BẢN TIN 207

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

   CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN19/01/2014

 

“Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi…” (Ga 1,33)

 

* Suy niệm: Sứ mạng của Gioan Tẩy giả là loan báo Đấng Mêsia. Tuy nhiên, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi Gioan nói rằng: “Tôi đã không biết Người.” Quả thật, Thiên Chúa là Đấng cao cả siêu việt, trí tuệ con người làm sao đạt thấu Người được. Với tinh thần khiêm tốn, Gioan dựa vào những dấu chỉ Thiên Chúa đã tỏ lộ cho ông: làm phép rửa là do Ngài đã sai ông đi; và rồi, để nhận ra Đấng Mêsia, Gioan cũng dựa vào dấu hiệu Thiên Chúa ước hẹn: “Chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Gioan theo dấu hiệu mà Lời Chúa đã thổ lộ cho ông: và ông đã thấy và đã được hội ngộ với Đấng mà Thiên Chúa đã hẹn ông.

Dấu hiệu để Gioan nhận ra “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” là chính Thánh Thần. Thiên Chúa cũng hẹn gặp chúng ta qua những dấu hiệu của Thánh Thần: đó là tiếng mách bảo âm thầm của lương tâm, đó là những người nghèo mà chúng ta được gọi đến để phục vụ. Những ai khiêm tốn tìm kiếm Chúa qua những dấu hiệu như thế, Ngài sẽ cho gặp mặt. (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

19.01   :  CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

20.01   :  Thứ hai. Thánh Fa-bi-a-nô, Giáo Hoàng, tử đạo. Thánh Sê-ba-ti-a-nô, tử đạo.

21.01   :  Thứ ba. Thánh A-nê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

22.01   :  Thứ tư. Thánh Vinh Sơn, phó tế, tử đạo. Thánh Matthêô Alonzo Leciniana Đậu, linh mục, tử đạo 1745. Thánh Phanxicô Federich Tế, Linh mục, tử đạo 1745.

23.01   :  Thứ năm.

24.01   :  Thứ sáu. Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

25.01   : Thứ bảy. THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI. Lễ kính. Ngày kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất.

26.01   :  Chúa Nhật 3 THƯỜNG NIÊN

 

   HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế khẳng định: niềm tin Kitô đối kháng với bạo lực và chiến tranh. Nhằm chống lại cáo buộc cho rằng tôn giáo là một nguyên nhân gây ra bạo lực và chiến tranh, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã ban hành một tài liệu nhấn mạnh rằng niềm tin Kitô vốn đối kháng với những lời kích động bạo lực. Tài liệu mới này đã được công bố bằng tiếng Ý vào ngày 16 tháng Giêng, và sẽ sớm có những bản dịch ra các ngôn ngữ khác nhau. Tài liệu có tựa đề: “Thiên Chúa, Chúa Ba Ngôi, và sự hiệp nhất của nhân loại: Thuyết độc thần Kitô Giáo và tính đối kháng của thuyết ấy với bạo lực ” là kết quả của một dự án kéo dài 5 năm của Ủy ban thần học quốc tế đã được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục Gerhard Müller, Hồng Y Tân Cử, là bộ trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Trong buổi họp báo giới thiệu tài liệu này, Ủy Ban Thần Học Quốc tế cho biết: “Niềm tin Kitô, trên thực tế, coi các kích động bạo lực nhân danh Thiên Chúa như là một sự băng hoại thê thảm nhất của tôn giáo. Kitô giáo xác tín như thế từ mạc khải của Chúa Kitô và từ sự phục sinh của Ngài, như là chìa khóa để các hòa giải nhân loại.” Trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, Ngài đã không lấy bạo lực để đáp trả bạo lực nhưng lấy tình yêu để bẻ gãy vòng lẩn quẩn của bạo lực, và hòa giải con người với Thiên Chúa. (vietcatholic.org)

* Vatican. 19 tân hồng y của Đức Phanxicô. Trong giờ Kinh Truyền Tin Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Đức Phanxicô đã chính thức công bố danh sách 19 vị sẽ được ngài trao mũ Hồng Y vào ngày 22 tháng Hai tới: 16 vị dưới 80 tuổi, 3 vị trên 80 tuổi, trong đó có vị thư ký riêng của chân phúc Gioan XXIII, Capovilla, 99 tuổi.

Lần đầu tiên, Haiti có mũ Hồng Y, đó là Chibly Langlois và quần đảo theo Hồi Giáo Mindanao có Hồng Y đầu tiên là Orlando B. Quevedo. Ngược lại, lần đầu tiên, Hoa Kỳ không có tân Hồng Y nào. Tân Hồng Y duy nhất của Bắc Mỹ lần này là Gérald Cyprien Lacroix của Quebec, người phần lớn được đào tạo tại New Hampshire. (vietcatholic.org)

* Vatican. Quốc vụ khanh Tòa Thánh hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ Kerry. Sáng ngày 14-1-2014, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Pietro Parolin, đã có một cuộc hội kiến tại Vatican với ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngoại trưởng Kerry đang thực hiện một cuộc viếng thăm tại các nước để cỗ võ một hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestine, cũng như thành quả của Hội nghị Genève 2 về hòa bình tại Siria sẽ tiến hành từ ngày 22-1-2014.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết: Sáng ngày 14-1-2014, ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đến thăm Vatican và gặp Đức TGM Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Cuộc gặp gỡ rất quan trọng và cũng bao quát, vì kéo dài 1 giờ 40 phút. Tham dự cuộc gặp gỡ có đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh, và 3 quan chức Bộ ngoại giao Mỹ. Về phía Tòa Thánh, cũng có Đức TGM ngoại trưởng Mamberti và hai chức sắc khác của Tòa Thánh đặc trách về các vấn đề được bàn tới.

Trong cuộc thảo luận, Tòa Thánh cũng đề cập đến đề tài Hoa Kỳ: cùng với các GM Mỹ, Tòa Thánh bày tỏ lo âu về những vấn đề liên quan đến những qui luật cải tổ y tế trong tương quan với tự do tôn giáo, sự phản kháng của lương tâm. Kế hoạch của tổng thống Mỹ chống nạn nghèo và cải tiến tình trạng của các tầng lớp nghèo nhất trong dân chúng cũng được bàn đến. Cha Lombardi nói thêm rằng: ”Bầu không khí tích cực; cuộc gặp gỡ có tính chất xây dựng, quan trọng, và chính thời gian dài của cuộc thảo luận biểu lộ ý nghĩa quan trọng của nó”. (vietvatican.net)

* Lịch sử Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo. Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O’Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau , mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục. (vietcatholic.org)

 

* Chính Tòa: thông tin – thông báo

1. Thứ ba, 21/01 giáo xứ chúng ta có 142 giáo dân mang tên Thánh Anê mừng bổn mạng. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.

2. Thứ tư, 22/01 Giới Người Cha và giới Người Mẹ xin lễ Tạ Ơn. Thánh lễ được cử hành lúc 17g00. Xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.

3. Thứ năm, 23/01 Giáo xứ Chầu Thánh Thể lúc 19g30 cuối năm, ban Thường Vụ phụ trách. Xin mời cộng đoàn tham dự.

4. Thứ bảy, 25/01 lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại, quan thầy của Đức Cha Phaolô, cha nguyên phó xứ Nguyễn Hữu Trường Sơn, cha Tổng Đại diện kiêm quản xứ và 296 giáo dân mang tên thánh Phaolô, Thánh Lễ được cử hành lúc 5g00 sáng. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.

 

   GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 8

29. Đức tin có mâu thuẫn với khoa học không?

Đức tin không mâu thuẫn với khoa học, vì cả hai đều có một cội nguồn là Thiên Chúa. Chính Ngài ban cho con người ánh sáng lý trí và ánh sáng đức tin.

30. Vì sao đức tin vừa là hành vi cá nhân, vừa là hành vi của Hội Thánh?

Vì sao đức tin vừa là hành vi cá nhân, vừa là hành vi của Hội Thánh?

31. Những điều chúng ta tin được Hội Thánh tóm tắt trong kinh nào?

Những điều chúng ta tin được Hội Thánh tóm tắt trong kinh Tin Kính.

32. Trong lịch sử Hội Thánh, có mấy kinh Tin Kính?

Trong lịch sử Hội Thánh, có nhiều kinh Tin Kính, nhưng quan trọng và phổ biến nhất, đó là kinh Tin Kính Các Thánh Tông đồ và kinh Tin Kính Công đồng Ni-xê-a Công-tăng-ti-nô-pô-li.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

38. Trong Phúc Âm có viết : “Chúng con đừng gọi ai dưới đất là cha. Chúng con chỉ có một cha duy nhất, Đấng ngự trên trời”. Tại sao chúng ta không thực thi lệnh truyền này của Đức Kitô? Thật kỳ quặc đối với một ông lão tám mươi tuôi như  tôi, lại đi gọi một linh mục  trẻ đáng tuổi cháu mình là “cha”.

Không nên hiểu tiếng “cha” dành cho một linh mục là ngang tầm với tiếng “cha” dành cho người cha trong gia đình. Qua tiếng “cha” này, Giáo Hội muốn nói đến tình phụ tử thiêng liêng của vị linh mục.

Trong ngôn ngữ, cùng một số từ, nhưng có thể có nhiều nghĩa. Ví dụ, trong tiếng Pháp, “foyer” là lò lửa, cũng có nghĩa là nhà, mái ấm gia đình. Cũng vậy, khi ông gọi linh mục là “cha”, ông gán cho từ ngữ này một ý nghĩa thiêng liêng.

Khi chúng ta nói với Thiên Chúa “Cha chúng con”, chúng ta nghĩ đến một thứ tình phụ tử khác. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha (Abba), tương tự với “papa” trong tiếng Pháp (tiếng Việt “ba” hoặc “bố”). Chúa Giêsu đã làm cho mọi người chúng ta nên con cái của Thiên Chúa. Ngài dạy cho chúng ta cầu nguyện như sau: ”Lạy Cha chúng con”. Chúng ta tin vào một Chúa duy nhất, Cha của tất cả mọi người.

Hơn nữa tiếng “cha” còn nhiều nghĩa khác. Chúng ta gọi những người thần học vĩ đạo tiên khỡi cũa Giáo Hội là “các Giáo Phụ”, gọi vị bề trên của một đan viện là Viện Phụ, người cha của đan viện. (Còn tiếp)