BẢN TIN 400

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN. 19/11/2017. Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

“Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)

Suy niệm:

1/ Ông chủ trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài giao cho mỗi người một phận vụ và không đòi hỏi ai quá sức mình. Ngài không coi trọng người được giao năm yến hơn người được giao một yến. Tài sản Ngài có bao nhiêu, Ngài giao tất cả. Hết sức tin tưởng, Ngài lên đường đi xa.

2/ Có vẻ như cái lỗi lớn nhất của người đầy tớ thứ ba là không làm việc, không sinh lời. Xét kỹ hơn, nguyên nhân sâu xa chi phối những hành động này là anh ta đã có một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa: đối với anh, ông chủ là một người hà khắc, đòi hỏi, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Anh sợ hãi chứ không yêu mến.

3/ Ngày tính sổ, Thiên Chúa – ông chủ – xuất hiện như một người Cha: vui mừng thấy vốn đã sinh lời. Nhưng… Ngài không giữ lại cho mình, mà giao hết cả vốn lẫn lãi cho người biết làm việc; ai sinh lời Ngài lại ban thêm. Niềm vui của Thiên Chúa, đó là thấy rằng chúng ta đã làm việc và sinh lời cho chính chúng ta.

Những gì bạn đang có chính là những yến bạc mà Thiên Chúa giao cho bạn để sinh lời. Đối với bạn Thiên Chúa là ai, là ông chủ hà khắc hay là Người Cha yêu thương?

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

19.11 : Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN. Mt 25,14-30. KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. LỄ TRỌNG.

20.11 :     Thứ Hai. Lc 18,35-43.Thánh Phanxicô Nguyễn Cần, Thầy giảng, tử đạo 1837.

21.11 :     Thứ Ba. Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ. Lễ nhớ. Mt 12,46-50.

22.11:     Thứ Tư. Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. Lc 19,11-28.

23.11 :     Thứ Năm. Thánh Clê-men-tê I, Giáo Hoàng, tử đạo. Thánh Cô-lum-ba-nô, viện phụ. Lc 19,41-44.

24.11:     Thứ Sáu. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng. Lc 9,23-26

25.11:     Thứ Bảy. Thánh Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ tử đạo. Lc 20,27-40.

26.11: Chúa Nhật 34 THƯỜNG NIÊN. LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ. LỄ TRỌNG. Mt 25,31-46

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

Đức Thánh Cha đã gởi thông điệp nhân Ngày Thế Giới Người Nghèo lần đầu tiên sẽ được cử hành vào ngày 19/11/2017 – Chúa Nhật 33 Mùa Thường Niên.

Chủ đề: “Chúng ta hãy yêu thương, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm”

Đức Thánh Cha nhận định: ‘Người nghèo không phải là một vấn đề: họ là là một nguồn tài nguyên cần kín múc để đón nhận và sống sự thiết yếu của Tin Mừng.’ Và qua đó, Ngài kêu gọi:

‘Tôi xin các anh em Giám Mục, linh mục và phó tế do ơn gọi, họ có ơn gọi nâng đỡ người nghèo, xin những người sống đời thánh hiến, các hội đoàn và các phong trào cũng như đông đảo những người thiện nguyện, hãy dấn thân để với Ngày Thế Giới Người Nghèo một truyền thống được thiết lập như một đóng góp cụ thể cho việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay.’

Sau Thánh lễ cử hành Ngày Thế giới người nghèo lần I tại Vatican, sẽ có 1500 người nghèo ăn trưa với Đức Giáo hoàng Phanxicô tại đại thính đường Phaolô VI.

(hdgmvietnam.org/ Vatican)

 

Chính Tòa: TB Số 58TB/GXCT/2017

  1. Từ Thứ Hai 20/11 đến Chiều Thứ Bảy 25/11 Giáo Họ Phêrô Lựu trực Phụng Vụ.
  2. Thứ Tư 22/11 Lễ nhớ Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Quan Thầy của Ca đoàn Cêcilia và 42 giáo dân. Thánh lễ được cử hành vào lúc 17g00’ Thứ Tư 22/11/2017. Xin Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
  3. Thứ Năm 23/11 sau Thánh Lễ 17g00’ có Giờ Chầu Thánh Thể do Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân phụ trách.
  4. Thứ Sáu 24/11 Mừng Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Buổi Sáng có 02 Thánh Lễ:

+ Lúc 05g00’ Thánh lễ Mừng Bổn mạng Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng và Mừng Ngân Khánh của Cha nguyên phụ tá Marcello Đoàn Minh.

+ Lúc 10g30 Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do Đức Giám Mục chủ sự.

Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự và hiệp ý cầu nguyện. Buổi Chiều Thánh Lễ như thường lệ.

  1. Thứ Bảy 25/11/2017, vào lúc 9g00 Cha Quản Xứ sẽ dâng Thánh Lễ tại Nghĩa Trang Giáo Xứ (Phú Thượng), Giáo Xứ có thuê xe cho Cộng đoàn đi, xin có mặt lúc 07g30 Thứ Bảy 25/11 tại Nhà Thờ để khởi hành.

 

 GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Niềm vui và vẻ đẹp (tt)

“Niềm vui của tình yêu biết chiêm ngắm này cần phải được vun xới. Vì chúng ta được dựng nên cho tình yêu, chúng ta cũng biết rằng không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của việc san sẻ những điều tốt lành: “Hãy cho và nhận, hãy làm cho tâm hồn mình khuây khỏa” (Hc 14,16). Niềm vui thâm sâu nhất trong đời sống trào dâng khi người ta có thể mang lại hạnh phúc cho người khác, như một cảm nếm thiên đàng trước vậy. (…)Thật là ngọt ngào và an ủi lớn lao khi ta đem lại niềm vui cho người khác, và thấy họ hoan hỉ. Niềm vui này, là hoa trái của tình huynh đệ, không phải là niềm vui vô nghĩa của kẻ vị kỉ, nhưng là niềm vui của người yêu thương và vui mừng trước điều tốt lành của người mình yêu, được ban tặng cho người kia và từ đó sinh hoa kết trái.” Niềm Vui Của Tình Yêu, số 129

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Tại sao Chúa Giêsu muốn có những Kitô hữu cam kết sống trọn đời trong bậc tu trì qua các lời khấn độc thân, nghèo khó, vâng phục?

– Thiên Chúa là Tình Yêu. Người cũng muốn chúng ta yêu Người, bằng cách dâng hiến trọn vẹn đời sống và tình yêu cho Thiên Chúa như Chúa Giêsu, nghĩa là sống: độc thân, nghèo khó, vâng phục. Những ai chọn lối sống này phải có trí óc, trái tim và đôi tay tự do để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. [914-933, 944-945]

– Có những bạn nam và nữ đã để Chúa Kitô hoàn toàn chinh phục mình, đến nỗi họ bỏ mọi sự vì Chúa, và Nước Trời (Mt 19,12) – bỏ cả những quà tặng rất tốt đẹp như tài sản, như quyền tự chủ, và tình yêu hôn nhân. Cuộc sống theo các Lời khuyên Phúc Âm trong khó nghèo, trinh khiết và vâng phục chứng tỏ cho mọi Kitô hữu rằng thế giới không phải là tất cả. Chỉ có sự “mặt đối mặt” với Chúa là hôn phu mới làm con người hạnh phúc thật sự.

Chúa Giêsu đưa mắt nhìn người thanh niên và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” – Mc 10,21

Lời khuyên Phúc Âm: Sống khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục là những lời khuyên mà Tin Mừng nêu lên để theo Chúa Kitô.

“Theo Chúa Kitô luôn đòi hỏi phải can đảm lội ngược dòng.” – Đức Bênêđictô 17-5-2008

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 146.  Khi nói “Các thánh thông công” nghĩa là gì?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Cảm nhận

Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân can trường dám chết cho niềm tin, sống cho tình yêu, và loan báo chân lý Tin Mừng. Làm chứng cho Chúa, nếu không phải đổ máu thì cũng phải chấp nhận mất mát thiệt thòi. Làm chứng đòi trả giá. Giá càng cao thì lời chứng càng đáng tin.

Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trong thời bị bách hại. Là con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi làm chứng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá, dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá, bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình. Làm chứng chính là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… như những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Giữ được bản lãnh của mình. Giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống.

‘Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã can đảm phi thường làm chứng cho Chúa. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết “sống đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa” để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.’

(góp nhặt/tổng hợp)

 

Lạy Ngài, xin xót thương con.

Mãi rồi cũng đến lúc phải viếng nghĩa trang giáo xứ trong tháng cầu cho các linh hồn. Đi tảo mộ, trong khói hương nguyện cầu cho ông bà tổ tiên, bạn bè người quen nghe ngân nga đâu đó những ca từ chắt lọc trong những bài hát cầu hồn. Những ca khúc, với giai điệu nhẹ nhàng và sâu lắng…

Bạt ngàn những ngôi mộ giữa trời với nào là “Sự sống này vào nấm mộ mà không mất đi. Chúa thương từng bụi cây lá cỏ, đâu muốn con người phải nát tan đi…”(…) “Ngày giã từ, xuôi tay nằm trong cát bụi tàn. Nghe xôn xao trời lời ru êm ái, Thiên Chúa nhân từ chào đón người con”. Và cũng miên man ý nghĩ về những ngày tháng dương gian, về lòng thương xót Chúa để rồi ngậm ngùi: Từ vực sâu con kêu cầu lên Chúa, nguyện xin Chúa hãy lắng nghe lời kêu khấn, chớ chấp tội nhưng xót thương hồn con Chúa ơi; và hy vọng: “Trong gian truân tôi đã kêu cầu và Chúa đã đáp lời tôi. Từ vực sâu tôi nài van Chúa và Chúa đã nghe tiếng tôi”.

Không biết bạn cảm nhận thế nào, nhưng với tôi là nỗi buồn nhưng mang đầy niềm hy vọng.

(Luc.)