Bài phỏng vấn của Olivia de Fournas
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org (17/12/2020)

Một số cách bạn có thể thử nếu việc sử dụng thiết bị màn hình đã trở thành nguồn gốc của xung đột trong gia đình.

Quy định giờ sử dụng điện thoại di động có thể dạy thanh thiếu niên quản lý sự thất vọng của họ. Nhà trị liệu tâm lý Didier Pleux, tác giả cuốn sách Développer le self-control de ses enfants (Phát triển khả năng tự kiểm soát của con bạn), đưa ra lời khuyên về vấn đề này.

Tại sao các bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn trong việc điều chỉnh thời gian sử dụng màn hình?

Didier Pleux: Không giống như tivi hay máy tính, thanh thiếu niên mang điện thoại di động trên người như một thứ quần áo. Điều đó cho phép chúng sống cuộc sống của riêng mình, thậm chí thoát khỏi gia đình và các mối tương quan. Đây là một trường hợp cực đoan, như tôi vừa gặp một người mẹ đã hạn chế thời gian của cậu con trai nhỏ sử dụng điện thoại di động vì điểm số học hành của cậu quá kém, và cậu bé đã đến đồn cảnh sát để phàn nàn về việc bị cha mẹ ngược đãi. Chúng tôi phải giải thích cho trẻ em hiểu rằng điện thoại di động là một công cụ để liên lạc, không phải là một quyền bất khả xâm phạm.

Các bậc cha mẹ có cần hành động đến mức cấm sử dụng điện thoại di động hoàn toàn không?

Có, khi một thanh thiếu niên không thể tự mình kiểm soát việc sử dụng màn hình của mình; ví dụ, nếu cậu ấy đang lướt web để xem nội dung khiêu dâm. Xét về mặt tổng quát, cha mẹ nên thông cảm với con cái, nhưng cha mẹ cũng có quyền không đồng ý và mâu thuẫn với con. Với một đứa trẻ biết tự chủ, việc sử dụng điện thoại di động của mình để gửi tin nhắn cho bạn bè, việc sắp xếp thời gian sử dụng thiết bị không phải là vấn đề. Vấn đề nảy sinh khi con cái là những đứa trẻ nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng, và là những đứa không giỏi chịu đựng sự vỡ mộng. Nếu không có sự sắp xếp của người lớn, chúng truy cập ngay lập tức vào các trang web được gợi ý hoặc chơi trò chơi điện tử hàng giờ, nhằm đạt được sự vui thích trước mắt. Nếu trẻ lướt qua các trang web cấm trẻ vị thành niên hoặc sử dụng các trang web đó theo chiều hướng lạm dụng, tại sao chúng ta lại để chúng có điện thoại di động?

Nếu chúng ta lấy điện thoại thông minh của chúng, chúng có thể sử dụng Internet tại nhà một người bạn, điều này làm tiêu tan mục đích.

Đúng, nhưng chuyện chúng phải làm việc này ở nơi khác và không có sự chấp thuận của cha mẹ lại là chuyện hoàn toàn khác, bởi vì chúng biết rằng chúng đang không vâng lời cha mẹ.

Áp dụng “Quy tắc ứng xử tốt trong gia đình” đối với điện thoại thông minh sẽ khiến mọi việc ra như thế nào?

Đó sẽ là một thỏa thuận do cha mẹ quyết định, trong đó quy định thời gian sử dụng điện thoại di động, tương tự như quy định thời gian cho các hoạt động khác. Đưa điện thoại di động cho trẻ mà không giới hạn, điều đó hàm ý trẻ phải biết tự điều chỉnh, nhưng liệu một đứa trẻ 11-12 tuổi sẽ tự nhiên biết chọn điều đúng đắn không? Chẳng hạn, những lời gạ gẫm tình dục có rất nhiều trên internet và những người có mục đích xấu sẵn sàng giải thích cho những người mới tập tành cách kết nối với những trang này.

Một khi bạn đã quy định lịch truy cập internet, làm thế nào bạn có thể giúp chúng xử lý tâm trạng thất vọng mà chúng cảm thấy khi sử dụng internet?

Bạn phải bắt đầu sớm, nếu không nó sẽ trở thành một cuộc chiến liên miên. Hạn chế quyền tự do của chúng trên internet không có nghĩa là để trừng phạt, tước bỏ quyền tự do của chúng, hoặc kích hoạt cơn giận dữ; nhưng là để nâng cao ngưỡng chịu đựng của trẻ, dạy chúng học cách tự làm điều này. Chúng có giúp việc nhà, lo cơm nước, lo giặt giũ quần áo bẩn không? Nếu chúng không có lịch trình hoặc bổn phận thường xuyên phải làm và được cho ăn bất cứ khi nào phù hợp với chúng, thì làm sao chúng có thể đột ngột chấp nhận bị tước bỏ toàn bộ điện thoại di động? Cha mẹ phải dạy cho con những quy tắc của cuộc sống thực tế và ý thức về sự cố gắng, phù hợp với lứa tuổi của chúng. Chúng ta có thể cho phép chúng truy cập Internet sau khi đã thảo luận với chúng và hỏi chúng về việc chúng định sử dụng internet để làm gì.

Có phải bạn muốn nói đến một thời điểm nào đó là đã quá muộn không thể giới hạn thời gian sử dụng thiết bị của con bạn bằng cách cất điện thoại di động đi?

Nếu cha mẹ suốt ngày cắm mặt vào màn hình thì càng khó hơn. Việc loại bỏ màn hình cũng không phù hợp nếu trẻ không có giới hạn trong các lĩnh vực khác, nếu cái tôi của chúng đã quá phát triển, nếu chúng không thể học trong lớp. Mọi thứ trong cuộc sống của một đứa trẻ đều có mối liên hệ với nhau, và nếu chúng vẫn đang sống trong một thế giới dễ dàng đạt được sự vui thích, thì ngay cả một chút thất vọng cũng trở nên không thể chịu đựng được. Nếu đứa trẻ có đủ khả năng để tự tìm sự vui thích, chúng lại không có khả năng dắt chó đi dạo, dọn bàn ăn, chịu trách nhiệm về công việc gia đình, kiếm tiền tiêu vặt hay sao? Những hành động nhỏ này giúp chúng tránh nhiễm phải tính không chịu nổi sự vỡ mộng. Ví dụ, Hướng Đạo Sinh là một trường học tuyệt vời cho cuộc sống. Đốt lửa, dựng trại, chuẩn bị thức ăn: các hướng đạo sinh có được niềm vui lớn hơn khi học cách tự làm mọi việc so với những thanh thiếu niên nhàn rỗi được phục vụ mọi thứ mà không cần thắc mắc. Tương tự như thế, một nền giáo dục tôn giáo, về nguyên tắc, có thể giúp trẻ vượt qua quy luật của bản ngã, để cảm thấy rằng người ta không ở trên mọi thứ, cách này cách kia.

Sự thất vọng tác động như thế nào ở cấp độ tâm lý học và thần kinh học?

Phần não bộ cảm xúc nguyên khởi được lập trình dành cho niềm vui, ăn uống, tồn tại và ngủ nghỉ. Nếu một đứa trẻ không quen với việc hoãn lại khoái cảm, thì vỏ não, tức là trí thông minh suy nghĩ của chúng, sẽ yếu đi. Ngập tràn trong khoái cảm tức thì, không thể cưỡng lại được, người đó sẽ dễ bị nghiện. Đứa trẻ chưa trưởng thành cần một thẩm quyền đạo đức để ngăn chặn sự bốc đồng của chúng (“id” trong phân tâm học). Lúc đầu, cha mẹ chịu trách nhiệm về việc đó; rồi thường thì sau đó, lương tâm chịu trách nhiệm. Sự cân bằng giữa sự thích thú và sự khó chịu cần phải học tập mới có – và trái ngược với những gì chúng ta thường nghe, sự cân bằng đó không bẩm sinh – bởi vì đứa trẻ tự nhiên có xu hướng nghiêng về sự thích thú. Đứa trẻ là một con người đầy những cảm xúc, nó có thể được giáo dục và, hơn nữa, những đứa trẻ thiếu vắng những người lớn quan trọng sẽ cảm thấy rất coi khinh cha mẹ thường xuyên vắng mặt của chúng.

Giới hạn thời gian sử dụng điện thoại di động tạo ra cảm giác bực bội mạnh hơn nhiều so với các lãnh vực khác. Tại sao sự thất vọng liên quan đến điện thoại di động trở nên dữ dội hơn?

Chứng nghiện màn hình đã được điều trị tại các trung tâm chuyên biệt. Theo luật sư Joël Bakan, tác giả cuốn sách Nos enfants ne sont pas à vendre [Con của chúng ta không phải để bán], màn hình có sức gây nghiện ngang ngửa một loại ma túy. Khi bị kéo khỏi trò chơi điện tử yêu thích, trẻ có thể bị tràn ngập trong lo lắng, tức giận và trầm cảm. Đây là những triệu chứng giống như một người nghiện heroin hít thuốc, vì việc sử dụng màn hình gây ra những kích thích trong phần não bộ cảm xúc khiến trẻ mất ý thức thời gian và khiến trẻ không thể thoát ra được. Đó là lý do tại sao bạn không nên xóa tất cả các màn hình cùng một lúc. Điều hòa việc sử dụng điện thoại di động cho phép đứa trẻ phát triển khả năng khám phá ra rằng chúng sẽ hài lòng nhiều hơn nếu chúng biết hoãn việc sử dụng điện thoại di động lại.

Bạn muốn giới thiệu cách sử dụng điện thoại và màn hình cụ thể nào?

Việc không trả lời tin nhắn văn bản ngay lập tức cho phép có nhiều thời gian hơn để thực sự nói chuyện, tập trung vào bài tập ở trường hoặc vào thời điểm hiện tại. Không trả lời tin nhắn ngay lập tức cho phép đứa trẻ trì hoãn và nhân hóa mong muốn của chúng, giống như niềm vui nhận lại điện thoại di động vào cuối tuần. Cũng cần giải thích rằng điện thoại di động không chỉ là một công cụ đơn giản. Bạn không nên cho phép chúng truy cập internet khi không có người lớn trong nhà. Cho chúng truy cập tự do sẽ tạo ra một thói quen sống khó bỏ. Là trẻ em còn đi học, chúng phải dành hết tâm trí cho bài vở trong tuần. Mặt khác, bạn có thể cho phép một giờ vào thứ bảy và một giờ vào chủ nhật, và có thể vào thứ tư, nếu chúng đã hoàn thành bài tập về nhà.

Nguồn: HĐGMVN