“Em vẽ bức chân dung này với mong muốn hình bóng của cha Antôn sẽ mãi hiện diện ở quanh đây”, em đã nói thế khi trao bức họa cho tôi. Và điều đó quả đúng! Nếu em không chia sẻ rằng em đã dành thời gian một cách đặc biệt trong những ngày cuối năm đầy bận rộn để hoàn thành bức họa này cho kịp kỷ niệm ngày mất của cha Antôn, 07/01/2018 – 07/01/2021, thì thật sự, tôi đã không nhớ!

Bức họa chân dung cha Antôn

Sinh ra và lớn lên trên chính kinh thành xưa của người Chămpa, khi còn nhỏ xíu, tôi được nghe bao nhiêu điều kỳ bí về ma Hời, vàng Hời, khi lớn lên tôi đã tôi đọc biết được bao nhiêu là hùng tráng vàng son một thời của Vương quốc Chămpa. Vương quốc đó giờ chỉ là “vang bóng một thời”, nhưng ngày nay vẫn luôn có một dòng chảy ngưỡng mộ và yêu mến nền văn hóa Chăm, cả những hữu hình và vô hình đang âm thầm nhưng mạnh mẽ đây đó.

Nghĩ thế xong tôi chợt giật mình nghĩ về cha Antôn. Có thể nói mà không sợ sai rằng lòng yêu mến Chămpa một cách đặc biệt khởi phát nơi cha là từ khi cha về làm quản xứ Trà Kiệu từ 1975 đến 1989. Ở đây tôi xin bỏ qua chi tiết cụ thể, nhưng điều tôi muốn mạo muội thao thức về những thao thức của cha Antôn sao 03 năm qua đời, giờ đâu rồi?

Tôi được may mắn có đôi dịp làm việc trực tiếp với cha về lịch sử và văn hóa. Và đến nay tôi có lỗi với cha, khi một số việc cha mong đợi nơi tôi, nhưng tôi đã không thể hoàn thành được. Tuy không nhiều, nhưng cuộc đời cha, tôi cảm thấy: một đời phụng sự Thiên Chúa, yêu mến quê hương và tận tụy với đam mê cho đến những giấy phút cuối đời!

Tác giả bài viết viếng thăm, chào cha Antôn lần cuối

Dưới góc độ đam mê lịch sử và văn hóa, tôi thấy nơi cha Antôn có những thao thức:

  • Đức Mẹ Trà Kiệu: kể từ lần đầu Đức Mẹ hiện ra cứu giúp giáo dân Trà Kiệu năm 1885 mà lịch sử lưu lại rất rõ ràng, thì việc cha Antôn về với Trà Kiệu từ năm 1975 là một can thiệp âm thầm khác mà Mẹ Trà Kiệu đã thực hiện để gìn giữ di sản Trà Kiệu này. Bàn tay từ ái của Chúa và Mẹ đã thông qua cha Antôn bảo vệ và xây dựng vùng đất “điêu tàn” sau cuộc chiến. Với sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành Nhà Chúa, cha Antôn không chỉ dừng lại ở đó; nhờ cha mà bao nhiêu hiện vật Chămpa được lưu giữ, nếu không thì đã tan tành nếu là gạch, sành, sẽ mang đi khò chảy phân kim nếu là vàng, bạc… Tôi tin rằng trong tim cha, con cái Trà Kiệu luôn có một chỗ rất đặc biệt cho đến khi con tim đó ngừng đập. Và cha lúc nào thì cũng luôn say sưa khi nói về Trà Kiệu, Đức Mẹ Trà Kiệu.
  • Có lần, khi nghe tôi nói: con muốn soạn một tập lịch sử về Giáo phận Đà Nẵng, xin cha giúp hướng dẫn con. Cha tỏ thái độ phản kháng rất kịch liệt. Nhưng khi đến cuối câu chuyện, tôi hiểu cha rất mong muốn có một tập lịch sử như thế cho Giáo phận. Đi vào chi tiết hơn, cha đã bao nhiêu lần mong thấy ngày Chân phước Anrê Phú Yên được tuyên phong hiển thánh! Cha đã không mệt mỏi tả xung hữu đột để phát triển Hội An: nơi in dấu chân của các nhà thừa sai tiên phong trên đất Việt này; xiển dương Phước Kiều: nơi thấm máu đào của chứng nhân yêu mến Thiên Chúa cho đến hết hơi cho đến trọn đời của vị tử đạo tiên khởi và chính Phước Kiều cũng còn là cái nôi của chữ quốc ngữ, một tặng phẩm vô cùng quý báu mà người Công Giáo trao tặng cho Nước Nam này.
  • Cho đến những ngày cuối đời, cha hết lần này qua lần khác, Thơm ơi giúp cha cái này, giúp cha cái kia, khi thì edit, format, layout cho tập sách, khi thì đi chụp cái hình, khi thì dịch Việt sang Anh… Tôi vẫn còn nhớ, lần thăm cha khi nghe tin cha không còn bao lâu nữa, lúc đó cha mệt, gần như không thể tiếp xúc, nói chuyện, nhưng cha vui rạng rỡ khi giới thiệu tôi với cô Kiều Mai Ly, một người Chăm luôn hết lòng vì dân tộc Chăm của mình.

Khi nhận bức chân dung của cha Antôn, tôi nói với em, tôi chỉ là người tạm giữ, khi nào có thể, tôi sẽ chuyển bức chân dung này đến một nơi xứng hợp. Nơi đó là nơi nào? Cả hai chúng tôi đều không trả lời được. Chúng tôi suy nghĩ mông lung: có thể là nhà lưu niệm của cha tại giáo xứ quê cha An Ngãi, có thể là nhà truyền thống Trà Kiệu, nơi cha xem như là quê hương thứ 2 của mình, có thể là Hội An, nơi cha đã dành biết bao nhiêu tâm huyết, mà cũng có thể là Phước Kiều, nơi cha đã lao tâm khổ tứ… Tôi cười, giấc mơ đẹp quá, nhưng mà hãy tỉnh mộng đi thôi!

Tác giả bức chân dung (phải) và tác giả bài viết (trái)

Tôi nhìn bức họa chân dung cha Antôn, tôi có cùng chung nhận xét như bao người khác, bức tranh rất sống! Chúng ta nhớ cha sau 3 năm cha về với Chúa và rồi chúng ta cũng sẽ quên thôi! Nhìn bức chân dung của cha, tôi viết những dòng trên như thể đang ngồi thưa chuyện với cha. Trước khi cất bức họa, tôi tự hỏi: những thao thức của cha giờ đâu rồi? Ước gì trong khi chúng ta tưởng nhớ cha, chúng ta, nhất là người yêu mến cha, những bạn có lòng đam mê nghệ thuật, văn hóa và lịch sử hãy làm cái gì đó để cho những thao thức của cha ngày càng được sống động – và chắc chắn, tận sâu xa nhất của thao thức đó – cho chính Giáo phận Đà Nẵng thân yêu này!

Cẩm Lệ, ngày 04/01/2021, kỷ niệm mãn tang cha Antôn Nguyễn Trường Thăng

Giuse Trương Văn Thơm