PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN. 25/10/2015
CÁC THÁNH NAM NỮ.
“Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. ” (Mt 5,6)
Suy niệm: Nhà thần học nổi tiếng H. Von Balthasar nhận định: “Vị thánh là người hộ giáo cho Ki-tô giáo. Tuy nhiên, ngài là thánh vì để cho Đức Ki-tô sống nơi mình và chính trong Đức Ki-tô, ngài được vinh hiển.” Con đường các thánh đã chọn trong hành trình trần thế là con đường hạnh phúc của Đức Giê-su: con đường của Tám Mối Phúc Thật, hay còn gọi là các giá trị của Tin Mừng. Con đường ấy, như Tin Mừng hôm nay phác họa, gồm tám mối phúc: khó nghèo, sầu khổ, hiền lành, khát khao công chính, xót thương, trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì sống công chính. Đó cũng chính là con đường Đức Giê-su đã đi cho đến cùng: đến cái chết. Vì thế, ai sống theo Tám Mối Phúc ấy, họ nên giống Đức Giê-su, và được gọi là thánh.
“Lý do sâu xa khiến Hội Thánh yếu kém và thế giới hấp hối là vì không đủ các vị thánh. Thật ra, điều ấy cũng chưa đúng. Lý do là vì chúng ta chưa là thánh” (P. Kreeft). Hôm nay Chúa Giê-su lập lại lời mời gọi bạn nỗ lực nên thánh, như bao vị thánh nam nữ bạn mừng kính hôm nay.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
01.11 : Chúa Nhật 31 THƯỜNG NIÊN. CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Mt 5,1-12a.
02.11 : Thứ hai. Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời. Ga 6,37-40
03.11 : Thứ ba. Thánh Mac-ti-nô Po-ret, tu sĩ. Lc 14,15-24. Thánh Phêrô Px Néron Bắc, Linh mục, tử đạo1860.
04.11: Thứ tư. Thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô, Giám mục. Lễ nhớ. Lc 14,25-33.
05.11 : Thứ năm. Đầu tháng. Lc 15, 1-10. Thánh Đaminh Hà Trọng Mậu, Linh mục, tử đạo1858.
06.11: Thứ sáu. Đầu tháng. Lc 16,1-8
07.11 : Thứ bảy. Đầu tháng. Lc 16,9-15. Thánh Vinh sơn Phạm Hiếu Liêm, Linh mục và Thánh Giacintô Castaneda Gia, linh mục, tử đạo 1773.
08.11 : Chúa Nhật 32 THƯỜNG NIÊN. Mc 12,38-44
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập Quỹ Giáo dục Công giáo. Qua văn kiện viết tay đề ngày 28-10-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Quỹ Gravissimum Educationis. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với Bộ Giáo dục Công giáo đã có các sáng kiến tổ chức kỷ niệm 50 năm công bố Tuyên ngôn Gravissimum Educationis [Vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục] của Công đồng Vatican II về giáo dục Kitô giáo.
ĐTC cũng bày tỏ sự hài lòng vì trong dịp kỷ niệm này Bộ Giáo dục Công giáo đã “mong muốn thành lập một Quỹ có tên gọi Gravissi-mum Educationis, với mục đích theo đuổi ‘các mục tiêu khoa học và văn hóa, nhằm thúc đẩy nền giáo dục Công giáo trên thế giới’ ”.
Sau khi nhắc lại lời mở đầu của Tuyên ngôn Gravissimum Educationis: “Giáo hội thừa nhận vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục trong đời sống con người, và tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của ngành giáo dục đối với sự phát triển của xã hội hiện nay”, ĐTC công bố quyết định thành lập Quỹ này như các cơ quan công, có tư cách pháp nhân về dân sự và giáo luật, với quy chế riêng.
Quỹ này sẽ đặt trụ sở tại thành phố Vatican và chịu sự chi phối của Bộ giáo luật hiện hành cũng như luật dân sự hiện hành ở thành phố Vatican. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Kỷ niệm 50 năm Nostra Aetate, Bản Đại hiến chương Đối thoại liên tôn. Trong những ngày cuối tháng Mười 2015, các đại diện các tôn giáo trên thế giới đã quy tụ về Roma để tham dự Hội nghị kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II về mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với các tôn giáo khác. Hội nghị diễn ra trong ba ngày từ 26 đến 28-10 do Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn và Uỷ ban Toà Thánh phụ trách các quan hệ với người Do Thái tổ chức.
Cha Miguel Angel Ayuso Guixot, thư ký Văn phòng đối thoại liên tôn, nói rằng dù đã có rất nhiều điều được thực hiện kể từ khi Tuyên ngôn được công bố, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
ĐHY Jean-Louis Tauran, CT Hội đồng TT về Đối thoại Liên tôn, nói rằng: “Một trong những thành tựu cơ bản của Nostra Aetate là GH nhìn nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác. Trong Tuyên ngôn này, lần đầu tiên, huấn quyền đã nhìn nhận sự thánh thiện cũng có thể hiện diện nơi các tôn giáo khác và điều này có thể dẫn đến một ‘tia sáng chân lý soi chiếu tất cả nhân loại’”.
Tuyên ngôn được Chân phước Phaolô VI ban hành ngày 28-10-1965, nhưng dự thảo đầu tiên của Nostra Aetate đã được Thánh Gioan XXIII uỷ thác cho Đức hồng y Augustin Bea hướng dẫn. Đức hồng y Tauran cho biết, dự thảo ban đầu mang tên Decretum de Iudaeis (Sắc lệnh về người Do Thái), chỉ đề cập vấn đề trách nhiệm của các Kitô hữu trong vụ Thảm sát người Do Thái.
Kết quả, Tuyên ngôn gồm 5 số, trong đó hai số cuối đề cập đến mối quan hệ của Giáo hội Công giáo với dân Do Thái, và ba số đầu nêu bật mối quan hệ của Giáo hội với các tôn giáo khác trên thế giới.
Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Uỷ ban Toà Thánh phụ trách các quan hệ với người Do Thái, cho biết việc nói đến mối quan hệ của Kitô giáo với Do Thái giáo trong văn kiện không chỉ là điểm khởi đầu “nhưng còn là bản lề của toàn bộ Tuyên ngôn”.
“Số 4 của Nostra Aetate có thể được coi là Bản Đại hiến chương đối thoại Do Thái-Công giáo. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công đồng đại kết diễn đạt một cách rành mạch và tích cực như thế về mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Do thái giáo”.
Đức hồng y Koch nói, Nostra Aetate đánh dấu một sự thay đổi quyết định trong trong các mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo và Do Thái giáo, và cho thấy “chính nó là chiếc la bàn hữu ích hướng tới sự hoà giải giữa các Kitô hữu và người Do Thái, có giá trị cho cả hiện tại lẫn tương lai”.
Và Đức hồng y kết luận: “Vì thế, cử hành một kỷ niệm quan trọng không phải là lý do để nhìn lại quá khứ nhưng là một cơ hội quý giá để nhìn đến tương lai”. (hdgmvietnam.org)
* Việt Nam. Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận Sắc lệnh thành lập Học viện Công giáo Việt Nam. Theo Thông báo số 09/15/HVCG của Uỷ ban Giáo dục Công giáo trực thuộc HĐGM Việt Nam, thứ Tư 21-10-2015 vừa qua Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh đã trao Sắc lệnh thành lập Học viện Công giáo Việt Nam cho Hội đồng Giám mục Việt Nam nhân dịp Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục và Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo sang Roma tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Sắc lệnh được ấn ký ngày 14 tháng 9 năm 2015, lễ Suy tôn Thánh Giá.
Cũng nên nhắc lại rằng trước đó, ngày 06-08-2015, tại Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công giáo Việt Nam. Quyết định của Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận cho Giáo hội Công giáo Việt Nam mở Học viện Công giáo đã được ông Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao cho Ðức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 56/TB/GXCT/2015
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 100
357. Ơn gọi sống đời thánh hiến là gì?
Ơn gọi sống đời thánh hiến là lời Thiên Chúa ngỏ với một số người, để mời gọi họ sống đời tận hiến trong bậc tu trì hay giáo sĩ.
358. Những dấu nào cho biết mình có ơn gọi sống đời thánh hiến?
Có ba dấu này:
– Một là có ý ngay lành và ước muốn dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân;
– Hai là có đủ điều kiện Hội Thánh quy định;
– Ba là được những người có trách nhiệm tuyển chọn.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
48. Thiên Chúa có ý định gì khi sáng tạo thế giới?
– Thiên Chúa dựng nên thế giới vì vinh danh Người (CĐ Vatican I). [293-294, 319]
– Lý do của sáng tạo không phải là gì khác ngoài tình yêu. Từ việc sáng tạo này phản chiếu lên vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Ca tụng Thiên Chúa không cốt tại vỗ tay hoan hô Chúa. Dù sao con người không phải là khán giả xem công trình sáng tạo. Ca tụng Thiên Chúa đối với họ là hiệp cùng với tất cả vạn vật để chấp nhận sự có mặt của mình với lòng biết ơn. → 489
“Đấng đã làm nên bạn cũng biết rằng Người làm nên bạn để làm gì.” – Thánh Augustinô
“Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, mà con người được sống là để có thể nhìn thấy Thiên Chúa.” – Thánh Irênê thành Lyon
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 49. Thiên Chúa có điều khiển thế giới và đời sống tôi không?