 6/2019)

Kính mời Cộng đoàn đọc toàn bộ nội dung ‘Thư’ tại Bảng Thông Báo.

(*) Đọc Sách Thánh: Các hướng dẫn phụng vụ Lời Chúa đều chỉ rõ: việc đọc sách là công bố Lời Chúa. Bởi không phải ai cũng có khả năng đọc rõ ràng, phát âm chính xác, khả năng xướng đáp, lĩnh xướng có vần điệu, khả năng truyền thông Lời Chúa. Vì thế, việc đọc sách tưởng là dễ nhưng công bố lời Chúa thì lại không đơn giản. Các độc viên của chúng ta hiện nay có khả năng đọc nhưng không có nhiều người có khả năng công bố Lời Chúa.

Việc chọn lựa người công bố Lời Chúa không thể dựa trên phạm trù tình cảm hay danh dự mà phải có sự phân định thực sự để tìm kiếm người công bố.

Đối chiếu với những yêu cầu phụng vụ Lời Chúa thì có lẽ chúng ta nên xem xét lại mục đích để Giáo họ tham gia và việc phân công đọc sách như đang thực hiện. Không khó để nhận thấy: nhiều độc viên Sách Thánh chỉ đi lễ nếu có phân công đọc sách. Đã có tình trạng đến đọc sách xong rồi ra về. Nhìn chung thì cũng chỉ quay đi quay lại vài người trong Giáo họ với cả điều hay lẫn chuyện dở khi đọc sách. Nhiều lần và ở nhiều Giáo họ, độc viên đọc cả ’Alleluia’…

Đoàn rước trong thánh lễ: Đoàn rước là hình ảnh dân Chúa tiến về đền Thánh: bàn thờ, để tôn thờ Thiên Chúa. Quá chú trọng vào hình thức đoàn rước sẽ dẫn đến việc thay vì hướng cộng đoàn về những cử hành phụng vụ chính thức của Hội Thánh, mà đỉnh cao là thánh lễ thì những biểu hiện bên ngoài được đặt nặng hơn sự chuẩn bị tâm hồn bên trong biến cuộc rước thành một sinh hoạt đạo đức của đoàn thể, một đoàn rước đơn thuần, một cuộc diễu hành kiểu lễ hội. Thậm chí sau thánh lễ, có người lại hỏi xem đoàn rước có đẹp không, chứ không hỏi hôm nay Lời Chúa nói gì, bài giảng lễ có mang lại lợi ích thiêng liêng gì.

(Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân Và Phụng Vụ/ Nhìn Lại Phụng Vụ…)

Với chia sẻ trên, ước chi Giáo xứ có những canh tân, cải tổ, có những khóa huấn luyện phụng vụ cụ thể cho từng phần việc để cộng đoàn được tham dự cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực.

(luc)