PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN B
Đức Giê-su bảo: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)
Suy niệm: Gio-an đòi loại trừ những người “không thuộc nhóm chúng ta” mà lại dám nhân danh Thầy Giê-su để trừ quỉ. Chúa Giê-su bác bỏ quan điểm đó và dạy các môn đệ phải có cái nhìn bao dung: Sứ mạng tại thế của Chúa Giê-su là xây dựng Nước Thiên Chúa. Khác với nước thế gian có ranh giới, có lãnh thổ, Nước Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đất đai, màu da, hay chủng tộc, nhưng được loan báo cho mọi người thành tâm thiện chí, những người đứng về phía sự thật (Ga 19,37). Vì thế, chỉ có sự dữ là kẻ thù phải loại trừ, còn mọi người đều được đón nhận vào Nước Thiên Chúa với điều kiện họ đứng về phía sự thật.
Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Nước Thiên Chúa được loan báo đến cho mọi người. Trong một thế giới đa nguyên về ý thức hệ, văn hóa và tôn giáo, việc sống tinh thần bao dung của Chúa Ki-tô là rất quan trọng.
Thay vì loại trừ người khác chỉ vì họ không thuộc về nhóm của mình, chúng ta được mời gọi để nhận ra trong thế giới đầy dẫy khác biệt này vẫn có đông đảo những người đứng về phía sự thật, họ là những người ủng hộ Chúa Ki-tô bởi vì họ không chống lại Ngài.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
30.9 CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN; Mc 9,38-43.45.47-48
01.10 Thứ Hai. THÁNH TÊ-RÊ-XA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. BỔN MẠNG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO. Lễ kính. Mt 18,1-5
02.10 Thứ Ba. Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ. Mt 18,1-5.10
03.10 Thứ Tư. Lc 9,57-62
04.10 Thứ Năm đầu tháng. Thánh Phan-xi-cô A-si-di. Lễ nhớ.Lc 10,1-12
05.10 Thứ Sáu đầu tháng. Lc 10,13-16
06.10 Thứ Bảy đầu tháng. Thánh Bru-nô Linh mục. Thánh Phanxicô Nguyễn Văn Trung, Cai đội, tử đạo (1858); Lc 10,17-24
07.10 CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN. Được kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi. Lc 1,26-38
THÔNG BÁO Số 5TB/GXCT/2018
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Chúa Nhật là tâm điểm của thời giờ Kitô giáo, vì trong ngày Chúa Nhật, chúng ta cử hành sự Sống lại của Chúa Kitô và mỗi Chúa nhật là một Lễ Phục Sinh thu gọn. [1163 – 1167, 1193]
– Nếu không tôn trọng Chúa Nhật như ngày của Chúa, hay nếu loại bỏ Chúa Nhật đi thì tuần lễ chỉ gồm toàn những ngày phải đi làm. Con người được tạo dựng để sống vui, sẽ trở nên như thân trâu ngựa và như một người điên rồ chỉ biết tiêu thụ. Chúng ta phải học cách sống trên trái đất này như sống ngày lễ, nếu không chúng ta sẽ chẳng biết làm gì ở trên trời. Vì ở trên trời là Chúa nhật đời đời.(104 – 107)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 188. Phụng vụ Các Giờ kinh là gì?
MỪNG BỔN MẠNG
Chúc Mừng Ca đoàn THERESA, Ca đoàn PHANXICO, Giới Người Cha GXCT, Quý Ông Bà, Anh Chị Em nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng – THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH; THÁNH PHANXICÔ ASSISI, TU SĨ; THÁNH PHANXICÔ NGUYỄN VĂN TRUNG, CAI ĐỘI, TỬ ĐẠO
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Hành hương
Hoàn cảnh xã hội và kinh tế cùng với sự tiến bộ và thuận lợi của phương tiện giao thông giúp cho người tìn hữu Việt Nam ngày nay chẳng ai còn xa lạ với việc hành hương. Nhưng có nhiều người lẫn lộn giữa du lịch và hành hương, thường họ lồng trong nhau như là sự kết hợp giữa tôn giáo và nhu cầu hiểu biết, tham quan, học hỏi thêm về con người và vùng đất nơi mình đến, chưa kể còn mang tính hưởng thụ… Du lịch là du lịch, hành hương là hành hương, không nên kết hợp “du lịch hành hương” như các công ty du lịch quảng cáo. Nhiều khi người hướng dẫn được thuê mướn chỉ là chuyên viên hướng dẫn du lịch, nên cũng chẳng thể chờ đợi nhiều hơn ở họ, và cũng không thể trách móc họ.
Thêm vào đó, rất ít người tìm hiểu và biết chuẩn bị cho mình một cuộc hành hương để có kết quả tốt lành thực sự, chỉ như ‘Tấp tễnh người đi tớ cũng đi’ (Trần Tế Xương). Nhiều người đi để biết thêm địa danh mới lạ do tò mò, ngay cả người đạo đức cũng muốn tìm cảm giác thần thiêng mủi lòng, đi tìm những dấu lạ hoặc tìm một phép mầu nào đó như kiểu mua sổ xố hy vọng trúng độc đắc. Còn có những người đi hành hương mang kiểu trả giá, thử nghiệm xem sao nếu xin được ơn như ý mình thì đi tiếp, nếu không thì thôi, có người lại đồng bóng vuốt ảnh tượng thoa lên thân thể mình.
Nói chung con người tìm đến hành hương như là giải pháp xả stress và thỏa mãn nhu cầu “lợi nhuận”, do mê tín, sự tò mò, thích tham quan, xem điều mới lạ về con người và vùng đất nơi mình đến. Sau khi đi về thì tất cả tâm tình, cảm xúc, ý nghĩa và tinh thần hành hương trở lại bình thường, có chăng chỉ còn chút kỷ niệm nhạt phai, và tinh thần sống đạo cũng chẳng có gì khác.
Điều thiếu sót và lệch lạc này phải chăng do sự thiếu hiểu biết? Hay đời sống đức tin chưa trưởng thành? Có lẽ do cả hai.
Hành Hương Và Mục Đích Của Nó
Hành hương là gặp gỡ Thiên Chúa tại những nơi ghi dấu sự hiện diện đặc biệt của Người, là những nơi có những thánh tích đặc biệt của Chúa, Đức Mẹ và các thánh.
Dù đền thờ nào cũng thánh thiêng, cũng là nơi con người có thể gặp Chúa, nhưng vẫn có những nơi đặc biệt gợi lên trong chúng ta những tâm tình đạo đức mãnh liệt hơn. Đồng thời, hành hương cũng là cơ hội giúp chúng ta trong thinh lặng và cầu nguyện, có thể xác tín hơn rằng, chỉ có Chúa mới thật sự là đích điểm cuộc đời người Kitô Hữu, và cuộc đời Kitô Hữu đang là cuộc hành trình đi về quê hương đích thực là Nước Trời.
Mục đích của hành hương là giúp các tín hữu củng cố Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến và sống một cách tràn đầy các nhân đức nhân bản Kitô Giáo.
Khi vượt qua một quãng đường dài và bỏ lại sau lưng nếp sống thường nhật, người hành hương dễ dàng nhận ra con người của mình, những việc cần làm, những cái cần phải chỉnh sửa, để đời sống đức tin được củng cố và lớn mạnh. Từ đó, mỗi người được thôi thúc dám dấn thân để làm chứng cho giá trị Tin Mừng, sẵn sàng phục vụ Giáo Hội và yêu mến tha nhân một cách vô vị lợi.
Như vậy, tinh thần hành hương phải có là tinh thần Hiệp thông với Giáo hội, với Cộng đoàn, tinh thần vô vị lợi, lắng đọng nội tâm (thinh lặng), biết hy sinh (trong khi hành hương), nhìn lại mình để hồi tâm-sám hối-đền tội (sửa mình), nhận ra tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa (thánh ý của Người), tập trung cầu nguyện trong sự tin yêu phó thác vào Người (cảm tạ, ngợi khen, xin ơn), và nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ hoặc vị thánh nào mà mình kính viếng.
Cách khác, khi hành hương: Người tín hữu cố gắng kiếm tìm để gặp Thiên Chúa tại những nơi được thánh hiến để dâng lời cầu nguyện trong một khung cảnh đặc biệt thích hợp, qua đó họ xác tín niềm tin, thay đổi và thăng tiến trong đời sống đức tin của mình.
‘Nơi Thánh không tự nó hiệu nghiệm, nhưng là hoàn cảnh thuận lợi giúp chúng ta gặp gỡ với Chúa trong cầu nguyện và trong sự hiệp thông với cả Hội Thánh. Hàng tỉ tín hữu chẳng bao giờ có dịp hành hương đến Đất Thánh, thậm chí chẳng có điều kiện đến được những nơi hành hương ngay ở trong nước. Ngược lại có những người hành hương hết nơi này đến nơi khác trên khắp thế giới, nghe ở đâu có Đức Mẹ hiện ra, có phép lạ… là đi cho bằng được, làm như cứ đi hành hương cho nhiều là thành thánh to ! Nhưng cuộc sống của họ vẫn “trước sau như một”. Hãy luôn nhớ rằng: Chúa ban ơn xuống tâm hồn nào khao khát đợi chờ, khiêm tốn cầu xin và sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng để Chúa biế’n đổi cuộc đời mình. (Nguyễn Công Đoan, S.J.)’
(lược trích:Hành Hương/ Hàn Cư Sĩ)