BẢN TIN 450

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN B

CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ

          Phi-la-tô hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37)

Suy niệm: Đức Giê-su khẳng định: mục đích Ngài đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Sự thật nào? – Sự thật là Ngài, vốn là Thiên Chúa, nhưng chấp nhận nhập thể làm người, sống kiếp người như bao người (ngoại trừ tội lỗi), chết dưới bàn tay con người, nhưng rồi sẽ sống lại. Sự thật ấy minh chứng rằng thế gian chuộng bóng tối hơn ánh sáng (Ga 3,16); dù vậy, Đức Giê-su vẫn một mực gắn bó với thế gian, bởi Ngài đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (Lc 19,10). Sự thật ấy không nhằm tố cáo thế gian bội nghĩa, cho bằng minh chứng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi dám trao ban chính Con Một của mình (Ga 3,16). Tình yêu ấy là THẬT. Vấn đề con người có nhìn nhận sự thật ấy để được thuộc về sự thật hay không?

          Mặc dù là Vua, nhưng Đức Ki-tô không ép ai thừa nhận, Ngài chỉ mời gọi: “Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Như thế, để thuộc về Vương quốc của Ngài, không phải cứ kêu lên “lạy Chúa” hay “tâu Vua,” mà là đứng về phía sự thật. “Sự thật” ấy là tiếp tục diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian, và phải diễn tả cách trung thực như Vua Ki-tô: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

 

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

25.11 CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN. CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ. LỄ TRỌNG. Ga 18,33b-37

26.11 Thứ Hai. Thánh Tôma Đinh Viết Dụ, Linh mục OP và Đaminh Nguyễn Văn Xuyên, Linh mục OP, tử đạo. Lc 21,1-4

27.11 Thứ Ba; Lc 21,5-11

28.11 Thứ Tư; Lc 21,12-19

29.11 Thứ Năm; Lc 21,20-28

30.11 Thứ Sáu. THÁNH AN-RÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. Mt 4,18-22

01.12 Thứ Bảy đầu tháng. Lc 21,34-36

02.12 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG. NĂM C

Lc 21,25-28.34-36

 

THÔNG BÁO Số 65TB/GXCT/2018

  1. Thứ Tư 28/11, lúc 17g15 Lễ Thánh Anrê Trần Văn Trông, Bổn mạng Giáo Họ Anrê Trông. Xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
  2. Thứ Năm 29/11, lúc 17g15, Thánh Lễ Tạ Ơn Và Chia Tay hai Cha Phụ tá: Giuse Nguyễn Thanh Tùng và Giuse Phạm Phi Phong. Mời Cộng đoàn sốt sắng tham dự và hiệp ý cầu nguyện cho các Ngài trong nhiệm vụ mới.
  3. Thứ Sáu 30/11 Lễ kính Thánh Anrê Tông đồ, Quan Thầy của 46 giáo dân. Xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
  4. Chúa Nhật 02/12 sau lễ Thiếu Nhi có Rửa Tội cho các em nhỏ. Xin nộp Giấy Giới Thiệu tại Văn Phòng Giáo Xứ; Cha Mẹ và Người Đỡ Đầu đến Nhà Thờ tập Nghi Thức lúc 19g30 Thứ Bảy 01/12.

 

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Bí tích Rửa Tội được cử hành thế nào?

– Theo hình thức xưa: người rửa tội dìm người lãnh xuống nước 3 lần. Nhưng ngày nay, thường là người rửa tội đổ chút nước trên đầu 3 lần, trong khi đó, đọc công thức: “(Tôi) rửa con, (ông, bà, anh, chị, em) NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN”. [1229 – 1245, 1278]

– Nước có ý chỉ việc thanh tẩy và đời sống mới, điều này đã có trong phép rửa sám hối của Gioan Tẩy giả. Việc rửa bằng nước “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” còn hơn là một dấu hiệu ăn năn đền tội và trở lại, đó là một cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Do đó mà có các dấu hiệu phụ thêm là xức dầu, mặc áo trắng và nến Phục sinh.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 196. Ai có thể được rửa tội, và người được rửa tội cần điều gì?

 

   MỪNG BỔN MẠNG

Chúc Mừng Giáo Họ Anrê Trông Nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng – THÁNH  ANRÊ TRẦN VĂN TRÔNG, QUÂN NHÂN, TỬ ĐẠO  (28.11)

Chúc Mừng Quý Ông, Anh Em, Nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng – THÁNH AN-RÊ, TÔNG ĐỒ.  (30.11)

 

    TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤC VỤ

Đức Giêsu diễn tả sống động chân dung người phục vụ, cách đặc biệt trong bữa tiệc ly. Người mời gọi và trao ban lệnh truyền cho tất cả chúng ta, những người tiếp tục diễn tả chân dung người phục vụ trong đời sống thường ngày: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, hẳn là mỗi người chúng ta đều trải nghiệm những thách đố trong việc phục vụ, những cản trở nơi bản thân hoặc nơi tha nhân: bao lần chúng ta gặp những anh chị em tự thấy mình thật cao, đến độ không đón nhận sự phục vụ của chúng ta; bao lần chúng ta theo đuổi tham vọng cho mình “cao hơn một chút”, một chút hư danh hay một chút uy quyền, thay vì âm thầm và khiêm tốn phục vụ một cách vô vị lợi và trong sáng… Để phục vụ cộng đoàn, chúng ta cần có tâm thế và cung cách ứng xử của Đức Giêsu. Trở về với Người để được chinh phục bởi “tình yêu đến cùng” của Người và sống những giá trị nền tảng của đời phục vụ: quảng đại, cảm thông, và khiêm nhường…

Khi phục vụ cộng đoàn, không ít lần chúng ta thấy mình quá bé nhỏ giữa những người tự phụ. Dụ ngôn của Đức Giêsu về người Pharisêu và người thu thuế phác hoạ hai hình ảnh đối nghịch nhau: người Pharisêu tự thấy mình thật cao và người thu thuế tự thấy mình thật bé nhỏ (Lc 18, 9-15). Người Pharisêu hài lòng với chính mình, vâng phục lề luật, thi hành bổn phận tôn giáo… nhưng ông ta thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, thiếu khiêm nhường…; ông ta tự thấy mình thật cao, hài lòng với vị thế của mình và khinh chê người khác. Trong khi đó, người thu thuế, khi đối diện với Thiên Chúa, chỉ thấy mình tội lỗi và bất xứng, nên không ngừng kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Đức Giêsu khẳng định: “Tôi nói cho các ông biết: người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” Khiêm tốn sống sự nhỏ bé và bất xứng của mình trước Thiên Chúa, đó là đường nét căn bản phác hoạ chân dung người phục vụ.

Tiếp đến, trong hành trình phục vụ cộng đoàn, không ít lần chúng ta gặp những rào cản hay trở ngại gặp Chúa, như Da-kêu (Lc 19,1-10). Nhiều lúc chúng ta thấy mình quá nhỏ bé, muốn mình “cao hơn một chút” để có thể lấn lướt những khó khăn và trở ngại nơi cộng đoàn; nhiều lúc chúng ta thấy mình đơn độc và kiệt sức giữa vô vàn việc phục vụ, giữa vô vàn những người tự nhận là “đang đi theo Đức Giêsu” nhưng chính họ lại đang che khuất Đức Giêsu khỏi chúng ta; bao lần cộng đoàn giáo xứ mà chúng ta phục vụ đã che khuất Chúa Giêsu khỏi mắt chúng ta bởi những ghe tương, ích kỷ, căng thẳng… Da-kêu đã vượt qua những rào cản ấy bằng sáng kiến trèo lên cây. Khi Đức Giêsu đi ngang qua, Người nhìn lên và nói với ông: “Da-kêu xuống mau, vì hôm nay tôi phải ở nhà của ông.” Da-kêu được chinh phục bởi thái độ của Đức Giêsu, ông đón rước Người vào nhà mình; được Đức Giêsu cảm hoá, ông thay đổi đời sống: “Đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Tấm lòng người phục vụ theo phong cách Đức Giêsu luôn quảng đại và bao dung, có khả năng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.

Sau cùng, trước tình yêu “đến cùng” của Đức Giêsu, người phục vụ theo phong cách của Người cũng quảng đại phục vụ đến cùng (Mc 12,41-44). Đức Giêsu ở cửa đền thờ, Người thấy người đàn bà tới, khiêm tốn, đơn sơ, lén lút… và bỏ vài đồng trinh vào hòm tiền dâng cúng trong đền thờ. Bà nghĩ rằng không ai nhìn thấy, nhưng có một người nhìn thấy bà, đó là Đức Giêsu. Không chỉ nhìn thấy, Người còn gọi các môn đệ lại nhìn và nói với họ: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” Người giàu huyênh hoang bỏ vào thùng số tiền có vẻ nhiều, có thể đó cũng là cách họ bố thí cho người nghèo, nhưng Đức Giêsu nhận ra và khen ngợi bà goá nghèo. Tôi đã và đang phục vụ như thế nào: có dâng cho Chúa cái dư thừa và muốn phô trương? có tính toán thiệt hơn với Chúa, dâng thật nhiều nhưng cũng mong thật nhiều cho mình được “cao hơn một chút”, được nhận biết và tán dương hơn một chút? Tôi có quảng đại với Chúa như bà goá nghèo: dâng cho Chúa điều tôi có-điều tôi được Chúa ban, vì sự sống còn của chính mình? có quảng đại với Chúa, để dâng cho Ngài chính bản thân, thời gian và tâm sức, để phục vụ cộng đoàn, một cách vô vị lợi và trong sáng?

(Lm Gioan Vũ Ngọc Tín, SJ.)