Ngày 08 tháng 10
Thứ Sáu đầu tháng tuần 27 Mùa Thường Niên
Ge 1,13-15; 2,1-2
Lc 11,15-26
Bài đọc Tin Mừng hôm nay dọi ánh sáng vào chủ đề về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến hai niềm xác tín này: thứ nhất, không thể đứng trung lập, và thứ hai, không có trạng thái nào là vĩnh viễn trong cuộc đời người môn đệ, ngoại trừ lòng trung thành với Thiên Chúa.
Mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được biểu lộ bằng việc từ chối và chiến thắng sự dữ. Tin Mừng nối kết chủ đề cầu nguyện ở đoạn trên (x. Lc 11,1-13) với hoạt động trừ quỉ của Đức Giêsu. Trong đoạn trên, Đức Giêsu dạy chúng ta cầu xin cho Nước Chúa trị đến; bây giờ Người nói rằng Nước Chúa đã đang đến và một dấu chỉ quan trọng của sự kiện này là việc trừ quỉ. Điều thú vị nhất ở đây là, tiếp theo những câu nhấn mạnh về mối quan hệ của Đức Giêsu với Chúa Cha, bây giờ các địch thủ của Người trình bày bôi bác những lời Người đã nói và tố cáo rằng Người dựa vào thế lực của quỉ Bêendêbun để trừ quỉ (x. Lc 11,15). Nhưng Tin Mừng tiếp tục khẳng định rằng Đức Giêsu, vì kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, Người có khả năng khuất phục và diệt trừ sự dữ trong dân chúng.
Không thể đứng trung lập. Đứng trước niềm hy vọng thực sự diệt trừ và chiến thắng sự dữ, không ai có thể đứng trung lập, vì như Đức Giêsu nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11,23). Do đó, trong quyết tâm làm cho Nước Chúa hiện diện, chúng ta phải quyết định đứng về phía Đức Giêsu để thu góp với Người; vì một người không làm điều tốt theo cách của Đức Giêsu thì có nghĩa là người ấy đang để mặc cho sự dữ hoành hành. Không có tình trạng nào là vĩnh viễn trong cuộc chiến chống lại sự dữ ngoại trừ chiến thắng phục sinh của Đức Giêsu trên sự chết. Đối với các môn đệ, điều kiện cơ bản để có thể tham gia vào việc xây dựng Nước Chúa là xác tín rằng trong cuộc đời lữ hành ở trần gian, không có tình trạng nào là vĩnh viễn. Để cắt nghĩa khái niệm này, Luca trình bày câu chuyện chúng ta gặp ở các câu 24-26. Chẳng hạn, ở đây chúng ta thấy rõ rằng việc làm biến đổi thực tại không chỉ đơn thuần là chúng ta làm một điều gì đó tốt lành, nhưng là làm điều tốt lành một cách bền bỉ, nhất quán; để cho mình ngơi nghỉ là một cách để cho sự dữ lớn lên. Thực vậy, khi thần ô uế quay trở lại, người ấy trở nên tệ hơn trước, vì họ tưởng rằng mình đã được giải phóng vĩnh viễn.
Như Đức Giêsu, người môn đệ truyền giáo phải tham gia vào cuộc chiến chống sự dữ. Đây phải là một mối quan tâm chính của chúng ta, vì nó thực sự chứng tỏ tình con thảo của chúng ta với Thiên Chúa và mối hiệp thông của chúng ta với Đức Giêsu. Tuy nhiên, điều lạ là việc làm chứng đòi hỏi các môn đệ đối diện với bản tính nhân loại của chính mình. Một đàng, họ phải ý thức rằng, nhờ ơn Chúa và cố gắng của mình, họ có khả năng tham dự vào sứ mạng của Chúa Giêsu (x. Lc 9,1-6; 10,1-16). Nhưng song song với những tiềm năng to lớn này, người môn đệ cũng phải ý thức về những giới hạn của mình: họ được biểu thị nơi con người ông Phêrô, như là những người tội lỗi (x. Lc 5,8), hay thậm chí như là những người dễ bị tổn thương trước những lời chỉ trích lộng ngôn của các lãnh đạo tôn giáo. Chính việc đứng về phía Đức Giêsu, thuộc về Người là yếu tố quyết định và nâng đỡ cuộc chiến của chúng ta chống lại mọi hình thức của sự dữ.
Do đó, chúng ta có thể nói rằng Luca không sợ thực tế. Trong mô tả của ông về các môn đệ, Luca đề cao nhân đức và sự quyết tâm của các môn đệ, nhưng cũng nhấn mạnh những yếu đuối và những thất bại của họ. Tác giả Tin Mừng này, nhưng trên hết là Đức Giêsu, biết rằng sự cao cả của chúng ta hệ tại việc chúng ta nhìn nhận sự giới hạn này, vì mọi môn đệ phải hiểu rằng mình sẽ luôn luôn lớn lên; mình sẽ không bao giờ đạt tới những chiến thắng vĩnh viễn, ít là trong cuộc đời này. Người môn đệ truyền giáo sẽ luôn luôn sống trong trạng thái hành động: hoán cải, dấn thân, học hỏi. Chính khi chúng ta sống trong tình trạng được hoán cải, có quyết tâm, được giáo dục, chúng ta bắt đầu hoàn toàn là chính mình, phấn khởi tự cứu mình.