BẢN TIN 323 

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH. 10/04/2016 

Ông Phê-rô buồn vì Chúa hỏi tới ba lần: “Anh có yêu  mến Thầy không?” Ông đáp: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến  Thầy.” Đức Giê-su bảo: Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21,17)

Suy niệm: Ai mà không buồn khi bị hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi như vậy? Hoặc  vì người nghe lơ đãng; hoặc người nghe không tin hay không chấp nhận câu trả  lời. Nhưng ở đây, Chúa Giê-su không hề muốn Phê-rô phải xấu hổ. Ngài nghe rất  rõ câu trả lời chân thành của ông, nhưng muốn ông xác tín và quyết tâm lại lòng  trung thành và sự phục vụ của ông. Thực vậy, tình yêu dành cho Chúa phải được  diễn tả sống động trong việc vâng nghe và chăm sóc đoàn chiên theo gương Chúa.  Nếu Phê-rô yêu Chúa, thì ông hãy vác thánh giá như Chúa. Nếu Phê-rô yêu Chúa,  ông hãy chăm sóc đoàn chiên, cách riêng những con chiên yêu đuối, thương tích,  lạc đàn. Nếu Phê-rô yêu Chúa, ông hãy hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Tình yêu  phải được bày tỏ trong khiêm tốn, trong hiến tế và trong phục vụ.

Sau mỗi lần bạn sa ngã, Chúa đã cho bạn quá nhiều cơ hội mới để lặp lại  tình yêu và quyết tâm của bạn đối với Chúa. Bạn đừng buồn vì phải lặp lại quyết  tâm theo Chúa, nhưng phải buồn vì bạn vẫn chưa thực hiện điều bạn quyết tâm.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

10.04 : Chúa Nhật 3 PHỤC SINH. Ga 21,1-19.

Nội Hà hành hương Nhà thờ Chính Tòa

11.04 :     Thứ hai. Thánh Stanislaô, Giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. Ga 6,22-29.

12.04 :     Thứ ba. Ga 6,30-35

13.04:     Thứ tư. Thánh Martinô I, Giáo hoàng, tử đạo. Ga 6,35-40.

14.04 :     Thứ năm. Ga 6,44-51

15.04:     Thứ sáu. Ga 6,52-59

16.04 :     Thứ bảy. Ga 6,60-69

17.04 : Chúa Nhật 4 PHỤC SINH. Ga 10,27-30

CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Tiền giỏ hôm nay xin dành cho Quỹ ơn Thiên Triệu của Giáo phận. Xin Quý Cha và Cộng đoàn quan tâm.

Phú Thượng hành hương Chính Tòa

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục “Amoris Laetitia” ­ (Niềm vui Tình yêu). Ngày thứ Sáu 08 tháng Tư 2016, Toà Thánh đã công bố Tông huấn về gia đình, một văn kiện rất được mong đợi  của Đức Thánh Cha Phanxicô, tổng hợp những ý kiến tham khảo người Công giáo ở khắp nơi trên thế giới trong gần ba năm qua, cũng như những nội dung đã thảo luận tại hai Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình: Khoá ngoại thường (tháng Mười 2014) với chủ đề “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng” và Khoá thường lệ (tháng Mười 2015) với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”.

Tông huấn có nhan đề “Amoris Laetitia” (Niềm vui tình yêu), khẳng định giáo huấn của Giáo hội rằng gia đình bền vững là nền tảng xây dựng một xã hội lành mạnh và là nơi trẻ em học biết yêu thương, tôn trọng và tương tác với những người khác.

Đồng thời Tông huấn cũng cảnh báo chống lại việc lý tưởng hóa nhiều thách đố mà cuộc sống gia đình phải đối mặt, thúc giục người Công giáo chăm sóc, chứ đừng lên án tất cả những ai không sống đúng với giáo huấn của Giáo hội.

Đặc biệt Tông huấn nhấn mạnh rằng cần phải có sự “phân định mang tính mục vụ và riêng biệt” đối với từng người, khi nhìn nhận rằng “Thượng Hội đồng  cũng như Tông huấn này đều không mong đưa ra một bộ quy tắc chung mới, có tính giáo luật và có thể áp dụng cho mọi trường hợp”.

Xem qua mục lục, có thể dễ dàng thấy rằng: rõ ràng Tông huấn Amoris Laetitia muốn khẳng định không phải “gia đình lý tưởng” nhưng là thực tế rất phong phú và phức tạp của đời sống gia đình. Nội dung Tông huấn đưa ra một cái nhìn cởi mở, hết sức tích cực, được củng cố không phải bằng những khái niệm trừu tượng hay dự phóng lý tưởng, nhưng bằng những quan tâm mục vụ đến thực tế. Tông huấn là sự mô tả sát sao đời sống gia đình, với những kiến thức tinh thần và những thực hành khôn ngoan hữu ích cho các đôi vợ chồng hoặc cho những người muốn xây dựng gia đình. Trên hết, Tông huấn rõ ràng là kết quả của việc quan tâm đến điều mọi người đã sống qua nhiều năm. Tông huấn Amoris Laetitia thực sự nói bằng ngôn ngữ của kinh nghiệm và hy vọng. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đảo Lesbos, Hy Lạp. Trong thông cáo phát hành hôm thứ Năm 07-04-2016, Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận lời mời của Đức Thượng Phụ Constantinopolis Bartholomaios I và của Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos, đến viếng thăm đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày 16 tháng Tư tới.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ những người tị nạn trên đảo cùng với Đức Thượng Phụ Bartholomaios và với Đức Tổng giám mục Ieronymos II – Tổng giám mục Athina và Toàn Hy Lạp, đồng thời là Giáo chủ Giáo hội Chính thống Hy Lạp.

Trong năm qua, một triệu người tị nạn đã đến Hy Lạp, hàng chục ngàn người trong số đó đã đổ vào Lesbos để chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria.

Đây là một thời điểm rất nhạy cảm đối với người tị nạn ở Lesbos, vì theo một chương trình đã bị phản bác, trong tháng này Liên minh châu Âu đã bắt đầu trả những người mới tới về lại nước láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ.

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã nói với đài phát thanh Vatican rằng Đức Thánh Cha “luôn hết sức quan tâm đến mọi tình trạng khủng hoảng lớn trên thế giới ngày nay, đặc biệt khi có những người đau khổ cần sự giúp đỡ của chúng ta”.

Với cuộc khủng hoảng di dân diễn ra gần đây trong vùng biển Aege, cha Lombardi nói “Đức Thánh Cha muốn bày tỏ một cách cụ thể sự tham gia và mối quan tâm của ngài”.

Cha Lombardi nói chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sắp tới tại đảo Lesbos là một “cử chỉ đại kết”. Chuyến viếng thăm cùng với các nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống – là cộng đồng Kitô giáo lớn nhất ở Hy Lạp-, sẽ thể hiện “tình đoàn kết và sự gần gũi của Kitô giáo đối với vấn đề lớn về người tị nạn và người di dân”. (hdgmvietnam.org)

* Việt Nam. Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc Hội nghị Thường niên kỳ I-2016. Từ ngày 04-04-2016, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tiến hành họp Hội nghị thường niên kỳ I-2016 tại Toà Giám mục Thái Bình. Tối thứ Năm 07-04-2016, Hội nghị bế mạc sau giờ chầu Thánh Thể. Sáng thứ Sáu 08-04-2016, các Đức giám mục chia sẻ niềm vui và hiệp thông với giáo phận Thái Bình trong Lễ mừng 80 năm thành lập giáo phận và Khánh thành Nhà Chung của giáo phận. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Bề trên Tổng quyền Huynh đoàn Piô X. Sau khi đã chìa tay cho các thành viên của Huynh đoàn linh mục Thánh Piô X (SSPX) nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Bề trên Tổng quyền của Huynh đoàn này trong khuôn khổ các cuộc thảo luận không chính thức về việc Huynh đoàn tái hội nhập với Roma.

Liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có sẽ là người hòa giải với Huynh đoàn? Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Giám mục Bernard Fellay, Bề trên Tổng quyền của SSPX diễn ra hôm thứ Sáu 01-04, đã được giới báo chí ở Italia thông tin và Tòa Thánh cũng xác nhận ngày 04-04, có thể là một bước tiến trong việc hai bên xích lại gần nhau. Theo các nguồn tin của Vatican được nhật báo Il Foglio trích dẫn, cuộc nói chuyện kéo dài khoảng bốn mươi phút giữa hai người tỏ ra “tích cực”. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 26/TB/GXCT/2015-2016

  1. Từ thứ hai 11/4 đến thứ bảy 16/4: Giáo họ Phêrô Lựu phụ trách trực phụng vụ.
  2. Vào lúc 8g45 thứ ba ngày 12/4/2016 kính mời cộng đoàn giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng đến nhà thờ để chuẩn bị đón Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tân Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng sau nghi thức đón sẽ có Thánh Lễ nhậm chức Giám mục của Đức Cha Giuse. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự hiệp thông cầu nguyện.
  3. Thứ năm 14/4 sau thánh lễ 17g0 có giờ Chầu Mình Thánh do hội Legio phụ trách.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 123

446. Luật luân lý là gì?

Luật luân lý là lời dạy của Thiên Chúa, chỉ cho con người những con đường và quy luật sống, dẫn đến hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban, và ngăn cấm những nẻo đường đưa con người xa lìa Thiên Chúa. [415]

447. Luật luân lý gồm những luật nào?

Luật luân lý gồm luật tự nhiên, luật cũ và luật mới. [416. 418. 420]

448. Luật tự nhiên là luật nào?

Luật tự nhiên là luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn con người, ở mọi nơi và mọi thời, để giúp họ phân biệt điều tốt và điều xấu. [416]

449. Luật tự nhiên có những đặc tính nào?

Luật tự nhiên có tính phổ quát và bất biến, đặt nền tảng cho mọi quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của con người, cũng như của cộng đồng nhân loại và của luật dân sự. [416]

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

71. Tại sao những sách viết về Chúa Giêsu lại gọi là Phúc âm hoặc Tin Mừng?

–  Không có Phúc âm, ta không biết được rằng Thiên Chúa, vì yêu thương ta vô cùng dù ta tội lỗi, nên đã sai Con một xuống trần, để dẫn ta trở về sống trong tình hiệp thông vĩnh cửu với Người. [422-429]

– Những sách viết về Chúa Giêsu đã sống, đã chết và đã sống lại là những tin vui nhất trên thế giới. Ta quen gọi là Tin Mừng hay Phúc Âm. Các sách đó chứng tỏ rằng Chúa Giêsu Nazareth, người Do Thái sinh ở Belem là Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,16) đã làm người. Người được Chúa Cha sai đi để mọi người được cứu độ và được hiểu biết sự thật (1 Tm 2,4).

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tội đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. – Ga 1,14

Nếu đời sống và cái chết của Socrate là của một người khôn ngoan, thì đời sống và cái chết của Chúa Giêsu là đời sống và cái chết của một Thiên Chúa.” – Jean Jacques Rousseau (1712-1778, văn sĩ Pháp)

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 72. Tên Giêsu nghĩa là gì?