BẢN TIN 447

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN B

          “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Trong các thánh lễ vào các đại lễ, phần dâng lễ vật rất được chăm chút. Về của lễ, ngoài bánh và rượu như thường lệ, còn có các lễ vật là hoa, nến, hương, trầm và cả tiền giỏ nữa. Những thành viên trong đoàn dâng lễ y phục chỉnh tề, tập dượt kỹ lưỡng trước để tiến dâng lễ vật trong sự trang nghiêm, nhịp nhàng. Cùng với bài ca dâng lễ, còn có vũ khúc kèm theo và những lời dẫn nói lên ý nghĩa lễ dâng và tâm tình của cộng đoàn. Dâng lễ vật cho Thiên Chúa là việc chính đáng và cao quí. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để Thiên Chúa phán xét không hệ tại ở mức ‘hoành tráng’ của lễ dâng nhưng ở việc làm do lòng thương xót ta dành cho tha nhân. Lòng yêu mến người khác là dấu hiệu cho biết ta có mến Chúa thật lòng hay không. Về điểm này, thánh Gio-an nói rất rõ ràng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

  Thánh Tô-ma A-qui-nô cho rằng việc trợ giúp những nhu cầu cấp thiết của người khác vì tình yêu thương “là một hy lễ được Thiên Chúa yêu thích hơn vì hướng trực tiếp đến tha nhân”. (x. Tông huấn “Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ”, số 106 của ĐGH Phan-xi-cô).

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

04.11 CHÚA NHẬT XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN. Mc 12,28b-34

05.11 Thứ Hai. Thánh Đaminh Hà Trọng Mậu, Linh mục OP, tử đạo; Lc 14,12-14

06.11 Thứ Ba. Lc 14,15-24

07.11 Thứ Tư. Các Thánh  Vinh-sơn Phạm Hiếu Liêm, Linh mục; Thánh Giaxintô Castaneda Gia, Linh mục: tử đạo. Lc 14, 25-33

08.11 Thứ Năm. Các Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi, Linh mục; Thánh Phaolô Nguyễn Ngân, Linh mục; Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh, Linh mục; Thánh Martinô Thọ, Viên thuế; Thánh Gioan Baotixita Cỏn, Lý trưởng: tử đạo. Lc 15, 1-10

09.11 Thứ Sáu. CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LA-TÊ-RA-NÔ. Lễ kính; Ga 2,13-22

10.11 Thứ Bảy. Thánh Lê-ô cả, Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội thánh. Lễ nhớ; Lc 16,9-15

11.11 CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN. Mc 12,38-44

 

THÔNG BÁO Số 59TB/GXCT/2018

  1. Thứ Hai 05/11/2018 Thánh Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu đã qua đời vào lúc 09g00 tại Nghĩa Trang Giáo Xứ tại Phú Thượng. Xe đưa đón cộng đoàn sẽ khởi hành lúc 07g30 tại nhà thờ.
  2. Thứ Năm 08/11/2018, vào lúc 17g15 Thánh lễ Cầu Cho Các Đức Giám Mục, Linh Mục Và Các Nam Nữ Tu Sĩ phục vụ tại Giáo xứ Chính Tòa nay đã qua đời. Mời cộng đoàn sốt sắng tham dự, hiệp ý cầu nguyện.
  3. Chúa Nhật 32 Thường Niên, 11/11/2018.

+ Giáo xứ Chính Tòa Chầu Thánh Thể. Các Phiên Chầu lượt cụ thể như sau:

  1. Từ 11g00 đến 11g30: Ca đoàn Tiếng Anh Emmanuel.
  2. Từ 11g30 đến 12g30: CT Thăng Tiến Hôn Nhân + Ban Bác Ái Xã Hội- Caritas do CT Thăng Tiến Hôn Nhân chủ trì.
  3. Từ 12g30 đến 13g30: Hội Legio Mariae + Ban Bác Ái Vinh Sơn do Hội Legio chủ trì.
  4. Từ 13g30 đến 14g30: Giới Trẻ + Giới Người Cha + Giới Người Mẹ do Giới Trẻ chủ trì.

+ Quyên góp giúp xây dựng nhà thờ Hội Yên trong các Thánh lễ. Xin cộng đoàn rộng tay đóng góp.

 

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Hội Thánh có thể thay đổi và canh tân Phụng vụ không?

– Trong phụng vụ, có những phần có thể đổi và những phần không thể đổi. Phần không thể đổi là phần có nguồn gốc thần linh, ví dụ: những Lời của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly. Phần có thể đổi là phần Hội thánh thêm vào, phần này cần đổi theo thời gian. Như vậy, mầu nhiệm Chúa Kitô phải được công bố, cử hành, và đem ra sống ở mọi nơi mọi lúc. Phụng vụ phải phù hợp với tinh thần và văn hóa của mỗi dân tộc. [1200 – 1204]

– Chúa Giêsu đã tiếp xúc với con người toàn diện bao gồm tinh thần, trí tuệ, trái tim và ý chí. Và hôm nay Chúa vẫn còn muốn như thế trong phụng vụ. Vì thế, Phụng vụ được trình bày dưới nhiều nét khác nhau ở Phi châu và ở Âu châu…, trong nhà nguyện nhỏ hoặc dịp đại hội giới trẻ thế giới. Phụng vụ ở các xứ đạo có bộ mặt khác với ở các tu viện. Nhưng luôn luôn mọi người mọi nơi phải nhận ra được ở trong phụng vụ của mình phụng vụ của Hội Thánh phổ quát.

“Khi suy nghĩ về phụng vụ, mà ta chỉ nghĩ đến việc làm sao cho đẹp, hấp dẫn, lý thú, thì phụng vụ đã mất bản chất rồi. Hoặc phụng vụ là công việc của Thiên Chúa có Chúa như chủ thể thực sự, hoặc phụng vụ chẳng là gì cả.” – Đức Bênêđictô XVI, 9-9-2007

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 193. Có một liên kết hữu cơ giữa các bí tích không?

  

    TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Xin Lễ Cầu Cho Người Đã Qua Đời Hay Xin Lễ Cho Các Linh Hồn Mồ Côi ?

Khi nói linh hồn mồ côi là nói theo suy nghĩ của người đời. Tức là nói đến các linh hồn không có thân nhân còn sống để cầu cho người thân đã mất.

Nhưng thực tế là Giáo Hội vẫn cầu xin cho mọi tín hữu đã ly trần trong mọi Thánh Lễ, dù không có ai xin lễ cầu cho các linh hồn này.

Trong các Kinh Nguyện Tạ Ơn (Thánh Thể) I, II, III, và IV đọc trong Thánh Lễ, Giáo Hội hằng ngày cầu chung cho các tín hữu đã ly trần như sau:

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa’. Xin cho hết thẩy được vào hưởng ánh sáng tôn nhân Chúa…” ( KNTT II)

Dù không có ai xin lễ, thì linh mục vẫn đọc lời cầu xin trên đây để cầu cho tất cả mọi tín hữu đã ly trần, tuy không có ai xin lễ cầu cho họ.

Nếu có ai xin lễ cầu cho linh hồn nào,  thì có thêm lời nguyện riêng như sau:

“Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là …. mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa  thì cũng được sống lại như Người.”

Như thế rõ ràng là Giáo Hội không chỉ cầu nguyện riêng cho những linh hồn có thân nhân còn sống xin lễ cầu cho, mà còn cầu nguyện chung cho hết mọi tín hữu đã ly trần trong đó có những linh hồn không có thân nhân còn sống xin lễ cầu cho. Nghĩa là không có linh hồn nào được coi là “mồ côi” vì không có ai cầu nguyện cho  cả.

(Đối với những linh hồn không phải là tín hữu, không có chung niềm tin vào Đức Kitô như chúng ta, chưa thuộc về Hội Thánh Công giáo, lại không có người thân nào cầu nguyện cho, họ cần chúng ta quan tâm để cầu nguyện dâng lễ cho họ. Để rồi nhờ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, họ được thanh luyện và hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Chúa. Lời cầu nguyện của ta sẽ nối kết họ vào đại gia đình Thiên Chúa để cùng hiệp thông ân phúc cho nhau.)

Tóm lại, ai có lòng tốt xin lễ cầu cho các linh hồn đã ly trần thì đó là việc bác ái đáng khuyến khích. Nhưng đừng nói xin cầu cho các “linh hồn mồ côi”, vì thật ra không có linh hồn nào bị coi là mồ côi đúng nghĩa trong kinh nguyện của Giáo Hội.

(Internet/Lm. P. X Ngô Tôn Huấn)

 

Chân Giá Trị Của Cái Gọi Là Từ Thiện

Một cô gái hỏi: “ Bao nhiêu tiền 1 trái dừa vậy ông?”

Ông già bán dừa trả lời cô ta: “Thưa cô 10 ngàn 1 trái.”

Cô gái nói: “Bán cho tôi 2 trái 15 ngàn được chứ. Không được tôi đi chỗ khác.”

Người bán hàng trả lời: “Cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả”.

Cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến thắng. Cô ấy bước vào xe hơi và đi đón cô bạn, cả hai cùng tới một quán ăn sang trọng. Hai cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra. Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn là 850 ngàn đồng, cô gái đưa 900 ngàn đồng và nói với ông chủ quán: “Khỏi thối”.

Sự việc này có vẻ rất bình thường đối với ông chủ quán giàu có. Nhưng nó rất đau đớn cho người bán dừa tội nghiệp. Tại sao chúng ta thể hiện sự tính toán chi li khi chúng ta mua hàng của những người nghèo khổ tội nghiệp? Và tại sao chúng ta lại quá hào phóng với những người không cần sự hào phóng của chúng ta?

Mỗi lần một đứa trẻ nghèo đến với tôi để bán một cái gì đó đơn giản, tôi lại nhớ về ba tôi. Ba tôi thường mua những món đồ lặt vặt từ những người nghèo khó với giá cao, mặc dù ông không thực sự cần đến chúng. Có lần tôi thắc mắc hỏi ba về hành động “kỳ quặc” đó thì ba tôi nói: “đó chính là chân giá trị của cái gọi là từ thiện”

(sưu tầm)