Ngày 13 tháng 10

Thứ Tư tuần 28 Mùa Thường Niên

Rm 2,1-11

Lc 11,42-46

Trong bài đọc I, trích thư gửi cho các tín hữu Rôma, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng người Do Thái cũng phạm tội như dân ngoại. Thực vậy, ngài vạch ra cho người Do Thái thấy rằng họ quá dễ dàng xét đoán các dân ngoại về nếp sống vô luân, và họ tự phụ là người tốt hơn những người khác vì họ hoàn toàn tuân giữ Lề Luật. Để chứng minh cho các đồng bào Do Thái của mình rằng họ đã lầm đường lạc lối thế nào, thánh Tông đồ cố gắng đánh đổ những xác tín sai lạc của họ mà chính ngài cũng đã từng chia sẻ trước khi ngài được biết Chúa Phục Sinh. Trước đó, thánh Phaolô luôn cậy dựa vào xác thịt và vào tư cách là thành viên của dân đã lãnh nhận Lề Luật. Bây giờ Phaolô được hoán cải về với Đức Kitô nhờ đức tin, cái làm cho người ta trở nên công chính và hoạt động nhờ đức mến, chứ không phải nhờ việc tuân giữ lề luật theo nghi thức. Chỉ tin bằng miệng và thi hành Lề Luật bề ngoài thì không đủ; người ta phải sống đức tin. Trên thực tế, chúng ta sẽ được xét xử dựa trên đức ái, kết quả của việc gắn bó với đức tin vào Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Đức tin là tham dự vào bản tính Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa của Đức Giêsu.

Phaolô tố giác tội cứng lòng và ngoan cố của một dân tộc tin rằng chỉ có họ đáng được cứu rỗi. Thời kỳ đặc quyền qua rồi; đã đến lúc mỗi người phải có một quyết định về Đức Kitô là ai. Đó là lúc mỗi người phải phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa, khám phá ra rằng Thiên Chúa muốn tuôn đổ lòng từ bi nhân hậu trên cả những ai ở xa Người. Thiên Chúa là thẩm phán duy nhất của loài người; tất cả chúng ta đều chịu sự phán xét của Người, không có ngoại lệ. Niềm tin chắc rằng mình là công chính và thái độ kiêu căng nghĩ mình là người duy nhất bảo vệ sự thật và luân lý (Lề Luật) có thể khiến người ta khinh thường Thiên Chúa, coi lòng thương của Người là sự yếu đuối, và khiến người ta loại trừ người khác khỏi ơn cứu độ.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, một sự tố cáo có tính ngôn sứ chống lại những người Pharisêu và những luật sĩ, là một lời cảnh cáo đối với những cộng đoàn Kitô của quá khứ và hiện tại về các cám dỗ của chủ nghĩa nệ luật, chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa nghi thức, chúng nuôi dưỡng kẻ thù lớn của công trình cứu độ của Đức Kitô, một thái độ qui ngã kiêu căng và tự mãn. Tha hoá Lề Luật thành một hình thức bề ngoài và thu hẹp ơn gọi của dân tuyển chọn vào một đặc quyền loại trừ mà các dân ngoại không bao giờ có thể có, thái độ này gây phương hại tới tính phổ quát của ơn cứu độ và sứ mạng của các môn để Đức Giêsu.

Đức Giêsu bắt đầu tố giác những lạm dụng của người Pharisêu liên quan đến việc dâng cúng. Họ có thể tuân giữa các qui luật tối thiểu và phụ thuộc, như nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ. Đức Giêsu không muốn bác bỏ những việc thực hành này (việc nộp thuế thập phân hằng năm tại đền thờ được qui định bởi Đnl 14,22), nhưng Người đặt nó vào vị trí đúng đắn trong bối cảnh của một mối quan hệ đích thực của lòng tin vào Thiên Chúa và lòng bác ái đối với tha nhân. Dâng của lễ mà không có sự dấn thân trong hành trình hoán cải thì có thể là cái cớ để bỏ qua việc tuân giữ các giới luật cơ bản, như công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa, là những thực tại đòi hỏi một sự biến đổi cõi lòng mình và thế giới một cách dứt khoát và liên tục.

Một lời tố cáo khác của Đức Giêsu liên quan đến khuynh hướng tìm kiếm danh dự, theo đuổi các phần thưởng, chăm lo vẻ bề ngoài của quyền lực, giữ những chỗ danh dự. Mối quan tâm quá đáng vẻ bề ngoài này là hậu quả của một sự sa đoạ bên trong khiến người ta trở nên giống như một cái mồ mả, bên ngoài trông đồ sộ sang trọng, nhưng bên trong hoàn toàn thối rữa. Trong khi những cái bên trong thì người khác không thấy được, người ta chăm chút cho những cái bên ngoài vì những mục đích ích kỷ.

Những lời chỉ trích quyết liệt của Đức Giêsu khiến cho không chỉ những người Pharisêu mà cả những luật sĩ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Đức Giêsu cũng tiếp tục nặng lời quở trách họ về việc họ thích chất lên vai những người khác những gánh nặng của việc tuân giữ lề luật, mà bản thân họ không đụng tới, cho thấy sự bất nhất giữa lời giảng dạy của họ và đời sống của họ. Luật là để phục vụ đời sống, duy trì và thăng tiến đời sống. Đức tin không bao giờ hạ giá con người; trái lại, đức tin khuyến khích mỗi người tăng trưởng viên mãn.

Ở đây chúng ta thấy một quan điểm tông đồ thực sự: đối diện với ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và sứ mạng của Đức Giêsu và các môn đệ Người, những người Pharisêu và luật sĩ phải xét lại cách suy nghĩ của họ về mối quan hệ với Thiên Chúa và ơn cứu rỗi. Cơ hội để Đức Giêsu có phản ứng chỉ trích gay gắt này là việc Ngài vào bàn ăn mà không rửa tay trước theo truyền thống.

Chỉ trích gay gắt đầu tiên của cảnh này (Lc 11,39-44), ngay trước khi bài đọc của chúng ta bắt đầu, được nhắm vào một quan niệm sai lạc của người Pharisêu về đời sống và về mối quan hệ với Thiên Chúa. Người Pharisêu ngạc nhiên (Lc 11,38) vì hành vi của Đức Giêsu, và ngay lập tức nhận được câu trả lời cứng rắn của Đức Giêsu (Lc 11,39). Tầm quan trọng mà Phúc Âm Luca gán cho cuộc tranh luận này, giọng điệu phê bình của Đức Giêsu, lời Đức Giêsu nói về các ngôn sứ và các tông đồ dựa theo đức khôn ngoan của Thiên Chúa (Lc 11,49), tất cả những điều này chúng tỏ sự nghiêm túc của Người. Điều này được nhắm tới trong thái độ có vấn đề của những người đối thoại với Đức Giêsu là việc họ giới hạn ơn cứu rỗi vào việc tuân giữ Lề Luật bên ngoài, nó gây nguy hiểm cho sứ mạng phổ quát dựa trên ý muốn cứu độ của Thiên Chúa Giao Ước.

Vấn đề trước hết nảy sinh trên bình diện phân biệt giữa thanh sạch và ô uế, cái bên trong và cái bên ngoài, các qui luật áp đặt trên người khác nhưng lại không được thực hành bởi những người áp đặt chúng. Điều này làm chúng ta nhớ lại thị kiến của ông Phêrô trước khi gặp viên đại đội trưởng Conêliô, trong thị kiến ấy, ông Phêrô thẳng thắn thưa với Chúa rằng “những gì ô uế và không thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con!” (Cv 11,8). Trong đoạn Tin Mừng Luca hôm nay, Đức Giêsu đưa ra câu trả lời rõ ràng: Mọi sự đều bởi tay Thiên Chúa làm ra, cả cái bên trong lẫn cái bên ngoài, vì thế mọi sự đều thanh sạch (x. Cv 10,15; Mc 7,15). Và Phêrô hiểu rằng, không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch (x. Cv 10,28). Việc tông đồ và truyền giáo là để tỏ lộ sự tốt lành của Thiên Chúa Cha, Đấng tạo dựng mọi sự, Đấng không muốn có những rào cản nghi thức hay sự phân cách bên ngoài nào. Người truyền giáo được kêu gọi sống gần với mọi người (x. Cv 10,46-47), vì Thiên Chúa không thiên tư thiên vị người nào (x. Cv 10,34).

Luca sử dụng một câu nói súc tích để diễn tả việc Thiên Chúa mở rộng ơn cứu độ phổ quát cho mọi người trong Đức Giêsu và sứ mạng của Hội Thánh Người: “Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (Lc 11,40-41). Để nên thanh sạch, hãy thực hành lòng thương xót và sống bác ái. Trong Nước Thiên Chúa, yếu tố quyết định các mối quan hệ giữa người với  người, khắc phục các rào cản của sự phân biệt và chia cắt, chính là mầu nhiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng tự kết hợp với mọi người trong Đức Giêsu và ban lòng thương xót cho mọi người. Các môn đệ truyền giáo của Đức Giêsu được kêu gọi trao ban những gì mình có bên trong. Không chỉ bằng những của bố thí vật chất, nhưng trước hết là trao hiến thân mình: cuộc sống và trái tim của mình. Không yêu cầu phải có những hành vi đơn giản bên ngoài, hay thi hành những giới luật theo nghi thức; người môn đệ truyền giáo được đòi hỏi trao hiến toàn thân mình cho Đức Giêsu, linh hồn và thân xác, bên trong và bên ngoài, trái tim và cảm xúc, các mối quan hệ và qui tắc, vì sự cứu rỗi của mọi người trong sứ mạng truyền giáo.