BẢN TIN 392

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN. 17/09/2017

Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Chúa Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?” (Mt 18,21)

Suy niệm: Con số 7 trong Kinh Thánh vốn mang ý nghĩa tượng trưng diễn tả sự hoàn thành trọn vẹn (như Thiên Chúa sáng tạo trong bảy ngày…). Thế mà, để đánh giá sự tha thứ, Phê-rô đã giới hạn con số bảy hoàn hảo đó vào một dãy số chỉ có bảy đơn vị và coi đó như giá trị tối đa của lòng bao dung. Chúa Giê-su lưu ý rằng chính vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện và vô giới hạn – như trong dụ ngôn Chúa kể – chúng ta cũng không được hạn chế lòng bao dung thương xót vào cách tính toán hẹp hòi theo kiểu con người, mà phải hiểu “tha thứ đến bảy lần” có nghĩa là “bảy mươi lần bảy” nghĩa là cũng vô hạn và vô điều kiện như cung cách của Thiên Chúa.

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, người ta ngày càng muốn “số hoá” mọi sự, và với óc thực dụng, đòi “cân đong đo đếm” cả đến những thực tại tâm linh. Hậu quả là người ta muốn hạn chế ở mức tối thiểu những đòi hỏi của việc nên thánh, và ngược lại, cư xử hẹp hòi nghiệt ngã với tha nhân. Là con cái của Thiên Chúa, mời bạn cư xử cách bao dung quảng đại theo cung cách của Ngài trước tiên bằng việc tha thứ cho nhau đến vô hạn.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

17.09 : Chúa Nhật 24 THƯỜNG NIÊN. Mt 18,21-35

18.09 :     Thứ Hai. Lc 7,1-10. Thánh  Đa-minh Trạch, Linh mục, tử đạo 1840.

19.09 :     Thứ Ba. Thánh Gia-nu-a-ri-ô, Giám mục, tử đạo. Lc 7,11-17.

20.09:     Thứ Tư. Thánh An-rê Kim Tê-gôn, Phao-lô Chong Ha-sang và các bạn tử đạo. Các Thánh tử đạo tại Hàn Quốc. Lễ nhớ. Lc 7,31-35. Thánh Gioan Cornay Tân, Linh mục, tử đạo 1837.

21.09 :     Thứ Năm. THÁNH MÁT-THÊU, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. Mt 9,9-13. Thánh Phanxico Jaccard Phan (Ninh), Linh mục MEP và thánh Tôma Trần Văn Thiện, tử đạo.

22.09:     Thứ Sáu. Lc 8,1-3.

23.09:     Thứ Bảy. Thánh Pi-ô Pi-et-ren-xi-na, Linh mục. Lễ nhớ. 1Tm 6,13-16; Lc 8,4-15.

24.09: Chúa Nhật 25 THƯỜNG NIÊN. Mt 20,1-16a

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli được bổ nhiệm các chức vụ mới

WHĐ (13.09.2017)  – Hôm thứ Tư 13-09-2017, Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố bổ nhiệm mới đối với Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli như sau: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Tổng giám mục hiệu toà Capreae –cho đến nay là Sứ thần Toà Thánh tại Singapore, Sứ thần Toà Thánh tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam–, làm Sứ thần Toà Thánh tại Israel kiêm Khâm sứ Toà Thánh tại Giêrusalem và Palestina”. (Nguồn: http://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2017/09/13/0593/01309.html)

 

* Chính Tòa: TB Số 47TB/GXCT/2017

  1. Chúa Nhật 17/10, khai giảng Năm học Giáo lý mới. Xin Quý Phụ Huynh cho các em có mặt lúc 07g15 để dự Nghi thức Khai giảng; 08g00: Thánh Lễ Đầu Năm học. Mời cộng đoàn tham dự cầu nguyện cho các em.
  2. Từ Thứ Hai 18/9 đến Thứ Bảy 23/9, Giáo họ Anê Thành trực Phụng Vụ.
  3. Kính mời Giáo Dân Giáo Họ Emmanuel Triệu tham dự buổi tĩnh tâm vào lúc 19g30 Thứ Hai 18/9; Lễ Kính Thánh Emmanuel Triệu được cử hành trọng thể lúc 17g15 Thứ Ba 19/9. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự hiệp ý cầu nguyện.
  4. Thứ Năm 21/9 Lễ Kính Thánh Mat-thêu Tông Đồ, Quan thầy của 60 giáo dân, xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện và sau Thánh Lễ 17g15 có giờ Chầu Mình Thánh do Ca Đoàn phụ trách.

 

GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Chịu đựng tất cả (tt)

“Trong đời sống gia đình, cần vun xới sức mạnh của tình yêu này, điều giúp chúng ta chiến đấu chống lại sự dữ đe dọa gia đình. Tình yêu không để mình bị không chế bởi lòng oán hận, bởi sự coi thường người khác, bởi ước muốn gây tổn thương hoặc trả thù. Lí tưởng Kitô giáo, đặc biệt trong gia đình, là tình yêu bất chấp mọi sự. Đôi khi, tôi ngưỡng mộ, chẳng hạn như, thái độ của những người đã phải chia tay với người bạn đời để tự bảo vệ mình khỏi bạo hành, tuy nhiên, vì tình bác ái phu phụ vốn vượt qua cảm tính, họ vẫn cố gắng giúp đỡ người bạn đời, dù qua trung gian nhờ một người khác, trong những khi người bạn đời đau ốm, gặp đau khổ hay hoạn nạn. Đây cũng là một tình yêu bất chấp tất cả.” (Niềm Vui Của Tình Yêu, số 119)

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Tại sao Hội Thánh có đặc tính là tông truyền?

–  Hội Thánh là tông truyền vì Hội Thánh được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ. Hội Thánh nắm vững Truyền thống do các ngài truyền lại, và Hội Thánh được cai quản bởi các đấng kế vị các Tông Đồ. [857-860, 869, 877]

– Chúa Giêsu đã kêu gọi các Tông đồ để làm cộng tác viên thân cận nhất của Người; các ông trở thành những chứng nhân thấy tận mắt của Người. Sau khi Người sống lại, Người đã hiện ra rất nhiều lần với các ông. Người đã ban Chúa Thánh Thần và sai các ông đi như những người loan tin có đầy đủ quyền năng đến toàn thế giới. Trong Hội thánh thời trẻ trung các ông là những người bảo đảm cho sự hiệp nhất. Các ông dùng việc đặt tay để truyền lại sứ mệnh và quyền bính cho những người kế vị là các giám mục. Điều mà các giám mục ngày nay thực hiện theo như các Tông đồ đã làm, được gọi là sự nối tiếp các Tông đồ.

Tông đồ có ý chỉ người được sai đi, người loan tin. Tên của 12 Tông đồ là: Simon cũng gọi là Phêrô người đứng đầu, Anrê anh của ông, Giuse con ông Dêbêđê và Gioan em của ông; Philiphê và Batôlômêô, ông Tôma và ông Mathêu người thu thuế, ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm quá khích và ông Giuđa Itcariốt, chính là kẻ nộp Người (Mt 10,2-4).

Sự nối tiếp các tông đồ. Đi từ các tông đồ có các giám mục nối tiếp không ngừng trong sứ vụ giám mục. Chúa Giêsu đã trao ban đầy đủ quyền năng cho các tông đồ. Việc này được tiếp tục từ giám mục này sang giám mục khác bằng việc đặt tay và cầu nguyện cho đến khi Chúa trở lại.

“Hội Thánh không bao giờ bằng lòng với nhóm những người mà Hội Thánh đã thành công đạt được vào một thời điểm, và nói rằng các nhóm khác rồi sẽ cũng như thế: Hồi giáo, Ấn giáo và cứ như thế. Hội Thánh không thể nào rút lại cách dễ dàng vào trong giới hạn lãnh vực riêng của mình. Hội Thánh có trách nhiệm quan tâm cách phổ quát, Hội thánh phải lo lắng cho mọi người và về mọi sự.” – Đức Bênêđictô XVI, 7-5-2006

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 138. Hội Thánh tổ chức thế nào để có 4 đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Vì một mùa lúa mới

Đã nghe đâu đó những tiếng thì thầm, những trăn trở về việc chuẩn bị cho ngày hội của giáo xứ. Ngày Hội Bầu Cử Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ.

Ngày Hội này, Giáo dân trong giáo xứ đề cử những ứng viên trổi vượt về đức tin, có hạnh kiểm tốt và khôn ngoan, sau đó cũng chính họ bầu chọn những vị đại diện cho họ cộng tác với Cha Sở trong công việc mục vụ, điều hành giáo xứ và thúc đẩy hoạt động mục vụ trong giáo xứ.

Nói chung, với tư cách là những cộng sự viên của Cha Sở, ứng viên được tuyển chọn phải có đời sống đạo đức gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm, hy sinh phục vụ, nhiệt thành trong việc chung cũng như sức khoẻ, trình độ học vấn, những kỹ năng chuyên môn. Họ sẽ phụ trách các lãnh vực chuyên môn để phục vụ giáo xứ, hoặc có trách nhiệm trực tiếp trong việc điều hành các ban mục vụ giáo xứ.

Một nhiệm kỳ Mục vụ đã qua, có những điều được và những điều chưa được.

Dưới sự dẫn dắt của Cha Sở, bên cạnh các thành quả hiển nhiên: đông đảo hàng ngũ tông đồ giáo dân, các giáo họ cùng tham gia phụng vụ, những thánh lễ ấm cúng, những giờ Chầu Mình Thánh tâm tình và sâu lắng bởi có nhiều người tham dự… là những hoạch định mục vụ cho sắp tới, những ưu tư về các lãnh vực chuyên môn trong phụng vụ như thánh nhạc, giáo lý, trong mục vụ giới trẻ, bác ái xã hội, hôn nhân và gia đình, di dân, cũng như các hoạt động trong lãnh vực âm thanh ánh sáng, lễ tân khánh tiết, quản trị tài sản giáo xứ … Tất cả không chỉ được đề cập đến và gác lại cách đơn thuần nhưng chính là nổi trăn trở của Cha Sở và cộng đoàn giáo dân giáo xứ.

Điều cần lưu ý là chúng ta có khuynh hướng bầu chọn theo cảm tính dựa trên hình ảnh của ứng viên, uy tín cá nhân của họ, mối quan hệ cá nhân với họ, mà quên đi việc để ý đến khả năng của họ, năng lực chuyên môn thực sự mà họ có để có thể phục vụ giáo xứ. Trong tâm tình hiệp nhất yêu thương và sứ vụ chúng ta trông mong và tin rằng  chính các ứng viên/ thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ ý thức trách nhiệm của mình đối với giáo xứ để họ chấp nhận sự đề cử và ứng cử vào Hội Đồng Mục Vụ.  Các thành viên với chức vụ trong Hội Đồng là để phục vụ, chứ không phải là để tìm kiếm địa vị hay tư lợi. Họ phải hy sinh rất nhiều về thời gian và công sức để phục vụ cho sự phát triển chung của giáo xứ.

Chúng ta hãy cầu nguyện và cùng nhau cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho ơn khôn ngoan để đề cử và bầu chọn cũng như những ơn cần thiết cho các ứng viên của chúng ta. Xin cho họ sẽ luôn là những tông đồ giáo dân nhiệt thành, đích thực, có tâm huyết và hết lòng cộng tác với Cha Sở trong công việc mục vụ.

(Luc.)

(Xin tham khảo ‘Tiêu chuẩn tuyển chọn người vào Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ/ Uỷ Viên Hội Đồng Mục Vụ/ Ban Điều Hành Các Giáo Họ.’)