BẢN TIN 445

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN B

    KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

“Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người… Con Người đến hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”                                                (Mc 10,44-45)

Suy niệm: Truyền giáo là phục vụ, trước tiên là phục vụ Tin Mừng của Chúa Giê-su, thứ đến là phục vụ đối tượng Tin Mừng gửi đến, là con người. Tin Mừng của Chúa đòi hỏi người rao giảng phải trung tín, lương thiện, không được cắt xén cho hợp với thị hiếu của người nghe, bởi Tin Mừng có nhiều điều “khó nghe,” đòi hỏi sự hoán cải, là điều gây dị ứng với con người. Con người là đối tượng được chăm sóc bằng Lời và việc phục vụ của người rao giảng. Như thế, người rao giảng không nghĩ mình đến từ một nơi khác, hay đứng trên ai cả, nhưng là đồng hành, nếu không muốn nói là trở nên “đầy tớ” của họ. Tính thân thiện, khiêm tốn, nhiệt thành như Chúa dạy, bảo đảm cho sự thành công của sứ vụ. Đó là điều các đức giáo hoàng gọi là “chứng nhân của Tin Mừng.”

          Việc Chúa Giê-su rửa chân cho môn đệ trong bữa Tiệc ly khiến Phê-rô sững sờ, song đó chính là bài học rất ý nghĩa minh chứng cụ thể cho lời rao giảng của Ngài. Là môn đệ Chúa, bạn phải làm gì thể hiện điều mình nghe, biết, và nói về đạo Chúa cho người khác?

 

   PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

21.10 CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN. Chúa Nhật Truyền Giáo.  Mc 10,35-45

22.10 Thứ Hai. Thánh Gio-an Phao-lô II, Giáo hoàng; Lc 12,13-21

23.10 Thứ Ba. Thánh Gio-an Ca-pet-tra-nô, Linh mục,Thánh Phaolô Tống Viết Bường, Quan thị vệ, tử đạo (1833). Lc 12,35-38

24.10 Thứ Tư. Thánh An-tôn Ma-ri-a Cla-ret, Giám mục, Thánh Giuse Lê Đăng Thị, Cai đội, tử đạo (1860). Lc 12,39-48

25.10 Thứ Năm.Lc 12,49-53

26.10 Thứ Sáu.Lc 12,54-59

27.10 Thứ Bảy.Lc 13,1-9

28.10 CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN. Mc 10,46-52

 

THÔNG BÁO Số 57TB/GXCT/2018

*           Thứ Bảy 27/10 vào lúc 16g30, kính mời cộng đoàn sốt sắng tham dự Thánh Lễ Bế mạc Tháng Mân Côi tại Núi Đá Đức Mẹ. (Ban Giáo Lý phụ trách.)

 

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Nhà thờ của Kitô hữu có ý nghĩa gì?

– Nhà thờ của Kitô hữu là biểu tượng của một cộng đoàn, ở một địa phương và đó cũng là biểu tượng của Nhà trên trời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. Trong nhà thờ, chúng ta tụ họp nhau để cầu nguyện chung hay riêng, và cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. [1179 – 1186, 1197 – 1199]

– “Ở đây người ta cảm thấy như ở thiên đường”

“Ở đây người ta im lặng, người ta kính trọng”. Nhiều nhà thờ đánh động chúng ta thực sự bởi bầu khí cầu nguyện sâu sắc của chúng. Vẻ đẹp của nhà thờ làm ta nghĩ đến sự đẹp, sự cao cả và tình yêu của Thiên Chúa. Nhà thờ không phải chỉ là những đền đài bằng đá, những sứ giả đức tin. Nhà thờ cũng là nhà của Chúa, nơi Chúa có mặt thực sự trong Bí tích Thánh Thể.

“Nhà thờ là nơi của Chúa mà ta đến để tìm và gặp Chúa. Nhà thờ làm cho tính cách nơi ở của thế giới được tôn lên cao. Cũng như danh tiếng của thành phố và làng xã của chúng ta được tôn lên cao nhờ các nhà thờ – thành phố Cologne sẽ như thế nào nếu không có Vương cung thánh đường ? Như vậy tính cách là nơi ở của thế giới chúng ta cũng được tôn lên cao nhờ sự có mặt của Thiên Chúa.” – Hồng y Joachim Meisner (1933-, Tổng Giám mục Cologne).

“Thiên Chúa đã đặt nhà thờ như bến đậu tại các bờ biển, để bạn ẩn vào đó, tránh những náo động và âu lo thế gian, vào đó bạn gặp được an toàn và thinh lặng.” – Thánh Gioan Chrysostom

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 191. Trong Nhà thờ nơi nào chiếm ưu tiên?

 

   MỪNG BỔN MẠNG

Chúc Mừng Giáo họ Phaolô Tống Viết Bường, nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng-Thánh Phaolô Tống Viết Bường, Quan Thị Vệ, Tử Đạo.(23.10)

 

    TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Truyền giáo thực sự là gì?

Những thái cực cần tránh là điểm được nhấn mạnh của Đức Cha phụ trách Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam trước tình hình truyền giáo hiện nay tại Việt Nam; Đó là tinh thần “cầu an” và “thủ thân khép kín” khi “hô khẩu hiệu hay căng biểu ngữ ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân’ cho thật to, rồi không làm gì, ngồi yên một chỗ, bằng lòng với những gì đang có, chỉ lo mục vụ cho những ai đang giữ đạo rồi thôi”. Cùng với đó là não trạng hài lòng về con số thống kê trong khi “bằng mọi cách, đưa người khác gia nhập Giáo Hội càng nhiều càng tốt, bất kể họ có thật sự tin vào Chúa hay không, rồi sau khi lãnh nhận các bí tích chẳng tiếp tục đồng hành giúp họ thực hành đạo.” (Gm Alp.Long)

Khi việc cử hành phụng vụ chỉ là những nghi lễ thuần túy bên ngoài, các sinh hoạt Công giáo vẫn chỉ dừng lại theo kiểu lễ hội, rước sách linh đình, không thể truyền tải cái sâu kín mầu nhiệm “Đạo Yêu Thương” thì khuôn mặt Thiên Chúa vẫn chỉ ở nơi nào đó thật xa vời, ở đằng kia mỗi người. Ngài vẫn chỉ có thể đứng đó dõi theo bước chân ta hoang đàng đi về muôn lối, vẫn chỉ đứng ở ngoài mà gõ cửa trái tim ta….

Điều quan trọng hơn hết là kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, chứ không phải chỉ nghe nói về Ngài, chúng ta chỉ có thể loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm đến (x.1Ga 1,1-3). Hãy đến với những người lương dân bằng cả trái tim để gặp gỡ, sẻ chia với những người cùng khổ, bất hạnh: cho họ một ly nước lã vì danh Đức Ki-tô, hay đơn giản chỉ là thăm viếng những khi hiếu hỷ gia đình và các dịp khác khi có thể…. (Phạm Quang)

Truyền giáo không hẳn là phải ra đi về địa lý nhưng là “ra đi” về tâm hồn, ra đi khỏi cái tôi vị kỷ với tâm hồn đơn thành, không nghĩ cho bản thân mà biết nghĩ cho mọi người, không nghĩ làm vinh danh bản thân mà nghĩ tới việc vinh danh Chúa; hay âm thầm cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo như thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu với cả tâm hồn đơn sơ, cầu nguyện cho những người xung quanh ta, cho đất nước, cho các châu lục và cho toàn thể trái đất.(Tâm Hồi)

Đối tượng cần được truyền giáo là ai? Trong bối cảnh hiện nay, đối tượng cần được truyền giáo khá đa dạng, đó là những người đã được Rửa Tội nhưng không sống trong Giáo hội, những người bị rối đạo, những người phạm sai lầm (mại dâm, nghiện ngậm, tù tội…), những người chưa biết Chúa (chưa nghe biết Tin Mừng), v.v..

Có rất nhiều phương thế để truyền giáo, tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi người (x. 1 Cr 12:4-11). Chẳng hạn như đi thăm viếng đều đặn những người lạc mất đức tin, tham gia giảng dạy giáo lý hoặc các khóa thăng tiến hôn nhân gia đình và chăm sóc sức khỏe, các khóa bồi dưỡng giáo lý đức tin, các khóa huấn luyện tác viên Tin Mừng, tích cực tham gia sinh hoạt bác ái xã hội như thăm viếng và chăm sóc người nghèo khổ cũng như giúp đỡ các bệnh nhân nghèo được chữa trị và “cho kẻ đói ăn”.

Nếu một cộng đoàn giáo xứ chỉ đóng khung trong phạm vi hạn hẹp của mình với các công trình kiến thiết bề thế, cùng với các sinh hoạt của từng đoàn thể rất nền nếp, cũng như tổ chức được những cuộc rước quy tụ mọi hội đoàn cách hoành tráng mà không mở ra cho nhu cầu truyền giáo thiết thực phía bên ngoài thì đời sống đức tin cũng chưa thực sự đầy đủ. Hoặc nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc đóng góp tài chính để giúp đỡ cho một vùng truyền giáo nào đó thì sứ mệnh truyền giáo được lãnh nhận khi chịu bí tích Rửa Tội cũng chưa thật mỹ mãn.

Nếu các bạn trẻ cố gắng một năm tổ chức năm một lần cho một chuyến đi tại vùng hẻo lánh để tặng quà và giao lưu với em thiếu nhi qua hình thức sinh hoạt và lửa trại thì dư âm từ chuyến đi đó đối với biết bao tháng ngày phía trước cũng dần dần lui vào quá khứ, để nhường lại những sinh hoạt đời thường như bao ngày thường thiếu thốn khác của những người được viếng thăm. Thế nhưng nếu các bạn khi có thể dành riêng một tuần hoặc tháng hè để đến sống và chia sẽ những công việc thường nhật của họ thì thực sự các bạn đã mang trong mình một trái tim đong đầy khát vọng truyền giáo. (Phó Mộc)