BẢN TIN 326

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH. 01/05/2016

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của  Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng  đừng sợ hãi.” (Ga  14,27-28)

Suy niệm: Bình an Chúa  ban là loại bình an nào? Sao gia đình Na-da-rét phải chịu nhiều gian nan đến  thế? Sao các tín hữu của Chúa phải chịu nhiều hy sinh, đến mức đổ cả máu và  mạng sống? Xét theo “kiểu thế gian,” gia đình Na-da-rét và các tín hữu không có  bình an. Nhưng “bình an Chúa ban” là chính Chúa, là niềm vui nằm sâu trong trái  tim của họ, nên dù những chông gai đầy dẫy trong cuộc đời của họ, họ vẫn được  bình an. Ngày Chúa giáng sinh, thiên thần đã giới thiệu Chúa là “bình an dưới  thế.” Sau khi sống lại và hiện ra với các môn đệ, Chúa Giê-su nói: “Bình an cho  các con.” Đây không phải là một lời chúc, mà là lời khẳng định một thực tại, vì  Chúa đang ở giữa họ. Và đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, Chúa chính là sự bình  an. Chính vì thế, thánh Tê-rê-xa A-vi-la đã khẳng định với kinh nghiệm đức tin  của mình và của Giáo Hội: “Không có gì làm bạn phải lo sợ cả. Ai có Chúa sẽ  chẳng thiếu thốn gì. Chỉ một mình Ngài là đủ.”

Trong đau  đớn vì bị người ta ném đá, sách Tông Đồ Công Vụ cho biết thánh Tê-pha-nô ngước  mắt lên trời và ra đi bình an. Những lúc bạn bị thử thách, đau khổ, bạn nhìn  vào đâu, hay ngước mắt lên trời tìm bình an nơi Chúa, Đấng hứa ban bình an cho  bạn?

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN 

01.05 : Chúa Nhật 6 PHỤC SINH. Ga 14,23-29

Ký niệm Cung hiến Nhà thờ Chính Tòa (2013). Tại nhà thờ Chính tòa: lễ trọng; các nhà thờ trong giáo phận: lễ kính

Trà Kiệu hành hương Nhà thờ Chính Tòa.

02.05 :     Thứ hai. Thánh Athanasiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh,  Lễ nhớ. Ga 15,26-16,4a. Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, tử đạo.

03.05 :     Thứ ba. THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ, Lễ kính. Ga 14,6-14.

04.05:     Thứ tư. Ga 16,12-15

05.05 :     Thứ năm. Ga 16,16-20

06.05:     Thứ sáu. Đầu tháng. Ga 16,20-23a

Ngày của Lòng Thương Xót (24 giờ cho Chúa) Cầu nguyện, chầu Thánh Thể, ăn chay hãm mình, hòa giải, thăm viếng, làm việc bác ái cách đặc biệt.

07.05 :     Thứ bảy. Đầu tháng. Ga 16,23b-28. Chiều: LỄ VỌNG CHÚA THĂNG THIÊN.

08.05 : Chúa Nhật 7 PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân.

An Ngãi hành hương Nhà thờ Chính Tòa.

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Cuba: Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tân Tổng giám mục cho Tổng giáo phận La Habana. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Juan de la Caridad Garcia Rodriguez, hiện là Tổng giám mục Camagüey, làm Tổng giám mục La Habana, Cuba. Đức cha Rodriguez kế nhiệm Đức hồng y Jaime Ortega, vừa được Đức Thánh Cha chấp thuận cho từ nhiệm vì lý do tuổi tác, cùng với Đức cha Alfredo Víctor Petit Vergel, giám mục phụ tá của Tổng giáo phận La Habana.

Đức hồng y Ortega rời Tổng giáo phận La Habana sau 35 năm coi sóc giáo phận này. Ngài sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 16 tháng Mười tới. Với tư cách Tổng giám mục La Habana, Đức hồng y Ortega là diễn viên thực sự trong lịch sử của Giáo hội Cuba; ngài đã từng đón tiếp ba vị giáo hoàng đến thăm đảo quốc vùng Caribê này, là các Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô.

Mặc dù trải qua những năm tháng khó khăn, đặc biệt khi bị giam giữ trong một trại lao động vào năm 1966, Đức hồng y Ortega đã không bao giờ từ bỏ đối thoại và thúc đẩy sự tan băng trong quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Ngài cũng kêu gọi người giáo dân Công giáo, đặc biệt là giới trẻ, sống dấn thân, vào một giai đoạn mà Giáo hội ít được tự do hoạt động. Ngài cũng thành lập thêm nhiều giáo xứ, tái thiết hơn bốn mươi nhà thờ và thành lập Caritas Cuba.

Tân TGM García Rodríguez sinh năm 1948 tại Camagüey, đã học triết học và thần học tại Chủng viện ở El Cobre và Đại chủng viện ở La Habana. Thụ phong linh mục vào tháng Giêng 1972, sau khi làm mục vụ tại một số giáo xứ, năm 1989 ngài được bổ nhiệm làm chính xứ ở Florida. ĐC García Rodríguez cũng thành lập và điều hành Trường truyền giáo của giáo phận Camagüey. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Camagüey vào năm 1997 và Tổng giám mục giáo phận này vào năm 2002.

* Hong Kong. Người Công giáo xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho việc chấm dứt các vụ bách hại đạo tại Trung Quốc. Nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng tới, Đức hồng y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Tổng giám mục Hong Kong, đã chủ tọa một cuộc tập họp gồm khoảng 100 tín hữu trước văn phòng liên lạc Trung Quốc của thành phố hôm Chúa nhật 24-04 vừa qua.

Đức hồng y Quân tuyến bố: “Đứng trước các vụ bách hại này, chúng tôi không thể cam lòng chịu đựng. Chúng tôi không thể ở yên, thụ động. Nếu chúng tôi im lặng, chúng tôi trở thành những kẻ đồng lõa”.

Cuộc tập họp nhằm mục đích cầu nguyện và yêu cầu chấm dứt các vụ bách hại các Kitô hữu tại Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc vốn xem các tôn giáo như một công cụ du nhập ảnh hưởng của nước ngoài, nên luôn có thái độ từ nghi ngờ đến thù địch. Gần đây nhất, ngày 14-04, vợ của một vị mục sư Tin Lành đã bị chôn sống khi cố ngăn cản không cho người ta triệt hạ nhà thờ của họ.

Vào hai ngày 22 và 23 tháng Tư, trong một cuộc họp lãnh đạo về các vấn đề tôn giáo, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người chủ trương “Trung Quốc hóa” các tôn giáo, đã tuyên bố rằng các nhóm tôn giáo “phải hòa trộn các học thuyết tôn giáo của họ với văn hóa Trung Quốc”. Ông còn đòi hỏi các tôn giáo này, đồng thời, “phải một lòng với cuộc cải tổ Trung Quốc, với phong trào mở cửa và hiện đại hóa theo hướng chủ nghĩa xã hội bằng cách góp công sức cho việc thể hiện giấc mơ đem lại sức sống cho quốc gia Trung Quốc”.

* Việt Nam. Thông báo về tình trạng cá chết bất thường tại Miền Trung Việt Nam. Đây có thể gọi là một thảm họa môi trường mà Thông Điệp Laudato Si’ đã đề cập đến. Trước thực trạng này, “có nhiều cảm nghiệm về mặt môi sinh trong quần chúng” (LS 55). Là  những người Công Giáo, chúng ta cũng ước muốn chia sẻ với bà con đồng bào miền Trung, đồng thời cũng lo lắng khi suy nghĩ về tương lai môi trường sống trên quê hương Việt Nam…

Một cách cụ thể, chúng ta cùng cầu nguyện một cách đặt biệt cho tất cả bà con Miền Trung đang gặp cản khó khăn này và có được những hành vi chia sẻ, giúp đỡ thiết thực ngang qua Ủy Ban Bác Ái Xã Hội của HĐGMVN, của các Giáo Phận và của các Giáo Xứ.

 

* Chính Tòa: TB Số 29/TB/GXCT/2015-2016

  1. Chúa Nhật 01/5 sau lễ Thiếu Nhi có rửa tội cho các em nhỏ.
  2. Chúa Nhật 01/5 kỷ niệm cung hiến Thánh đường Chính Tòa Đà Nẵng, Thánh lễ đồng tế lúc 17g00 sẽ do Đức giám mục giáo phận chủ sự. xin mời anh chị em tham dự.
  3. Từ thứ hai 02/5 đến thứ bảy 07/5: Giáo họ Anê Thành phụ trách trực phụng vụ.
  4. Mời các chị Giới Người Mẹ tham dự buổi họp thường kỳ vào lúc 19g30 tối thứ hai 02/5.
  5. Thứ ba 03/5 Lễ Kính 2 Thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê. Giáo xứ chúng ta có 34 giáo dân mang tên Thánh Philipphê và 47 giáo dân mang tên thánh Giacôbê, xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện và vào lúc 10g00 sẽ có Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Kim Khánh 02 cha JB Nguyễn Duy Lượng và Cha Phêrô Vũ Văn Khóa, Mừng Ngân Khánh cha Phaolô Maria Trần Quốc Việt. Xin mời cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  6. Thứ năm 05/5 giáo xứ có 4 phiên Chầu

*Phiên 1 : từ 17g30-18g30 Giáo Trẻ phụ trách.

*Phiên 2 : từ 18g30-19g30 giáo họ Micae Hy phụ trách.

*Phiên 3 : từ 19g30-20g30 Hội Legio phụ trách.

*Phiên 4 : từ 20g30-21g30 Giáo Họ Augustino Huy phụ trách.

  1. Thứ bảy 07/5 vào lúc 17g00 lễ tôn vinh Mẹ tại Núi Đá do Giới Người Cha phụ trách. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  2. Kính mời các anh chị được phân công đọc thánh thư đến nhà xứ nhận lịch phân công tháng 5.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 126

459. Công phúc là gì?

Công phúc là phần thưởng đáng được cho một hành động tốt. [426]

460. Vì sao chúng ta có thể lập công đối với Thiên Chúa?

Vì Thiên Chúa đã cho chúng ta có khả năng lập công cho mình và cho người khác, nhờ kết hợp với Đức Kitô. [426]

461. Chúng ta có thể lập công để lãnh nhận những ân phúc nào?

Chúng ta có thể lập công để lãnh nhận những ân sủng hữu ích cho việc thánh hóa bản thân và đạt tới đời sống vĩnh cửu, lãnh nhận của cải vật chất cần thiết theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. [427]

462. Những ai được mời gọi đạt tới sự thánh thiện Kitô giáo?

Mọi kitô hữu đều được mời gọi đạt tới sự thánh thiện Kitô giáo, nghĩa là được kết hợp với Đức Kitô, và qua Ngài, kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa. [428]

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

74. Khi nói Đức Giêsu là “Con một TC” có nghĩa là gì?

–  Khi Đức Giêsu tự giới thiệu mình là “Con một của Thiên Chúa” (Ga 3,16), khi thánh Phêrô và các tông đồ cũng gọi Người như vậy, thì điều này có nghĩa là chỉ một mình Đức Giêsu đích thực là Con trên hết mọi người con. [441-445, 454]

– Trong nhiều đoạn Tân ước (Ga 1,14.18; 1Ga 4,9; Dt 11,7…) Chúa Giêsu được gọi là “Con”. Khi chịu phép rửa và biến hình, tiếng nói từ trời xác nhận Chúa Giêsu là “Con yêu dấu”. Chúa Giêsu mở màn cho các môn đệ biết Người có quan hệ độc nhất với Cha Người trên trời: “Mọi sự Cha Tôi đã giao phó cho Tôi, và không ai biết rõ Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Con trừ Người Cha và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). Khi sống lại, thì thật rõ ràng Chúa Giêsu Kitô thực sự là Con Thiên Chúa.

Chỉ nói về Chúa Kitô nếu có người đòi hỏi bạn. Nhưng bạn hãy sống thế nào khiến cho người ta đòi hỏi bạn nói về Người.” – Paul Claudel (1868–1955, thi sĩ và nhà viết kịch Pháp)

Người ta không chỉ trích Chúa Kitô. Người ta chỉ trích các Kitô hữu vì họ không giống như Chúa Kitô.” – Francois Mauriac  (1914-1996, tiểu thuyết gia Pháp)

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 75. Tại sao Kitô hữu gọi Đức Giêsu là Chúa?