BẢN TIN 414

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 04 MÙA CHAY. 11/3/2018

“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa… Những kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng.” (Ga 3,19-21)

Suy niệm: Ánh sáng và bóng tối không bao giờ song hành hay thỏa hiệp với nhau. Có ánh sáng thì bóng tối bị đẩy lui; khi ánh sáng vụt tắt thì bóng tối xuất hiện. Theo Thánh Kinh, bóng tối là nơi quyền lực sự dữ tung hoành, nơi người ta phạm tội. Khi mô tả Giu-đa đang âm mưu bán Chúa, Thánh Kinh nói rằng ông đã ra khỏi phòng và lao vào trong đêm tối. Để phạm tội, người ta cần bóng tối che đậy và đồng lõa. Có những người thích bóng tối, “vì các việc họ làm đều xấu xa.” Ngược lại, những người muốn sống thánh thiện, họ thích đến cùng ánh sáng. Ánh sáng này là ánh sáng phát xuất từ Đấng đã giới thiệu “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Ánh sáng vật lý không thể chiếu xuyên tâm hồn con người, còn ánh sáng Chúa Ki-tô có khả năng xuyên thấu: xuyên thấu tâm hồn Phê-rô, giúp ông thống hối trở lại với Chúa; ánh sáng đó có khả năng biến đổi: làm cho Sao-lê, từ một người hung hăng bắt đạo trở nên vị tông đồ trung thành của Chúa Giê-su và nhiệt thành trong công cuộc truyền giáo.

Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nói: ngay cả trong đêm tối nhất, Chúa Giê-su vẫn là ánh sáng không bao giờ tắt. Ánh sáng của Ngài là lời của Ngài và là chính Ngài. Vậy, đón nhận ánh sáng là đón nhận Lời Chúa và rước Chúa.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

11.03 : Chúa Nhật IV MÙA CHAY. Ga 3,14-21

12.03 :     Thứ Hai. Ga 4,43-54

13.03 :     Thứ Ba. Ga 5,1-3a.5-16

Kỷ niệm 05 năm ngày Đức Phanxicô đắc cử Giáo Hoàng (2013).

14.03:     Thứ Tư. Ga 5,17-30

15.03 :     Thứ Năm. Ga 5,31-47

16.03:     Thứ Sáu. Ga 7,1-2.10.25-30

17.03:     Thứ Bảy. Thánh Pa-tri-xi-ô, Giám mục. Ga 7,40-53

18.03: Chúa Nhật V MÙA CHAY. Ga 12,20-33

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

Đức Thánh Cha thiết lập lễ nhớ Đức Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã quyết định thiết lập lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo lịch chung của Giáo Hội.

Lễ này được ghi trong tất cả các lịch và sách phụng vụ để cử hành thánh lễ và phụng vụ các giờ kinh.

Theo quyết định trên đây, Thứ Hai 21-5-2018 sẽ là lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.

(G.  Đức Anh )

 

Đức Tổng Giám mục Phaolô đã về với Chúa

VATICAN. Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã được Chúa gọi về trong khi tham dự cuộc hành hương viếng mộ các thánh Tông đồ (Ad Limina) từ ngày 02 đến 11/03/2018 tại Roma.

Đức cha Phêrô Khảm nói về sứ vụ của đức cố Giám mục Phaolô là “rao giảng và giới thiệu Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng cho mọi người”, trong một “đất nước cộng sản”, nơi mà so với những “hạn chế” trong quá khứ, ngày nay các Kitô hữu tham gia tốt hơn trong nhiều lãnh vực khác nhau.” (Vatican News 08/03/2018)

 

Chính Tòa: TB Số 18TB/GXCT/2018

  1. Kính mời Giáo Dân Giáo Họ Đaminh Cẩm tham dự Buổi Tĩnh Tâm lúc 19g30’ Chúa Nhật 11/3 để mừng Lễ Bổn Mạng Giáo Họ. Lễ Kính Thánh Đaminh Cẩm được cử hành trọng thể lúc 17g30’ Thứ Hai 12/3, xin Cộng Đoàn sốt sắng tham dự hiệp ý cầu nguyện.
  2. Chúa Nhật 11/3 vào lúc 19g30’ Phiên Sám Hối của Các Em Thiếu Nhi Giáo Lý, xin người lớn tuổi nhường cho các em xưng tội trước. Trong tuần tới các Cha sẽ ngồi Tòa sau Thánh Lễ Sáng và trước Thánh Lễ Chiều. Xin Cộng Đoàn sắp xếp để được nhận lãnh Bí tích Hòa Giải.
  3. Xin Cộng Đoàn lưu ý: Bắt đầu từ Thứ Hai 12/3 Thánh Lễ Chiều sẽ cử hành lúc 17g30’ thay cho 17g00’ như trước đây.
  4. Từ Thứ Hai 12/3 đến Thứ Bảy 17/3 Giáo Họ Giuse Viên trực Phụng Vụ.
  5. Thứ Năm 15/3 sau Thánh Lễ 17g30’ có giờ Chầu Mình Thánh do Giới Người Cha phụ trách.
  6. Thứ Sáu 16/3 vào lúc 19g30’ Gẫm Đàng Thánh Giá do Giới Trẻ và Ban Thăng Tiến Hôn Nhân phụ trách, xin Cộng Đoàn sốt sắng tham dự.

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Luyện ngục là gì?

–  Luyên ngục thường được coi là một nơi, nhưng đúng ra là một tình trạng của những người chết trong ơn nghĩa Chúa, đã được cứu độ, nhưng còn cần thanh luyện trước khi họ có thể được xem thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Đó chính là luyện ngục. [1030-1031]

– Khi Thánh Phêrô chối Chúa Giêsu, Người quay lại và nhìn ông: “Và Phêrô đi ra khóc lóc một cách cay đắng”, việc thánh Phêrô bày tỏ một tình cảm ăn năn như thế có thể có ở luyện ngục. Một luyện ngục như thế chắc sẽ chờ đợi đa số chúng ta lúc chúng ta chết: Chúa nhìn ta với cái nhìn yêu thương, và ta cảm thấy một tình cảm hổ thẹn cháy bỏng và một hối hận đớn đau đối với việc ta đã làm điều ác hoặc đã có những hành động chỉ “ thiếu” có tình yêu thôi. Chỉ sau khi chịu đau khổ để thanh luyện như vậy ta mới có thể gặp được cái nhìn yêu thương trong niềm vui vĩnh hằng mà không gì làm xáo trộn được.

Những công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Thiên Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. – 1 Cr 3,13

Vì thế, ông Giuđa Macabê đã làm việc đền tội cho người đã chết, để họ được tha thứ tội lỗi. – 2 Mcb 12,45

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 160.  Ta có thể giúp được các linh hồn ở Luyện ngục không?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

NGƯỜI ĐỌC SÁCH THÁNH TRONG THÁNH LỄ

Nghe được những ý kiến đóng góp chân thành từ phía cộng đoàn đối với các thừa tác viên đọc Sách Thánh trong thời gian qua; tôi tham khảo các tài liệu liên quan về  tinh thần, tác phong, các hành vi, cử chỉ, và những kỹ kỹ năng… khi thực thi tác vụ công bố Lời Chúa cho cộng đoàn trong các thánh lễ đúng theo phụng vụ Giáo hội đã ban hành. Xin được ghi lại để mọi người cùng tham khảo.

Mục đích: Để Thừa Tác Vụ Đọc Sách được thực hiện một cách hết sức nghiêm chỉnh và để Giáo Xứ quan tâm đến việc đào tạo các Thừa Tác Viên Đọc Sách Thánh cho các Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật cũng như ngày thường.

Người đọc Sách Thánh là người thi hành tác vụ công bố Lời Chúa (qua các Bài đọc) trong Thánh lễ. Họ có sứ mạng làm cho Thiên Chúa hiện diện đối với cộng đoàn trong phần Phụng vụ Lời Chúa.

Vì là người công bố và chuyển đạt Lời Chúa cho cộng đồng tín hữu, cho nên ngoài thái độ cung kính và cách ăn vận, phục sức đứng đắn chỉnh tề, họ còn phải thấu hiểu Bài đọc và có khả năng truyền thông Lời Chúa.

Nhiệm vụ của người đọc sách là công bố ý nghĩa của sứ điệp thánh theo khả năng tốt nhất của mình. Vì thế, việc chuẩn bị kỹ càng của họ trước khi công bố sẽ làm cho Lời Chúa trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn cho cộng đoàn phụng vụ và giúp cộng đoàn thu được nhiều lợi ích từ đó.

+ Xem trước Bài Sách Thánh mà mình sẽ công bố.

+ Hiểu nội dung Bài Sách Thánh mà mình sắp công bố.

+ Chú ý các tên riêng (nếu có) để phát âm cho đúng.

+ Không cần đọc “Bài đọc I” và hàng chữ in nghiêng trong ngoặc kép, nhưng bắt đầu ngay với câu: “Bài trích sách…”

– Sau khi đọc câu “Lời Chúa trong sách…” thì dừng laị vài giây rồi mới đọc chính bản văn Sách Thánh.

+ Cung giọng đọc rõ ràng, khoai thai, thanh thoát; không gắt gỏng, lè nhè hay ướt át; biết phân câu, ngắt câu cho đúng. Tuyệt đối không đọc theo lối diễn thuyết hay biểu diễn (vừa đọc vừa ngẩng đầu lên xuống, quay qua quay lại…)

– Không sửa giọng cho cầu kỳ, tránh gằn giọng để nhấn mạnh như một bài phát biểu; hay thay đổi giọng theo từng nhân vật khác nhau…

+ Đọc với tất cả lòng yêu mến Lời Chúa.

+ Kết thúc Bài đọc, dừng lại vài giây rồi mới cất tiếng nói “Đó là Lời Chúa”. Đợi cho cộng đoàn đáp lại “Tạ ơn Chúa” xong thì mới di chuyển về lại chỗ ngồi. (nếu không đọc Đáp Ca)

– Khi đọc hay hát đáp ca: phải đọc câu đáp chậm rải và rõ ràng cho cộng đoàn.  Sau đáp ca, đứng thinh lặng. Khi cộng đoàn đọc hay hát câu đáp, thì rời bục ngay, cúi chào Sách Thánh rồi về chỗ.

Với người đọc bài 2, thì phải biết trước bài đáp ca hôm đó gồm có mấy câu đọc hay câu hát, để tới câu cuối thì đã bước lên cúi chào.

– Nếu ca đoàn hát câu tung hô, thì sau bài 2 với cả câu kết ‘’Đó là Lời Chúa’’, giữ vài giây đứng thinh lặng, khi ca đoàn dạo đàn thì người đọc phải rời bục.

(fan.)

 

Lời Cám Ơn Muộn Màng:

Ban Biên Tập xin chân thành cám ơn Các Anh Chị Em đã đóng góp bài vở cho ‘Bản Tin Giáo xứ.’

Mong rằng sẽ tiếp tục nhận được những đóng góp một nhiều hơn của Các Anh Chị Em: phản ảnh hình ảnh, hoạt động… của Giáo xứ để góp phần xây dựng Giáo Xứ Hiệp nhất-Yêu thương và Loan báo Tin Mừng.

Nguyện xin Chúa chúc lành cho việc làm của chúng ta.

(BBT)