(Thuật lại từ một câu chuyện thật. Tên nhân vật được thay đổi)

“Tôi là hạt giống nảy mầm muộn”, ông Phan chia sẻ trong bữa liên hoan ngày khoá giáo lý dự tòng của ông lãnh nhận các bí tích Khai tâm.

Ông là một giáo viên mới nghỉ hưu. Cách đây hơn 30 năm, ông là một giáo viên trẻ mới ra trường, được phân công về một trường cấp III thuộc vùng kinh tế mới. Đất nước lúc bấy giờ thời bao cấp. Với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, ông không ngại hy sinh gian khổ.

“Vì một định kiến nào đó,” ông nhớ lại, “tôi hay ‘soi’ mấy học sinh Công giáo.” Ngay tiết học đầu tiên tôi hỏi: “Trong lớp này, em nào theo Thiên Chúa giáo?” Vài cánh tay rụt rè đưa lên. “Thôi, bỏ tay xuống.” Tôi không nói gì thêm. Trong thâm tâm, tôi không ghét bỏ gì các em ấy, nhưng vì những định kiến nào đó, tôi không mấy thiện cảm với cái “mác” Thiên Chúa giáo. Và hẳn các em cũng cảm thấy điều đó.

Một ngày kia các em đến gặp tôi, xin thầy cho nghỉ một buổi lao động ở trường. Tôi hỏi lý do, em này đùn đẩy em kia. Cuối cùng, Tâm, một em trong số đó thay mặt nói: “Thưa thầy, chúng em về tập lễ Giáng Sinh.” – “Hả? Tập cái gì?” – “Dạ thưa, tập chuẩn bị lễ Noen”. Tất nhiên tôi không coi đó là lý do chính đáng. Các em tiu nghỉu; làm xong công tác các em vội vã đạp xe đạp về nhà cách trường hơn 15 cây số. Ngày lễ Giáng Sinh lại là ngày thi học kỳ. Thi xong các em lại vội vã đạp xe về cho kịp lễ. Tôi trầm ngâm nhìn theo suy nghĩ. Đạo Công giáo có cái gì mà chúng “ghiền” như thế?

Rồi một hôm có bài kiểm tra một tiết. Tâm ngồi cắn bút, cuối cùng nộp bài giấy trắng. Tôi hỏi một câu thừa: “Em không viết gì hết sao?” – “Dạ, em không.” – “Sao em không học bài?” Em không trả lời, chỉ cúi đầu rơm rớm nước mắt. Tôi nghiêm mặt dạy dỗ: “Tuổi em là tuổi ăn tuổi học. Những chuyện phù phiếm trên trời phải tránh xa. Phải tập trung rèn luyện, rồi mai sau mới có thể giúp ích cho đời cho xã hội. Rồi lớn lên, em sẽ hiểu điều gì thực sự hữu ích cho em.”

Nói thế, nhưng lần này, tôi phải suy nghĩ nhiều hơn. Trong giờ kiểm tra không thiếu gì học sinh quay cóp. Tôi coi như không biết gì. Coi thi nghiêm túc quá thì chả bõ học sinh nó ghét, mà lại ảnh hưởng đến thành tích của mình. Thôi thì nhắm mắt làm ngơ cho nó lành. Tôi thầm cảm thấy xấu hổ: Động lực nào khiến Tâm thà nộp giấy trắng chứ không gian dối để kiếm những con điểm tròn trịa?

Hôm sau và những hôm sau nữa, Tâm không đến trường. Hỏi ra mới biết, thời gian đó em phải chăm sóc ba em bệnh nặng nằm bệnh viện. Nhưng rồi ba em cũng không qua khỏi. Cả gia đình em về quê. Thế là cho tới nay, tôi không gặp lại Tâm nữa. Nhưng hình ảnh của em và câu hỏi về em vẫn day dứt trong tôi. Dần dần tìm hiểu, và rồi tôi tìm ra câu trả lời. Em sống theo niềm tin của em vào lời Chúa: “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt là do ma quỷ.”

Hạt giống đức tin gieo vào hồn tôi như thế đó. Tuy muộn màng nhưng cuối cùng ngày hôm nay, nó đã nảy mầm. Và hy vọng sẽ sinh bông hạt… gấp trăm.

Hoàng Mai