Một nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống giáo Nga cho biết hôm thứ Hai rằng: niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể hợp nhất người Công giáo và các tín hữu Chính thống giáo phương Đông bất chấp sự khác biệt giữa hai bên.
Trình bày bài giáo lý khai mạc tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest, Hungary, vào ngày mùng 6 tháng 9, Đức thượng phụ Hilarion đã phác thảo cách hiểu của Chính thống giáo Đông phương về Bí tích Thánh Thể.
“Người Công giáo và Chính thống giáo hiệp nhất với nhau trong niềm xác tín rằng nơi bánh và rượu sau khi được truyền phép, chúng ta không chỉ có sự hiện diện tượng trưng của Chúa Kitô, mà là sự hiện diện đầy đủ và thực sự của Người,” vị giáo sĩ cấp cao của Tòa thượng phụ Moscow cho biết.
“Chúng ta tin rằng bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể là đích thực là Mình và Máu thật của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Việc cử hành Thánh Thể không đơn thuần chỉ là một kỷ niệm của Bữa Tiệc Ly, mà còn là sự hiện thực hóa của bữa tiệc ấy đối với mỗi tín hữu tham dự.”
“Và vị chủ tế không cử hành Bí tích Thánh Thể nhân danh cá nhân mình nhưng là nhân danh chính Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó ngài mới có thể nói lên những lời mà chính Đức Kitô đã nói trong Bữa Tiệc Ly. Chúa Kitô chính là chủ sự đích thực cử hành bí tích cho những người tham dự, chứ không phải một linh mục hay một giám mục nào.”
Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 đã khai mạc vào ngày 5 tháng 9 với một dàn hợp xướng gồm 1.000 người và trong Thánh lễ có tổ chức nghi lễ Rước lễ lần đầu cho các em thiếu nhi.
Thánh lễ được truyền trực tiếp do Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Tổng giám mục đã nghỉ hưu của Genoa và cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE) cử hành.
Trong bài giảng tại Thánh lễ ở Quảng trường Anh hùng, Đức Hồng Y Bagnasco nói: “Tôi xin gửi đến anh chị em một sự chào đón nồng nhiệt, những người đại diện cho các tín hữu khắp muôn nơi, đã hiện diện tại quảng trường quan trọng về mặt lịch sử này. Tôi có một món nợ ân tình vô cùng lớn đối với Giáo hội Hungary, những người, dưới dẫn dắt bởi các giám mục của họ, là chủ nhà của Đại hội Thánh Thể Quốc tế.”
“Trong giây phút này, tiếng chuông ở thành phố này và khắp nơi trên quốc gia được vang lên như một dàn hợp xướng và tuyên bố vòng tay chào đón của Hungary rộng mở đối với toàn thể nhân loại. Từ bục giảng này, những lời của các mục tử, tiếng nói của cộng đoàn đông đảo và đầy phấn khích này cố gắng một cách khiêm tốn và vui vẻ để nói lên con tim của người dân Châu Âu, và xa hơn nữa là tất cả mọi người, đến tận cùng Trái đất.”
Đức Hồng Y tiếp tục: “Tiếng nói của chúng ta tuy nhỏ bé, nhưng trong tiếng nói ấy vang vọng tiếng nói của hàng thiên niên kỷ và máu của các vị tử đạo. Chúng ta công bố với tất cả những người đang lắng nghe chúng ta rằng niềm vui của chúng ta lớn hơn tất cả mọi thứ, vì niềm vui của chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô! Nhân loại khao khát đón chờ Thiên Chúa Hằng Sống. Nhân loại đang trên hành trình tiến về phía Ánh sáng! Với Thánh lễ hôm nay, chúng ta công bố rằng bất chấp sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, ánh sáng của Đức Kitô luôn chiếu sáng trong Giáo hội.”
Đức Hồng Y Péter Erdő, Tổng Giám mục của Esztergom-Budapest và Đại diện Linh mục đoàn của Hungary, cũng phát biểu trong Thánh lễ.
Trong lời giới thiệu, ngài nói: “Cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta trong những ngày này cảm nhận đặc biệt rằng Chúa Kitô đang hiện diện với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, Người không bỏ rơi Giáo hội, Dân thánh của Ngài. Tất cả sức mạnh và hy vọng của chúng ta đều bắt nguồn từ nơi Đức Kitô!”
“Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch nuôi dưỡng sứ vụ và đời sống Kitô hữu của chúng ta. Lạy Chúa, xin ở với chúng con! Xin ban cho chúng con sức mạnh và ánh sáng cho sứ vụ của chúng con trong thế giới hiện đại! Xin cho chúng con có thể sống mật thiết với Chúa ở ngay đây trên Trái đất này và cả sau này trong nơi vĩnh cửu!”
Đại hội ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại đến năm 2021 do đại dịch Covid-19.
Sự kiện kéo dài một tuần này sẽ lên đến đỉnh điểm vào ngày 12 tháng 9 với Thánh lễ bế mạc được cử hành bởi Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Anh hùng.
Trong bài chia sẻ của mình tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hungexpo Budapest, địa điểm chính diễn ra đại hội, Đức Thượng phụ Hilarion đã sử dụng biểu tượng Chính Thống giáo Đông phương để giải thích giáo huấn của Chính thống giáo về Bí tích Thánh Thể.
“Tôi đoán rằng nhiều người trong số anh chị em đã có cơ hội đến thăm các nhà thờ Byzantine cổ kính với những bức tường mà anh chị em có thể nhìn thấy những bức bích họa hoặc tranh khảm.”
“Anh chị em có thể thấy các ngôn sứ ở hàng cao nhất, bên dưới họ là các tông đồ, sau đó là các vị thánh tử đạo, sau nữa là các giám mục và tu sĩ. Nhưng không có một nhân vật nào được vẽ ở hàng dưới cùng. Thực ra, ý tưởng ẩn sau là khoảng trống này được dành cho những người hiện diện trong nhà thờ, tức là dành cho giáo dân. Cùng với các thánh, họ tham dự vào mầu nhiệm trên trời của Chúa Giêsu Thánh Thể”.
“Và khi linh mục đi ra khỏi cung thánh với lư hương, trước tiên ngài xông hương các biểu tượng của các vị thánh, sau đó là các giáo dân, và ngài cúi đầu trước các giáo dân giống như cách ngài làm đối với các vị thánh. Bằng cách làm như vậy, vị linh mục cho thấy rằng các giáo dân có tầm quan trọng không kém đối với linh mục, đối với Giáo hội, và đối với chính Chúa Kitô, thậm chí là còn hơn cả các thánh đã chia sẻ với Chúa Kitô vinh quang trên trời.”
Đức Thượng phụ tiếp tục: “Họ đã đạt được mục đích cuộc đời, trong khi chúng ta vẫn còn đang trên cuộc hành trình. Con đường dẫn đến ơn cứu độ là không thể thực hiện được nếu không có Bí tích Thánh Thể. Không có sự cứu rỗi nào nếu không có Giáo hội: đây là niềm xác tín mà tất cả chúng ta đều chia sẻ, cả người Công giáo và Chính thống giáo, mặc dù chúng ta hiểu Giáo hội theo một cách hơi khác nhau.”
“Nhưng Giáo hội không thể tồn tại được nếu không có Bí tích Thánh Thể. Do đó, chính các quan niệm về Giáo hội, về Thánh Thể và về ơn cứu độ được liên kết với nhau một cách không thể tách rời trong nền thần học của chúng ta”.
Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống giáo là các cộng đồng Kitô giáo lớn nhất trên thế giới. Có khoảng 1,3 tỷ người Công giáo trên toàn thế giới và 220 triệu tín hữu Chính thống giáo, trong đó có 110 triệu thành viên của Giáo hội Chính thống Nga.
Sự chia rẽ giữa Kitô giáo phương Tây và phương Đông bắt nguồn từ thời kỳ ly giáo năm 1054, do sự khác biệt cả về chính trị và thần học giữa phương Tây Latinh và phương Đông Hy Lạp.
Đức thượng phụ Hilarion, cũng là một nhà soạn nhạc và sử gia của Giáo hội, giải thích rằng các Giáo phụ của Giáo hội Hy Lạp đã sử dụng thuật ngữ “theosis” khi họ nói về sự cứu rỗi. Ngài nói, từ này có nghĩa là “thần thánh hóa” và đề cập đến quá trình một con người hoàn toàn hợp nhất với Thiên Chúa.
“Đối với Chính thống giáo, Bí tích Thánh Thể là phương tiện hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này của đời sống Kitô hữu, tức là thần thánh hóa con người.”
“Bằng cách nào? Khi chúng ta rước lễ, thân mình của Đức Kitô thấm nhập vào cơ thể chúng ta, và máu của Ngài bắt đầu chảy trong huyết quản của chúng ta. Và không chỉ trong tâm trí và con tim của chúng ta, chúng ta được kết hợp với Đức Kitô, mà còn trong chính thân thể của chúng ta. Giống như trong chính Đức Kitô, toàn bộ bản chất con người – thể xác, linh hồn và tinh thần – được kết hợp với Thiên Chúa, vì vậy toàn bộ nhân loại của chúng ta cũng tham gia vào quá trình thần hóa này.”
Đức Thượng phụ nói rằng niềm tin này là “sự khác biệt nổi bật nhất” giữa Kitô giáo và các tôn giáo độc thần khác.
“Tuy nhiên, đối với những Kitô hữu chúng ta, điểm này chính là cốt lõi của thần học. Chúng ta có thể khác nhau về thuật ngữ, một số muốn sử dụng thuật ngữ Latinh thay vì từ Hy Lạp, nhưng tất cả chúng ta, theo cá nhân tôi, cùng chia sẻ niềm tin sâu sắc này vào khả năng của sự hợp nhất như vậy,” Đức thượng phụ nhận xét.
Các diễn giả khác hôm thứ Hai bao gồm Đức Hồng y người Brazil Orani João Tempesta. Vị Tổng giám mục 71 tuổi của Rio de Janeiro ban đầu dự kiến sẽ trực tiếp trình bày, nhưng thay vào đó, ngài đã gửi video ghi hình trước vì trước đó ngài được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi.
Buổi sáng cũng có phần làm chứng của Cha Konstantin Szabó, một linh mục Công giáo người Hy Lạp, người đã “tu chui” dưới thời Soviet Liên Xô.
Trong bài giáo lý của mình, Đức thượng phụ Hilarion nói rằng các Kitô hữu không đạt được mục tiêu “thần thánh hóa” chỉ đơn thuần bằng cách lãnh nhận Thánh Thể.
“Nếu quả như vậy, tất cả những người dự phần vào Mình và Máu thánh của Chúa Giêsu Kitô đã trở thành những vị thánh rồi” ngài giải thích. “Điều nghịch lý là trong khi Đức Kitô hoàn toàn kết hợp với chúng ta khi Mình và Máu của Ngài ngự vào trong thân xác của chúng ta, chúng ta không phải lúc nào cũng có thể được kết hợp với Ngài. Chúa ở bên trong chúng ta, nhưng chúng ta thường ở bên ngoài Thiên Chúa”.
“Tại sao lại thế này? Hoặc bởi vì trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không sống theo các giới răn của Ngài, hoặc bởi vì trong khi thân thể của chúng ta dù đang đứng trong nhà thờ, tâm trí và trái tim của chúng ta lại ở nơi khác, hoặc bởi vì tội lỗi của chúng ta trở nên như một bức tường không thể xuyên thủng giữa chúng ta và Thiên Chúa, hoặc vì đủ thứ lý do khác.”
Đức thượng phụ gợi ý rằng các buổi phụng vụ Chính thống giáo kéo dài – kéo dài trong hai hoặc ba giờ – để giúp các tín hữu thích nghi với thực tại Nước Thiên Chúa.
“Nhưng có một khoảng cách rất lớn giữa việc chúng ta là ai và việc chúng ta được kêu gọi trở thành người như thế nào. Và trên thực tế, không nhiều người đạt được trạng thái “thần thánh hóa” này. Mục tiêu rất cao này cần nhiều nỗ lực để đạt được,” Đức thượng phụ nói.
Đức thượng phụ Hilarion đã dựa trên các tác phẩm của tu sĩ người Byzantine Symeon (949-1022) để minh họa việc rước lễ “có ý thức” có thể giúp ích gì cho các tín hữu trong hành trình tìm kiếm “thần thánh hóa”.
“Những gì tôi cố gắng cung cấp cho anh chị em chỉ là một cái nhìn thoáng qua về cách hiểu của Chính thống giáo về Bí tích Thánh Thể vì nó được thể hiện trong phụng vụ, trong nghệ thuật thánh, trong các bài thánh ca phụng vụ và trong các tác phẩm thần học của các giáo phụ,”Đức thượng phụ khẳng định.
“Tôi không tuyên bố rằng tất cả mọi người trong Chính thống giáo đều được thần hóa và trở thành một vị thánh. Không! Chúng ta chỉ là những người lưu giữ bất xứng kho tàng truyền thống phong phú đã truyền xuống cho chúng ta từ chính Chúa Kitô và từ các giáo phụ thời sơ khai của Giáo hội.”
“Tôi muốn chia sẻ một số sự giàu có này với anh chị em, và tôi rất biết ơn những người tổ chức đại hội đã cho tôi cơ hội như vậy”.
Buổi sáng kết thúc với thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Piero Marini, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Đại hội Thánh Thể Quốc tế, cử hành tại trung tâm Hungexpo.
Trong bài giảng của mình, vị tổng giám mục người Ý 79 tuổi, người từng là Chưởng nghi của Tòa thánh từ năm 1987 đến năm 2007, đã chia sẻ về bản chất của Thánh lễ.
Ngài nói: “Đại hội Thánh Thể là một dịp được tổ chức cho tất cả các tín hữu: Thánh Thể đang chờ được sống trên con đường của đời sống thường nhật. Sống theo phụng vụ nghĩa là sống theo những gì phụng vụ mang lại cho cuộc sống: ơn tha thứ được cầu khẩn và ban cho, lời Chúa được nghe, lời tạ ơn được nâng lên, Thánh Thể được đón nhận.”
“Từ việc cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải học được rằng tương lai của đời sống đức tin của chúng ta không chỉ phụ thuộc vào cách chúng ta cử hành phụng vụ mà còn phụ thuộc vào cách chúng ta biết cách sống từ phụng vụ mà chúng ta cử hành.”
Ngài kết luận: “Ước gì Đại hội Thánh Thể này dạy chúng ta rằng việc cử hành Thánh Thể luôn luôn là để chúng ta thực hiện luật yêu thương mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa và chính Ngài muốn chúng ta truyền lại cho người khác”.
Nguồn: Duc Trung Vu, CSsR, Theo Catholic News Agency (06.9.2021)