Hội Đồng Giám Mục Ý vừa đệ trình Đức Thánh Cha Phanxicô ấn bản mới của bộ Sách Lễ Rôma. Đây là bản in đầu tiên đặc biệt cho Đức Thánh Cha vì ngài thường cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Ý.
Hội Đồng Giám mục Ý đã dành gần 20 năm để hoàn thành bản dịch mới này và có những đề xuất sửa đổi lên Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích.
Việc sử dụng bộ sách lễ mới là bắt buộc trên toàn nước Ý từ lễ Phục Sinh ngày 04 tháng 04 năm 2021, nhưng các linh mục có thể bắt đầu sử dụng bản dịch này ngay sau khi các ngài có bản Sách Lễ Rôma mới này trong tay. Các giám mục địa phương có thể ấn định một ngày sớm hơn để sử dụng trong giáo phận của các ngài.
Được biết đây là bản dịch Sách Lễ Rôma lần thứ ba kể từ sau công đồng Vaticanô II. Với việc đệ trình sách lễ mới cho Đức Thánh Cha đây, giáo hội tại Ý sẽ có những thay đổi trong các bản văn dùng trong phụng vụ Thánh Lễ, cụ thể là kinh Lạy Cha và kinh Vinh Danh được thay đổi để tương hợp với bản dịch Thánh Kinh đã được các giám mục phê chuẩn năm 2002 để dùng trong phụng vụ.
1. Kinh Lạy Cha: Câu cuối trong kinh Lạy Cha cũ theo tiếng Ý là “non ci indurre in tentazione” (tương đương tiếng Anh: “do not lead us into temptation”, tạmdịch tiếng Việt: “Xin đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ”); câu này nay được đổi lại thành: “non abbandonarci alla tentazione” (tương đương tiếng Anh: “do not abandon us to temptation”), để sát nghĩa hơn với kinh Lạy Cha trong Phúc Âm Mt 6,13. Kinh Lạy Cha chúng ta thường đọc: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” được coi là theo sát với Tin Mừng hơn.
2. Kinh Vinh Danh: Bản dịch cũ Sách Lễ Rôma tiếng Ý ghi là: “Gloria a Dio nell’alto dei cieli e pace in terra agli uomini di buona volontà”, (tương đương tiếng Việt: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”, và chúng ta cũng đọc như thế); nay được đổi lại thành: “Gloria a Dio nell’alto dei cieli e pace in terra agli uomini amati dal Signore” (tương đương tiếng Việt: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”) tương hợp hơn với Phúc Âm Luca 2,14.
3. Một thay đổi đáng lưu ý nữa là trong lời truyền phép Máu Thánh, cụm từ “pro multis” trong bản La Tinh, nghĩa là “cho nhiều người” được dịch là “per tutti” nghĩa là “cho mọi người”. Theo Đặng Tự Do trong vietcatholic.net dẫn lời các chuyên gia Phụng Vụ thì cách dịch “cho nhiều người” là cách dịch trung thành của cụm từ “pro multis”, trong khi “cho mọi người” là một lời giải thích có tính chất thiên về giáo lý.
Ngoài ra, “từ ngữ “cho nhiều người”, trong khi vẫn mở cửa cho sự bao gồm mọi người, phản ảnh sự thật rằng ơn cứu độ không được mang lại một cách máy móc, bất kể sự ưng thuận hay không của người ta; thay vào đó người tín hữu được mời gọi chấp nhận trong đức tin của lễ đang được vị chủ tế dâng lên, và tiếp nhận sự sống siêu nhiên, vốn được trao cho các người tham gia trong mầu nhiệm này, và sống mầu nhiệm ấy trong cuộc sống của họ.
Sách lễ Rôma tiếng Việt ấn bản 1992 dùng cụm từ “cho mọi người”. Tuy nhiên, ấn bản Sách lễ Rôma 2002 chúng ta dùng hiện nay, được Toà Thánh phê chuẩn năm 2005 dịch lại cụm từ “pro multis” là “cho nhiều người”, cụ thể như sau:
Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống:
Vì này là chén Máu Thầy,
Máu giao ước mới và vĩnh cửu,
sẽ đổ ra cho các con
và nhiều người được tha tội.
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
An Vi tổng hợp theo
https://cruxnow.com/vatican/2020/08/pope-gets-first-copy-of-italian-missal-translation
http://www.vietcatholic.net/News/Html/258242.htm
ngày 03/09/2020