BẢN TIN 339
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 18 Thường Niên. 31/07/2016
“Anh em phải coi chừng… không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm đâu.” (Lc 12,15)
Suy niệm: Oprah Winfrey là nữ hoàng truyền hình của Mỹ, cũng là nữ hoàng từ thiện của nhiều chương trình, nhất là tặng học bổng cho các trẻ em, thiếu nữ nghèo ở Phi Châu. Bà là người hùng, hình mẫu vĩ đại của rất nhiều người vì sự chia sẻ hào phóng ấy. Bà nói về chuyện giàu có như sau: “Tôi dễ chịu vì những gì sự giàu có mang lại, thế nhưng sự giàu có ấy không thay đổi được điều tôi là ai. Chân tôi vẫn ở trên mặt đất. Chỉ có điều tôi mang đôi giày tốt hơn thôi.” Người phú hộ trong bài Tin Mừng không hành xử được như vậy, ông chỉ mãi mê thu tích cho riêng mình. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, ta nhận ra năm lần chữ “mình” của ông. Cái nhìn của ông về cuộc đời quá hạn hẹp, chỉ thu gọn nơi việc có nhiều của cải để hưởng thụ, mà quên mất phải tường trình cho Chúa về việc sử dụng của cải ấy trong ngày cuối đời.
“Khi giờ sau cùng của bạn giáng xuống, bạn chỉ nên dựa vào điều bạn đã trở thành” (nhà văn St. Exupéry). Với Chúa, bạn giàu có không phải vì có nhiều, nhưng vì đã cho đi nhiều. Càng cho đi nhiều, bạn càng trở thành Ki-tô hữu rõ nét hơn.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
31.07 : Chúa Nhật 18 THƯỜNG NIÊN. Lc 12,13-21.
Tam Tòa hành hương Nhà thờ Chính Tòa
01.08 : Thứ hai. Thánh Anphongsô Maria Ligôri, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Mt 14,13-21. Thánh Bênađô Võ Văn Duệ, Linh mục và Thánh Đaminh Nguyễn Văn Hạnh, Linh mục OP, tử đạo.
04.08 : Thứ năm. Đầu tháng. Thánh Gioan Maria Vianney, Linh mục. Lễ nhớ. Mt 16,13-23.
Kỷ niệm 10 năm Giám mục của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri (2006-2016), nguyên Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng
05.08: Thứ sáu. Đầu tháng. Lễ Cung hiến thánh đường Đức Maria. Mt 16,24-28
Ngày của Lòng Thương Xót (24 giờ cho Chúa). Cầu nguyện, chầu Thánh Thể, ăn chay hãm mình, hòa giải, thăm viếng, làm việc bác ái cách đặc biệt.
06.08 : Thứ bảy. Đầu tháng. CHÚA HIỂN DUNG. Lễ kính. Lc 9,28b-36.
07.08 : Chúa Nhật 19 THƯỜNG NIÊN. Lc 12,32-48. Hội An hành hương Nt. Chính Tòa
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Ba Lan. Ngày Giới trẻ Thế giới: Một ngày suy niệm về đau khổ. Thứ Sáu 29-07, Ngày Giới trẻ Thế giới 2016 tại Ba Lan bước sang ngày thứ ba. Các bạn trẻ khắp thế giới cùng theo bước Đức Thánh Cha Phanxicô:
– Đến di tích Trại tập trung Auschwitz, lúc 9g30 sáng, viếng nơi Thánh Maximilian Kolbe bị giam giữ và tử đạo cách nay 75 năm. Đức Thánh Cha ghi vào sổ Lưu niệm: “Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa! Lạy Chúa, xin tha thứ cho tội ác chồng chất này!”
– Thăm trẻ em đang được điều trị tại bệnh viện nhi đồng của trường Đại học Krakow. Đây là một trong những bệnh viện lớn và danh tiếng nhất tại Ba Lan, ĐTC nói: “Nơi đây, Chúa Giêsu đang chịu đau khổ nơi rất nhiều trẻ em đau ốm: Tôi luôn tự hỏi: “Vì sao trẻ em lại phải chịu đau khổ?”. Đó là một mầu nhiệm. Không có lời đáp nào trước những câu hỏi đó…”
– Suy niệm Đàng Thánh Giá với 200.000 bạn trẻ tại Công viên Blonia ở Krakow. Buổi suy niệm cầu nguyện được tổ chức công phu, có sự phối hợp giữa đọc Lời Chúa, bài hướng dẫn suy niệm và cầu nguyện, kết hợp với âm nhạc, vũ đạo, nghệ thuật vẽ tranh cát…, gây ấn tượng và cảm xúc sâu xa, khiến cả biển người lắng vào suy tư, cảm động. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 45/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 139
516. Điều răn thứ năm dạy chúng ta sự gì?
Điều răn thứ năm dạy chúng ta phải tôn trọng sự sống con người mà Chúa đã ban, vì chỉ mình Ngài mới là chủ và có quyền trên sự sống ấy mà thôi. [466]
517. Có những trường hợp nào xâm phạm đến sự sống người khác mà không mắc tội?
Có những trường hợp này:
– Một là bảo vệ mạng sống của mình hay của người khác vì bị kẻ ác tấn công;
– Hai là bảo vệ tổ quốc chống lại ngoại xâm.
518. Hình phạt được chính quyền đề ra có những mục đích nào?
Hình phạt được chính quyền đề ra có những mục đích này: – Một là sửa chữa những xáo trộn do lỗi lầm gây ra; – Hai là bảo vệ trật tự công cộng; – Ba là góp phần cải hóa phạm nhân; – Bốn là ngăn ngừa tội ác lan tràn. [468]
519. Chính quyền có thể đưa ra những hình phạt nào?
Chính quyền có thể đưa ra những hình phạt tương xứng với hành vi tội ác, nhưng phải phù hợp với phẩm giá con người và tạo cơ hội cho phạm nhân sửa sai lỗi đã phạm. [469]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
87. Tại sao Chúa Giêsu để ông Gioan Tiền hô làm phép rửa cho mình, dù Người chẳng có tội gì?
– Chúa Giêsu chịu phép rửa là chịu gìm trong lịch sử tội lỗi của cả nhân loại. Nhờ đó Người dạy ta rằng để cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi, một ngày kia Người sẽ bị gìm trong cái chết, để được sống lại nhờ quyền năng của Cha Người. [535-537, 565]
– Những tội nhân, lính tráng, gái hư hỏng, người thu thuế đến với tiên tri Gioan Tẩy giả, vì họ đi tìm một phép rửa sám hối để được tha tội (Lc 3,3). Thực ra Chúa Giêsu không cần phải chịu phép rửa vì Người vô tội, nhưng Người muốn chịu phép rửa để chỉ cho ta thấy hai việc: Chúa Giêsu nhận lấy tội lỗi của ta nơi mình, và việc Người chịu phép rửa báo trước cuộc khổ nạn và sống lại của Người. Đang khi Người tỏ dấu hiệu sẵn sàng chết cho ta thì trời mở ra: Con là Con yêu dấu của Ta (Lc 3,22).
“Giữa những người công chính và tội nhân có một sự hiệp thông, bởi vì cuối cùng chẳng có ai là công chính.” – Gertrud Von Le Fort (1876–1971, văn sĩ Đức)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 88. Tại sao Chúa Giêsu lại chịu cám dỗ? Người có thể chịu cám dỗ thực sao?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Hà Tam làm nghề lái xe chở hàng hóa. Hôm nay, xe đang bon bon chạy trên đường bỗng nhiên “khực” một cái rồi dừng lại. Hỏng rồi! Hà Tam xuống xe đến bên vệ đường vác hai hòn đá to chặn bánh sau lại rồi chui vào gầm sửa xe. Khoảng hơn hai tiếng đồng hồ thì xong. Hà Tam lên xe nổ máy chuẩn bị đi tiếp.
Đúng lúc đó có một ông lão chăn bò bên cạnh đường chạy đến đập đập tay vào cửa xe, nói rất to: “Này anh lái xe, anh đánh rơi đồ kìa!”.
Ông lão vừa nói vừa chỉ chỉ về phía sau xe. Hà Tam đoán ông lão nhắc đến hai hòn đá chặn bánh sau xe mà mình vác ra lúc nãy. Hà Tam toét miệng cười, nói do vội đi nên quên mất. Nói vậy, anh ta vẫn cố ý nhấn ga cho xe chạy.
Ông lão vừa đuổi theo vừa quát to: “Anh làm người như thế à? Làm người phải có lương tâm chứ?…”
Những lời trách cứ của ông lão chăn bò bị bỏ lại cùng đám bụi phía sau xe. Hà Tam cười thầm trong bụng: Lương tâm giá bao nhiêu tiền một cân?
Chạy hơn trăm cây số vào thành phố, đến trạm kiểm tra của cảnh sát, Hà Tam tìm mãi không thấy giấy phép lái xe đâu.
Cẩn thận nhớ lại, Hà Tam mới chắc là chiếc ví da đã bị rơi khi mình chui vào gầm xe sửa chữa. Đành phải để xe lại trạm cảnh sát, Hà Tam vội vã vẫy taxi quay lại chỗ sửa xe.
Khi quay lại chỗ sửa xe ban sáng, Hà Tam thấy hai hòn đá chặn bánh xe đã được ai đó khuân vào để bên vệ đường. Trên hòn đá thấy dán mảnh giấy có mấy chữ xiêu vẹo: “Muốn lấy lại giấy tờ thì phải vác hòn đá này lên trên đồi”.
Ôi mẹ ơi! Hòn đá to và nặng, ngọn đồi trước mặt lại vừa cao vừa dốc, vác hòn đá này liệu có bò lên được trên đó không? Hà Tam kêu to lên: “Đừng bắt ép người ta như thế! Cần bao nhiêu tiền cứ ra giá đi!”.
Khi Hà Tam vác hòn đá đến chân đồi thì thấy một cái mũ lá có kẹp một tờ giấy viết mấy chữ: “Đừng nói đến tiền, xin mời lên đồi”.
Lên được đỉnh đồi thật không dễ gì. Vậy mà trên đó không thấy có người cũng không thấy giấy tờ lái xe, chỉ thấy có tờ giấy dán trên một thân cây yêu cầu Hà Tam vác hòn đá theo hướng chỉ dẫn đi xuống phía dưới.
Xuống được dưới chân đồi vẫn không thấy giấy tờ, ngoài một tờ giấy yêu cầu Hà Tam vác hòn đá đi ngược trở lên. Cứ như thế theo hướng chỉ dẫn trên các tờ giấy, Hà Tam vác hòn đá đi qua mấy quả đồi nhỏ, mệt tưởng chết, cuối cùng mới thấy cái ví da của mình đặt trên một nấm mồ đất trơ trọi. Giấy tờ đủ cả, tiền bạc không thiếu một xu.
Dưới cái ví tiền còn có một tờ giấy viết: “Cái ví bây giờ nó đã trở về với chủ của nó. Đây là mộ của con trai tôi. Một đêm hai năm trước, nó đi xe máy về nhà, vấp phải hòn đá của một kẻ nào đó không có lương tâm bỏ ở trên đường, bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mồ của con trai tôi là mong anh hiểu rõ một đạo lý: ”Lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm”. Hải Băng – Sưu tầm Internet