BẢN TIN 347
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 26 Thường Niên. 25/09/2016
“Có một ông nhà giàu kia… Lại có một người nghèo khó…” (Lc 16,19.20)
Suy niệm: Dụ ngôn Chúa kể hôm nay đầy những chi tiết tương phản đến độ gây sốc: ông nhà giàu – người nghèo ăn xin; ông nhà giàu mặc lụa là gấm vóc – người ăn xin mụn nhọt đầy mình; ông ta yến tiệc linh đình – người nghèo La-da-rô thèm ăn những thứ rớt xuống từ bàn ăn… Thế rồi giàu hay nghèo cùng có một kết cục chung: cái chết. Đến đây, tình thế lại đảo ngược: từ dưới âm phủ, ông nhà giàu “ngước mắt lên” để van xin được một giọt nước từ đầu ngón tay của anh La-da-rô. Không biết lúc đó, ông có nhớ lại nhiều lần anh La-da-rô cũng có cử chỉ đó với ông? Khi còn sống, chắc hẳn không chỉ một lần ông đã bắt gặp ánh mắt nài xin, bàn tay chìa ra để xin sự giúp đỡ của ông. Rất tiếc, ánh mắt và bàn tay ấy đã không chạm được vào trái tim khép kín của lòng ông.
“Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim tới đôi tay, nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót” (ĐGH Phanxicô). Những hình ảnh tương phản trong dụ ngôn vẫn còn mang tính thời sự trong xã hội hôm nay. Trái với người phú hộ, bạn có trái tim và đôi bàn tay để yêu thương và trao ban. Xin được một chút nhạy cảm và hào phóng trước nỗi khổ đau của đồng loại, để như một lời đáp trả, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
25.09 : Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN. Lc 16,1-13. Sơn Trà và Chợ Chiều hành hương Nhà thờ Chính Tòa
26.09 : Thứ hai. Thánh Côtma và Đamianô, tử đạo. Lc 9,46-50
27.09 : Thứ ba. Thánh Vinh-sơn Phaolô, Linh mục. Lễ nhớ. Lc 9,51-56.
28.09: Thứ tư. Thánh Vensetlaô, tử đạo. Thánh Lôrensô Ruy và các bạn tử đạo. Các Thánh tử đạo tại quần đảo Philippin. Lc 9,57-62
29.09 : Thứ năm. TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, GAPRIEN VÀ RAPHAEN. Lễ kính. Ga 1,47-51
30.09: Thứ sáu. Thánh Giêrônimô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Lc 10,13-16.
01.10: Thứ bảy. Đầu tháng. THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính. Mt 18,1-5.
02.10 : Chúa Nhật 27 THƯỜNG NIÊN. KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI. Lc 17,5-10. Lệ Sơn hành hương Nhà thờ Chính Tòa
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Quy chế mới của Bộ Tuyên Thánh về việc nhìn nhận các phép lạ. Hôm thứ Sáu 23 tháng Chín 2016, Bộ Tuyên Thánh đã công bố một sửa đổi Quy chế liên quan đến việc các chuyên viên y tế chứng nhận phép lạ, trong khuôn khổ tiến trình tuyên phong chân phước và tuyên thánh.
Theo nguyên tắc, mọi án phong chân phước đòi hỏi phải có một phép lạ (trừ các vị được công nhận là tử đạo), và mọi án phong thánh đòi hỏi phải có một phép lạ thứ hai được công nhận. Việc điều tra các phép lạ đôi khi phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, để phân định được một hiện tượng nào đó là do Thiên Chúa, chứ không phải là những hiện tượng có thể giải thích được bằng khoa học.
Quy chế mới được giới thiệu là kết quả của mười tháng làm việc, khởi đầu hồi tháng Chín 2015, do một ủy ban thực hiện, đứng đầu là Thư ký Bộ Tuyên Thánh, Đức Tổng giám mục Marcello Bartolucci. Quy chế này được trình bày tại Hội nghị thường lệ của Bộ vào tháng Sáu 2016 và được hồng y Quốc vụ khanh Toà thánh Pietro Parolin nhân danh Đức giáo hoàng chuẩn nhận vào ngày 24 tháng Tám vừa qua.
* Chính Tòa: TB Số 55/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 147
547. Những phương pháp điều hòa sinh sản nào không phù hợp với luân lý?
Đó là những phương pháp nhân tạo như triệt sản hoặc ngăn cản sự thụ thai. [498]
548. Vì sao thụ tinh và thụ thai nhân tạo không hợp với luân lý?
Vì nó tách rời việc sinh sản với hành vi vợ chồng, do người khác can dự vào. [499]
549. Con cái phải được nhìn nhận thế nào?
Con cái phải được nhìn nhận như một tặng phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa và phải được tôn trọng như một nhân vị ngay từ lúc được thụ thai. [500]
550. Vợ chồng có thể làm gì nếu không có con?
Họ có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hoặc tham gia những công tác phục vụ tha nhân. [501]
551. Những tội nào phạm đến phẩm giá của hôn nhân?
Những tội phạm đến phẩm giá của hôn nhân là ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, tự do sống chung ngoài hôn nhân hoặc ăn ở với nhau trước hôn nhân. [502]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
95. Tại sao Chúa Giêsu chọn ngày lễ Vượt qua của người Do thái để chịu chết và sống lại?
– Chúa Giêsu đã chọn lễ Vượt qua của người Do thái như một biểu tượng cho công việc mà người sắp hoàn thành trong cái chết và sống lại của Người. Như xưa người Do thái được giải thoát khỏi kiếp nô lệ người Ai cập, nay Chúa Giêsu cũng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. [571-573]
– Lễ Vượt qua là lễ mừng dân Israel được giải phóng khỏi nô lệ Ai Cập. Chúa Giêsu đi Giêrusalem để giải phóng ta còn sâu sắc hơn nhiều. Người đã ăn mừng lễ Vượt qua với các môn đệ, nhưng, thay vì hiến tế chiên Vượt qua theo truyền thống Do Thái, Người hiến tế chính mình Người như chiên của hy lễ. Chiên lễ Vượt qua của ta là Chúa Kitô đã được hiến tế (1 Cr 5,7) để dứt khoát giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người một lần cho tất cả. → 171
Khi giờ đã đến, Chúa Giêsu vào bàn, và các tông đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa cho đến khi lễ này được nên trọn. – Lc 22,14-16
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 96. Tại sao con người hòa bình như Chúa Giêsu lại bị xử chết trên thập giá?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Chạm
Tối. “Muốn xem rõ hình này thì phải làm sao?” “Anh phải quẹt thế này nè, anh phải nhấp vô đây.” Chỉ vài cái chạm thôi mà tôi biết được bao nhiêu điều, kết nối được bao nhiêu người. Chỉ một buổi chiều mà có thể về được miền Tây thăm cây vú sữa thằng Hiền mới gửi trái lên, còn có thể lên miền cát trắng miền Trung thăm ao rau muống thằng Bình hay kể. Chỉ ngồi trước sân mà có thể thấy được cảnh bèo dạt trên con sông nối liền các làng ở đồng bằng kinh bắc. Tôi cứ ước mong được đến đó để xem có giống như giọng hát trầm ấm của anh Hùng diễn tả không. Con sông đỏ nặng phù sa. Con sông chảy mãi, chảy mãi…
Chiếc điện thoại nhỏ bé này có thể lưu lại được những khoảnh khắc đó. Một hình ảnh, một clip, một dòng lưu bút… gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm. Đúng là nhỏ nhưng mà có cả võ lẫn vỏ. Được xóa mù công nghệ phần nào, tôi chụp lại cái sân để nhớ lại một tháng được ở với những người bạn mới, để lưu lại không khí thanh bình, chất phác nơi đây. Chỉ với vài cái chạm trên điện thoại…
Khuya. Nằm nhớ lại câu chuyện anh tôi kể về cảm giác sau mười năm trở lại quê nhà. Anh thấy mình lớn nhiều quá. Lớn đến nỗi cái sân banh gần trường bây giờ chỉ còn là thửa ruộng cỏn con. Tôi giật mình tưởng tượng xem anh đã lớn như thế nào, có giống như tôi khi về lại quê nội không. Nơi mà mười năm trước, nó là cả một thế giới đối với tôi. Nào là hồ bơi, là thung lũng, là hoa, là bướm. Có lẽ chỉ có cái chạm của đôi mắt chứ không phải cái chạm của ngón tay mới có thể giúp tôi nhận ra sự chênh lệch lớn bé của mười năm tha hương ấy.
Sáng. Sáng hôm sau, tôi tạm gác lại những khám phá mới để chuẩn bị đồ ăn trưa cho công việc của mình. Hôm đó, tôi có hẹn cùng đi hái điều với hai mẹ con trong xóm. Đó là lần đầu tiên tôi nhặt hạt điều. Thích thú trước điều lạ lùng của thiên nhiên: tại sao lại tạo ra một thứ trái có hạt lộ ra ngoài mà không nằm ở trong.
Tôi nghĩ chắc là để cho con người dễ bứt hạt ra hơn. Hay có lẽ thiên nhiên thương cảnh khó khăn của hai mẹ con đang phải nuôi người cha đang mất sức lao động. Hoặc do ông trời thương bao gia đình đang bị đối xử bất công ở đây. Và còn để người con chạm được tình mẹ bao la dành cho mình… Người mẹ như trái điều mộng nước, đầy tình yêu thương và chỉ mong con biết tự lo cho chính mình; người con lại như hạt điều đương tuổi dậy thì, cứng ngắt. Cứ muốn tách lìa khỏi mẹ, muốn tự do, ham chơi. Hay chắc là trái điều muốn tôi cũng chạm được tình yêu ấy khi phải nhặt trái điều cuối cùng đến tận chiều hôm.
Trên đường về, những tia nắng tím cuối cùng đang cố dẫn chúng tôi về nhà. Người mẹ đang đi bộ vì không quen đi xe máy. Bà bước đi nhẹ nhàng dù đã vất vả cả ngày. Có lẽ những ước mơ cho người con đang đưa bà đi. Đằng trước chiếc xe máy của người con chở bao điều nặng trĩu, nặng trĩu gia tài của bà dành cho con. Không phải chỉ vì số tiền thu được nhưng còn chất chứa bao hoài vọng, lo lắng cho người con. Bà mong con hiểu được tấm lòng của người mẹ. Để sau này, nó cũng có một số “vốn” trao lại cho thế hệ sau này. Người con cũng nhìn về phía trước con đường mà mơ ước về tương lai. Ở cuối con đường, ánh mặt trời xế chiều chiếu nhẹ như đang chạm vào suy nghĩ của mỗi người. Tôi lấy điện thoại ra để chụp, nhưng lại cất vào, vì có lẽ chỉ có cái chạm của con tim mới diễn tả hết điều tôi đang trải nghiệm.
Cảm ơn những cái chạm kiếp nhân sinh…
(Mark Minh Trị, S.J.)