Lời dẫn nhập và bài giảng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức – Bổn mạng Giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng 09/02/2019 của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, được ghi lại qua ghi âm.

– Lời mở đầu Thánh lễ

Ngày 11 tháng 2 năm 2019, Hội thánh mừng lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức và năm nay Đại hội thế giới cho người bệnh nhân được Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta với chủ đề “Lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không” và sẽ được tổ chức ngày Đại hội Bệnh nhân Thế giới tại Ấn Độ với điểm nhấn là Mẹ Thánh Têrêxa Cancutta, một vị thánh luôn đồng hành với những người đau khổ, những người bệnh tật để biểu lộ tình yêu thương của Thiên Chúa nơi các bệnh nhân.

Với giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng, ngày này cũng trở thành một điểm nhấn và trở thành lịch sử của Giáo xứ Chính Tòa khi lần đầu tiên mừng lễ bổn mạng Giáo xứ ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

Trong tâm tình của sự hợp nhất yêu thương với tất cả lòng tin mến Đức Trinh nữ Maria để qua Mẹ xin tình thương của Chúa tuôn đổ trên chúng ta. Mỗi người đều trở thành bệnh nhân của Chúa với những lầm lỗi, với những khiếm khuyết, với những đau yếu về tinh thần và thể xác để với lời cầu khẩn đặc biệt của Mẹ mà xin Chúa ban những ơn cần thiết cho chúng ta. Nhờ đó, chúng ta trở nên được mạnh sức trong ơn thánh, mạnh sức trong nghị lực, mạnh sức trong tin tưởng, mạnh sức trong phó thác để trở thành niềm hy vọng trong ơn gọi làm người, cũng là ơn gọi Kitô hữu.

Trong tâm tình của lời tạ ơn trong Thánh lễ bổn mạng Giáo xứ và đặc biệt với mỗi người chúng ta, giờ đây chúng ta cùng bước vào Thánh lễ khi nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

– Bài giảng

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Ngày 11 tháng 2 năm 1858, [tức là sau 4 năm, năm 1854, Đức Giáo Hoàng Pio IX đã long trọng tuyên tín cho toàn Giáo hội định tín Đức Trinh nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cả Hội thánh vui mừng với niềm hy vọng mới và chỉ 4 năm sau như vừa nói], tại làng quê bé nhỏ miền Nam nước Pháp, Đức Trinh nữ Maria đã hiện ra với em Bernadette, sinh ra trong một gia đình nghèo. Năm đó, em 14 tuổi.

Buổi sáng ngày 11 tháng 2 (1858) em cùng cô em gái là Toinette và cô bạn Jeanne đi kiếm củi. Khi đến gần hang Massabielle thì phải qua một dòng suối hôm đó khá lạnh, cô em gái và cô bạn đã cởi giày và qua trước, còn Bernadette là một cô bé yếu nên khi đến làn nước lạnh, cô có vẻ chần chừ, chưa muốn cầm giày và lội qua. Lúc đó, tự nhiên có một cơn gió mạnh thổi đến và Bernadette hoảng sợ. Nhìn đằng sau không có gì cả, cô nhìn vào hang đá, nơi mà cô vẫn ngại ngùng không muốn bước vào vì nơi đó tối tăm và là nơi chăn súc vật bẩn thỉu.

Nhưng thật ngạc nhiên! Khi một cơn gió nữa thổi lên, cô nhìn lên thấy hình ảnh của một người nữ hiện ra trên đỉnh hang đá. Người nữ mình mặc áo trắng, thắt lưng xanh, đội voan cũng màu trắng, trên tay là một cổ tràng hạt màu vàng, bàn chân đi đất và trên mỗi bàn chân cũng có một bông hoa hồng màu vàng. Người thiếu nữ đó mỉm cười và Bernadette kể lại, Bà rất đẹp. Người thiếu nữ đó rất đẹp, mỉm cười với Bernadette. Quá sức sợ hãi, Bernadette càng bước chạy không được và thấy Bà mỉm cười như muốn vẫy em trở lại. Em liền giơ tay lên để lần chuỗi. Khi cầm tràng chuỗi trên tay, em đã làm dấu được. Bà cùng lần chuỗi và cũng mấp máy môi nhưng không nói thành tiếng. Sau khi lần hạt xong, Bà đã biến đi.

Cho đến lần thứ ba liên tiếp như vậy, ngày hôm sau, Bà hỏi em có thể đến đây tiếp được không? Bernadette đã tới và chúng ta biết cuộc sống cứ thế xảy ra với bao nhiêu sự cản trở của những người chung quanh vì cho rằng Bernadette đang ảo tưởng.

Thế nhưng lần thứ ba, Bà cũng nói tiếp, “Hãy mời gọi và ăn năn đền tội” và “Mời gọi cầu nguyện cho kẻ có tội”. Bà mời gọi Bernadette tiếp tục đến đấy trong vòng hai tuần. Tất cả những ngày mà Bà hiện ra với Bernadette là 18 lần. Trong lần thứ 16 thì Bà đã nói theo từ ngữ mà Bernadette đã từng hỏi theo ý Cha xứ cũng như của Hội Thánh: “Bà là ai?”, “Tên Bà là gì?”. Và Bà đã nói “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai”.

Đức Trinh nữ đã chỉ cho Bernadette cào đất lên và dòng nước chảy lên. Bà đã nói với Bernadette “Hãy uống nước này. Hãy tắm rửa nơi đây để cho những người tội lỗi, những người bệnh tật được ơn khỏi bệnh và được ơn hối cải.”

Giáo hội với biết bao khó khăn và thử thách đã nhận ra một dấu hiệu từ trời để tuyên bố sự kiện Đức Trinh nữ Maria hiện ra với Bernadetta là dấu ấn, là sự thật và đem lại những giá trị của niềm hy vọng. Chính Bernadette đã cảm nhận lời hứa của Đức Mẹ “Ta không hứa cho con cuộc sống ngay ở đời này, nhưng ta hứa cho con cuộc sống ở đời sau.” Sau này, chị đã dâng mình để trở thành một nữ tu và kết thúc cuộc đời vào năm 33 tuổi. Chị đã được phong hiển thánh và sự kỳ lạ đó là thân xác của Bernadette không bị tan rữa.

Ngày hôm nay, khi chúng ta mừng lễ Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, lễ này được chính Đức Giáo Hoàng Pio XII đã thiết lập 5 năm sau ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Ban đầu, lễ này được gọi là lễ kính, nhưng sau này theo phụng vụ mới, lễ này được gọi lễ nhớ tự nhiên tức là tùy theo mỗi nơi không còn lễ buộc, nhưng tùy theo bổn mạng hoặc những nơi tôn vinh Đức Mẹ một cách đặc biệt sẽ trở thành bậc lễ theo như ý của Hội Thánh.

Với Giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng, khi đã chọn lựa ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức thì lễ này sẽ trở thành lễ trọng của Giáo xứ và có thể áp cả ngày Chúa nhật thường niên để mừng một lễ trọng duy nhất trong năm.

Ngày hôm nay, trong tinh thần của ngày Xuân, Cha Quản xứ đã từng xin Đức Cha dâng chính ngày lễ bổn mạng của Giáo xứ là sáng Thứ Hai tới (12-02). Thế nhưng, ngày Thứ Hai cũng là ngày đi làm của quý ông bà và anh chị em. Hơn nữa, ngày Thứ Hai cũng là ngày mà Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp sẽ nhậm chức Giám mục tiên khởi Giáo phận Hà Tĩnh và Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long sẽ nhậm chức Giám mục Giáo phận Vinh vào ngày Thứ Ba (13-02). Chính vì vậy các Đức Giám mục sẽ đều hiện diện ở Hà Tĩnh và Vinh. Vì vậy, Đức Cha đã đề nghị sẽ dâng lễ bổn mạng cho Giáo xứ chúng ta ngày hôm nay. Chắc chắn ngày hôm nay sẽ trở thành một lịch sử của Giáo xứ để từ nay Giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng có Đấng Bổn mạng là Đức Mẹ Lộ Đức.

Chúng ta cũng cần biết vào năm 1992, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định thành lập Ngày Thế giới Bệnh nhân và ngày đó lần đầu tiên được cử hành vào ngày 13/5/1992, sau đó, ngày này được quyết định mừng ngày đầu tiên vào ngày 11/2/1993.

Theo lịch của Hội Thánh, năm nay mừng kỷ niệm lần thứ 27 Ngày Thế giới Bệnh nhân. Đức Giáo Hoàng Phanxicô của chúng ta đã quyết định ngày Thế giới Bệnh nhân được mừng tại Ấn Độ với chủ đề “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì anh em hãy trao ban nhưng không.”

Với chúng ta, cảm nhận lễ bổn mạng Đức Trinh nữ Maria hiện ra tại Lộ Đức cho chúng ta điều gì? Lời mời gọi của Mẹ đó là “Ăn năn đền tội”, “Đọc kinh cầu nguyện” và để “Cầu cho kẻ có tội”. Chính chúng ta nữa cũng cảm nhận lời mời gọi của Mẹ với Thánh nữ Bernadette. Đó là mời gọi mọi người “Hãy uống nước này” và “Hãy tắm rửa ở đây” để trở nên dấu ấn của tình thương và niềm hy vọng.

Nếu đã từng đi thăm Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại nước Pháp, chúng ta cảm nhận hằng năm có mấy triệu người đến đấy để tôn vinh Đức Trinh nữ, để cầu xin được ơn hoán cải. Giáo hội nhìn nhận những phép lạ tỏ tường. Nhưng chúng ta biết hằng ngàn ngàn phép lạ khác, những phép lạ của đức tin làm sống lại những giá trị của cuộc đời mình vẫn được tiếp diễn tại Hang đá Lộ Đức ngày hôm nay. Nơi đó xây một bệnh viện có khoảng 900 phòng cho các bệnh nhân trên khắp thế giới có thể đến đấy ở, đến đấy đọc kinh cầu nguyện. Chúng ta biết ai đến đấy cũng cảm nhận một giá trị lớn lao, ai cũng chỉ mong mình được uống dòng nước ở nơi đó và có nơi để dành cho người muốn tắm rửa nước từ Hang đá đó vọt lên, từ chính chỗ mà Đức Mẹ đã chỉ cho Bernadette. 

Vào năm 1858,  sau 7, 8 tháng khi sự kiện Đức Mẹ hiện ra cùng Bernadette với sự chống đối của nhà cầm quyền cũng như giáo quyền đương thời, đã có rất nhiều sự khó khăn thử thách để xác định chính xác và chứng nhận sự hiện diện đích thực của Đức Mẹ đã hiện ra tại đó. Nhưng với sự can đảm của Cha Chính xứ cũng như lòng tin mãnh liệt của ngài, sau này dần dần mọi người đã nhận ra phép lạ huyền nhiệm từ lời cầu của Đức Trinh nữ Maria tại Lộ Đức.

Người ta kể lại rằng một phép lạ đã được Giáo Hội nhìn nhận vào tháng 7 năm 1858, cậu bé Phillip lúc đó chỉ mới hai tuổi, sinh ra đã bệnh tật và hai tuổi mà không thể đi được. Xem ra tình trạng của em ngày càng tồi tệ hơn. Cho đến ngày bà mẹ của em cảm thấy như hết niềm hy vọng, nhưng lúc đó Hang đá Lộ Đức đã trở thành điểm đến của mọi người. Tuy đang bị cấm đoán và đã có hàng rào ngăn cấm không cho chạy vào trong, ở đó vẫn được lén xây một bể nước để dòng nước từ cái nguồn mà Đức Mẹ chỉ ra chảy vào bể nước và chảy xuống.

Vào một ngày người mẹ cảm thấy tuyệt vọng khi con mình ở trong tình trạng hấp hối, bà có một niềm tin thật mãnh liệt. Không sợ gì trước sức mạnh của người đời, bà liền bế cậu bé Phillip hai tuổi trong cơn hấp hối, chạy vội đến hang Massabielle. Khi đến đấy, tuy bị ngăn cấm, Bà vẫn cứ chạy vào. Người ta thật ngạc nhiên khi thấy bà đến hang đá và dìm con mình xuống bể nước lạnh. Những người đang ở chung quanh hết sức hoảng hốt, cố ngăn cản bà vì cho rằng dìm như vậy thì cậu bé sẽ chết. Nhưng với đức tin sắt đá và sự can đảm của người mẹ, bà dứt khoát không cho ai động đến cậu bé. Bà cứ dìm cậu bé ở bể nước lạnh như vậy. Lúc sau, bà mới nhấc cậu bé lên. Mọi người hết sức ngạc nhiên vì cậu bé Phillip vẫn đang thở bình thường. Mọi người ồ lên “Đó là phép lạ!”

Phép lạ không chỉ dừng lại bởi cậu bé không chết khi dìm sâu xuống bể nước của Đức Mẹ Lộ Đức. Khi trở về nhà, cậu bé đã hồi phục và bắt đầu đi được. Theo lệnh của Tòa Thánh và của Đức Giám mục giáo phận, các bác sĩ, các nhà y khoa đã đến kiểm tra cho cậu và sau đó tuyên bố đây là một mầu nhiệm không thể giải thích được một cách tỏ tường. Đó chính là phép lạ Lộ Đức.

Ngày hôm nay khi chúng ta hiện diện nơi đây trong Ngày Thế giới cho Bệnh nhân, chúng ta nói những tâm tình của Thánh Gioan Tông đồ: “Ai nói mình không có tội, tức là kẻ nói dối”. Nếu chúng ta đều là tội nhân thì cũng là bệnh nhân của Chúa. Có thể chúng ta là bệnh nhân tinh thần hay bệnh nhân thể lý, bệnh nhân của những lầm lỗi, khiếm khuyết hay bệnh nhân của những căn bệnh cuộc đời. Có những căn bệnh thể xác, có những căn bệnh tâm linh, có những căn bệnh lý trong cuộc đời. Và đã là bệnh nhân thì chúng ta đều mong muốn được sự thuyên chữa của tình thương Thiên Chúa qua lời cầu của Đức Mẹ và đặc biệt nơi Đức Mẹ Lộ Đức, bổn mạng của các bệnh nhân.

Ngày hôm nay chắc chắn quý ông bà, anh chị em đã được chuẩn bị để đón nhận bí tích xức dầu, nhưng mỗi chúng ta nữa cũng cảm thấy thật rung động khi chúng ta mừng lễ này. Cảm nhận được chữa chạy, cảm nhận được chạm đến, cảm nhận được yêu thương, cảm nhận được tin tưởng, cảm nhận được phó thác, cảm nhận được chờ đợi. Và nói như tâm tình của mỗi chúng ta ngày hôm nay qua sứ điệp của Đức Thánh Cha: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy trao ban nhưng không.”

Chính Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa nghe, mà mỗi ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, bài Tin Mừng này lại vang lên, đó là Tiệc cưới Cana.

Tiệc cưới Cana cho chúng ta cảm nhận một mầu nhiệm thật lớn lao của quyền năng Thiên Chúa như cảm nhận một ân tình đẹp đẽ nhất của Đức Trinh nữ Maria để lại cho đôi tân hôn cũng như cho mỗi người đang cần đến sự đỡ nâng của ơn thánh. Đó là kể cả sự chúng ta chờ đợi, kể cả sự không chờ đợi như đôi bạn trẻ lúc đôi tân hôn trong Tiệc cưới Cana. Đôi bạn trẻ đã được ơn lạ kể cả khi mình không biết. Thế nhưng, với đôi mắt nhân từ của Đức Mẹ và đôi mắt yêu thương của một người mẹ, đôi mắt rung động của một người nữ, một Trinh nữ mà đã yêu thương hai bạn trẻ, yêu thương gia đình, đã nói cùng Con mình “Họ hết rượu rồi!” Lời của Đức Giêsu: “Hỡi Bà, tôi với Bà có can chi đâu! Giờ tôi chưa đến!”, nói lên vị trí của Đức Trinh nữ Maria, giờ đây trong cương vị của Mẹ Nhân Loại, của Mẹ Giáo Hội, của Mẹ mỗi người chúng ta, thì xem ra như một sự khước từ. Đó là “Giờ tôi chưa đến.” Nhưng Đức Maria vẫn tin tưởng với con của mình là Thiên Chúa Nhập Thể, là Tình Yêu Thương, là Niềm Hy Vọng. Cho nên Mẹ đã nói với những người giúp việc “Người bảo gì thì hãy làm theo.”

Chính lời mời gọi của Mẹ mà những người giúp việc đã sẵn sàng để lắng nghe, sẵn sàng để chờ đợi, sẵn sàng để được say. Chính vì vậy họ dám tin những gì Chúa Giêsu nói: “Hãy đổ nước đầy các chum!” Họ đã cộng tác. Khi những chum nước đầy thì cũng chính là những chum nước lã đó mà họ dám tin khi Chúa bảo: “Hãy múc cho người quản tiệc uống!” Họ đã làm theo. Chúng ta cảm nhận niềm tin của những người giúp việc lớn đến đâu. Niềm tin đó có được nhờ họ tin vào lời của Đức Mẹ. Họ tin vào quyền năng của Chúa Giêsu như là tin vào sự hiện diện của Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Nhờ lời nói uy quyền của Ngài, họ đã tự biến đổi cuộc đời mình. Biến đổi để vâng lời và biến đổi để phục vụ. Và như thế phép lạ đã tiếp diễn.

Phép lạ luôn cần sự đỡ nâng của những người bên cạnh. Phép lạ luôn cần những người khác cộng tác. Như khi Chúa hóa bánh ra nhiều, Ngài cũng mời gọi các môn đệ: “Ở đây có gì ăn được không?”, thì các môn đệ nói: “Ở đây có một cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ.” Và cậu bé đã dám trao tặng phần nhỏ bé của mình như là tất cả của mình.

Rõ ràng lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô như chạm tới mỗi người chúng ta: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy trao ban nhưng không.” Chúng ta lãnh nhận từ Chúa sức khỏe, niềm vui, bình an, tài đức, khả năng, kể cả những cơ sở vật chất và những điều cần thiết mà chúng ta có. Chúng ta trao ban nhưng không để những ơn gọi của Chúa vang lên, sẵn sàng yêu thương, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng sẻ chia như hình ảnh cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá, như hình ảnh của những người giúp việc trong Lời Chúa hôm nay với lời mời gọi của Đức Mẹ: “Người bảo gì thì hãy làm theo” và tiếng gọi của Chúa: “Ở đây có gì ăn không?”

Rõ ràng như vậy sự trao ban những gì mình có bởi vì mình đã “lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không.” Chính điều đó sẽ đỡ nâng những người già, những người bệnh, những người đau yếu, những người gặp khó khăn trong cuộc đời này nhiều lắm luôn ở bên cạnh chúng ta. Chính chúng ta nữa, khi chúng ta cảm thấy mình đau yếu phần hồn, đau yếu điều này, đau yếu điều kia, hãy dám xin ngỏ lời cùng Đức Trinh nữ Maria để tiếng gọi âm thầm của Mẹ qua trái tim, qua nghị lực, qua ý chí của chúng ta để dám tin vào tình thương, quyền năng của Thiên Chúa và chính niềm tin đó với ơn ban của Chúa sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta trở nên can đảm, mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc đời này và cũng trở thành dấu chỉ của Niềm Tin, Tình Yêu và Niềm Hy Vọng.

Chắc chắn những người cha, người mẹ, người ông, người bà, những người yếu đuối, những người bệnh nhân luôn cảm thấy được an ủi, được khích lệ bởi những người chung quanh, bởi những người thân yêu của mình trong những cơn bệnh tật thể xác và tâm hồn để cảm nhận một mầu nhiệm lớn lao của hồng ân Thiên Chúa và để cầu nguyện cho tất cả trong ân sủng và yêu thương.

Trong tâm tình của ngày bổn mạng Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức chúng ta càng cảm thấy ý nghĩa lớn lao trong ngày hôm nay với ý nghĩa đó cũng chạm tới cuộc đời chúng ta để chúng ta cũng trở nên dấu chỉ của tình thương và niềm hy vọng.

Chúng ta cầu xin cùng Mẹ để xin Mẹ cầu nguyện cùng Chúa, cầu bầu cùng Chúa để Chúa ban ơn cần thiết cho chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời mình hay những cơn bệnh của cuộc đời mình. Nhờ đó, chúng ta trở nên những người mạnh khỏe trong ơn thánh, mạnh khỏe trong yêu thương, mạnh khỏe trong hy vọng, trở nên như lời mời gọi của Đức Trinh nữ Maria với thánh nữ Bernadette: “Con hãy mời gọi mọi người hãy đến đây, hãy xây nhà nguyện tại đây và mọi người cùng đến đây để tắm, rửa, uống dòng nước mà ta chỉ cho con để đón nhận tình thương, đón nhận một niềm hy vọng mới”.

Nguyện xin tình thương của Chúa qua lời cầu của Đức Trinh nữ Maria hiện ra tại Lộ Đức ban muôn ơn lành cho Giáo xứ Chính Tòa, cho Giáo phận chúng ta, cho mỗi người chúng ta trở nên những tinh thần phục vụ, yêu thương, tin tưởng, phó thác và đồng hành với những anh chị em, với ông bà, cha mẹ, với những người thân yêu của chúng ta và những người bệnh trong cuộc đời này để chúng ta cảm nhận một mầu nhiệm yêu thương luôn lan tỏa để sống như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 27: “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không”.

Xin được như vậy. Amen.