Mỗi khi đọc kinh nguyện Thánh Giuse với lời mở đầu : “Chúng con thân lạy Ông Thánh Giuse”, tôi lại thấy dường như có một điều khác thường ở 2 chữ “thân lạy”: dường như lòng sùng mộ và khẩn cầu với Thánh Giuse trong tâm thức người tín hữu Công giáo tại Việt Nam mang một sắc thái đặc biệt như để “thưa chuyện”, trình bày với Ngài cuộc sống nhân loại của chính mình, cảm giác rằng chính thánh nhân đã sống, đã trải nghiệm và giờ đây con cái Ngài tiếp tục khẩn xin Ngài chỉ dạy và nâng đỡ. Bởi thế, tôi cảm thấy xúc động và ấm lòng biết bao khi vào ngày 08.12.2020 vừa qua, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris Corde” – Với trái tim của người Cha – để khai mở một Năm đặc biệt về Thánh Giuse, nhân kỷ niệm 150 năm Chân phước Giáo Hoàng Piô IX công bố Thánh Giuse là Bổn mạng Hội Thánh. Ðây thật là một cơ hội quý báu để mọi tín hữu trên hoàn vũ có thể chiêm ngắm và học hỏi nhiều hơn về các nhân đức của Thánh Giuse, hầu thêm lòng yêu mến và noi gương bắt chước cách sống của Thánh Cả.
Nói đến Thánh Giuse, có lẽ ai ai cũng đều nghĩ ngay đến tính cách âm thầm của Người. Mặc dầu các Tin Mừng chỉ thuật lại một vài biến cố liên quan đến Thánh Giuse, nhưng chẳng ghi lại lời nào phát ra từ trên môi miệng của Ngài. Thánh nhân chỉ hiện diện và hành động cách thầm lặng bên cạnh Ðức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu. Sự âm thầm đó đôi lúc khiến cho nhiều người tín hữu chúng ta ít nhận ra, hoặc là chưa đánh giá cân xứng vai trò quan trọng của Thánh Giuse trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua Tông thư Với trái tim của người Cha, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã giúp mỗi người tái khám phá rằng “Thánh Giuse – một người chẳng được để ý – vẫn hiện diện hằng ngày cách âm thầm kín đáo, để cầu thay nguyện giúp, trợ giúp và hướng dẫn chúng ta khi gặp khó khăn. Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng những ai ẩn mình hay sống trong bóng tối có thể đóng một vai trò không thể sánh được trong lịch sử cứu độ”. Và quả đúng như thế, Thánh Giuse chính là một người rất âm thầm, nhưng cũng lại rất cao cả. Thiên Chúa đã trao phó cho thánh nhân một sứ mạng đặc biệt thiết yếu, đó là làm cha của Ðấng Cứu Thế, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, trở nên trụ cột của gia đình Nazarét để cùng với Ðức Maria dưỡng nuôi, che chở và bảo vệ Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống trần thế. Không chỉ dừng lại ở trọng trách bảo dưỡng, Thánh Giuse còn thực thi bổn phận hướng dẫn, giáo huấn Chúa Giêsu thơ trẻ, để Người biết “hằng vâng phục” cha mẹ (x. Lc 2,51), và “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).
Sự cao cả của Thánh Giuse không được biểu lộ qua lời nói, nhưng bằng hành động : hành động của chính thánh nhân và nhất là hành động cứu thế của Chúa Giêsu, con của Ngài.
Là bạn trăm năm của Ðức Maria và là cha của Chúa Giêsu, Thánh Giuse quả thực có một vị trí lớn lao. Sự cao cả ấy, theo như cách diễn tả của Thánh Gioan Kim khẩu, đó là Thánh Giuse đã tự đặt mình “phục vụ toàn bộ kế hoạch cứu rỗi”. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã quảng diễn ý tưởng đó khi chỉ ra rằng Thánh Giuse đã thể hiện một cách cụ thể vai trò làm cha của mình “bằng cách biến cuộc đời mình trở thành của lễ hy sinh phục vụ mầu nhiệm nhập thể cùng với sứ vụ cứu thế. Thánh Giuse dùng quyền hạn hợp pháp của mình đối với Thánh Gia để cống hiến hết mình cho các Ngài trong cuộc sống và công việc của mình. Ngài đã biến ơn gọi sống tình yêu gia đình của phàm nhân thành sự dâng hiến siêu phàm chính mình, trái tim và tất cả khả năng của mình, một tình yêu được dành để phục vụ Ðấng Mêsia đang lớn lên trong mái ấm của Ngài” (x.Tông thư Với Trái tim người Cha). Chúng ta có thể tự hỏi rằng, liệu kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa sẽ thế nào nếu không có Thánh Giuse hoặc thánh nhân đã không sẵn sàng “thưa vâng” để hiến mình phục vụ Ðấng Cứu Thế ? Liệu Con Thiên Chúa xuống thế làm người có thể thiếu vắng một người cha trần thế không? Cách thức suy nghĩ và hành động cứu thế của Chúa Giêsu sẽ ra sao nếu không có sự hướng dẫn của người cha ngay từ lúc thiếu thời? v.v…
Nếu trần thế đã rất hoan hỉ vì tiếng “xin vâng” của Ðức Trinh Nữ Maria, thì muôn người cũng rất cần đến thái độ sẵn sàng của Thánh Giuse để trở nên người cha trần thế của Chúa Giêsu. Với trái tim của người cha, Thánh Giuse chắc hẳn đã yêu thương, chăm lo, dưỡng dục Chúa Giêsu bằng tình yêu hiền phụ, đã tập luyện và nêu gương nhân đức cho Người bằng một thái độ cương nghị, nhưng cũng đầy bao dung. Sự lớn lao của Thánh Giuse vì thế cũng được biểu lộ qua những hành động cứu thế của Chúa Giêsu. Cứ việc chiêm ngắm Chúa Giêsu, chiêm ngắm những lời giảng dạy, những lối ứng xử trong cuộc sống của Người với dân chúng, đặc biệt với những người nghèo, những người “tội lỗi”, những người bị áp bức…, chúng ta sẽ thấy rõ Thánh Giuse lớn lao thế nào trong việc giáo dục và hình thành nhân đức nơi Ðấng Cứu Thế. Chính qua Tông thư Với trái tim của người Cha, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã giúp những Kitô hữu thấy rõ và đào sâu hơn những nét đẹp của Thánh Giuse : là một người cha được các tín hữu yêu mến; một người cha dịu dàng và yêu thương; một người cha vâng phục; một người cha chấp nhận; một người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo; một người cha làm việc; và một người cha chở che”(x.Tông thư Với Trái tim người Cha). Có thể nói rằng, các hành động cứu thế của Chúa Giêsu đều phản chiếu các nhân đức của Thánh Giuse; hay nói cách khác, Chúa Giêsu đã học nơi “mái trường Thánh Giuse” tất cả những đức tính cần thiết cho công cuộc cứu thế của Người.
Năm đặc biệt về Thánh Giuse mà Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở, bởi thế, phải trở nên cơ hội để toàn thể Hội Thánh nói chung và Hội Thánh tại Việt Nam nói riêng, cũng như mỗi người tín hữu tái khám phá chiều kích thâm sâu của vai trò và các nhân đức của Thánh Cả. Cụ thể hơn, đối với giáo phận Ðà Nẵng của tôi, Hội đồng Mục vụ Giáo phận sẽ phát động một chương trình học hỏi và tôn vinh Thánh Giuse trong toàn giáo phận. Theo dự kiến, một cuốn cẩm nang và tài liệu học hỏi sẽ được gởi đến các giáo xứ, giáo họ, như là cơ sở hướng dẫn cho việc cử hành Năm đặc biệt về Thánh Giuse này. Và chuyên biệt hơn, giáo phận sẽ hướng đến tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề về Thánh Giuse, cũng như một đêm hoan ca tôn vinh Thánh Cả.
Riêng cá nhân tôi, Thánh Giuse không chỉ là Ðấng Bổn mạng, nhưng ngay từ nhỏ, vì sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Chánh tòa Hà Nội, nơi mà các Ðấng tiên nhân đã chọn Thánh Giuse, Bổn mạng Giáo hội tại Việt Nam làm Bổn mạng Tổng Giáo phận Hà Nội, và cũng làm Thánh Quan Thầy của nhà thờ Lớn Hà Nội, nên tôi rất tôn kính Ngài. Trong tâm trí, tôi khắc nhớ những lời tâm huyết được ghi trong phần kết của Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1997 : “Nguyện xin ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em, và xin Thánh Cả Giuse là Quan Thầy Giáo hội tại Việt Nam luôn phù hộ chúng ta”. Như thế, các vị Chủ chăn của Hội Thánh tại Việt Nam đã một lần nữa xác nhận Thánh Giuse là Quan Thầy của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Lòng tôn kính và tri ân Thánh Giuse của tôi cũng rất âm thầm nhưng thật đặc biệt, như Ngài luôn đồng hướng với tôi trong hành trình sống Ðức tin và cuộc đời : từ ơn gọi theo Chúa, làm linh mục của Chúa (1987); được chọn là giám mục, làm người kế vị các Tông đồ (2007) cho tới hôm nay đã tròn 33 năm linh mục và 13 năm giám mục; đã từng ở hai giáo phận là Lạng Sơn – Cao Bằng (8 năm 5 tháng) và hiện tại là giám mục giáo phận Ðà Nẵng (từ tháng 3 năm 2016). Thêm nữa, nhìn lại cuộc hành trình đức tin và ơn gọi, đã có biết bao biến cố trong cuộc đời luôn ghi đậm dấu ấn của Ơn Thánh Chúa qua sự chuyển cầu của Ðức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Khi biết rằng Ðức Thánh Cha Phanxicô có lòng tôn kính đặc biệt Thánh Giuse với bức tượng “Thánh Giuse ngủ”; tôi cũng tìm một bức tượng như thế để học với vị Cha Chung của Hội Thánh cầu nguyện với Thánh Giuse, và xin Thánh Bổn Mạng cầu bầu đặc biệt cho ơn gọi và cho sứ vụ của mình để có thể làm vinh danh Thiên Chúa, khẩn nguyện cho Giáo hội, cho giáo phận và những người đã xin tôi giúp nguyện cầu. Mỗi ngày trong giờ đọc kinh tối riêng, tôi luôn đọc Kinh kính Thánh Giuse trong sách Kinh của Tổng Giáo phận Hà Nội, dâng niềm tâm cảm tư riêng với Thánh Cả. Tôi rất thích và ghi nhớ những tâm tình của Ðức Thánh Cha Phanxicô được bày tỏ trong Tông thư : “…Thánh Giuse là người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse được gọi là Ðấng rất thanh khiết, nghĩa là “đối nghịch với sự chiếm hữu” : Ngài biết yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của Ngài là “trao tặng chính mình” : không bao giờ thất vọng nhưng luôn tin tưởng, luôn thinh lặng, không than van, nhưng có những cử chỉ cụ thể tín thác” (x.Tông thư “Với Trái tim người Cha”).
Hy vọng, với những chia sẻ cá nhân và tâm tình sống Năm đặc biệt về Thánh Giuse mà Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi, giúp mỗi chúng ta hưởng nhờ nhiều ân thiêng qua lời cầu khẩn và vui sống theo gương mẫu của vị Thánh Cả rất thân thiết của toàn thể Giáo hội.
Nguyện xin Thánh Cả Giuse luôn phù giúp và chuyển cầu cùng Chúa Hài đồng Giêsu để mỗi người tín hữu chúng ta được nhận lãnh muôn phúc lành tình yêu của Thiên Chúa, được sức khỏe, niềm vui và an bình trong năm mới này.
Giám mục Giuse ÐẶNG ÐỨC NGÂN
Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc