PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH 03/5/2015
“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái.” (Ga 15,5)
Suy niệm: Chúa ví sự liên kết giữa các tín hữu với Ngài tựa như cành nho gắn liền với thân nho. Trên bình diện thực vật, với kỹ thuật cấy ghép hiện nay, việc ghép cành vào cây là điều dễ dàng. Thế nhưng, trên bình diện con người, không phải hễ ở bên cạnh nhau là gắn bó với nhau. Trong một gia đình bất hòa, dù ở cạnh nhau, người ta vẫn không gắn bó với nhau. Như thế, chỉ có tình yêu mới gắn kết con người với con người, cũng như con người với Thiên Chúa. Tựa như cành nho sống, tăng trưởng, sinh hoa kết trái nhờ nhựa sống từ thân nho, Chúa muốn ta gắn bó với Ngài bằng tình yêu để được sống đời đời. Cứ nhìn hoa trái thì biết mức độ cành gắn làm sao với thân nho. Cứ nhìn lối sống đời Ki-tô hữu sẽ biết mức độ liên kết với Chúa như thế nào. Những cành cây chỉ gắn vờ vào thân nho không bao giờ có thể sinh hoa trái được.
Cốt lõi của Đạo Chúa là gắn bó, có tương quan thân thiết với Chúa Giê-su như cành nho gắn liền với thân nho. Để có được mối tương quan thân thiết ấy, bạn cần gặp gỡ Ngài thường xuyên mỗi ngày qua cầu nguyện, tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa, viếng Thánh Thể… Gắn bó với Lời Chúa và Thánh Thể có phải là lẽ sống của bạn không? (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
03.05 : Chúa Nhật 5 PHỤC SINH. Ga 15,1-8
04.05 : Thứ hai. Ga 14,21-26
05.05 : Thứ ba. Ga 14,27-31a
06.05: Thứ tư. Ga 15,1-8
07.05 : Thứ năm. Đầu tháng. Ga 15,9-11
08.05: Thứ sáu. Ga 15,12-17
09.05 : Thứ bảy. Ga 15,18-21. Thánh Giuse Hiển, Lm OP, tử đạo
10.05 : Chúa Nhật 6 PHỤC SINH. Ga 15,9-17
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Đức Thánh Cha thành lập Uỷ ban Truyền thông Vatican. Hôm thứ Năm 30-04, Phòng Báo chí Toà Thánh loan báo: Ngày 23-04-2015 Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một Uỷ ban mới gồm 5 người, với tên gọi “Uỷ ban Truyền thông Vatican”.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc đẩy việc cải tổ ngành truyền thông của Toà Thánh, vốn được chờ đợi từ lâu; và việc thành lập Uỷ ban mới nhằm tiết kiệm tài chính, phối hợp tốt hơn để hoạt động hiệu quả hơn đối với các cơ quan truyền thông của Toà Thánh: Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội, Phòng Báo Chí Toà Thánh, Đài phát thanh Vatican, nhật báo L’Osservatore Romano, Ban Thông tin Vatican (VIS), Trung tâm Truyền hình Vatican (CTV), trang web chính thức của Toà Thánh www.vatican.va, Cổng thông tin điện tử news.va, Hãng tin Fides, Nhà xuất bản Vatican và Nhà in Vatican.
Trong khoá họp gần đây nhất, từ ngày 13 đến 15 tháng Tư 2015, Hội đồng Hồng y Tư vấn cũng đã xem xét bản tường trình cuối cùng của Uỷ ban nghiên cứu việc cải tổ ngành truyền thông của Vatican sau bảy tháng làm việc.
Uỷ ban mới sẽ nghiên cứu tính khả thi của các đề nghị từ bản tường trình của Ủy ban nghiên cứu việc cải tổ ngành truyền thông của Vatican. Uỷ ban nghiên cứu này gồm 10 chuyên gia và các vị phụ trách các cơ quan truyền thông của Vatican đã làm việc dưới sự điều hành của Christopher Patten. Và trong số này chỉ có hai người được bổ nhiệm vào Uỷ ban mới do Đức ông Dario Edoardo Viganò, giám đốc Trung tâm Truyền hình Vatican, làm chủ tịch. Đó là: Đức ông Paul Tighe, thư ký Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội, và Đức ông Lucio Adrian Ruiz, phụ trách Văn phòng Internet của Vatican.
Sự vắng mặt của đại diện Đài phát thanh Vatican cho chúng ta nghĩ rằng trong tương lai hình ảnh và Internet sẽ được quan tâm nhiều hơn. L’Osservatore Romano, nhật báo chính thức của Toà Thánh, có thể không chịu ảnh hưởng nhiều trong cuộc cải tổ này.
Giáo dân duy nhất trong Uỷ ban Truyền thông Vatican mới thành lập là Tiến sĩ Paolo Nusiner, Tổng giám đốc nhật báo Avvenire của Hội đồng giám mục Italia. Cuối cùng, cũng nên nhắc đến sự góp mặt của linh mục dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica, một khuôn mặt hay xuất hiện trong giới truyền thông tại Vatican từ khi vị hồng y dòng Tên Bergoglio được bầu làm giáo hoàng. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Hội đồng Toà Thánh Cor Unum trợ giúp các nạn nhân động đất tại Nepal. Sau khi Nepal phải hứng chịu trận động đất dữ dội hồi cuối tuần qua, Hội đồng Toà Thánh Cor Unum đã nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định gửi 100.000 USD là khoản đóng góp đầu tiên để trợ giúp người dân Nepal.
Số tiền này sẽ được gửi đến Giáo hội địa phương và dùng để trợ giúp các hoạt động cứu trợ cho những người không còn nơi cư trú và những người khác cũng bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Đây là biểu hiện cụ thể trước hết và ngay lập tức của Đức Thánh Cha Phanxicô về “sự gần gũi trong tinh thần và tình an ủi mục tử” đối với những ai đang đau khổ, như ngài đã nói trong buổi đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng hôm Chúa nhật 26-04. Các Hội đồng Giám mục và các tổ chức bác ái Công giáo cũng đã tham gia tích cực vào các công tác nhân đạo.
Theo các số liệu đã công bố nhưng chưa phải là kết thúc, cho đến nay trận động đất đã khiến hơn 4.300 người chết và khoảng 7 triệu người bị ảnh hưởng thuộc 34 quận của Nepal, một triệu người mất nhà cửa, và khoảng 2 triệu trẻ em cần sự trợ giúp. Nhiều ngôi làng bị cô lập và viện trợ vẫn chưa đến được với họ. Theo ước tính của chính phủ, có khoảng 400.000 tòa nhà đã bị phá hủy. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Tiếng Latinh có phải là ngôn ngữ chết? Linh mục Daniel Gallagher –45 tuổi, thuộc bang Michigan, Hoa Kỳ– điều hành Văn phòng Toà Thánh về tiếng Latinh nói rằng Latinh sẽ là một ngôn ngữ chết nếu Giáo hội đã không tồn tại.
Ai giỏi tiếng Latinh nhất? “Đó là Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô. Ngài nói tiếng Latinh trôi chảy và hoàn hảo”. Còn Đức giáo hoàng Phanxicô thì sao? “Bảo rằng ngài không thích tiếng Latinh thì không đúng, trái lại ngài hiểu rõ tiếng Latinh và còn sửa tiếng Latinh nữa, nhưng ngài ít dùng ngôn ngữ này”. Đó là nhận định của cha Daniel Gallagher, người chịu trách nhiệm dịch các dòng tweet của Đức Thánh Cha sang ngôn ngữ của Cicero.
Cùng với sáu linh mục khác, cha Gallagher phụ trách Văn phòng Toà Thánh về tiếng Latinh thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Đây là văn phòng duy nhất trên thế giới mà các nhân viên nói chuyện với nhau bằng tiếng Latinh. Cha Gallagher cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Famiglia Cristiana, đây cũng là nơi viết và dịch các tài liệu của Toà Thánh sang tiếng Latinh. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 27/TB/GXCT/2015
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 75
273. H. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng niệm hy tế của Chúa Giêsu thế nào?
Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh không chỉ nhớ lại mà còn làm cho hiện diện và hiện tại hóa hy tế Thập giá được Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha một lần thay cho tất cả.
274. Trong cử hành Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện qua những dấu chỉ nào?
Trong cử hành Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện qua những dấu chỉ này:
– Một là nơi cộng đoàn phụng vụ;
– Hai là nơi linh mục chủ tế;
– Ba là trong Lời của Ngài;
– Bốn là trong Thánh Thể.
275. Bàn thờ có ý nghĩa gì?
Bàn thờ là biểu tượng của chính Đức Kitô, Đấng đang hiện diện như của lễ hiến tế và như lương thực thần thiêng được ban cho chúng ta.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
22. Tin nghĩa là gì?
– Tin là đi vào một tương quan cá vị với Thiên Chúa, và sẵn sàng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa mặc khải về chính Ngài. [150-152]
– Khi bắt đầu tin con người thường cảm thấy mình rung động hoặc âu lo. Con người cảm thấy thế giới hữu hình và mọi việc thường xảy ra chưa phải là tất cả. Khi tin là họ cảm thấy xúc động vì đụng chạm đến một mầu nhiệm. Rồi họ lần theo các dấu vết đưa dẫn họ tới sự hiện hữu của Thiên Chúa và dần dần thấy mình tin tưởng để nói với Người, rồi cuối cùng họ tự nguyện bước vào mối tương quan với Người. Trong Tin Mừng thánh Gioan ta đọc rằng: Thiên Chúa, chưa có ai thấy bao giờ; chỉ có Con duy nhất ở trong lòng Cha là Chúa Ki tô, chính Người mới dẫn dắt cho họ hiểu biết Thiên Chúa. Vì thế ta phải tin Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nếu ta muốn biết Thiên Chúa muốn nói gì với ta. Tin có nghĩa là đồng thuận với Đức Giêsu và đặt cược toàn bộ đời mình cho Người.
“Tin nghĩa là chịu đựng sự khó hiểu của Thiên Chúa suốt đời.” – Karl Rahner (1904-1984, thần học gia Đức)
“Tôi không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tin là điều hợp lý.” – Thánh Tôma Aquinô
“Tin vào Thiên Chúa là thấy rằng trong các thực tại của thế giới tất cả chưa được nói đến. Tin vào Thiên Chúa là thấy rằng cuộc đời có một ý nghĩa.” – Ludwig Wittgenstein (1889-1951, triết gia Áo)
“Cái mà ta tin là điều quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn nữa là ta tin vào ai.” – Đức Bênêđictô XVI, 28-5-2005
“Tôi tin để hiểu.” – Thánh Anselmô Cantorbery (1033-1109, tiến sĩ Hội Thánh, thần học gia Trung Cổ)
“Tôi không có tưởng tượng. Tôi không thể hình dung ra Thiên Chúa Cha. Tất cả điều tôi có thể thấy là Chúa Giêsu.” – Chân phước Têrêsa Calcutta (1910-1997, sáng lập dòng. Đoạt giải Nobel Hoà bình 1979)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 23. Có sự xung khắc giữa đức tin với khoa học không?