Phước Kiều, trước đây được gọi Thanh Chiêm, là thị trấn, trung tâm kinh tế chính trị vang bóng một thời, là cái nôi của văn hóa, lịch sử đất Quảng và xứ Đàng Trong. Nơi mà cha ông ta khai hoang với biết bao gian nan vất vả thuở ban sơ của những con người nhỏ bé đầu trần chân đất từ vùng Thanh Hóa – Nghệ An vượt sông trèo đèo…
“Tà là đèo qua đèo
Chim kêu, chim kêu tình như bên nớ
Ủy – oả – chi rứa – chi rứa
Ơi hỡi vượn trèo,
Vượn trèo tà là kia bên kia, tà là kia bên kia”.
Không thể kể hết những khó khăn về việc chống chọi thú dữ, vượt hơn 400 km đường rừng núi rậm rạp để lập làng, lập ấp. Bên này thì chim kêu, bên kia thì vượn hú, cọp beo tứ bề bủa vây và với ý chí sắt đá, cuối cùng họ đã xây dựng một đô thị trù phú.
Nhưng có cái còn khó khăn hơn, còn gian nan hơn đó là việc xây dựng giáo hội địa phương từ những năm giữa thiên niên kỷ trước. Khi mà các nhà truyền giáo từ những lục địa xa xôi khác vượt ngàn trùng đại dương với bao trắc trở, sóng gió đến với xứ Đàng Trong để truyền giáo. Sự khác biệt ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, khí hậu, địa lý chưa đáng lo, đáng sợ bằng sự bắt bớ, sự vây bủa và cấm đoán của nhà cầm quyền đối với một tôn giáo mới mẻ. Nhưng với lòng quyết tâm và sự can đảm, Hạt Giống Tin Mừng đã được gieo và triển nở. Dinh trấn Thanh Chiêm còn được xem là cái nôi của đạo Công Giáo trên toàn cõi Việt Nam. Nơi mà nhà nguyện được xây dựng, linh mục Francisco De Pina học và mở ‘viện Việt ngữ’ đầu tiên, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy tiếng Việt cho các vị truyền giáo, đặc biệt 2 giáo sĩ là Alexandre de Rhodes, người Pháp và Antonio Fonte, người Bồ Đào Nha. Sau này là những người tiên phong trong việc hình thành chữ quốc ngữ ngày nay. Và cũng nơi ấy, một thanh niên trẻ 19 tuổi, tên Andre Phú Yên đã được phúc tử đạo ngày 26/7/1644. Theo lời kể của cha Đắc Lộ khi đầu Thầy đã lìa khỏi xác: “… Thánh Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng: trái tim này dù có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi để ca ngợi Danh Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa…” .
Đến ngày nay, trên mảnh đất nhỏ bé ấy, đền Thánh Andre Phú Yên được xây dựng, là nơi lữ khách hành hương đến kính viếng vị Chân Phước trẻ tuổi. Đọc qua tiểu sử và những chứng tá anh dũng của vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, mới thấy nghị lực phi thường, một đức tin kiên vững trọn đời nơi con người mảnh khảnh, nhỏ bé và thư sinh này. Quả thật, như lời Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, là bị “sốc” khi lần đầu tiên đặt chân đến Đền Thánh Andre Phú Yên vào năm 2016 vì sự nhỏ bé, hiu quạnh và tọa lạc ở khu vực ít người Công giáo của làng đúc đồng Phước Kiều.
Biết bao thăng trầm từ thuở ban đầu khi nhà nguyện được xây dựng gần 400 năm trước với những cuộc chiến tranh loạn lạc, bao nhiêu tai ương lũ lụt cũng như sự thờ ơ nguội lạnh của con người. Nhưng ngôi đền nhỏ bé ấy vẫn âm thầm tồn tại như chính sự hy sinh lặng lẽ của Vị Chân Phước trẻ tuổi, trên mảnh đất mà đầu ngài đã lìa khỏi thân xác, máu ngài đã thấm. Đến nay thì thủ cấp của Ngài đang ở Roma, còn thân xác thì nằm tại Macao. Con đường tiến lên Chân Phước đầy gập ghềnh, con đường hiển Thánh vẫn còn xa phía trước. Ba chìm bảy nổi là vậy, còn nhà nguyện thì cũng không kém gian truân, trước kia thì thuộc giáo xứ Hội An, xa hơn nữa thì thuộc giáo xứ Vĩnh Điện. Nhân dịp Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (19/6 – 24/11/2018), Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Đà Nẵng đã chỉ định Đền thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều làm trung tâm hành hương Năm Thánh cho toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong và ngoài giáo phận. Đức Cha đã bổ nhiệm do cha Giuse Nguyễn Thanh Tùng quản nhiệm. Vừa nhận sứ vụ mới được ít tháng thì cha Giuse bị tai nạn, Ngài đã gầy yếu rồi thì nay lại còn èo ọt hơn. Nhưng nhờ ơn Chúa qua lời chuyển cầu của Chân Phước, công việc tái lập đền thánh tưởng như vô vọng, lại được giúp sức của nhiều người, nhiều mạnh thường quân. Dưới sự lèo lái của cha Giuse, nay lại được sự cộng tác của cha phụ tá Giuse Đặng Quang Ngọc, mọi sự lại tiến triển nhanh và đẹp, khuôn viên Đền Thánh rộng rãi và vẫn còn đang tiếp tục mở rộng, hoàn thiện. Nhà thờ tuy nhỏ bé nhưng được trang hoàng đẹp và ấm cúng khi dự lễ. Hiện nay giáo họ Phước Kiều bao gồm giáo họ Gò Nổi, cách Đền Thánh Anrê Phú Yên chừng 15 km, nên việc dâng lễ cũng gặp những khó khăn do đường xá xa xôi và chưa có nhà thờ. Số giáo dân hiện nay của Phước Kiều là 130 người, thuộc 41 hộ, nhưng hiện diện khoảng 114 , Gò Nổi 107 nhân danh, 42 hộ, hiện diện thường xuyên 90. Một con số rất khiêm tốn so với một xứ đạo rất có bề dày lịch sử. Theo lời cha quản nhiệm, ngoài việc dâng lễ tại nhà thờ giáo họ, ngài còn phải dâng lễ ở Gò Nổi tại nhà một giáo dân. Việc học giáo lý của các em cũng cần sắp xếp phù hợp nên cha Giuse sẵn sàng móc hầu bao để thuê xe cho khoảng 40 em từ Gò Nổi đến học giáo lý và tham dự thánh lễ Thiếu Nhi mỗi ngày Chủ nhật tại Phước Kiều. Hy vọng, với sự nhiệt tình và năng động của hai cha, giáo họ Phước Kiều mau chóng trở thành giáo họ mạnh về đức tin và lớn về số lượng để một ngày không xa Đền Thánh Andre Phú Yên trở thành nơi hành hương về miền đất thánh của những giọt máu đào mà các thánh tử đạo đã hy sinh, không những của riêng giáo phận Đà Nẵng mà cả đất nước Việt Nam cũng như của khu vực Đông Nam Á.
Điều rất ngạc nhiên là hồ sơ phong thánh cho Chân phước Anrê Phú yên đã được tập hợp sẵn trên bàn các vị đặc trách. Nhưng tất cả đang trông chờ một phép lạ hiển nhiên qua sự can thiệp của Chân phước.
Rất mong nhiều người đến hành hương và cầu nguyện với Ngài, để ơn ích thiêng liêng được ban xuống từ trời cao qua lời chuyển cầu của Chân Phước. Và chắc rằng chứng tá thánh nhân sẽ mau chóng được nhận biết và lan truyền để Giáo Hội Việt Nam có thêm môt Hiển Thánh, một tấm gương nhân đức và can trường để mọi thành phần dân Chúa noi theo.
Hãy đến thì sẽ được thấy, hãy xin thì sẽ được nhận.
Andre Phong
Xin mời xem hình ảnh và bài viết Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng 20 Năm Tuyên Phong Chân Phước Anrê Phú Yên, 05/3/2020