165. Tại sao chúng ta đọc “Amen” vào cuối Kinh Tin Kính?

–  Chúng ta kết thúc kinh Tin Kính bằng từ Amen. Từ này theo tiếng Do Thái có nghĩa là “thưa vâng”, bởi vì Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành nhân chứng đức tin. Ai nói Amen là vui sướng và tự do tán thành công việc tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Amen cũng là tin tưởng chắc chắn, trông cậy và trung thành. [1061-1065]

–  Theo tiếng Hipri, từ Amen có ý nghĩa vừa là “tin” vừa là “tin chắc, tin cậy và trung thành”. “Ai nói Amen là ký tên xác nhận” (Thánh Augustinô). Ta chỉ có thể công bố Amen không chút nghi ngại chỉ vì Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho ta biết bằng cái chết và sự sống lại của Người rằng: Người là đấng trung thành, và đáng tin cậy. Người là “Amen” của loài người đối với tất cả những lời Thiên Chúa hứa, Người cũng là “Amen” dứt khoát của Thiên Chúa với mọi người chúng ta. → 527

Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa. – 2 Cr 1,20

? Amen được dùng trong Cựu Ước với ý nghĩa chính là “mong được như vậy”, để làm cho mong ước hoạt động của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn, hoặc để liên kết với lời ca tụng Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Amen được dùng để tăng cường cho kết luận của lời cầu nguyện. Thường Chúa Giêsu dùng Amen cách đặc biệt để dẫn vào một lời nói quan trọng. Amen ở đây làm nổi uy thế của lời nói.