1. Phép lạ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I được nhìn nhận
Theo báo “Người Sứ Giả” (Il Messaggero), ra ngày 11/10 vừa qua, ở Roma, Hội đồng Hồng y và Giám mục thành viên Bộ Phong thánh đã nhìn nhận một cuộc khỏi bệnh lạ lùng là phép lạ nhờ lời chuyển cầu của vị Tôi tớ Chúa Gioan Phaolô I, và nay chỉ còn chờ Đức Thánh cha Phanxicô phê chuẩn và cho phép công bố để có thể tiến hành việc phong chân phước cho Đức Cố Giáo hoàng.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I, tên thật là Albino Luciani, quen gọi là vị Giáo hoàng 33 ngày. Ngài sinh ngày 17/10/1912 và được bổ làm giám mục giáo phận Vittorio Veneto, đông bắc nước Ý, năm 1958. Mười một năm sau đó, 1969, ngài thăng Thượng phụ thành Venezia và được bổ làm Hồng y năm 1973. Sau khi Đức Phaolô VI qua đời, ngài được bầu làm Giáo hoàng ngày 26/8/1978, nhưng 33 ngày sau đó, 28/9, ngài qua đời đột ngột trong đêm vì bệnh tim.
Án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô I được khởi sự 25 năm sau đó, hồi tháng Mười Một năm 2003, tại giáo phận Belluno, quê hương của ngài. 167 chứng nhân đã được lấy chứng từ, trong đó có cả Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI. Công cuộc điều tra tiến hành trong ba năm, qua 203 phiên họp và kết thúc ngày 10/11 năm 2006, và toàn bộ hồ sơ được gửi về Bộ Phong thánh. Ngày 03/11/2017, Đức Thánh cha Phanxicô cho công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của vị Tôi tớ Chúa Gioan Phaolô I.
Ngày 31/10/2019 hội đồng giám định y khoa của Bộ Phong thánh đã họp để cứu xét vụ một em bé gái ở Buenos Aires, Argentina, bị bệnh não trầm trọng, đã được khỏi bệnh lạ lùng hồi năm 2011 nhờ thân nhân và tín hữu cầu nguyện xin Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I cứu chữa. Các bác sĩ của Bộ đã đồng thanh đi tới kết luận cuộc khỏi bệnh này không thể giải thích được về phương diện khoa học. Tiếp đến ngày 6 tháng Năm năm nay (2021), Ủy ban thần học của Bộ Phong thánh đã cứu xét và đưa ra phán quyết tích cực.
Báo Người Sứ Giả cho rằng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I có thể được phong chân phước trước lễ Phục sinh năm tới và sẽ do chính Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự.
2. Kết thúc khoá họp thứ nhất của Công đồng toàn quốc Australia
Chúa nhật 10/10/2021 vừa qua, Đức cha Mark Coleridge, Tổng giám mục giáo phận Brisbane, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Australia, đã chủ sự thánh lễ trọng thể bế mạc khóa họp thứ nhất của Công đồng toàn quốc Australia lần thứ V, sau một tuần tiến hành từ 03 đến 10/10 tại thành phố này. Khoá họp trực tuyến trong sáu ngày qui tụ phần lớn trong số 278 thành viên. Đức cha Coleridge vui mừng vì “công việc đã mang lại thành quả thực sự”.
Khoá họp này của Công đồng toàn quốc kêu gọi hoán cải về mặt sinh thái và bản thân theo đường hướng của thông điệp Laudato Sì, suy tư về các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, các nhóm bị gạt ra ngoài Giáo hội. Một số đề tài khác được đề cập là sự hiện diện thực của Cháu Kitô trong Bí tích Thánh Thể, gia tăng huấn luyện về các bí tích, tình trạng giảm sút tín hữu lãnh nhận các bí tích.
Theo giáo luật số 446, các quyết định được Công đồng toàn quốc Australia thông qua sẽ được gửi về Tòa Thánh để cứu xét. Giai đoạn kế tiếp là thông báo các nghị quyết được phê chuẩn và sẽ được trình bày trong sắc luật được công bố, và áp dụng cho toàn thể Giáo hội tại Australia.
3. Đức Giám mục Vorderholzer: Công giáo đi hàng đầu chống lạm dụng tính dục
Đức cha Rudolf Vorderholzer, Giám mục giáo phận Regensburg ở miền nam nước Đức tuyên bố như trên, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Tân Zurich” (Neue Zuercher Zeitung) xuất bản hôm 11/10/2021 vừa qua, tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ: “Giáo hội Công giáo Đức đi xa hơn tất cả các tổ chức khác trong việc phòng ngừa, giáo dục và xử lý các vụ lạm dụng tính dục.” Đức cha muốn nói đến những đường hướng nghiêm ngặt do Hội đồng Giám mục Đức đề ra và tăng cường hồi năm 2010, về việc cộng tác với nhà chức trách tư pháp chống lại những vụ lạm dụng tính tục. Kết quả là từ đầu ngàn năm mới này, những vụ lạm dụng đã giảm bớt mau lẹ. Ngày nay không có những vụ lạm dụng tính dục đông đảo trong Giáo hội nữa.
Về vấn đề độc thân linh mục Công giáo, Đức cha Vorderholzer cảnh giác chống lại chủ trương tục hóa chức linh mục Công giáo. Ngoài việc độc thân, linh mục còn phải sống khiết tịnh, và không bỏ qua hai lời khuyên Phúc âm, là vâng phục và thanh bần.” Đức cha cũng nêu ý kiến về thuế Giáo hội tại Đức và nói rằng: “Có lẽ chúng ta phải từ bỏ thuế Giáo hội để trở thành Kitô hữu đích thực hơn, theo nghĩa từ bỏ tinh thần thế tục, như Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã đề nghị”.
4. Công giáo Mêhicô kêu gọi liên đới với di dân Haiti
Đức cha Hilario Gonzalez Garcia, Giám mục giáo phận Saltillo ở miền trung Mêhicô đưa ra lời kêu gọi trên đây qua trang mạng La Prensa de Monclova, hôm 09/10/2021 vừa qua, và nói rằng sự dấn thân giúp người di dân là một dấu hiệu tích cực về mức độ văn minh của một xã hội. Hiện nay có hàng chục ngàn người Haiti đang đi xuyên qua Mêhicô để tìm đường vào Hoa Kỳ.
Nguồn: Lm Trần Đức Anh, O.P