BẢN TIN 268

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT TUẦN V Mùa Chay. 22/3/2015

“Thưa  ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” (Ga  12,21)

Suy niệm: Giê-ru-sa-lem là điểm hẹn để dân Do thái lên thờ phượng Thiên Chúa. Còn Chúa  Giê-su, Ngài biết rằng Ngài lên Giê-ru-sa-lem lần này là lần cuối cùng, rồi để  chịu khổ hình. Trong bối cảnh đó, có một số người trong số những người lên  Giê-ru-sa-lem, muốn được gặp Chúa Giê-su. Tâm  hồn của Ngài lúc này xao xuyến. Nhưng cũng chính lúc này, Chúa Giê-su nhận  ra thời điểm Ngài được tôn vinh. Những lời Ngài nói lúc này cô đọng tất cả sứ  mạng Chúa Cha trao phó cho Ngài. Anh em muốn gặp Tôi ư? Một lúc nữa, anh em sẽ  không gặp Tôi. Nhưng “Ai phục vụ Tôi, thì  hãy theo Tôi; và Tôi ở đâu, kẻ phục vụ Tôi cũng sẽ ở đó.” Chúa cũng đã nói với chúng ta như thế.  Chúng ta có muốn gặp Chúa, theo Chúa, để được sự sống đời đời và ở mãi với Chúa  không?

Trong những giây phút quyết định cho mạng sống và cả cuộc đời của Chúa Giê-su,  Chúa đã hướng về Cha, để gắn bó với Ngài. Còn chúng ta, những giờ phút cuối đời,  những giây phút đấu tranh chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối, chúng ta có can  đảm để nói: tôi muốn gặp và theo Thầy Giê-su không?. (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

22.03 : Chúa Nhật V MÙA CHAY. Ga 3,14-21

23.03 :     Thứ hai. Thánh Tu-ri-bi-ô Mông-rô-vê-khô, Giám Mục. Ga 8,1-11.

24.03 :     Thứ ba. Ga 8,21-30

25.03 :     Thứ tư. LỄ TRUYỀN TIN. Lễ trọng. Lc 1,26-38.

26.03 :     Thứ năm. Ga 8,51-59

27.0:        Thứ sáu. Ga 10,31-42

28.03 :     Thứ bảy. Ga 11, 45-57

29.03   : Chúa Nhật LỄ LÁ. TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA. Mc 14,1-15,47

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Đức Thánh Cha công nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai vị Chân phước song thân của Thánh Têrêxa. Sáng thứ Tư 18-03-2015, trong buổi tiếp kiến Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép công bố sắc lệnh công nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai vị Chân phước Louis Martin (1823–1894) và Zélie Guérin (1831–1877), giáo dân người Pháp. Hai Chân phước là song thân của Thánh Têrêxa Lisieux (Têrêxa Hài đồng Giêsu, tiến sĩ Hội Thánh). Đây là bước cần thiết để một Chân phước được tuyên thánh.

Mặc dù thông cáo của Toà Thánh không cho biết chi tiết về phép lạ, nhưng theo cáo thỉnh viên của vụ án phong thánh, phép lạ liên quan đến việc khỏi bệnh không giải thích được của một bé gái tên là Carmen, ở Tổng giáo phận Valencia, Tây Ban Nha. Carmen sinh thiếu tháng và bị xuất huyết não trầm trọng. Cha mẹ của em đã xin hai vị Chân phước chuyển cầu cho em được ơn khỏi bệnh. Em đã sống sót và hiện nay rất khỏe mạnh.

Lễ tuyên thánh cho hai Chân phước Louis và Zélie Martin có thể diễn ra trong dịp Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình vào tháng Mười sắp tới. Đây sẽ là lần đầu tiên một đôi vợ chồng cùng được phong thánh. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường chống án tử hình. Sáng ngày 20-3-2015, ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn của Ủy ban quốc tế chống án tử hình và nhân dịp này ngài tái khẳng định lập trường của Giáo Hội Công giáo theo đó ngày nay án tử hình là điều không thể chấp nhận được.

 Trong sứ điệp, ĐTC ca ngợi, cám ơn và khích lệ những người thiện chí đang dấn thân để trong thế thế giới không còn án tử hình nữa, đồng thời ngài nhấn mạnh rằng:

 ”Ngày nay, án tử hình là điều không thể chấp nhận được, cho dù tội của người bị kết án có nặng đến đâu đi nữa. Án này là một sự xúc phạm đến đặc tính bất khả xâm phạm của sự sống và phẩm giá con người, và nó trái ngược với ý định của Thiên Chúa về con người và xã hội, về nền công lý từ bi, và ngăn cản sự chu toàn bất kỳ mục tiêu chính đáng của các án phạt. Án tử hình không thực thi công lý cho các nạn nhân, nhưng chỉ nuôi dưỡng sự trả thù.” (radiovaticana.va)

* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Thầy Alois của Cộng đoàn Taizé. Sáng thứ Hai 16 tháng Ba 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến riêng Thầy Alois, bề trên Cộng đoàn đại kết Taizé.

Thông cáo của Taizé cho biết: “Đức Thánh Cha tỏ ra rất quan tâm đến ơn gọi đại kết của Cộng đoàn và việc Cộng đoàn đón tiếp các bạn trẻ đến Taizé. Ngài sẽ hiệp thông cầu nguyện với tất cả những người đến Taizé vào ngày 16 tháng Tám sắp tới, nhân dịp kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Thầy Roger –người sáng lập Cộng đoàn Taizé– và cũng là năm thứ mười Thầy Roger qua đời”.

Phát biểu với Đài Vatican, Thầy Alois tỏ ra rất vui mừng: “Chúng tôi chủ yếu nói về lòng thương xót, vì Đức Thánh Cha vừa công bố sẽ mở một Năm Thánh Lòng Thương xót”. Quả vậy, Thầy Alois đã có mặt ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô khi Đức Thánh Cha công bố điều này hôm thứ Sáu 13-03 vừa qua.

Đây là lần thứ hai Thầy Alois và Đức Thánh Cha Phanxicô gặp nhau – lần thứ nhất vào ngày 28-11-2013. Hằng năm Thầy Alois đều được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp kiến, cũng như trước đây hằng năm Thầy Roger đều đến Roma để gặp Đức Thánh Cha. Thầy Roger đã gặp các Đức Thánh Cha: Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Đức Thánh Cha khuyến khích nỗ lực truyền giáo tại Nhật Bản. Trong buổi tiếp kiến 16 GM Nhật Bản sáng ngày 20-3-2015, ĐTC nồng nhiệt khuyến khích Giáo Hội tại nước này tăng cường các hoạt động loan báo Tin Mừng.

 Các GM thuộc 16 giáo phận tại Nhật về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM tại buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi công trình của các thừa sai và các tín hữu Công Giáo ẩn náu mà Giáo Hội Công Giáo tại nước này đang kỷ niệm 150 năm khám phá ra họ. Tấm gương của họ tiếp tục nâng đỡ đời sống Giáo Hội ngày nay và cống hiến một chỉ dẫn để sống đức tin. ĐTC nói:  ”Ngoà việc nâng cỡ các cố gắng của các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng, tôi cũng khuyến khích anh em quan tâm đến các nhu cầu thiêng liêng và nhân bản của họ, để họ không nản chí, nhưng kiên trì trong các công tác của họ. Ước gì anh em hướng dẫn họ hiểu các phong tục của nhân dân Nhật Bản, để họ có thể trở thành những người phục vụ Tin Mừng hữu hiệu hơn và cùng nhau tìm kiếm những phương thức mới để mang tinh thần Phúc Âm vào nền văn hóa (Xc Evang. gaudium 69). Nhật bản rộng gần 378 ngàn cây số vuông với 126 triệu 650 ngàn dân cư đa số theo Thần đạo và Phật giáo, và chỉ có 1,7% là tín hữu Kitô, trong đó chỉ có 444 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 0,35% dân số toàn quốc. Nếu kể cả tín hữu Công Giáo nhập cư từ nước ngoài, con số có thể lên đến 1 triệu người. Số tín hữu Công Giáo tại Nhật tăng trưởng rất chậm và hơn một lần các vị Giáo Hoàng khích lệ các hoạt động truyền giáo trực tiếp tại đây cho những người chưa biết Tin Mừng của Chúa Kitô. (radiovaticana.va)

 

* Chính Tòa: TB Số 19/TB/GXCT/2015

  1. Từ thứ hai 23/3 cho đến chiều thứ bảy 28/3, Gh Emmanuel Triệu phụ trách trực phụng vụ.
  2. Thứ tư 25/3 Thánh lễ Truyền Tin được cử hành trọng thể lúc 17g00 tại Núi Đá do hội Legio phụ trách, xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  3. Thứ năm 26/3 giáo xứ Chầu Thánh Thể, giới Người Cha phụ trách.
  4. Thứ năm 26/3, Sám hối Cộng Đồng lúc 19g00.
  5. Thứ sáu 20/3 vào lúc 19g30 Gẫm Đàng Thánh Giá. Giới Trẻ và Sinh Viên phụ trách.
  6. Chúa Nhật 29/3 Lễ Lá, tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, lễ sáng Làm Phép và Kiệu Lá lúc 05g00, lễ chiều Làm Phép và Kiệu Lá lúc 16g45.
  7. Kính mời trưởng phó các giáo họ, trưởng phó các giới ban ngành đoàn thể đến nhà xứ nhận thông báo về Đại Lễ Phục Sinh.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 69

257. Bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta những ơn nào?

Bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta những ơn này:

– Một là được tha tội tổ tông và các tội riêng đã phạm;

– Hai là được làm con cái Thiên Chúa;

– Ba là được tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh;

– Bốn là được ghi vào linh hồn dấu ấn thiêng liêng không bao giờ xóa được.

258. Việc nhận tên thánh rửa tội có ý nghĩa gì?

Việc nhận tên thánh rửa tội có hai ý nghĩa này:

– Một là được chính thức có tên trong Hội Thánh;

– Hai là có ý xin thánh bổn mạng chuyển cầu và cố gắng noi gương nhân đức của ngài.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

16. Làm thế nào để đọc Kinh Thánh cho đúng?

– Muốn đọc Kinh Thánh cho đúng, cần đọc với tinh thần cầu nguyện, nghĩa là cần Chúa Thánh Thần giúp đỡ, vì nhờ Chúa Thánh Thần mà Kinh Thánh được viết ra. Kinh Thánh chính là Lời của Thiên Chúa, và chứa đựng mặc khải của Thiên Chúa. [109-119, 137]

– Kinh Thánh như một bức thư dài Thiên Chúa gửi cho mỗi người chúng ta. Nên ta phải đón nhận Kinh Thánh với lòng yêu mến và tôn trọng lớn lao: quan trọng trước hết là đọc thực sự lá thư của Thiên Chúa, nghĩa là không được lẩy ra các chi tiết mà bỏ qua toàn bộ bản văn. Rồi ta phải giải nghĩa sứ điệp đi từ điều là trung tâm và là mầu nhiệm, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà toàn bộ Kinh Thánh kể cả Cựu ước nói đến. Đức tin mà ta phải có để đọc Kinh Thánh là đức tin sống động của Hội thánh là nơi đức tin được xuất phát. → 491

“Suy gẫm thường ngày Lời Chúa và để cho Chúa Thánh Thần làm thầy của bạn, bạn sẽ thấy tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của loài người, bạn sẽ đạt tới chiêm ngắm Thiên Chúa thật, và nhìn mọi biến cố bằng con mắt của Chúa, bạn sẽ được nếm một niềm vui dồi dào phát xuất từ sự thật.” – Đức Bênêđictô XVI, 22-2-2006

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 17. Kinh Thánh Cựu ước có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu?