PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH 12/4/2015
“Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” (Ga 20,20)
Suy niệm: Khi Thầy Giê-su chịu đóng đinh và chết treo trên thập giá, các môn đệ bàng hoàng khiếp sợ, không biết số phận của mình rồi sẽ ra sao. Bởi thế các ông vui sướng biết chừng nào khi thấy Thầy mình đang sống đứng giữa các ông với vết thương trên tay, chân và cạnh sườn, dấu chứng hùng hồn của sự phục sinh. Sự hiện diện của Chúa trong lúc này quả là chiếc phao cứu nạn, dẫn dắt các ông từ chỗ sợ hãi thất vọng đến tin tưởng phó thác. Các thánh tông đồ đã cảm nhận nơi chính mình và cộng đoàn của mình tác động mạnh mẽ lạ lùng của Đấng phục sinh. Đó là Tin Mừng cứu độ mà các ngài thấy mình có bổn phận phải làm chứng cho mọi người để “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giê-su đem đến” (Chân phước Phao-lô VI).
Sống giữa thế gian, người kitô cùng vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng như mọi người khác. Tuy nhiên họ được kêu mời để tin và nhận ra Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện và đồng hành với họ trong cuộc sống. Niềm tin này đem lại cho họ niềm vui sâu xa và sức mạnh thiêng liêng để sống dấn thân, hy sinh quảng đại. Đây chính là dấu chỉ thuyết phục để loan báo Tin Mừng. (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
12.04 : Chúa Nhật 2 PHỤC SINH. KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA. Ga 20,19-31.
13.04 : Thứ hai. Ga 6,22-29
15.04 : Thứ tư. Ga 6,35-40
16.04 : Thứ năm. Thánh A-đa-ber-tô, Giám mục, tử đạo. Thánh Giọt-gi-ô, tử đạo. Ga 6,44-51.
17.04: Thứ sáu. Thánh Fi-đê-lê Si-ma-rin-gen, Linh mục, tử đạo. Ga 6,52-59
18.04 : Thứ bảy. THÁNH MÁC-CÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ Kính. Mc 16, 15-20.
19.04 : Chúa Nhật 3 PHỤC SINH. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ga 10,11-18.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha: “Ai có quyền năng, tình yêu và công lý của Thiên Chúa thì không cần dùng đến bạo lực”. Sáng Chúa nhật 05-04 tại Quảng trường Thánh Phêrô, hàng chục ngàn khách hành hương đã dầm mình trong mưa lạnh để tham dự Thánh lễ Phục Sinh, lắng nghe sứ điệp Phục sinh và nhận lãnh Phép lành Urbi et Orbi truyền thống của Đức Thánh Cha.
Ngỏ lời với các tín hữu trong Sứ điệp Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng sức mạnh của người Kitô hữu đến từ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, và kêu gọi họ trở thành chứng nhân của hoà bình và công lý, nhất là cho những người ngày nay đang phải đau khổ tại những khu vực xảy ra bạo lực và khủng bố khốc liệt.
Ngài kêu gọi hoà bình tại những khu vực đang có xung đột trên thế giới, đặc biệt là Trung Đông, châu Phi và Ukraina. Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắc đến Kenya, nơi vẫn còn đang rúng động vì vụ thảm sát 148 người trẻ ở Đại học Garissa vào hôm thứ Năm Tuần Thánh vừa qua.
Từ ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô nhìn xuống đám đông khách hành hương đang che dù, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, Đức Thánh Cha kêu gọi hướng đến những người đang đau khổ: “những người thiệt thòi, người bị giam cầm, người nghèo và những người di dân thường bị từ chối, ngược đãi và loại trừ, người bệnh tật và người đau khổ, các trẻ em, đặc biệt những người là nạn nhân của bạo lực”. Ngài kêu gọi họ hãy lắng nghe những lời đầy an ủi của Chúa Giêsu: “Đừng sợ, vì Thầy đã sống lại và sẽ luôn ở với anh em”. Và Đức Thánh Cha giải thích: “Nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường đạt đến sự sống và hạnh phúc: đó là con đường khiêm hạ, chịu sỉ nhục. Đây là con đường dẫn đến vinh quang”.
Ân sủng ấy là sức mạnh, chứ không phải sự yếu đuối. Nhưng, “những ai mang trong mình quyền năng của Thiên Chúa, tình yêu và công lý của Người thì không cần dùng đến bạo lực; họ nói và làm bằng sức mạnh của chân lý, của vẻ đẹp và tình yêu”. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. ĐTC mời gọi cộng đồng quốc tế đừng thờ ơ trước tội phạm bách hại kitô hữu. ĐTC Phanxicô cầu mong cộng dồng quốc tế đừng bất động trước tội phạm bách hại các kitô hữu không thể chấp nhận được, vì nó vi phạm các quyền sơ đẳng nhất của con người.
ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa ngày thứ hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh hôm qua với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại công trường Thánh Phêrô.
Ngài đã đặc biệt chào phái đoàn Phong trảo Shalom, kết thúc chặng cuối cùng của cuộc đi bộ liên đới nhằm gây ý thức trong dư luận công cộng liên quan tới các vụ bách hại kitô hữu trên thế giới. ĐTC nói: lộ trình trên các nẻo đường của anh chị em đã kết thúc, nhưng nó phải tiếp tục con đường thiêng liêng cầu nguyện sâu xa, tham dự cụ thể và trợ giúp tỏ tường từ phía tất cả mọi người trong việc bảo vệ và che chở các anh chị em trong đức tin, bị bách hại, đầy ải và giết chết chỉ vì họ là kitô hữu.
Chúng ta hãy xin Đức Mẹ Trinh Nữ, chứng nhân thinh lặng của cái chết và sự sống lại của Con Mẹ, gia tăng niềm vui phục sinh nơi chúng ta. Chúng ta làm điều đó khi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng thay thế cho Kinh Truyền Tin trong mùa phục sinh. Trong kinh này được ngắt nhịp bằng tiếng Alleluia, chúng ta hướng tới Mẹ bằng cách mời Mẹ hãy vui lên, bởi vì Đấng Mẹ đã cưu mang trong lòng đã sống lại như lời đã hứa, và chúng ta tín thác nơi sự bầu cử của Mẹ. ĐTC đã chúc mọi người Tuần Bát Nhật tươi vui an bình. Ngài nhắn nhủ mọi người mỗi ngày hãy đọc một đoạn Phúc Âm nói về sự Sống Lại để sống sâu đậm và mạnh mẽ mùa Phục Sinh. (radiovaticana.va)
* Vatican. Hội nghị Quốc tế về việc Đào tạo Đời sống Thánh hiến. Trong khuôn khổ Năm Đời sống Thánh hiến, một Hội nghị quốc tế dành cho các nhà đào tạo của các Dòng giáo hoàng đã khai mạc tại Roma vào ngày 07-04-2015. Hội nghị kéo dài 4 ngày do Bộ Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ (Bộ Tu sĩ) tổ chức, với chủ đề “Sống trong Chúa Kitô theo khuôn mẫu của đời sống Phúc Âm – Được đào tạo sống thánh hiến trong lòng Hội Thánh và thế giới”.
Khoảng 1.200 đại biểu thuộc nhiều Dòng tu khác nhau khắp nơi trên thế giới tham dự Hội nghị sẽ suy tư và thảo luận về căn tính ơn gọi của người sống đời thánh hiến trong Giáo hội và trong thế giới và về những đòi hỏi mà xã hội hiện đại đặt ra cho việc đào tạo. Chương trình gồm các bài tham luận và 50 hội thảo về các vấn đề thời sự. Theo các nhà tổ chức, việc đào tạo phải giúp cho các tu sĩ đạt được “khuôn mẫu của đời sống Phúc Âm”, và trở nên những con người thực sự tự do. Đồng thời cũng phải giúp cho họ trưởng thành trong căn tính riêng của mình để có thể đối thoại với tất cả các nền văn hóa, trước làn sóng di dân, đó là dấu chỉ tiên tri của sự đón tiếp và hiệp thông. Ngoài ra Đức Thánh Cha còn muốn rằng việc đào tạo phải chữa cho các tu sĩ khỏi căn bệnh tự quy.
Hội nghị sẽ kết thúc với một diễn đàn cùng các vị khách mời là các đại diện của các cơ quan Giáo triều khác có liên quan đến công cuộc đào tạo: Đức hồng y Stella, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ và Đức Tổng giám mục Zani, Thư ký Bộ Giáo dục Công giáo. (hdgmvietnam.org)
* Iraq. Đức hồng y Fernando Filoni cử hành lễ Phục Sinh với người tị nạn tại Iraq. Tối thứ Bảy Tuần Thánh 04-04, hơn 1.000 người chen chúc trong một căn lều tại một trại tị nạn ở Irbil, Iraq, để tham dự Thánh Lễ Vọng Phục Sinh do Đức hồng y Fernando Filoni cử hành. Đức hồng y Filoni, nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Iraq, đã đến Iraq từ hôm thứ Hai 30-03 để đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu bị buộc phải trốn chạy cơn cuồng nộ của quân “Nhà nước Hồi giáo”. Ngài cũng đem theo một món quà của cá nhân Đức Thánh Cha gửi tặng người tị nạn. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 23/TB/GXCT/2015
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 72
265. Những ai là thừa tác viên của Bí tích Thêm Sức?
Thừa tác viên của Bí tích Thêm Sức thông thường là Giám mục và những linh mục được chỉ định; nhưng trong trường hợp khẩn cấp, thì bất cứ linh mục nào cũng đều có nhiệm vụ ban bí tích này.
266. Người lãnh Bí tích Thêm Sức có những bổn phận nào?
Người lãnh Bí tích Thêm Sức có những bổn phận này:
– Một là nỗ lực thi hành Lời Chúa trong đời sống thường ngày;
– Hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng;
– Ba là tích cực giới thiệu Chúa cho mọi người.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
19. Kinh Thánh giữ vai trò nào trong Hội Thánh?
– Hội Thánh múc lấy sự sống và sức mạnh của mình từ trong Kinh Thánh. [103-104, 131-133, 141]
– Ngoài sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, Hội thánh không có sự tôn sùng nào khác quan trọng hơn là tôn sùng sự hiện diện của Chúa trong Kinh Thánh. Trong thánh lễ việc đọc Tin Mừng được mọi người đứng nghe vì trong các lời lẽ loài người mà ta nghe, có chính Thiên Chúa nói cho ta → 128
“Kinh Thánh không thuộc về quá khứ. Chúa Giêsu không nói cho thời quá khứ mà Người nói cho hiện tại, người nói hôm nay với ta, Người ban tặng ta ánh sáng, Người chỉ cho ta con đường đến sự sống; Người hiến cho ta một cộng đoàn, Người chuẩn bị cho ta như vậy và mở đường bình an cho ta.” – Đức Bênêđictô XVI, 29-3-2000
“Đọc Kinh Thánh là hỏi ý kiến của Chúa Kitô.” – Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226, sáng lập dòng, nhà thần bí)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 20. Chúng ta có thể trả lời Thiên Chúa thế nào khi Người nói với chúng ta?