“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”(Lc 1,28)

Suy niệm: Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a”, nói rằng: “Kinh Mân Côi là kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó” (số 2). Với lời xác định này, chắc chắn đức giáo hoàng cảm nhận được hạnh phúc khi đọc kinh Mân Côi. Bởi lẽ khi chúng ta đọc kinh Mân Côi là chúng ta được chào Đức Ma-ri-a bằng chính lời chào của sứ thần Gáp-ri-en: “Kính Mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ.” Kinh Mân Côi quả thật vô cùng quý giá đối với chúng ta vì như thánh Bô-na-ven-tu-ra nói: “Mẹ Ma-ri-a chúc phúc cho chúng ta với ơn lành, nếu chúng ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng.”

Mời Bạn: Khi hiện ra với các trẻ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta ở Fa-ti-ma, Đức Ma-ri-a đã tự xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Lúc ấy Đức Mẹ cũng nhắc lại sứ điệp ở Lộ Đức là kêu gọi con cái Mẹ năng lần hạt Mân Côi. Bởi đó, chúng ta lần hạt Mân Côi và lập đi lập lại lời sứ thần Gáp-ri-en không chỉ có giá trị do thiện chí của mình, mà còn có giá trị là thực thi mệnh lệnh của Mẹ Ma-ri-a. Thế nên, việc đọc kinh Mân Côi vừa là việc làm vui lòng Đức Mẹ, vừa là một hạnh phúc cho người đọc.

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, đặc biệt với ý cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu cho cơn đại dịch sớm chấm dứt, và tìm ra những sáng kiến đưa kinh Mân Côi vào trong đời sống.Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần đọc kinh Mân Côi là đọc trong tư cách người con yêu mến Mẹ Ma-ri-a và chào Mẹ bằng lời chào trang trọng, thiêng liêng đối với Mẹ.