141. Nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng là gì?

–  Vì là đấng kế vị thánh Phêrô và đứng đầu Giám mục đoàn, nên nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng là bảo đảm cho sự hợp nhất của Hội thánh. Ngài có quyền tối cao trong các vấn đề mục vụ của Hội thánh, và đối với tất cả những quyết định liên quan đến tín lý và kỉ luật. [880-882, 936, 937]

– Chúa Giêsu ban cho Thánh Phêrô quyền tối cao trên các Tông đồ, làm cho ngài cũng có quyền bên trên Hội Thánh sơ khởi – Hội Thánh địa phương này do Phêrô cai quản, là nơi mà ngài chịu tử đạo, và nơi mà sau khi ngài chết Hội thánh trẻ phải tham khảo: tất cả các công đoàn phải đồng thuận với Rôma. Đó là tiêu chuẩn đúng của một đức tin tông truyền, nguyên vẹn và đích thực. Đến ngày nay, tất cả giám mục ở Rôma đều là chủ chăn tối cao của Hội thánh như thánh Phêrô, có Chúa Kitô là đầu. Chỉ khi thi hành nhiệm vụ này mà Đức Giáo hoàng là “đại diện Chúa Kitô trên trần gian”. Dựa vào uy quyền tối cao trong nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn và giáo lý, ngài phải lo thông truyền cách chính xác đức tin. Nếu cần ngài phải rút lại những giáo huấn hoặc cất chức các thừa tác viên nào có lỗi nặng phạm đến đức tin và luân lý. Sức mạnh và sự tỏa sáng của Hội thánh công giáo tùy thuộc rất lớn vào sự hiệp nhất trong những vấn đề đức tin và luân lý, sự hiệp nhất được đảm bảo nhờ huấn quyền mà Đức Giáo hoàng là thủ lĩnh. (Huấn quyền là quyền giáo huấn trong Hội Thánh)

? Đức Giáo hoàng là người kế vị Tông đồ Phêrô, làm giám mục ở Rôma. Vì Thánh Phêrô đã là người đầu tiên trong các tông đồ, mà Đức Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, nên có quyền chủ tọa tập đoàn các giám mục. Vì là thay mặt Chúa Kitô, Đức Giáo hoàng là chủ chăn tối cao của Hội Thánh.

? Rôma. Cộng đồng Hội Thánh ở Rôma ngay từ thời đầu đã được coi là Hội Thánh “rất lớn, rất cổ, được mọi người biết đến, được hai vị tông đồ rất vinh hiển là thánh Phêrô và Phaolô vừa thiết lập vừa cư ngụ ở Rôma… Rôma có nguồn gốc tuyệt hảo hơn, nên tất cả Hội thánh nghĩa là các tín hữu khắp nơi phải nhất thiết đồng thuận với Hội thánh Rôma, bởi vì nơi Hội Thánh này có gìn giữ truyền thống từ đời các Tông đồ” Thánh Irênê ở Lyon (135-202). Việc hai vị Tông đồ còn chịu tử đạo ở Rôma càng tăng thêm tầm quan trọng của cộng đồng Rôma.